Nghệ An: Tín dụng các ngân hàng tăng trưởng mạnh

Thu Huyền 24/06/2022 06:14

(Baonghean.vn) - Từ đầu năm đến hết tháng 6/2022,  tín dụng trên địa bàn Nghệ An tăng trưởng 11,1%. Nếu so với mức tăng 3,4% của cùng kỳ năm 2021 thì con số trên là tín hiệu khả quan, chứng tỏ nền kinh tế đang phục hồi tích cực. Để vốn tín dụng tiếp tục đóng góp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, nhiều ngân hàng đề nghị xem xét nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hiện đang còn những bất cập...

Tín dụng tăng trưởng mạnh

Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, đến thời điểm 30/6/2022, nguồn vốn huy động ước đạt 192.566 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 17.100 tỷ đồng, bằng 9,7%. Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng và Chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 266.479 tỷ đồng, so với đầu năm tăng gần 24.000 tỷ đồng, bằng 9,8%. Nếu không tính Ngân hàng Phát triển, dư nợ ước đạt hơn 254.000 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 25.519 tỷ đồng, bằng 11,1%, cao hơn mức cùng kỳ năm 2021 (3,4%).

Trong đó: Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và địa bàn nông thôn toàn địa bàn là 118.121 tỷ đồng, chiếm 44% dư nợ toàn địa bàn; Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30 đạt 20.295 tỷ đồng, chiếm 8%; Dư nợ cho vay xuất khẩu là 2.700 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 2,6%. Dư nợ cho vay theo Nghị định 67 còn 210 tỷ đồng; dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị định 02 còn 170 tỷ đồng. Dư nợ cho vay chương trình chính sách qua Ngân hàng Chính sách xã hội là 10.420 tỷ đồng, chiếm 4% dư nợ toàn địa bàn.

Nguồn vốn ngân hàng đang tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch, phát triển sản xuất kinh doanh. Ảnh: Thu Huyền

Các tổ chức tín dụng, Chi nhánh tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước quy định về lãi suất. Mặt bằng lãi suất huy động bằng VND dao động nhẹ, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,2%/năm; mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4%; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,5%/năm.

Mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39 là 4,5%/năm; Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô là 5,5%/năm. Đối với các lĩnh vực khác, đến thời điểm hiện tại mức lãi suất phổ biến được các ngân hàng áp dụng đối với cho vay ngắn hạn từ 6% đến 9%, cho vay trung, dài hạn từ 9% đến 10,8%.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, việc tín dụng tăng trưởng mạnh đã hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Và ngược lại, sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế làm tăng nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của hộ gia đình. Hiện nay, các ngân hàng đang tập trung cho vay hỗ trợ lãi suất 2% (Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 03/2022/TT- Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Nghị định 31) từ nguồn ngân sách nhà nước cho các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm những ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch như vận tải, hàng không, dịch vụ lưu trú, du lịch... với tổng quy mô 40.000 tỷ đồng và có hiệu lực đến cuối năm 2023.

Ngoài ra, ngành Ngân hàng cũng đang triển khai thực hiện Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng; Đẩy mạnh thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn; bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động công nghệ thông tin, thanh toán điện tử, thanh toán thẻ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng, thúc đẩy phát triển ngân hàng số, thanh toán số, thanh toán qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại các điểm bán và áp dụng công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như QR code, thanh toán di động.

Tiếp tục nâng chất lượng tín dụng, hỗ trợ phục hồi kinh tế

Theo ông Cao Song Điệp - Trưởng phòng Tổng hợp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, hiện nay, giá cả, xăng dầu trong nước, quốc tế có chiều hướng tăng, xung đột tại một số quốc gia và tình hình lạm phát ở mức cao của một số nước đã tác động trực tiếp điều hành chính sách tiền tệ. Mặc dù chịu áp lực từ xu hướng nới lỏng tiền tệ, tăng lãi suất trên toàn cầu nhưng trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, nhằm tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường giám sát tốc độ tăng trưởng dư nợ, nhất là các lĩnh vực rủi ro cao. Ảnh: Thu Huyền

Tăng trưởng tín dụng cao hơn so với dự kiến và cao hơn so với cùng kỳ năm trước phản ánh sự phục hồi tích cực của nền kinh tế, các biện pháp phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của Chính phủ đang phát huy hiệu quả, và cả sự nỗ lực cố gắng của doanh nghiệp, hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, một số ngân hàng cho biết đã đạt chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng và đang đề nghị nới “room” tín dụng, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động cho vay.

Lãnh đạo Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Nghệ An cho biết: Hiện nay tín dụng tăng trưởng khá, đạt mức 15-17% trong năm nay. Cùng với thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng, chúng tôi chú trọng kiểm soát chất lượng tín dụng; ưu tiên tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Năm nay nhu cầu vốn của nền kinh tế rất cao, các lĩnh vực chịu ảnh hưởng bắt đầu giai đoạn phục hồi. Dư địa để các nhà băng có thể cho vay không còn nhiều, vì thế, chúng tôi mong muốn được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Việc nới "room" tín dụng giúp tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, nhất là các gói hỗ trợ đang triển khai. Ảnh: Thu Huyền

Xung quanh vấn đề cấp hạn mức tín dụng - cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiều năm qua, nhiều ngân hàng cho rằng cơ chế này mang dáng dấp quản lý theo kiểu bao cấp "xin - cho", không còn phù hợp bối cảnh hiện nay và mong muốn được bỏ cấp "room" tín dụng đối với ngân hàng. "Chính phủ cần nghiên cứu hạn chế, tiến tới xóa bỏ điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng" - đại diện một ngân hàng cho biết.

Được biết, mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chất vấn kỳ họp thứ 3, trong đó, đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, yêu cầu Chính phủ nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng. Thay vào đó, Chính phủ xây dựng tiêu chí, phương thức xác định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng ngân hàng. Việc này nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp với tiêu chuẩn Hệ số an toàn vốn (tính theo Basel II) và các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng. Tăng cường giải pháp giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, nhất là đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời, bảo đảm cung ứng vốn để thị trường chứng khoán, bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Mới nhất

x
Nghệ An: Tín dụng các ngân hàng tăng trưởng mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO