Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 5/12
(Baonghean.vn) - Hội nghị BCH Đảng bộ Quân khu 4 với sự tham gia của lãnh đạo 6 tỉnh Bắc miền Trung; Tỉnh Nghệ An ra Công điện ứng phó với đợt rét đậm rét hại; Trường học xuống cấp nguy hiểm, học sinh co ro học trong gara… là những thông tin, sự kiện nổi bật trong ngày 5/12.
* Sáng 5/12, tại Nghệ An, Ban Chấp hành Đảng bộ Quân khu 4 (khóa XI), nhiệm kỳ 2020 - 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 3 nhằm đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và công tác xây dựng Đảng năm 2020; thảo luận góp ý vào dự thảo Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2021.
Dưới sự chủ trì của Trung tướng Trần Võ Dũng - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 4, Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo 6 tỉnh Bắc miền Trung, gồm Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Nghệ An.
Đánh giá tại Hội nghị cho thấy, năm 2020, mặc dù còn nhiều khó khăn song Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và cấp ủy, chỉ huy các cấp đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương đoàn kết, thống nhất lãnh đạo hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và công tác xây dựng Đảng.
Trong đó có nhiều nhiệm vụ hoàn thành tốt và xuất sắc, nhất là việc phối hợp giữa Ban Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu với cấp ủy, chính quyền 6 tỉnh và các lực lượng đảm bảo tốt an ninh chính trị, an toàn địa bàn; tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid -19; khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ; cứu hộ cứu nạn; giải quyết chính sách đối với cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Lãnh đạo, chỉ đạo đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân khu 4 lần thứ XI thành công tốt đẹp, thực sự mẫu mực; tình hình lực lượng vũ trang Quân khu và các cơ quan, đơn vị ổn định, có bước phát triển toàn diện hơn.
Hội nghị nhằm thảo luận, góp ý vào Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của Đảng ủy Quân khu 4.
Tại Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo 6 tỉnh trên địa bàn Quân khu 4 đã phát biểu khái quát, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của địa phương; phân tích, làm rõ những khó khăn do tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, thiên tai, bão lũ với việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng tại địa phương và đề xuất các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới đóng góp vào dự thảo.
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Đảng bộ Quân khu 4, khóa XI. Ảnh: Thành Duy |
* Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An vừa có Công điện số 19 về việc chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại.
Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các nội dung như:
Thực hiện nghiêm túc công điện số 38/CĐ-TW ngày 05/12/2020 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã:
- Thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại; tăng cường thời lượng phát tin trên hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở để chính quyền các cấp, người dân, nhất là ở vùng cao biết, chủ động phòng chống;
- Tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người nhất là với người già, trẻ nhỏ, học sinh như hạn chế ra trời lạnh, mặc đủ ấm, không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín; cho vật nuôi, cây trồng, thủy sản nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại về sản xuất, chú trọng đàn đại gia súc và các cơ sở chăn nuôi tập trung ở khu vực đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
- Chỉ đạo các Phòng, Ban chuyên môn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người, vật nuôi, cây trồng, hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm truyền thống của người dân địa phương;
- Chủ động bố trí ngân sách địa phương, quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn lực tại chỗ để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống; triển khai lực lượng xung kích tại cơ sở, hỗ trợ vật tư, kinh phí để giúp nhân dân nhất là gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ nghèo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại như: gia cố, che chắn vệ sinh chuồng trại; di chuyển, tập trung các đàn đại gia súc chăn thả tự do đến nơi tránh rét; chuẩn bị, dự trữ thức ăn, vắc xin phòng bệnh …
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về việc thực hiện công tác phòng chống rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, thủy sản và cây trồng, xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện và diễn biến thời tiết…
Công điện số 19 về việc chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại. Ảnh PV |
* Trong 2 ngày 4 và 5/12, tại xã Nghi Quang (Nghi Lộc), Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tổ chức tuyên truyền pháp luật và tặng quà cho nhân dân trên địa bàn.
Chương trình diễn ra với các hoạt động: Tuyên truyền về pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, phòng chống ma túy; phát tờ rơi, tặng cờ Tổ quốc, cấp phát thuốc cho ngư dân; thăm, chúc mừng Giáo phận Vinh và giáo xứ Mỹ Lộc, tuyên truyền tập trung; tặng quà cho các xóm và xã.
Đặc biệt, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và các ban, ngành, đơn vị trong tỉnh và huyện Nghi Lộc đã tặng 70 suất quà cho gia đình chính sách, giáo dân có hoàn cảnh khó khăn; trồng cây ven đường; khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí…
Trao cờ Tổ quốc cho bà con ngư dân xã Nghi Quang (Nghi Lộc). Ảnh: Công Kiên |
* Trường xuống cấp nguy hiểm, học sinh Nghĩa Đàn "rét run" ngồi học trong gara xe đạp.
Việc học trong gara ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dạy và học của nhà trường và cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của giáo viên và học sinh.
Theo ghi nhận của Báo Nghệ An, Trường THCS Long Lộc (Nghĩa Đàn) là ngôi trường được sáp nhập từ 2 trường THCS Nghĩa Long và THCS Nghĩa Lộc. Mặc đù đã sáp nhập 8 năm, nhưng đến nay trường vẫn duy trì 2 điểm trường. Trong đó điểm trường thứ 2 ở xã Nghĩa Lộc đã xuống cấp nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn cho học sinh toàn bộ dãy phòng học đã được chia ranh giới và treo biển "Khu vực nguy hiểm cấm đến gần. Thiếu phòng học cho học sinh, nhà trường phải chuyển các phòng học chức năng thành phòng học cho học sinh. Bốn lớp còn lại vì thiếu phòng học nên phụ huynh và nhà trường đã phải thưng dãy nhà vốn là gara để xe đạp làm phòng học tạm.
Gần 3 tháng học trong những dãy phòng học tạm, hơn 150 học sinh phải chịu rất nhiều khó khăn và sự khốc liệt của thời tiết. Mùa này, vì không có che chắn nên mưa, gió thốc vào từng lớp học. Trong khi đó, việc tổ chức dạy học cũng hết sức vất vả bởi lớp các lớp gần như thông nhau; tiếng giảng bài của giáo viên sẽ vọng sang các lớp bên cạnh.
Thiếu phòng học cho học sinh, nhà trường phải chuyển các phòng học chức năng thành phòng học cho học sinh. Bốn lớp còn lại vì thiếu phòng học nên phụ huynh và nhà trường đã phải thưng dãy nhà vốn là gara để xe đạp làm phòng học tạm. Ảnh: Đức Anh |
* Sáng 5/12, UBND TP.Vinh tổ chức buổi gặp mặt với các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn thành phố để đối thoại về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các hợp tác xã và kết nối cung cầu, liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa các hợp tác xã và các siêu thị trên địa bàn.
Theo báo cáo của UBND TP.Vinh, đến tháng 8/2020, thành phố có 87 HTX, thành lập mới 39 HTX, tăng 81% so với năm 2014; giải thể 2 HTX. Trong đó có 50 HTX phi nông nghiệp, 35 HTX nông nghiệp và 02 quỹ tín dụng, với gần 19.467 thành viên. Tổng số vốn hoạt động, giá trị tài sản HTX 62,186 tỷ đồng.
Hiện nay, 35 HTX (chiếm 37,9 %) hoạt động hiệu quả; 39 HTX hoạt động trung bình (chiếm 44,8 %); 12 HTX yếu kém (chiếm 13,7 %); 3 HTX mới thành lập chưa đánh giá chiếm tỷ lệ 3,4 %.
Tại buổi gặp mặt, các HTX, các ban ngành cũng đã trao đổi, thảo luận, tìm các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho kinh tế HTX, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm HTX, làng nghề. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, đồng chí Trần Quang Lâm - Phó Chủ tịch UBND TP.Vinh cam kết sẽ ghi nhận, tiếp thu đồng thời chỉ đạo các phòng ban, ngành chuyên môn của thành phố xem xét trả lời, giải quyết các kiến nghị của HTX.
Toàn cảnh buổi gặp mặt. Ảnh: Quang An |
* Ước tính có khoảng 10.000 m3 rác đang trôi nổi trên sông Nậm Nơn, khu vực đuôi hồ thủy điện Bản Vẽ, từ bản Xốp Tụ xuống đến bản Hòa Lý (thuộc xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn). Để dọn được lượng rác thải lớn này, theo Công ty Thủy điện Bản Vẽ, sẽ cần thời gian gần hai tháng.
Rác phần lớn là những thân, cành của các cây gỗ bị lũ cuốn từ thượng nguồn về. Do lượng rác thải lớn nên đã gây ách tắc, giao thông đường thủy, quá trình rác phân hủy ảnh hưởng không tốt đến môi trường, nhất là với những bản làng ven lòng hồ của các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương...Vì vậy, Công ty Thủy điện Bản Vẽ xác định việc thu dọn rác, vệ sinh lòng hồ là việc làm cần thiết phải thực hiện.
Để dọn được lượng rác khổng lồ trên sông Nậm Nơn, theo Công ty Thủy điện Bản Vẽ, đã phải mất vài lần mời thầu mới chọn được đơn vị đủ năng lực,là Công ty CP Môi trường đô thị và Công trình đô thị Nghệ An; với kinh phí xấp xỉ 2 tỷ đồng. Đơn vị này bắt đầu thực hiện thu gom rác từ ngày 20/11/2020, yêu cầu hoàn thành vào cuối tháng 12/2020…
Rác phần lớn là những thân, cành của các cây gỗ bị lũ cuốn trôi dạt từ thượng nguồn về. Ảnh: Nhật Lân |