Nghệ An: Thực tiễn triển khai tăng học phí còn nhiều bất cập

Mỹ Hà 12/10/2022 15:34

(Baonghean.vn) - Từ năm học này, học phí ở bậc mầm non,THCS và THPT trên địa bàn tỉnh tăng khá nhiều so với năm học trước. Trong quá trình triển khai, một số khó khăn, bất cập đã nảy sinh.

Nhiều bậc học tăng học phí

Theo Nghị quyết số 14/2022/NQ – HĐND tỉnh thông qua ngày 14/7/2022 về quy định mức thu học phí trong các cơ sở giáo dục công lập, mức học phí năm học 2022 - 2023 có sự điều chỉnh so với năm học trước.

Năm nay, việc tăng học phí sẽ được thực hiện ở nhiều cấp học. Ảnh: Mỹ Hà

Theo đó, tùy theo từng khu vực, mức học phí sẽ tăng từ mức thấp nhất là 5.000 đồng (từ 45.000 đồng lên 50.000 đồng với bậc mầm non và THCS thuộc các huyện miền núi cao) và cao nhất là 170.000 đồng (từ 130.000 đồng lên 300.000 đồng đối với các trường THCS và THPT ở các phường thuộc thành phố Vinh và các thị xã). Ở các huyện miền núi và các xã (thuộc thành phố Vinh và các thị xã) và các huyện đồng bằng mức học phí tăng từ 20.000 – 80.000 đồng. Riêng bậc mầm non, học sinh ở các xã thuộc thành phố Vinh và các thị xã được giảm từ 200.000 đồng xuống 100.000 đồng.

Như vậy, việc tăng học phí nhiều nhất tập trung vào các trường trên địa bàn thành phố Vinh. Điều này cũng đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các khoản thu đầu năm học của nhiều gia đình. Đơn cử, nếu một gia đình có hai con đang học ở bậc mầm non, THCS hoặc THPT, trung bình mỗi năm học, gia đình sẽ phải nạp thêm hơn 3.000.000 đồng tiền học phí.

Học phí sẽ tăng nhiều ở các phường thuộc khu vực thành phố, thị xã. Ảnh: Mỹ Hà

Việc tăng học phí cũng khiến nhiều trường băn khoăn, lo ngại ảnh hưởng đến việc đi học của học sinh. Ông Vũ Ngọc Tuấn – Hiệu trưởng Trường THPT Quỳnh Lưu 2 cho biết: "Mỗi năm trường tôi có hàng chục học sinh bỏ học, nhiều em trong số đó có hoàn cảnh khó khăn hoặc không có động lực để cố gắng. Vì vậy, nếu tăng học phí có thể sẽ tác động đến suy nghĩ của các em và nhiều em sẽ lấy đây là lý do để bỏ học".

Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến của cử tri thị xã Cửa Lò cũng cho rằng mức tăng học phí hiện nay có khoảng cách khá xa giữa phường và xã; đặc biệt đối với phường tăng từ 90.000 đồng lên 300.000 đồng/tháng đối với mỗi học sinh là quá cao.

Nhiều băn khoăn trong quá trình thực hiện

Chị Nguyễn Thị H. có con đang học lớp 7 tại Trường THCS Hưng Dũng (TP. Vinh) và thuộc diện học sinh trái tuyến bởi có hộ khẩu ở phường Hà Huy Tập nhưng thực chất gia đình lại đang sống trên địa bàn xã Hưng Lộc. Trước việc tăng học phí, chị quyết định chuyển hộ khẩu về xã Hưng Lộc để được hưởng học phí khu vực nông thôn vì theo chị số tiền chị đóng không chỉ trong một năm mà còn là quyền lợi về lâu dài.

