Nghệ An tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm

Nguyễn Hải 15/08/2019 07:32

(Baonghean) - Thực hiện lộ trình cổ phần hóa (CPH) theo quy định của Chính phủ, từ năm 2018 đến 2020, Nghệ An sẽ tiến hành CPH, thoái vốn Nhà nước tại 4 doanh nghiệp.

Đến thời điểm này, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An đã thông qua phương án CPH và 3 đơn vị là Công ty TNHH MTV Cà phê - Cao su Nghệ An, Công ty Đầu tư KCN Nam Cấm và Công ty Nhà in báo Nghệ An đang ở giai đoạn đầu tiên lập phương án CPH.

Tiến độ CPH còn chậm

Qua trao đổi, tìm hiểu, cho thấy tiến độ CPH tại Nghệ An thực chất vẫn chậm. Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An là doanh nghiệp mà Nhà nước đang nắm giữ 100%. Theo đánh giá tại phương án CPH, đến 31/12/2017, giá trị thực tế doanh nghiệp này là 78,78 tỷ đồng; mấy năm lại đây, do sản xuất gặp khó khăn, thị phần bị thu hẹp nên yêu cầu CPH được đặt ra cấp thiết.

Theo ông Hoàng Trọng Kỷ - Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Nông nghiệp & PTNT: Do sản xuất ngày càng đi xuống, từ năm 2015, phương án CPH tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An được đặt ra và ban đầu là thoái 100% vốn.

Tuy nhiên, quá trình lập phương án, nhiều vướng mắc liên quan đến đất đai tại các xí nghiệp trực thuộc nên mãi đến đầu tháng 8/2019, phương án CPH doanh nghiệp này mới được UBND tỉnh thông qua; theo đó Nhà nước sẽ thoái vốn và chỉ còn nắm giữ tối thiểu 51% vốn tại doanh nghiệp. Hiện tại, đang chờ BTV Tỉnh ủy có ý kiến mới chính thức chốt phương án và công bố.

Người trồng chè thôn Tân Lập, xã Bồng Khê (Con Cuông) thu hoạch chè. Ảnh: Bá Hậu

Đối với Công ty TNHH MTV Cà phê - Cao su Nghệ An, mặc dù mục tiêu ban đầu là CPH cùng thời điểm với Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An, nhưng do có nhiều vướng mắc liên quan đến tranh chấp khiếu nại về đất đai giữa Công ty và người dân địa phương trong quá trình giao khoán trước đây; bản thân Công ty cũng chưa thực sự tích cực trong quá trình xây dựng hồ sơ nên tiến độ CPH bị chậm lại.

Đến thời điểm này, Sở mới thông qua phương án CPH của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An còn Công ty TNHH MTV Cà phê - Cao su Nghệ An phải bỏ lại.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT

Ngoài 2 đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp &PTNT trên, theo đại diện Sở Tài chính thì năm 2018 và 2019, tỉnh đang tập trung chỉ đạo Công ty đầu tư phát triển KCN Nam Cấm và Công ty Nhà in báo Nghệ An xây dựng phương án CPH.

Tuy nhiên, do khó khăn về định giá và phương án sắp xếp lao động nên 2 đơn vị chưa xây dựng được phương án.

Chuyển đổi sở hữu, sáp nhập, CPH... là xu thế tất yếu trong cơ chế thị trường, các loại hình doanh nghiệp khác ra đời, mô hình quản lý linh hoạt nên đặt các doanh nghiệp nhà nước vốn thiếu linh động trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt. Doanh nghiệp nhà nước nếu không đổi mới, càng để lâu càng làm ăn thua lỗ thì phần vốn Nhà nước sẽ càng giảm.

Dây chuyền sản xuất tại Nhà in báo Nghệ An. Ảnh: Thành Cường
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Nhà in báo Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Gỡ “vướng” phát sinh

Ông Phan Ngọc Châu - Trưởng phòng Tài chính Doanh nghiệp, Sở Tài chính cho biết: Theo lộ trình, từ năm 2018 - 2020, trong số 4 doanh nghiệp CPH thì có 2 đơn vị thuộc lĩnh vực nông nghiệp là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An, Công ty TNHH MTV Cà phê - Cao su Nghệ An do Sở Nông nghiệp và PTNT trình phương án; 2 đơn vị còn lại là Công ty Đầu tư phát triển KCN Nam Cấm và Công ty Nhà in báo Nghệ An do Sở Tài chính tham mưu thì đang chỉ đạo để 2 đơn vị này làm.

Tuy nhiên, quá trình lập phương án mỗi doanh nghiệp CPH đều có những khó khăn riêng về đánh giá tài sản, phương án sắp xếp lại lao động cần kinh phí lớn nên phải làm thận trọng, phù hợp lợi ích các bên, xem xét để từng bước tháo gỡ.

Hạ tầng KCN Nam Cấm được đầu tư cơ bản nhưng hiện Công ty vẫn không được quyền thu tiền thuê đất của doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Hải
Hạ tầng KCN Nam Cấm được đầu tư cơ bản nhưng hiện Công ty vẫn không được quyền thu tiền thuê đất của doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Hải

Sắp tới BTV Tỉnh ủy sẽ cho ý kiến về phương án CPH Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An, đồng thời xin ý kiến về CPH tại Công ty TNHH MTV Cà phê - Cao su Nghệ An. Về cơ bản, phương án CPH sau khi được UBND tỉnh và BTV Tỉnh ủy thông qua sẽ chuyển qua bước tiếp theo là đấu giá tài sản và chọn nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư. Tuy nhiên, với phương án Nhà nước vẫn nắm giữ ít 51% cổ phần chi phối thì cũng rất khó cho nhà đầu tư chiến lược và khó khăn của doanh nghiệp sau CPH có được tháo gỡ.

Ông Hoàng Trọng Kỷ - Phó phòng Tổ chức cán bộ, Sở Nông nghiệp và PTNT

Được biết, so với trước đây, quy định của Nhà nước về CPH, thoái vốn nhà nước ngày càng chặt chẽ hơn. Theo quy định tại Nghị định số 126/2017 của Chính phủ ban hành ngày 16/11/2017, có quy định về việc định giá tài sản.

Công ty CP Phát hành sách Nghệ An thuộc diện CPH thoái vốn nhà nước đang sở hữu khu đất Vàng tại TP Vinh. Ảnh: Nguyễn Hải
Công ty CP Phát hành sách Nghệ An thuộc diện CPH thoái vốn nhà nước đang sở hữu khu đất vàng tại TP Vinh. Ảnh: Nguyễn Hải

Trên cơ sở mục tiêu đã đề ra, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn nhà nước. Hiện nay, CPH các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp nên quá trình sắp xếp, giải quyết liên quan đến đất đai nên chậm hơn.

Tinh thần chỉ đạo của tỉnh là đẩy nhanh tiến độ nhưng làm chặt chẽ để không thất thoát tài sản nhà nước. Quá trình xem xét phương án CPH, ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, kế thừa và xây dựng được phương án đầu tư, liên kết theo chiều sâu, chuỗi sản phẩm để sau CPH, đơn vị hoạt động ổn định và hiệu quả hơn, đảm bảo được việc làm cho đa số người lao động- ông Nguyễn Đình Đức - TP kinh tế UBND tỉnh Nghệ An cho biết.

Mới nhất
x
Nghệ An tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO