Kinh tế

Nghệ An thiệt hại gần 500 tỷ đồng do thiên tai năm 2024

Quang An 21/04/2025 12:05

Đó là thông tin từ Hội nghị Tổng kết công tác Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 do UBND tỉnh tổ chức sáng 21/4.

Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh; Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường; Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh; Đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu 4; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An; lãnh đạo các sở, ban, ngành, chi cục, địa phương và đơn vị liên quan.

w.jpg
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quang An

Hứng chịu nhiều đợt thiên tai

Năm 2024, tỉnh Nghệ An đã đối mặt với tình hình thiên tai diễn biến phức tạp với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như: 16 đợt không khí lạnh, 2 đợt rét đậm, rét hại, 11 đợt nắng nóng gay gắt, 36 đợt lốc, sét, mưa đá và mưa lớn, 3 đợt mưa lớn diện rộng do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, số 4 và mưa lớn cuối tháng 9…

gr.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Quang An

Thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng về người (7 người chết, 2 người bị thương), nhà cửa (74 nhà sập, hơn 2.000 nhà tốc mái) và sản xuất nông nghiệp - hạ tầng với tổng thiệt hại kinh tế ước tính hơn 486 tỷ đồng. Ngoài ra, có 31 vụ tai nạn, sự cố trên biển làm 15 người chết, 1 người mất tích và gây hư hỏng nhiều phương tiện thủy.

Tuy nhiên, công tác phòng chống thiên tai đã được triển khai quyết liệt và đồng bộ ở cả ba khâu: phòng ngừa - ứng phó - khắc phục. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các cấp được kiện toàn, các phương án phòng, chống được xây dựng đầy đủ từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tỉnh đã đầu tư gần 1,5 tỷ đồng cho thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn và 449 tỷ đồng cho các hạng mục hạ tầng phòng, chống thiên tai.

a.jpg
Đại diện các ban, ngành, địa phương tham dự hội nghị. Ảnh: Quang An

Nghệ An cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ như viễn thám, tự động hóa, công nghệ số để theo dõi, dự báo và điều hành công tác phòng chống thiên tai. Công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng được chú trọng, nhất là tại các xã có nguy cơ cao, qua các lớp tập huấn, diễn tập, ứng dụng phần mềm cảnh báo thiên tai...

Đặc biệt, phương châm “4 tại chỗ” được triển khai nghiêm túc, giúp địa phương chủ động ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại. Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã được thành lập ở tất cả 412 xã, phường, thị trấn với gần 30.000 thành viên, được tập huấn chuyên sâu.

sdaa.jpg
Đại diện các ban, ngành, địa phương tham dự hội nghị. Ảnh: Quang An

Trong ứng phó, các đơn vị quân đội, công an, biên phòng, y tế… đã vào cuộc quyết liệt. Hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và phương tiện đã được huy động cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Việc kêu gọi tàu thuyền vào bờ, sơ tán dân (201 hộ) và điều tiết các hồ chứa thực hiện đúng quy trình giúp giảm thiểu thiệt hại đáng kể.

dsds.jpg
Sạt lở nghiêm trọng tại bản Xiêng Thù, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn năm 2024. Ảnh: Quang An

Sau thiên tai, công tác khắc phục hậu quả và tái thiết cũng được triển khai nhanh chóng. Tỉnh đã bố trí trên 121 tỷ đồng hỗ trợ tái định cư, phục hồi sản xuất và sửa chữa hạ tầng bị thiệt hại. Các chương trình an sinh, cứu trợ thông qua Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ đã phân bổ hàng chục tỷ đồng hỗ trợ người dân.

Sẵn sàng ứng phó

Tại hội nghị, đại diện các ban, ngành, địa phương đã tập trung báo cáo, thảo luận công tác phòng, chống thiên tai năm 2024, các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Ông Lê Đức Cương - Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Trung Bộ cho biết: Từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh Nghệ An chịu ảnh hưởng 12 đợt không khí lạnh, 3 đợt không khí lạnh tăng cường, 2 trận mưa đá… đặc biệt, từ tháng Năm, nắng nóng có khả năng gia tăng trên toàn tỉnh, dự báo bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 2 - 3 cơn ảnh hưởng đến Nghệ An, tập trung vào tháng 9, 10. Đại diện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, trong năm 2024, đơn vị đã tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh, huy động lực lượng ứng phó kịp thời khi xảy ra các sự cố, đặc biệt là các sự cố trên biển, cứu sống các nạn nhân.

đại biểu pt
Các đại biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: Quang An

Đại diện Sở Xây dựng nhấn mạnh, khi xảy ra thiên tai, đã huy động các lực lượng sửa chữa kịp thời các điểm sạt lở, hư hỏng các tuyến đường, công trình, khơi thông dòng chảy, đảm bảo thông tuyến sớm nhất để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, cũng như ứng cứu của cơ quan chức năng. Công ty Thủy điện Bản Vẽ báo cáo công tác đảm bảo vận hành hồ chứa ổn định, vừa chống hạn, vừa cắt giảm lũ cho hạ du mùa mưa bão.

UBND huyện Quỳnh Lưu đề xuất các lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành sớm hoàn thành tuyến đê biển bãi ngang để chủ động công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt ở các địa phương ven biển, có kế hoạch trồng mới diện tích rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển. Lãnh đạo TP. Vinh cho biết, hiện trên địa bàn thành phố còn 3 điểm đen về ngập úng hàng năm, bao gồm đường 72 mét, đường Phan Bội Châu và đường Phạm Đình Toái. Ngoài ra, còn có các điểm nguy cơ sạt lở cao ven núi Quyết và phường Nghi Tân…

sda.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận hội nghị. Ảnh: Quang An

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những nỗ lực của các sở, ban, ngành, địa phương, các lực lượng trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2024.

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ nhấn mạnh, thiên tai luôn có diễn biến phức tạp, bất ngờ, do đó, trong năm 2025, các ban, ngành, địa phương cần sẵn sàng ứng phó với phương châm "Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính".

Các đơn vị tiếp tục xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, ứng dụng các công nghệ hiện đại để dự báo thời tiết, đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai. Tập trung tối đa các nguồn lực để xây dựng hạ tầng cơ sở, nâng cao khả năng chống chịu khi thiên tai xảy ra. Đồng thời, tăng cường công tác diễn tập, tập huấn, không bị động, bất ngờ, cần sẵn sàng phương án vị trí, phương tiện, lực lượng để triển khai sơ tán dân khi có sự cố.

trao 2
UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT năm 2024. Ảnh: Quang An

Đầu tư công nghệ trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai để có thể quan sát, chỉ đạo xử lý khi địa bàn bị chia cắt. Tiến hành rà soát những vị trí, khu vực có nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai để chủ động trong công tác phòng ngừa, sơ tán dân. Báo Nghệ An và Đài Phát thanh truyền hình Nghệ An bám địa bàn, đưa tin tức kịp thời để cảnh báo, phối hợp với các ban, ngành, địa phương tuyên truyền cho nhân dân chủ động ứng phó thiên tai.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Trung Bộ cũng như các đơn vị liên quan cần nâng cao hơn nữa chất lượng dự báo tình hình thiên tai để các địa phương, đơn vị chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai. Các nhà máy thủy điện cần phối hợp tốt với các địa phương, ban, ngành liên quan trong quá trình thực hiện vận hành, điều tiết theo quy trình, hạn chế thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra...

bna_sa-5844d85fe0858f6a0cbf86a7fddb305f.jpg
Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, động viên, trao quà hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do thiên tai. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng

Dịp này, UBND tỉnh Nghệ An đã tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 5 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai năm 2024.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Nghệ An thiệt hại gần 500 tỷ đồng do thiên tai năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO