Sức khỏe

Nghệ An tích cực xây dựng ngành Y tế thông minh

Thành Chung 15/10/2024 13:00

Thời gian qua, ngành Y tế Nghệ An đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, phát triển y tế thông minh để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.

Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử

Trong 14 năm hình thành và phát triển, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã đầu tư về nhân lực, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị. Cùng với đó, Bệnh viện rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám chữa bệnh.

Tháng 3/2023, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An bắt đầu triển khai thay đổi hệ thống phần mềm HIS-LIS (Hệ thống thông tin bệnh viện - Hệ thống quản lý thông tin phòng xét nghiệm). Tiếp đó, Bệnh viện từng bước đưa vào áp dụng thanh toán điện tử, chữ ký số, triển khai hệ thống PACS (lưu trữ và truyền hình ảnh), xe tiêm thông minh… Đến tháng 4/2024 bệnh viện đã cơ bản hoàn thành các điều kiện đáp ứng việc ứng dụng bệnh án điện tử.

Kiểm tra, thẩm định việc triển khai Bệnh án điện tử tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Ảnh BVUB NA
Kiểm tra, thẩm định việc triển khai Bệnh án điện tử tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Ảnh: BVUB NA

Bệnh án điện tử là phiên bản số của hồ sơ bệnh án giấy, được ghi chép, hiển thị và lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Bệnh án điện tử có cơ sở pháp lý và chức năng tương đương bệnh án thông thường. Mọi thông tin quy trình chuyên môn, thực hiện y lệnh, tiền sử, diễn biến điều trị của người bệnh đều được số hóa, dữ liệu tiêu chuẩn, liền mạch, quy trình thực hiện giảm thiểu sử dụng giấy tờ.

Triển khai bệnh án điện tử chính là bước ngoặt lớn trong hành trình chuyển đổi số y tế. Bệnh án điện tử giúp quy trình khám chữa bệnh trở nên nhanh chóng, chính xác và thuận tiện. Với Bệnh án điện tử, người bệnh dễ dàng theo dõi quá trình khám, chữa bệnh, bác sĩ dễ dàng truy cập và quản lý thông tin mọi lúc, mọi nơi.

Ngày 15/5/2024, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An chính thức triển khai Bệnh án điện tử. Đến nay, sau hơn 5 tháng triển khai, Bệnh viện đã giảm bớt được hơn 95% giấy tờ liên quan đến các quy trình khám chữa bệnh.

Với một số loại tờ chưa số hoá được trên phần mềm cũng đã được nhân viên y tế scan và ký điện tử xác nhận, sau đó chuyển lên phần mềm quản lý bệnh viện. Quy trình chuyên môn đã được rút ngắn rất nhiều thời gian, bệnh nhân cũng như bác sĩ có thể truy cập hồ sơ bệnh án ở bất kỳ đâu có internet…

Tăng cường đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số xây dựng bệnh viện thông minh tạo sự tiện ích cho người bệnh. Ảnh Yến Phương
Tăng cường đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số xây dựng bệnh viện thông minh tạo sự tiện ích cho người bệnh. Ảnh: Yến Phương

Chị Trần Thị Minh, ở thành phố Vinh là bệnh nhân đến khám ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, cho biết: Tôi thấy bệnh án điện tử rất hay. Bệnh nhân không cần chờ đợi để trả kết quả tại các phòng làm cận lâm sàng mà kết quả được trả trên website. Các thủ tục thanh toán cũng rất tiện lợi, bệnh nhân được thanh toán trên thẻ ngân hàng.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Vĩnh Hùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An chia sẻ: Bệnh viện Ung bướu Nghệ An là bệnh viện ung bướu đầu tiên trên cả nước triển khai thành công hồ sơ bệnh án điện tử. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý và chuyên môn không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm áp lực về mặt hành chính, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, mà còn tạo nền tảng vững chắc để hướng tới mục tiêu xây dựng bệnh viện thông minh với ba trụ cột: phòng bệnh thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh và quản trị y tế thông minh.

Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã có thêm 6 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử là Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An, Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An, Bệnh viện Mắt Nghệ An, Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng miền Trung. Lũy kế cả tỉnh đã có 11 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử (8 đơn vị công lập và 3 đơn vị ngoài công lập). Từ nay đến năm 2028, Nghệ An sẽ chỉ đạo 38 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong và ngoài công lập còn lại hoàn thành việc thực hiện bệnh án điện tử.

Tiến tới phát triển y tế thông minh

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 586/KH-UBND của UBND tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, ngành Y tế Nghệ An đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số y tế, phát triển y tế thông minh nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ngành y tế đã và đang tích cực triển khai chuyển đổi số mang lại tiện ích cho người bệnh. Ảnh: Thành Chung
Ngành Y tế đã và đang tích cực triển khai chuyển đổi số mang lại tiện ích cho người bệnh. Ảnh: Thành Chung

Theo đó, để xây dựng nền y tế thông minh, ngành Y tế Nghệ An đã chỉ đạo 100% các cơ sở khám chữa bệnh từ tỉnh, huyện, xã triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế; kết nối liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với Cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế. Đến nay, hầu hết các hồ sơ khám bệnh, chữa bệnh đã được đẩy tự động lên Cổng dữ liệu Bộ Y tế và Cổng giám định bảo hiểm y tế theo đúng quy định. Theo báo cáo kết quả giám định trực tuyến hồ sơ gửi đúng ngày trung bình đạt trên 98%.

Cùng với đó, ngành đã chỉ đạo các cơ sở y tế trong và ngoài công lập thực hiện tiếp đón người bệnh bằng thẻ căn cước công dân thay thế thẻ bảo hiểm y tế. Đến nay, toàn tỉnh đã có 529/529 cơ sở y tế trong và ngoài công lập thực hiện tiếp đón người bệnh bằng thẻ căn cước công dân thay thế thẻ bảo hiểm y tế.

Việc thực hiện chuyển đổi số cũng đang được ngành Y tế triển khai mạnh mẽ trong kê đơn thuốc điện tử và kết nối với hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn. Toàn tỉnh đã có 899/941 (95,53%) cơ sở khám, chữa bệnh được Sở Y tế phê duyệt cấp mã liên thông; có 119/899 cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện liên thông gửi đơn thuốc về hệ thống.

Bệnh nhân thực hiện thanh toán chi phí dịch vụ khám, chữa bệnh qua hình thức QR động ở Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh Thành Chung
Bệnh nhân thực hiện thanh toán chi phí dịch vụ khám, chữa bệnh qua hình thức QR động ở Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh: Thành Chung

Ngành Y tế Nghệ An chỉ đạo các đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai khám, chữa bệnh từ xa qua công nghệ kết nối với các chuyên gia đầu ngành và kết nối đào tạo, hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện lớn để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và giảm sự đi lại của bệnh nhân và nhân viên y tế; chỉ đạo các đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin vào đăng ký khám bệnh trực tuyến; triển khai việc cấp phát và sử dụng thẻ khám bệnh thông minh giúp người dân đăng ký lấy số khám bệnh từ xa, giảm sự chờ đợi, giảm ùn tắc chờ đợi cho bệnh nhân; thực hiện tích hợp giải pháp thanh toán không sử dụng tiền mặt vào thẻ khám bệnh thông minh. Đến nay, 76,3% đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai được việc thanh toán viện phí qua ngân hàng.

Trong lĩnh vực dự phòng, ngành Y tế đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại các trung tâm y tế của 21/21 huyện, thành, thị; triển khai phần mềm dùng chung tại 460/460 trạm y tế trên địa bàn toàn tỉnh. Hệ thống Quản lý thông tin y tế cơ sở đã được vận hành khai thác chính thức từ tháng 05/2022, với 23 module giúp cho các cơ sở y tế quản lý 18 sổ sách và các loại báo cáo khác nhau...

Thực hiện Kế hoạch số 368/KH-UBND ngày 06/7/2020 về việc lập hồ sơ, khám, quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn, đến nay, ngành Y tế đã khởi tạo được 3.474.783 hồ sơ trên hệ thống, đạt trên 97%. Trong đó, có 3.124.908 hồ sơ đã có dữ liệu khám chữa bệnh, đạt 89,93%.

Theo dược sĩ Trần Minh Tuệ - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Nghệ An, thì bên cạnh những mặt đạt được, việc xây dựng ngành y tế thông minh ở Nghệ An vẫn gặp không ít khó khăn, hạn chế, bao gồm: Hạ tầng, thiết bị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành còn yếu; Công tác đảm bảo an toàn thông tin trong ngành Y tế còn gặp nhiều khó khăn; Nhân lực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành Y tế còn thiếu; Các phần mềm phục vụ chương trình y tế độc lập, phục vụ quản lý chuyên môn và báo cáo số liệu thực hiện về Bộ Y tế, hiện không kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu; Một số lĩnh vực công tác quan trọng khác của ngành Y tế chưa có các phần mềm chuyên ngành.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang thực hiện lộ trình tự chủ. Tuy nhiên, giá dịch vụ kỹ thuật chưa được kết cấu tính đúng, tính đủ, chưa có chi phí cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin. Điều này đã khiến các cơ sở khám, chữa bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối, đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Sở Y tế Nghệ An đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan, xây dựng dự thảo Đề án phát triển y tế thông minh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, trình UBND tỉnh ban hành, nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; góp phần cải cách hành chính, giảm quá tải bệnh viện; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời, hiệu quả./.

Mới nhất
x
Nghệ An tích cực xây dựng ngành Y tế thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO