Kinh tế

Nghệ An thúc đẩy thương mại, kết nối giao thương tại Campuchia

Thu Huyền 07/09/2024 16:01

Các hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Nghệ An và Phòng Thương mại, doanh nghiệp Campuchia 2024 là cơ hội để doanh nghiệp hai bên tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư dựa vào những thế mạnh và dư địa phát triển của nhau.

Cơ hội quảng bá sản phẩm, tìm hiểu môi trường đầu tư

Được sự kết nối và hỗ trợ tích cực của Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, các hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Nghệ An và Phòng Thương mại, doanh nghiệp Campuchia 2024 vừa diễn ra thành công tốt đẹp. Đây là cơ hội để doanh nghiệp hai bên tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư dựa vào những thế mạnh và dư địa phát triển của nhau.

Nghệ An có sân bay quốc tế Vinh, cảng biển Cửa Lò có thể đón tàu quốc tế đến 7 vạn tấn, hệ thống đường sắt, đường bộ, cửa khẩu quốc tế; Nghệ An nằm trên tuyến đường xuyên Á kết nối 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan - Myanmar thông qua Quốc lộ 7 qua cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đến cảng Cửa Lò.

Nghệ An đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, đặc biệt là vốn FDI, nằm trong tốp 10 tỉnh, thành cả nước. Trong những năm gần đây, tỉnh Nghệ An được đánh giá điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực điện tử, bán dẫn, linh kiện ô tô, dệt may, da giày…

Tàu ăn hàng tại cảng Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền
Tàu ăn hàng tại cảng Cửa Lò. Ảnh: TH

Tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Nghệ An có sự tăng trưởng cao qua các năm (từ 1 tỷ USD năm 2018, năm 2022 tăng lên 2,45 tỷ USD, năm 2023 đạt 3,1 tỷ USD, mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018-2023 đạt 18-20%/năm). Hiện nay xuất khẩu với khoảng 50 mặt hàng và nhóm mặt hàng đa dạng phong phú (điện tử, dệt may, đồ gỗ, xi măng, tôn thép, nông sản chế biến, thủy, hải sản…) đến 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Nghệ An tiếp tục đạt được kết quả đáng ghi nhận với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2024 lên 1.676,9 triệu USD, tăng 25,97% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 61% chỉ tiêu kế hoạch năm 2024. Một số mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng khá: Thiết bị, linh kiện điện tử, hàng dệt may, tôn thép các loại, giày dép, bột đá, tinh bột sắn, dăm gỗ, dây điện và cáp điện, gạo...

Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm trên địa bàn Nghệ An. Đồ họa: Hữu Quân
Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm trên địa bàn Nghệ An. Đồ họa: Hữu Quân

Cùng nằm trong khu vực ASEAN, có chung đường biên giới với Việt Nam (có 1.258 km đường biên giới giáp với 10 tỉnh biên giới Việt Nam, gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang), Campuchia được xem là đối tác truyền thống, quan trọng của các doanh nghiệp tỉnh Nghệ An.

Đánh giá về cơ hội hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp Nghệ An và Campuchia, ông Pen Bona - Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Campuchia nhận định những thuận lợi trong quan hệ thương mại lớn hai bên như: Có chung đường biên giới với Việt Nam, doanh nghiệp hai bên còn được hưởng nhiều ưu đãi từ các hiệp định: Hiệp định thương mại tự do ASEAN, ASEAN - Trung Quốc, Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia được ký kết năm 2022… Các doanh nghiệp hai bên có triển vọng lớn trong liên kết tạo ra chuỗi cung ứng trong sản xuất, xuất khẩu cho các dòng sản phẩm như: vật liệu xây dựng, bột đá, hạt nhựa, sắn các loại,…

Gian hàng trưng bày sản phẩm của tỉnh Nghệ An tại Pnom penh, Campuchia.
Gian hàng trưng bày sản phẩm của tỉnh Nghệ An tại Pnôm pênh, Campuchia. Ảnh: TH

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Nghệ An mong muốn hợp tác, tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh tại Campuchia. Công ty Thanh Hưng mong muốn tìm hiểu môi trường đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn tại các tỉnh có vị trí thuận lợi về cảng biển, gần Việt Nam, lợi thế vùng nguyên liệu; tìm hiểu về giá điện, chính sách đầu tư tại Campuchia.

Ngoài ra, các đơn vị như: Công ty Trung Hải (bột đá trắng), Công ty Thành Công, Công ty Khoáng sản Phủ Quỳ (đá ốp lát), Công ty Lâm nghiệp Lam Giang (các sản phẩm trà, sản phẩm OCOP), Công ty Hồng Sơn (muôi, thìa, đũa gỗ), Công ty Sỹ Thắng (lạc nhân)… cũng đang tích cực tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm.

môi thìa
Công ty Hồng Sơn (Cụm công nghiệp Đô Lăng, xã Nghi Lâm, Nghi Lộc) sản xuất muôi, thìa đang mong muốn tìm hiểu xuất khẩu sang thị trường Campuchia. Ảnh: TH

Khai thác dư địa để phát triển

Thời gian qua, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia ngày càng được tăng cường, củng cố, là điểm sáng nổi bật trong quan hệ giữa hai nước.

Mặc dù sự hợp tác, phát triển xuất khẩu giữa Campuchia và Nghệ An trong thời gian có bước phát triển nhanh chóng, tuy nhiên, thời gian vừa qua kim ngạch xuất nhập khẩu của Nghệ An sang Campuchia vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên. Năm 2020 kim ngạch xuất khẩu đạt 1,0 triệu USD, năm 2023 tăng lên 4,86 triệu USD, 6 tháng đầu năm 2024 đạt 2,63 triệu USD gồm các mặt hàng: Đá vôi trắng siêu mịn, mật rỉ, đường lỏng, hạt phụ gia nhựa (kim ngạch chiếm tỷ trọng lớn nhất là đá vôi trắng siêu mịn của Công ty CP Trung Hải Group). Nhập khẩu chiếm tỷ lệ nhỏ (400 ngàn USD năm 2023, chưa có kim ngạch năm 2024).

Ông Phạm Văn Hóa trao tặng bức tranh kỷ niệm ông Oknha Songuon - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia.
Ông Phạm Văn Hóa trao tặng bức tranh kỷ niệm ông Oknha Songuon - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia trong cuộc làm việc mới đây tại Pnôm Pênh. Ảnh: TH

Chia sẻ về các hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Nghệ An và Phòng Thương mại, doanh nghiệp Campuchia 2024 vừa diễn ra, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, đây là dịp để doanh nghiệp 2 bên trao đổi thông tin, trực tiếp gặp gỡ, kết nối, tìm kiếm đối tác tiềm năng. Qua đó, xây dựng mối quan hệ hợp tác kinh doanh, đầu tư lâu dài, vì lợi ích của các doanh nghiệp, vì sự phát triển của hai nền kinh tế Việt Nam và Campuchia.

Để hợp tác thương mại giữa tỉnh Nghệ An với các doanh nghiệp Campuchia, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An đã thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, và hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh, về tình hình hợp tác thương mại tỉnh Nghệ An và Campuchia. Đồng thời, đề xuất thiết lập kênh thông tin thường xuyên về sản phẩm, doanh nghiệp của hai bên để nắm tình hình thị trường, sản phẩm, điều kiện các rào cản và tiêu chuẩn kỹ thuật hàng hóa của hai bên nhằm tạo dựng nhịp cầu kết nối cho các doanh nghiệp.

Đoàn công tác Nghệ An chụp hình lưu niệm cùng Thương vụ Việt Nam, Phòng Thương mại, doanh nghiệp Campuchia.
Đoàn công tác Nghệ An chụp hình lưu niệm cùng Thương vụ Việt Nam, Phòng Thương mại, doanh nghiệp Campuchia. Ảnh: TH

Đề nghị Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, Phòng Thương mại Campuchia và các doanh nghiệp trên cơ sở điều kiện và sản phẩm xuất khẩu của tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác thương mại, xuất, nhập khẩu giữa 2 bên. Sở Công Thương cũng làm cầu nối cho các doanh nghiệp Campuchia tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Nghệ An. Thương vụ Việt Nam tại Campuchia quan tâm thông tin hỗ trợ xúc tiến các doanh nghiệp Campuchia vào hợp tác đầu tư tại Nghệ An đặc biệt là các ngành, lĩnh vực như: Lâm nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch phù hợp với xu thế mới.

"Nghệ An có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, sản phẩm chế biến dược liệu, sắn... Ngoài ra, tỉnh cũng có tiềm năng phát triển vật liệu xây dựng, logistics vận tải, khoáng sản. Thời gian tới, chúng tôi sẽ giới thiệu thêm nhiều công ty, nhiều ngành hàng hợp tác phù hợp hơn nữa đến Campuchia. Nghệ An sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Campuchia tiếp cận đối tác Việt Nam", ông Hóa chia sẻ.

Cũng trong khuôn khổ các hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Nghệ An và Phòng Thương mại, doanh nghiệp Campuchia 2024, đã diễn ra hội chợ thương mại giới thiệu, quảng bá sản phẩm Nghệ An. Tham gia hội chợ lần này có một số doanh nghiệp quảng bá hơn 30 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh như dược liệu, lạc, trà, sản phẩm OCOP… Nhiều doanh nghiệp, đại diện các sở, ngành, hiệp hội, và người dân Campuchia đã tham dự hội chợ, tìm hiểu sản phẩm nông sản của Nghệ An.

Mới nhất

x
Nghệ An thúc đẩy thương mại, kết nối giao thương tại Campuchia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO