Nghệ An: Thiên tai làm thiệt hại kinh tế hơn 1.200 tỷ đồng

Văn Trường 20/03/2023 18:15

(Baonghean.vn) - Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan chủ động các phương án, sẵn sàng ứng phó với những diễn biến bất thường của thiên tai năm 2023.

Chiều 20/3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Dự chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh. Tham dự có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Văn Trường

Năm 2022, Nghệ An có 7 cơn bão và lũ quét kinh hoàng

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngay từ đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, rét hại. Cụ thể, đã xảy ra 22 đợt không khí lạnh; 9 đợt nắng nóng; 33 đợt lốc, sét, mưa đá và mưa lớn; 5 đợt mưa lớn diện rộng. Đặc biệt, sáng 2/10/2022, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có mưa lớn cục bộ gây ra lũ quét, ngập úng nghiêm trọng tại xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén.

Riêng năm 2022, Nghệ An đã đón 7 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông. Trong đó, có 3 cơn bão (số 2,3,4) và áp thấp nhiệt đới (từ ngày 4 - 8/7) ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Nghệ An.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Ảnh: Văn Trường

Hậu quả của thiên tai để lại rất nặng nề, làm chết 12 người, 1 người bị thương, 100 nhà bị sập; 990 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 322 nhà phải di dời khẩn cấp. Thiên tai còn gây ra nhiều thiệt hại về sản xuất nông, lâm nghiệp và các công trình hạ tầng, ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 1.265 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 35 vụ tai nạn, sự cố tàu, thuyền trên biển, cụ thể: 8 vụ tàu cá bị hỏng máy trên biển, 3 vụ tàu cá bị cháy trên biển. Trong đó, có 4 vụ tàu cá bị chìm, 10 vụ thuyền viên bị tai nạn lao động trên biển, 2 vụ phát hiện thi thể trôi dạt trên biển, 8 vụ đuối nước. Tổng cộng làm chết 15 người, mất tích 3 người, bị thương 10 người, 5 phương tiện bị chìm, 10 phương tiện bị hư hỏng.

Mặc dù thiên tai diễn biến phức tạp nhưng công tác phòng, chống đã được tỉnh Nghệ An thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, chuẩn bị tốt cả 3 khâu phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, nên hạn chế được nhiều thiệt hại về người, tài sản.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống thiên tai vẫn còn những hạn chế như: Một bộ phận cán bộ, người dân và chính quyền địa phương còn chủ quan, thiếu chủ động ứng phó; số người tử vong do bão, mưa lớn, ngập lụt vẫn còn xảy ra. Lực lượng cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai ở các địa phương còn một số chưa được đào tạo bài bản; chưa có chế độ, chính sách đặc thù cho lực lượng phòng, chống thiên tai. Vẫn còn tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều gây khó khăn trong công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai...

Chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai khắc nghiệt năm 2023

Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Tiến - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ đưa ra nhận định, năm 2023, dự báo thời tiết sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra tố, lốc, mưa đá sẽ diễn ra nhiều trong thời điểm giao mùa. Dự báo trong thời gian ngắn sắp tới sẽ diễn ra nhiều trận mưa lớn, với lượng mưa lớn hơn trung bình các năm trước.

Ông Nguyễn Xuân Tiến cũng đề nghị các địa phương phối hợp, cung cấp thông tin, nhằm giúp đưa ra những dự báo, cảnh báo sát thực tế nhất, góp phần phòng, chống thiên tai một cách hiệu quả. Cuối tháng 5, đầu tháng 6 trên các sông thuộc tỉnh Nghệ An có khả năng xảy ra một đợt lũ tiểu mãn. Từ tháng 7 đến tháng 9 trên các sông thuộc Nghệ An có khả năng xảy ra 2 - 3 đợt lũ. Cùng với đó, cần đề phòng thiếu nước cục bộ và xâm nhập mặn xảy ra tại các huyện đồng bằng ven biển.

Ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn nêu kiến nghị tại hội nghị. Ảnh: Văn Trường

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, đơn vị bị thiên tai nặng nề trong năm 2022 nêu kiến nghị: Cần sớm triển khai xây dựng khu tái định cư di dời khẩn cấp cho nhân dân thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn gồm 224 hộ dân, để bà con được chuyển đến nơi an toàn, vì mùa mưa bão năm nay đã đến gần. Các ngành liên quan cần phối hợp tìm ra phương án để giải quyết vết nứt, sụt lún, nguy cơ sạt lở núi ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ.

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh năm 2022. Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai ngày càng phức tạp khó lường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương cần chủ động trong công tác chuẩn bị, sẵn sàng triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương đánh giá, rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thời gian qua, qua đó triển khai kế hoạch giải pháp phù hợp, hiệu quả cho năm 2023. Cùng với đó, tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các cấp; xác định rõ trách nhiệm từng thành viên trong chỉ đạo, chỉ huy nhằm thực hiện có hiệu quả.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai; chủ động rà soát, xây dựng phương án, kịch bản ứng phó theo từng cấp độ đối với từng loại hình thiên tai, sự cố, thảm họa thiên tai, sự cố có thể xảy ra trên địa bàn; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời, bảo đảm an toàn tính mạng người dân, khách du lịch.

Đặc biệt, cần đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thi công khẩn trương tu sửa các công trình bị thiệt hại do bão, mưa lũ, phục vụ phòng, chống thiên tai; hoàn thành trước ngày 30/7. Công tác tập huấn, diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải thực hiện nghiêm việc chuẩn bị ở mọi cấp theo phương châm "4 tại chỗ"; hoàn thành trước ngày 30/7.

Các địa phương, đơn vị rà soát, cân đối, ưu tiên nguồn kinh phí để đầu tư, sửa chữa công trình phòng, chống thiên tai bị hư hỏng, không đảm bảo an toàn, nhất là hồ, đập, đê điều, khắc phục sạt lở, ổn định dân cư, khu neo đậu tàu, thuyền tránh, trú bão.

Lũ quét trong năm 2022 ở huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương thành lập các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn theo các cấp, để bổ cứu các phương án tốt nhất, đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/7.

Dịp này, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong năm 2022.

Danh sách 5 tập thể và 5 cá nhân được khen thưởng trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022

Tập thể:

1. Nhân dân và cán bộ huyện Kỳ Sơn.

2. Phòng Kinh tế Báo Nghệ An.

3. Phòng Thời sự Đài PT-TH Nghệ An.

4. Ban Quản lý bảo trì đường bộ Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An.

5. Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Nghệ An.

Cá nhân:

1. Ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn.

2. Ông Phan Văn Hoan - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An.

3. Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương.

4. Ông Nguyễn Sơn Hải - Phó Hải đội trưởng Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An.

5. Ông Ngô Tùng Lâm - Trưởng phòng Quản lý đê điều, Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An.

Nghệ An: Mưa lớn khiến 1 người chết, hơn 400ha rau màu bị ngập úng

27/11/2022

Cảnh báo sạt lở đất và ngập úng ở Nghệ An sau hoàn lưu bão

29/09/2022

Mới nhất
x
Nghệ An: Thiên tai làm thiệt hại kinh tế hơn 1.200 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO