Nghệ An tìm phương án dạy học trực tuyến thích hợp cho năm học mới
(Baonghean.vn) - Dạy học trực tuyến là phương án đã được ngành Giáo dục Nghệ An tính đến trong năm học sắp tới trong thời điểm dịch bệnh ở Nghệ An đang diễn biến phức tạp và nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Các trường “khởi động” dạy học trực tuyến
Ngày 19/8, thời điểm năm học mới đang còn hơn 2 tuần nữa mới bắt đầu, Trường THPT Nam Đàn 1 đã thông báo phương án dạy học trực tuyến đến hơn 1.000 học sinh của 36 lớp trong toàn nhà trường. Đồng thời với đó, nhà trường cũng đã cấp tài khoản, mật khẩu cho các giáo viên chủ nhiệm và một thành viên tin cậy của lớp để làm người quản lý phòng học. Ngay sau khi có mật khẩu các lớp cũng đã bắt đầu làm quen, “khởi động” cho việc dạy học qua Zoom để khi bước vào năm học mới, học sinh không còn bỡ ngỡ, đặc biệt là với học sinh lớp 10 đầu cấp.
Giáo viên Trường THPT Nam Đàn 1 đang cùng với các tổ chuyển môn bàn về phương án dạy học trực tuyến. Ảnh: MH |
Việc dạy học trực tiếp là việc làm bất khả kháng hiện nay, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện Nam Đàn và nhiều địa phương khác đang diễn biến phức tạp và việc tập trung đông người sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Về phía nhà trường, cô giáo Trịnh Thị Diệu Thúy - Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết: Từ năm học trước, chúng tôi cũng đã dạy trực tuyến trong một số thời điểm nhưng chủ yếu là giai đoạn cuối năm học. Riêng năm nay, việc dạy trực tuyến sẽ phải tổ chức sớm hơn nên sẽ có những khó khăn.
Theo kế hoạch từ ngày 23/8, các tổ chuyên môn sẽ bắt đầu tập huấn và nhà trường cũng sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến bàn về công tác chuyên môn đầu năm. Trong quá trình triển khai chúng tôi cũng yêu cầu các giáo viên phải tích cực ứng dụng CNTT vào quá trình dạy học, sử dụng thành thạo các ứng dụng, phần mềm dạy học tiện ích và biết khai thác các tài nguyên trên mạng. Dự kiến việc dạy học trực tuyến sẽ áp dụng cho tất cả học sinh và tiến hành dạy tất cả các môn học và thời khóa biểu sẽ được điều chỉnh để phù hợp với hình thức dạy trực tuyến. Ví dụ, trong một buổi sẽ dạy 2 tiết liền cho mỗi môn có từ 2 tiết/tuần trở lên. Những môn chỉ có 1 tiết/tuần thì sẽ 2 tuần dạy 1 lần cho cả 2 tiết.
Buổi sinh hoạt trực tuyến giữa Phòng Giáo dục Tiểu học và các huyện, thành, thị. Ảnh: MH |
Trong những ngày qua, mặc dù Trường Tiểu học Quỳnh Lâm B (huyện Quỳnh Lưu) vẫn đang được sử dụng để làm khu cách ly tập trung nhưng nhà trường vẫn triển khai tập huấn, sinh hoạt chuyên môn bằng hình thức trực tuyến. Trong đó, ngoài tổ chức cho giáo viên dạy thể nghiệm SGK lớp 2 mới thì nhà trường cũng đã lên phương án dạy học trực tuyến đề phòng trường hợp không kịp khai giảng, triển khai năm học được như các năm trước. Qua trao đổi thầy giáo, Trần Nam Thanh - Hiệu trưởng nhà trường cũng chia sẻ: Việc tổ chức dạy học online với học sinh tiểu học sẽ còn nhiều khó khăn và chắc chắn hiệu quả sẽ không đạt được như dạy học trực tiếp. Tuy vậy, nhà trường vẫn động viên giáo viên và học sinh vượt qua khó khăn để có thể đảm bảo thực hiện đúng chương trình và giữ thói quen học tập cho học sinh.
Sẽ triển khai dạy học trực tuyến trên diện rộng
Chỉ còn một thời gian rất ngắn nữa các trường học trên toàn tỉnh sẽ chính thức tựu trường, bước vào năm học mới 2021 - 2022. Mặc dù vậy, đến thời điểm này, triển khai phương án dạy học như thế nào vẫn đang là vấn đề phải cân nhắc và việc dạy học trực tuyến đang là phương án được ưu tiên lựa chọn trong bối cảnh toàn tỉnh Nghệ An đang phải thực hiện giãn cách xã hội. Trong khi đó, nếu các trường học tập trung đông người thì sẽ dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Trước đó, tại cuộc họp tổng kết năm học, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng đã nói đến phương án dạy học trực tuyến trong năm học tới nếu trường hợp tỉnh vẫn đang còn phải thực hiện Chỉ thị 16. Về phía các phòng chuyên môn, hiện cũng đang xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến cho năm học.
Các giáo viên trong toàn tỉnh tập huấn về dạy học trực tuyến. Ảnh: MH |
Nói về điều này, ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Giáo dục trung học - Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Việc dạy học trực tuyến từ đầu năm học sẽ khó khăn hơn với thời điểm cuối năm vì học sinh phải học bài mới nhiều. Chính vì thế, từ nay đến cuối năm học chúng tôi đã yêu cầu các tổ chuyên môn cốt cán, rà soát chương trình để có hướng dẫn cụ thể cho từng môn học và cân nhắc để dạy nội dung nào cho phù hợp. Có thể sẽ có những tiết học dạy học trực tuyến nhưng cũng sẽ có thể có những tiết học phải dạy sau khi các em đi học tập trung để không ảnh hưởng đến chương trình và việc tiếp thu bài của học sinh.
Trong sáng nay (24/8), Phòng Giáo dục tiểu học - Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến để triển khai năm học mới và tập huấn sử dụng phòng học, dạy học trực tuyến. Tại các điểm cầu ở cơ sở, nhiều nhà trường cũng đã tổ chức để các giáo viên nắm bắt được kế hoạch và bàn phương án triển khai.
Qua trao đổi, bà Võ Tuyết Chinh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương chia sẻ: Với địa bàn đặc thù như chúng tôi thì việc dạy học trực tuyến cho toàn bộ học sinh là điều hết sức khó khăn, vì nhiều học sinh không có đủ trang thiết bị dạy học. Tuy vậy, tôi tin rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng sẽ nỗ lực để học sinh không bị thiệt thòi... Trước đó, trong năm học trước, trong điều kiện dịch bệnh bùng phát, học sinh không thể đến trường, giáo viên huyện Tương Dương đã đến từng nhà để giao bài và chữa bài cho học sinh hoặc có những sáng tạo linh hoạt để phù hợp với điều kiện của địa phương.
Giáo viên Trường Tiểu học Yên Tĩnh - Tương Dương tập huấn về sử dụng phòng học trực tuyến. Ảnh: MH. |
Trong thời điểm hiện nay, ông Nguyễn Hồng Hoa - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chia sẻ: Việc dạy học trực tuyến với tiểu học, đặc biệt là khối lớp 1 và lớp 2 rất khó khăn. Hiện tại, chúng tôi đang yêu cầu các nhà trường rà soát điều kiện học trực tuyến của phụ huynh học sinh để có phương án thích hợp. Về phía ngành sẽ tiếp tục tìm hiểu các ứng dụng nên tảng trực tuyến để các nhà trường có thể lựa chọn hình thức phù hợp. Bên cạnh đó, giáo viên phải tiếp tục được tập huấn các ứng dụng để sử dụng linh hoạt và có thể hướng dẫn phụ huynh. Phòng cũng sẽ xây dựng chương trình học để phù hợp với chương trình dạy học trực tuyến.
Trong diễn biến dịch Covid-19 tại Nghệ An hiện đang lan rộng, phức tạp, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, khó khăn nhất là học sinh lớp 1 - 2, độ tuổi còn nhỏ, chưa có ý thức và khả năng tự học, trong khi đó lại thực hiện Chương trình sách giáo khoa mới.
Vĩ vậy, ngành đã có kế hoạch đặt hàng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh làm các video bài học trực tuyến và tư vấn hỗ trợ cho trẻ để gửi cho các huyện, thị triển khai tùy theo điều kiện thực tế.