Nghệ An thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn lực phát triển
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là một nhiệm vụ cấp bách, mà còn là phương châm hành động xuyên suốt trong chiến lược phát triển của Nghệ An. Từ bố trí nguồn lực đầu tư công, tinh giản bộ máy, quản lý ngân sách đến khai thác tài nguyên bền vững, tỉnh đang nỗ lực thực hiện những giải pháp trọng tâm để đảm bảo sử dụng nguồn lực một cách hợp lý và hiệu quả nhất.

Tối ưu nguồn lực phát triển
Trong bối cảnh nhu cầu phát triển ngày càng lớn, nhưng nguồn lực còn hữu hạn, tỉnh Nghệ An đã lựa chọn cách tiếp cận mới, đồng bộ để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Từ đầu tư công đến tinh gọn bộ máy, từ quản lý tài sản công đến khai thác tài nguyên. Tất cả đều đặt trong chiến lược “trọng tâm, trọng điểm”.
Nổi bật là tỉnh đã thực hiện bước chuyển căn bản về tư duy đầu tư công. Đối với nguồn ngân sách Trung ương, số lượng dự án của giai đoạn 2021 - 2025 đã giảm 61,36% so với giai đoạn 2016 - 2020, suất đầu tư 1 dự án tăng gần 3,31 lần. Đối với nguồn ngân sách địa phương, số lượng dự án giảm 65,36% so với giai đoạn trước, suất đầu tư 1 dự án tăng 3,48 lần.
Số lượng giảm mạnh, suất đầu tư lại tăng lên đáng kể. Nhờ đó, tỉnh có điều kiện tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả đầu tư. Nhiều dự án hạ tầng quan trọng được ưu tiên như: Đại lộ Vinh - Cửa Lò giai đoạn 2 (hơn 1.400 tỷ đồng), tuyến N5 kéo dài từ Đô Lương đi Tân Kỳ (gần 740 tỷ đồng)... Những công trình này vừa giải quyết nhu cầu phát triển trước mắt, vừa tạo động lực cho phát triển lâu dài của tỉnh.
.jpg)
Đi đôi với đó, Nghệ An đặc biệt chú trọng công tác rà soát, thẩm định, cắt giảm các hạng mục đầu tư không thiết yếu, không phù hợp quy mô; chỉ riêng trong năm 2024, tỉnh đã tiết kiệm gần 555 tỷ đồng từ việc rà soát danh mục và thẩm định đầu tư.
Cùng với đó, công tác điều hành ngân sách được siết chặt, đảm bảo phân bổ đúng trọng tâm, hạn chế lãng phí. Thông qua quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán và quản lý chi ngân sách Nhà nước, chỉ tính riêng năm 2024 Nghệ An đã cắt giảm thêm gần 568 tỷ đồng.
Việc tinh gọn bộ máy được tỉnh thực hiện quyết liệt, bài bản và có hiệu quả. Từ năm 2017 đến đầu năm 2024, Nghệ An đã giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện (từ 21 còn 20), giảm 68 đơn vị cấp xã (từ 480 xuống 412), và cắt giảm 2.087 khối, xóm, bản. Hiện nay, tỉnh đã trình Chính phủ Đề án giảm từ 412 xã, phường, thị trấn xuống còn 130 xã, phường.
Bộ máy các cơ quan Đảng, đã thực hiện kịp thời việc hợp nhất Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận (cả cấp tỉnh và cấp huyện), kết thúc hoạt động của các ban cán sự đảng, đảng đoàn và 2 đảng bộ khối; thành lập 2 đảng bộ mới (Đảng bộ Các cơ quan Đảng tỉnh và Đảng bộ UBND tỉnh). Bộ máy các cơ quan Nhà nước được tinh gọn; cấp sở giảm từ 21 xuống còn 15 đơn vị, giảm đầu mối bên trong từ 151 đơn vị xuống còn 120 đơn vị và giảm được 10 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cấp sở. Đối với cấp huyện, đã giảm số lượng ban đảng và một số phòng của UBND cấp huyện theo kế hoạch và mục tiêu đề ra.
Giai đoạn 2015 - 2021, tỉnh tinh giản biên chế đạt 10,4%. Giai đoạn 2022 - 2025, khối Đảng, đoàn thể giảm 71 công chức (tỷ lệ 4,23%) và 21 viên chức (tỷ lệ 10,9%); khối chính quyền giảm 102 công chức (tỷ lệ 3,07%) và 4.737 viên chức (tỷ lệ 8,37%). Dự kiến tỷ lệ tinh giản biên chế đạt chỉ tiêu do Trung ương đề ra trong giai đoạn 2022 - 2026 (giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức).

Gắn với sắp xếp tổ chức, tỉnh đã chỉ đạo tạm dừng việc cải tạo, mua sắm tài sản, thuê trụ sở đối với các cơ quan, đơn vị thuộc diện sắp xếp. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đã yêu cầu: Tạm dừng việc triển khai cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc, mua sắm tài sản, trang thiết bị làm việc và thuê mới tài sản trong thời gian thực hiện Kế hoạch đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trên địa bàn tỉnh cho đến khi hoàn thành (trừ trường hợp thực sự cần thiết khác, cơ quan, đơn vị phải báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền để xem xét, quyết định). Đặc biệt, ngày 2/4/2025, UBND tỉnh có bước đi quan trọng nhằm tránh thất thoát, lãng phí tài sản công thông qua ban hành kế hoạch về xử lý 278 cơ sở nhà, đất là trụ sở làm việc, cơ sở sự nghiệp không sử dụng, sử dụng không hiệu quả hoặc sai mục đích.
Trên lĩnh vực tài nguyên, Nghệ An chủ trương phát triển đi đôi với bảo vệ, khai thác hiệu quả, bền vững. Tỉnh tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, tập trung lĩnh vực trọng điểm như: Đất đai, đầu tư công, xây dựng, tài chính công, tài nguyên, khoáng sản; đồng thời, rà soát, đánh giá đúng thực trạng các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất, đề xuất các giải pháp, biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm giải phóng nguồn lực đất đai, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án, đưa đất đai vào sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
Những kết quả đạt được về công tác tiết kiệm, phòng, chống lãng phí đã góp phần tích cực vào phát triển của Nghệ An:
- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2024 đạt 7,89%.
- Quy mô GRDP năm 2024 đạt 216,9 nghìn tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần năm 2020 (đứng thứ 10 trong các tỉnh khi chưa sáp nhập);
- GRDP bình quân đầu người đạt 62,5 triệu đồng, tăng 1,45 lần so với năm 2020.
- Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2024 đạt 89.427 tỷ đồng, tăng bình quân 9,4%/năm; từ năm 2022 thu ngân sách vượt mốc 20.000 tỷ đồng, năm 2024 đạt 25.517 tỷ đồng, dự kiến năm 2025 đạt khoảng 26.000 tỷ đồng, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Lan tỏa văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định 2 mục tiêu chiến lược: Đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao
Muốn hiện thực hóa các mục tiêu đó, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị đóng vai trò hết sức quan trọng. Quan điểm chỉ đạo này đã được đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện sâu sắc trong bài viết “Chống lãng phí”.
“Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta. Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới...”.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Nghệ An - tỉnh có diện tích, dân số lớn và có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử và tiềm năng phát triển đa dạng, đang được Trung ương kỳ vọng có những đóng góp xứng đáng, thực chất hơn nữa vào tiến trình phát triển chung của cả nước.
.jpg)
Năm 2025, tỉnh được Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng 10,5%, nằm trong nhóm 18 tỉnh, thành phố có chỉ tiêu tăng trưởng từ 2 con số trở lên, đây là một chỉ tiêu cao, phản ánh kỳ vọng lớn. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh: Nghệ An phải là một trong những địa phương có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh, góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược của Đảng và Nhà nước, quyết tâm sớm đạt mục tiêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước là xây dựng Nghệ An “mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”; Nghệ An đang tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với quyết tâm chính trị và tinh thần trách nhiệm cao nhất, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của quê hương, đất nước.
UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trong đó, nhấn mạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm; tư duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, hình thành trách nhiệm đạo đức xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật. Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” được thực hiện rộng khắp, xem đây là tiêu chí, nội dung quan trọng khi đánh giá, bình xét thi đua đối với cơ quan, đơn vị, địa phương.
Theo đó, tỉnh đề cao trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là nghiêm túc trong sử dụng ngân sách và tài sản công; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách để dành chi đầu tư phát triển, nhất là các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu. Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí, khuyến khích phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước; tập trung thực hiện các quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản công.
Tỉnh đồng thời tiếp tục tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát; xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức để các dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài; kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, chậm trễ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao trong giải quyết các vấn đề liên quan để các dự án, công trình chậm tiến độ, kéo dài, lãng phí nguồn lực...
.jpg)
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là hiện thân mẫu mực của đức tính cần, kiệm, liêm, chính; là tấm gương sáng ngời về lối sống giản dị, liêm khiết, gắn bó máu thịt với Nhân dân.
Nghệ An tự hào là quê hương của Bác Hồ kính yêu! Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng vĩ đại và lời căn dặn tâm huyết của Người; đồng thời, quán triệt và cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Nghệ An luôn xác định: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là chuẩn mực đạo đức cách mạng mà còn là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, xuyên suốt, gắn liền chặt chẽ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.