Mức thu học phí năm học 2022 - 2023. Ảnh: Mỹ Hà

Từ đầu năm học đến nay, qua tổng hợp, Trường THCS Hưng Dũng có đến hàng chục học sinh dù đang học tại nhà trường nhưng có hộ khẩu ở các xã hoặc ở các huyện, tỉnh, thành khác.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nga – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Những năm trước, mức học phí thấp nên nhiều phụ huynh không băn khoăn nhiều. Tuy nhiên, năm nay học phí chênh lệch khá lớn nên xuất hiện nhiều vấn đề đáng băn khoăn. Thực tế, qua thống kê có những trường hợp lâu nay đăng ký tạm trú lâu dài trên địa bàn nhưng có em hộ khẩu lại ở các huyện miền núi, có em lại ở ngoại tỉnh. Sau khi có quyết định tăng học phí, một số phụ huynh lập tức xin chuyển hộ khẩu về đúng nơi gia đình cư trú (vùng miền núi, nông thôn) thay vì gửi hộ khẩu như trước đây (khu vực thành phố) hoặc chuyển (gửi) hộ khẩu (về vùng miền núi, nông thôn) không đúng với nơi hiện nay gia đình đang sinh sống (khu vực thành phố).

Cũng theo Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Dũng, việc thu học phí nhà trường sẽ thực hiện đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 14/2022/NQ – HĐND tỉnh. Tuy vậy, trong quá trình triển khai có những bất cập như cùng một lớp nhưng sẽ có nhiều mức học phí khác nhau, có những em nạp 300.000 đồng/tháng nhưng có những em hộ khẩu vùng miền núi lại chỉ nạp 50.000 đồng/tháng. Trong khi đó, thực tế các em lại đang sinh sống trên địa bàn TP. Vinh và bố mẹ các em đang công tác tại thành phố (nhưng hộ khẩu lại ở vùng miền núi hoặc vùng nông thôn). Vì vậy, theo hiệu trưởng nhà trường, thay vì thu học phí theo hộ khẩu, việc thu học phí theo trường sẽ hợp lý hơn, nghĩa là học sinh học ở phường, xã nào sẽ thu học phí theo phường, xã đó.

Sự bất cập này cũng diễn ra giữa các trường học trên cùng một địa bàn. Nói về mức thu học phí hiện nay, cô giáo Bùi Thị Thu Hà – Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Hòa (TP Vinh) cho biết: Trường chúng tôi nằm trên địa bàn xã Hưng Hòa và theo quy định mức thu học phí của trường là 100.000 đồng/tháng, tăng 10.000 đồng so với năm học trước. Với mức thu này, tổng thu của trường chúng tôi sẽ thấp hơn các trường trên địa bàn thành phố, trong khi đó, việc chi cho các hoạt động vẫn không thay đổi. Chúng tôi đang dự kiến sẽ đề xuất UBND thành phố điều chỉnh ngân sách giữa các trường để ưu tiên cho các xã ở vùng ven, giúp các trường thuận lợi hơn trong việc triển khai các nhiệm vụ.

Giờ học của học sinh Trường THCS Hưng Hòa, TP. Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đó, việc điều chỉnh học phí được thực hiện do mức thu học phí đang áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn không còn phù hợp, mức thu học phí giữa các cấp học có sự khác biệt quá lớn, chưa bảo đảm tính công bằng trong tiếp cận giáo dục, chưa phát huy đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để chia sẻ gánh nặng với ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, việc tăng học phí sẽ tăng kinh phí chi hoạt động tối thiểu cho các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn khi 60% nguồn thu học phí sẽ được sử dụng cho các nguồn chi thường xuyên.

Song song với vấn đề tăng học phí, điều mà phụ huynh và nhân dân quan tâm là việc sử dụng học phí hiệu quả, nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy học, tăng cường thiết bị dạy học, cơ sở vật chất cho các nhà trường. Điều này đòi hỏi sự giám sát và công khai để việc tăng học phí đạt được mục tiêu đề ra và đảm bảo quyền lợi cho người học.

Mới nhất

x
Nghệ An: Thực tiễn triển khai tăng học phí còn nhiều bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO