Kinh tế

Nghệ An thu hút đầu tư, thúc đẩy công nghiệp tăng trưởng

Thu Huyền 04/04/2025 16:12

Quý I năm 2025, tỉnh Nghệ An tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Nhờ đó, sản xuất công nghiệp chuyển biến tích cực, một số sản phẩm tạo dấu ấn đột phá, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tiếp tục cải thiện công tác thu hút đầu tư

Trong tháng 3 năm 2025, trên địa bàn tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đầu tư 1.502,4 tỷ đồng; điều chỉnh cho 8 lượt dự án, trong đó có 2 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn điều chỉnh tăng 1.262,4 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư cấp mới điều chỉnh là 2.764,8 tỷ đồng.

Một số dự án cấp mới lớn là Khu công nghiệp VSIP Nghệ An 3 của Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) VSIP Nghệ An tổng mức đầu tư 52,5 triệu USD (tương đương 1.325 tỷ đồng); Trang trại chăn nuôi công nghiệp của Công ty cổ phần Đầu tư và chăn nuôi Con Cuông với tổng mức đầu tư 131,65 tỷ đồng.

1KCN VSIP
Nhiều doanh nghiệp FDI chọn Nghệ An làm điểm đầu tư. Ảnh: TH

Các dự án điều chỉnh lớn gồm: Nhà máy sản xuất gia công giày dép xuất khẩu tại Khu công nghiệp Hoàng Mai I của Công ty TNHH Giầy Andromeda Việt Nam tổng mức đầu tư tăng 32 triệu USD; Dự án đầu tư phát triển Nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và văn phòng cho thuê Soilbuild Nghệ An tại Khu công nghiệp WHA của Công ty TNHH SB (Nghệ An) tổng mức đầu tư tăng 480,8 tỷ đồng.

Từ ngày 1/1/2025 - 21/3/2025, trên địa bàn tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án/tổng mức đầu tư 2.223,5 tỷ đồng, điều chỉnh cho 34 lượt dự án, trong đó điều chỉnh vốn cho 9 lượt dự án/tổng mức đầu tư tăng 4.441,1 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 6.664,6 tỷ đồng (bằng 45,6% so với cùng kỳ năm trước).

Trong đó: Đầu tư trong nước: Cấp mới cho 7 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 834,3 tỷ đồng (chiếm 70% về số lượng dự án và 37,5% về tổng vốn đầu tư) và Đầu tư FDI: Cấp mới cho 3 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 55 triệu USD (chiếm 30% về số lượng dự án và 62,5% về tổng vốn đầu tư), điều chỉnh vốn cho 4 dự án/tổng mức đầu tư tăng 56,9 triệu USD. Tổng vốn cấp mới và điều chỉnh là 111,9 triệu USD.

nhiều doanh nghiệp đầu tư tại KCN VSIP
Sau 9 năm đi vào hoạt động, Khu công nghiệp VSIP Nghệ An thu hút hơn 50 dự án đầu tư. Ảnh:
TH

Nhiều dự án đầu tư khu vực FDI và ngoài nhà nước đang trong quá trình đẩy nhanh tiến độ thực hiện để kịp đưa vào sử dụng trong năm 2025, như: Dự án Nhà máy công nghệ Everwin Precision (Nghệ An); Dự án mở rộng nhà máy Công ty TNHH Luxshare - ICT (Nghệ An); Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Công ty TNHH Công nghệ điện tử Ju Teng; Dự án Khu đô thị và nhà ở xã hội tại xã Hưng Hòa; Dự án Vincom Shophouse Vinh; Dự án khu đô thị sinh thái Vinh Tân.

Liên tiếp 3 năm nằm trong top những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2025 không chỉ duy trì vị thế mà còn nâng tầm chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng hai con số đầy ấn tượng... Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm mà thu hút đầu tư, sản xuất công nghiệp tiếp tục đạt kết quả tốt. Lãnh đạo tỉnh, các sở ngành chú trọng tiếp cận, xúc tiến đầu tư trực tiếp theo địa bàn, đối tác, lĩnh vực, nhất là gắn kết chặt chẽ hoạt động xúc tiến đầu tư với các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp.

Sản xuất công nghiệp tăng khá

Thu hút đầu tư tốt có tác động tích cực tới kết quả sản xuất công nghiệp; một số sản phẩm tạo dấu ấn đột phá, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Theo thông tin từ Sở Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 năm 2025 trên địa bàn Nghệ An ước tăng 13,45% so với cùng kỳ; cụ thể: Công nghiệp khai khoáng tăng 65,58%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 18,09%; Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,69%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,54%.

đồ họa Hữu Quân
Đồ họa: Hữu Quân

Tháng 3/2025, tranh thủ các điều kiện thuận lợi trong nước cũng như trong tỉnh, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh tái sản xuất, mở rộng quy mô kinh doanh, các nhà máy, dự án mới được triển khai đi vào hoạt động ổn định đóng góp cho tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà.

Tính chung 3 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,74% so với cùng kỳ. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng tăng 20,62%; Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,25%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,41% và sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 10,09%.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng do được sự quan tâm chỉ đạo của các ngành, các cấp trong việc giải quyết những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Mặt khác, doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đặt biệt là thị trường nước ngoài nên đơn hàng tăng, nhiều dự án mới đi vào hoạt động ổn định đã góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Sản xuất tại Công ty CP Dệt may Vinatex Hoàng Mai. Ảnh: T.H
Sản xuất tại Công ty CP Dệt may Vinatex Hoàng Mai. Ảnh: T.H

Một số sản phẩm tăng như: Micro ước đạt 58,7 triệu cái, gấp 11,7 lần; Tai nghe không nối với micro ước đạt 12,1 triệu cái, tăng 42,68%; Đốc sạc ước đạt 4,2 triệu cái, tăng 42,58%; Sữa chua ước đạt 11,5 nghìn tấn, tăng 25,76%; Clanke xi măng ước đạt 1,9 triệu tấn, tăng 21,40%; Bia đóng lon ước đạt 25,5 triệu lít, tăng 15,48%; Điện sản xuất ước đạt 586 triệu kWh, tăng 14,51%; Vỏ hộp lon bia ước đạt 1,9 nghìn tấn, tăng 13,13%.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, nhà máy còn gặp khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của tình hình thế giới cũng như trong nước làm cho đơn hàng giảm, sản phẩm tồn kho lớn, chi phí sản xuất tăng cao nên sản phẩm sản xuất thấp như: Bê tông tươi giảm 36,57%; Bia đóng chai giảm 28,70%; Loa BSE giảm 27,23%; Sợi giảm 26,35%; Bao bì bằng giấy giảm 20,46%; Bột đá giảm 9,85%; Ống nhựa Tiền Phong giảm 7,74%; Ống thép Hoa Sen giảm 6,52%.

Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy tôn Hoa Sen. Ảnh: Thu Huyền
Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy tôn Hoa Sen. Ảnh: TH

Ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công Thương đánh giá, sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do nền kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. Đặc biệt là khả năng trỗi dậy mạnh mẽ trở lại của xu hướng phi toàn cầu hóa, bảo hộ mậu dịch, chiến tranh thương mại và căng thẳng địa chính trị mới. Tuy nhiên, trong nước cũng như trong tỉnh các ngành công nghiệp có nhiều cơ hội từ việc đón nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài, với những dự án trọng điểm như: Chất bán dẫn, năng lượng tái tạo, đường sắt tốc độ cao và đặc biệt là sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị cùng với sự sáng tạo, linh hoạt, chủ động của doanh nghiệp nên tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn vẫn duy trì mức tăng trưởng khá.

Năm 2025, ngành Công Thương Nghệ An đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 130.600 tỷ đồng, tăng 15,55%/năm 2024. Để đạt mục tiêu đề ra, ngành tiếp tục huy động nguồn lực triển khai các nhiệm vụ phát triển công nghiệp, thương mại được giao tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Cùng đó, tập trung thực hiện Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch điện VIII; Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Nghệ An thu hút đầu tư, thúc đẩy công nghiệp tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO