Nghệ An tiếp tục dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ về Chỉ số Thương mại điện tử

Sáng 20/4, Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2023 chính thức diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh với chủ đề “Smart- Ecommerce”.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Lê Hoàng Oanh – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhìn nhận, trong những năm qua, thương mại điện tử đã có những bước phát triển đáng khích lệ và được định hướng là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số.

Bà Oanh dẫn số liệu điều tra từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thấy, trong năm 2022, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ B2C Việt Nam tăng 20%, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm khoảng 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.

Bên cạnh đó, số liệu từ báo cáo kinh tế số Internet Đông Nam Á 2023 của Google, Temasek, Bain & Company, tốc độ tăng trưởng doanh thu thương mại điện tử nước ta trong giai đoạn 2022- 2025 được dự báo đạt trên 30%.

Sự kiện đã thu hút hơn 2000 người tham dự cùng 50 chuyên gia và 1.000 doanh nghiệp lớn nhỏ trong cả nước. Ảnh: Văn Long
Sự kiện đã thu hút hơn 2000 người tham dự cùng 50 chuyên gia và 1.000 doanh nghiệp lớn nhỏ trong cả nước. Ảnh: Văn Long

Tuy vậy, trong những tháng đầu năm 2023, thương mại điện tử Việt Nam đang đối diện với những bối cảnh mới đầy khó khăn thách thức khi tăng trưởng kinh tế thế giới, khu vực và trong nước đều chậm lại.

Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh đầu tàu kinh tế của cả nước cũng có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua. Chưa kể, trên thế giới đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ mới như AI, Chat GPT, LiveCommerce, xu hướng thương mại điện tử thông minh…

Những tín hiệu này đã đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ đối với định hướng phát triển của doanh nghiệp và đóng góp của thương mại điện tử đối với nền kinh tế trong thời gian tới.

“Chính vì thế, tại diễn đàn hôm nay, tôi đề nghị các đại biểu chuyên gia tập trung thảo luận các xu hướng mới của thương mại điện tử và mô hình kinh doanh thương mại điện tử thông minh… Các giải pháp phát huy vai trò đầu tàu của TP. Hồ Chí Minh trong việc phát triển thương mại điện tử vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Ngoài ra cần bàn các giải pháp xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật cũng như vấn nạn hàng không đảm bảo chất lượng, lừa đảo khách hàng… ” – bà Oanh nói tại diễn đàn.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Văn Long
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Văn Long

Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam nhấn mạnh những vấn đề bà Oanh đặt ra sẽ được bàn sâu trong diễn đàn. Theo đó, các chuyên gia sẽ tập trung khai thác góc nhìn “thông minh” (smart) trong thương mại điện tử.

Cụ thể là các xu hướng, mô hình kinh doanh và giải pháp cho thương mại điện tử trong thời gian tới, thông qua những chia sẻ của các doanh nghiệp kỳ cựu và có thành tích đáng kể như TikTokShop, SAPO, Haravan, Droppii hay Nielsen Vietnam…

Cũng tại sự kiện này, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cũng đã công bố chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023. Nghệ An tiếp tục dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ (tăng 1 bậc so với năm 2022), đạt 19,6 điểm – xếp thứ 14 trên bảng xếp hạng cả nước.

Nghệ An đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ, xếp thứ 14 cả nước về chỉ số thương mại điện tử. Ảnh: Văn Long
Nghệ An đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ, xếp thứ 14 cả nước về chỉ số thương mại điện tử. Ảnh: Văn Long

Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam được tổng hợp từ ba chỉ số thành phần: Nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin; giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng và giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Theo báo cáo, điểm trung bình của chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm nay là 19,24 điểm (không thay đổi nhiều so với 20,37 điểm của năm 2022). Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam khẳng định, sự thay đổi phương pháp tính toán và xếp hạng về chỉ số thương mại điện tử Việt Nam từ năm 2020 nhằm phản ánh chân thực hơn hiện trạng cũng như tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử giữa các địa phương. Ngoài ra, các chỉ số thành phần được bổ sung từ nhiều nguồn số liệu uy tín có tính chất định lượng và chính xác.

Cán bộ bưu chính hướng dẫn người dân cách đưa sản phẩm OCOP lên các gian hàng thương mại điện tử. Ảnh: Thanh Phúc
Cán bộ bưu chính hướng dẫn người dân cách đưa sản phẩm OCOP lên các gian hàng thương mại điện tử. Ảnh: Thanh Phúc

Tuy vậy, theo đánh giá của Sở Công Thương, một bộ phận doanh nghiệp, người dân khả năng khai thác, sử dụng Internet còn chưa cao nên đây là một trong những khó khăn, trở ngại nhất khi triển khai các ứng dụng thương mại điện tử cũng như các dịch vụ công trực tuyến. Chưa có nhiều doanh nghiệp và sản phẩm của Nghệ An được quảng bá, tiêu thụ trên các sàn giao dịch lớn, uy tín trong nước và quốc tế do tiêu chuẩn tham gia và hàng rào kỹ thuật của các sàn này khá cao.

Tuy sản phẩm hàng hoá của địa phương đa dạng, phong phú nhưng sản lượng, mẫu mã bao bì, nhãn mác so với các sản phẩm cùng loại ở địa phương khác, cũng như các quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm… còn hạn chế. Các sản phẩm OCOP, nông sản, hải sản tươi sống… của người dân có hạn sử dụng ngắn thường không được lên sàn. Mặt khác, các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã nông nghiệp chưa có cán bộ kỹ thuật để trực sàn, tương tác với người mua khi có sự hỏi đáp hoặc lên đơn… cũng là thách thức lớn.

Nhiều sản phẩm của Nghệ An đã được đưa lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Việt Phương
Nhiều sản phẩm của Nghệ An đã được đưa lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Việt Phương

Thanh toán không dùng tiền mặt bước đầu phổ biến nhưng chủ yếu tập trung ở khu vực thành phố, trung tâm các huyện. Tình trạng thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái phép thông tin cá nhân vẫn còn tiếp diễn, nạn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo vẫn còn diễn ra phổ biến.

Ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Công tác quản lý nhà nước còn những bất cập: Việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, giá cả hàng hoá mua bán qua các hình thức thương mại điện tử, nhất là quản lý thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh qua mạng còn gặp nhiều khó khăn. Đa cấp biến tướng núp bóng thương mại điện tử – tiền ảo bằng nhiều thủ đoạn và chiêu thức đã thâm nhập đến khắp mọi miền quê… ngày càng tinh vi, gây thiệt hại không nhỏ cho nhiều tổ chức, cá nhân nhẹ dạ cả tin đầu tư…

Gian hàng các sản phẩm tỉnh Nghệ An tại Hội nghị Kết nối cung - cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành năm 2022. Ảnh: PV
Gian hàng các sản phẩm tỉnh Nghệ An tại Hội nghị Kết nối cung - cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành năm 2022. Ảnh: PV

Doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt triển khai thương mại điện tử, nhà nước đóng vai trò quản lý, thiết lập hạ tầng và tạo môi trường phát triển. Thời gian tới, để đạt mục tiêu phát triển thương mại điện tử Nghệ An giai đoạn 2021-2025, ngoài sự vào cuộc hỗ trợ của cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cần phải chủ động hơn. Doanh nghiệp cần chủ động các khâu từ nghiên cứu sản phẩm, xây dựng kế hoạch kinh doanh, thủ tục pháp lý, logistic, marketing… và xa hơn là tối ưu doanh số trên sàn thương mại điện tử quốc tế.