Nghệ An tham gia Hội nghị xúc tiến tiêu thụ và xuất khẩu xoài, nhãn Sơn La
(Baonghean.vn) - Tại Nghệ An, để tiêu thụ nông sản mùa dịch Covid-19, các sở, ngành, đơn vị kinh doanh đã triển khai nhiều giải pháp căn cơ. Trong đó, có việc đẩy mạnh chế biến nông sản tươi thành các sản phẩm OCOP.
Tại điểm cầu Nghệ An, các đại biểu được nghe, nắm tình hình của tỉnh bạn và học hỏi, rút kinh nghiệm, áp dụng vào việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra cho nông sản địa phương. Ảnh: Thanh Phúc |
Ngày 28/5, UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị xúc tiến đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ xuất khẩu sản phẩm xoài, nhãn Sơn La năm 2021. Ở đầu cầu Nghệ An, đồng chí Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương chủ trì cùng sự tham gia của đại diện các sở, ngành và các doanh nghiệp kết nối tiêu thụ, xuất khẩu, hợp tác xã trong tỉnh.
Hiện nay, Sơn La được đánh giá là địa phương có diện tích trồng xoài, nhãn lớn nhất miền Bắc. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Sơn La phát triển được 19.224 ha cây nhãn, sản lượng thu hoạch ước đạt 98.500 tấn. Diện tích trồng nhãn đã được tỉnh quy hoạch hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung tại các huyện Sông Mã, Mường La, Mai Sơn và Yên Châu. Riêng diện tích xoài là 19.026 ha, sản lượng cả năm ước đạt 65.223 tấn cho thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.
Nhãn Sơn La đã có thương hiệu trên thị trường, đã xuất khẩu sang thị trường nhiều nước. Ảnh minh họa |
Để mở rộng thị trường tiêu thụ, Sơn La đã chú trọng đến việc phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn, thương hiệu Sơn La. Đến nay, toàn tỉnh có trên 181 mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 4.700 ha, 37 cơ sở đóng gói xuất khẩu. Sản phẩm xoài, nhãn của Sơn La đã vào được chuỗi phân phối của các siêu thị lớn như: Vinmart, Big C, Lotte... và được tiêu thụ tại các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa… Đặc biệt, xoài, nhãn đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc…
Để hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch Covid-19, phấn đấu tiêu thụ hết xoài, nhãn đảm bảo được mùa, được giá, được thu nhập cho người dân, tại hội nghị lãnh đạo các bộ, ngành, các doanh nghiệp ở các điểm cầu đã thảo luận nhiều giải pháp. Cụ thể: Các trung tâm thương mại, các siêu thị, chợ đầu mối ở các tỉnh, thành ưu tiên tiêu thụ nông sản vùng dịch; Tăng cường quảng bá, đưa nông sản vào các sàn thương mại điện tử; Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường truyền thống và mở rộng sang các thị trường khác; Đẩy mạnh việc chế biến, bảo quản nông sản…
Nghệ An khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở thu mua, chế biến nông sản tươi, bao tiêu cho nông dân trong điều kiện dịch bệnh Covid -19. Ảnh: Thanh Phúc |
Tại Nghệ An, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều nông sản cũng gặp khó trong tiêu thụ, xuất khẩu như: Rau màu các loại, dưa hấu, lạc, chè, thịt lợn… Trước thực trạng đó, các cấp ngành từ địa phương đến huyện, tỉnh đã “kích hoạt” nhiều giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ cho nông dân.
Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho nông dân, Nghệ An đã có nhiều giải pháp căn cơ như: Tạo điều kiện cho các thương lái, các doanh nghiệp thu mua nông sản cho bà con; Vận động các tổ chức đoàn thể kết nối tiêu thụ nông sản; Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử; Kết nối với các siêu thị, hệ thống các cửa hàng thực phẩm có những gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán nông sản Nghệ An… Đặc biệt, khuyến khích các doanh nghiệp, các HTX, các cơ sở thu mua các loại rau, quả tươi chế biến thành các sản phẩm như quả sấy khô, sấy dẻo, các loại mứt, rượu, sản phẩm OCOP…
Bí xanh Đô Lương có mặt tại hệ thống siêu thị Vinmart với tuần lễ "Đặc sản Đô Lương" từ 21/5-29/5. Ảnh: Thanh Phúc |
Tại hội nghị, đồng chí Cao Minh Tú nhấn mạnh: “Tham gia hội nghị, ngoài việc nắm bắt tình hình thực tế của tỉnh bạn, tham gia tiêu thụ vải thiều thì đây còn là cơ hội để các ngành, các doanh nghiệp Nghệ An học hỏi, rút kinh nghiệm, áp dụng vào việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra cho nông sản địa phương”.