Nghệ An: Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đáng báo động
(Baonghean.vn) - Đây là vấn đề được cảnh báo tại buổi tọa đàm Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới.
Sáng 7/3, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tổ chức buổi tọa đàm "Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới".
Tọa đàm có sự tham gia của các đại diện từ Bộ Y tế, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các cơ quan Trung ương, các tổ chức xã hội và các đơn vị nghiên cứu. Hội nghị được diễn ra theo hình thức trực tuyến kết nối với Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Vũng Tàu, Bến Tre và Nghệ An. Trong ảnh: Ông Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ chủ trì tại đầu cầu Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà |
Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang diễn ra một cách trầm trọng tại Việt Nam. Phát biểu khai mạc, ông Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Dân số - KHHGĐ - Bộ Y tế cũng cho biết: Từ năm 1980 vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đã xảy ra tại một số Quốc gia ở châu Á. Tại Việt Nam, vấn đề mất cân bằng giới tinh khi sinh xảy ra từ những năm đầu của thế kỷ 21.
Các số liệu thống kê cho thấy, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra muộn nhưng tốc độ gia tăng nhanh hơn so với các nước châu Á và có những đặc điểm riêng khiến cho tỷ số giới tính khi sinh luôn ở mức cao, diễn biến khá phức tạp. Riêng từ năm 2006 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh luôn ở mức trên 111 bé trai/100 bé gái và có sự tăng giảm không ổn định và đến năm 2021, tỷ số này đang ở mức 111,8 bé trai/bé gái.
Số bé trai nhiều hơn bé gái sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong tương lai. Ảnh: Mỹ Hà |
Đáng lo ngại, mất cân bằng giới tính xảy ra ở cả thành thị và nông thôn, ngay từ lần sinh thứ nhất, cao từ lần sinh thứ 3 trở lên và cao hơn ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao, tình hình kinh tế khá giả. Nguyên nhân sâu xa là vấn đề bất bình đằng giới trọng nam khinh nữ.
Từ thực tế trên, lãnh đạo Tổng cục Dân số - KHHGĐ cũng bày tỏ lo ngại bởi nếu vấn đề mất cần bằng giới tính khi sinh kéo dài, không kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, xã hội, thậm chí an ninh chính trị. Dự báo nếu tỷ số giới tính khi sinh vẫn duy trì như ở thời điểm hiện tại không được kiểm soát thì dự báo Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu đàn ông vào năm 2034 và tăng lên 2,5 triệu đàn ông vào năm 2059.
Để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, thời gian qua Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện chính sách pháp luật về bình đẳng giới và khoảng trống về mất cân bằng giới tính khi sinh.
Chính phủ Việt Nam cũng có các giải pháp can thiệp, trong đó từ năm 2016 Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025 với mục tiêu khống chế có hiệu quả mức độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh để tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên.
Tại buổi tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà quản lý trong nước và quốc tế, các đại biểu đã chia sẻ, thảo luận để đưa ra các sáng kiến nhằm tăng cường các hành động để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam.
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Mỹ Hà |
Bên cạnh đó, một số tham luận cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về giải quyết tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh và chấm dứt tâm lý ưa thích con trai; thúc đẩy sự tham gia của nam giới trong chương trình Làm cha trách nhiệm nhằm chất dứt tình trạng ưa thích con trai…
Theo báo cáo của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, đến cuối tháng 12/2021, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Nghệ An đáng báo động với tỷ lệ 116.78 bé trai/100 bé gái.
Trong năm 2021, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Kế hoạch số 525/KH - UBND về thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, mục tiêu chính nhằm tăng cường các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật, truyền thông, vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ... Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.
Đồng thời, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc thực thi các quy định của pháp luật về nghiêm cấm việc cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi.