Nghệ An tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp du lịch
Hội nghị là diễn đàn để lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và đưa ra các giải pháp phát triển du lịch trong thời gian tới.
Chiều 28/3, tại thành phố Vinh, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nghệ An tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.

Năm 2024, du lịch Nghệ An đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỉnh đã đón 9,45 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt 5,93 triệu lượt, khách quốc tế đạt 120.500 lượt. Tổng thu từ du lịch đạt 28.569 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ du lịch đạt 11.160 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngành Du lịch Nghệ An vẫn đối mặt với nhiều thách thức như thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng, tỷ lệ khách quốc tế thấp, nhân lực yếu, thiếu các nhà đầu tư lớn và chính sách hỗ trợ phát triển du lịch chưa đủ mạnh.
Tại hội nghị, phần lớn ý kiến của các doanh nghiệp cho rằng du lịch Nghệ An vẫn chưa có điểm nhấn đặc sắc, các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa tạo được sự khác biệt so với các địa phương khác. Một số ý kiến đề xuất cần tập trung đầu tư vào các khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và khai thác tốt hơn các giá trị văn hóa bản địa.

Vấn đề hạ tầng du lịch cũng nhận được sự quan tâm lớn. Các doanh nghiệp phản ánh về tình trạng giao thông chưa thuận tiện ở nhiều khu, điểm du lịch, thiếu hệ thống bến bãi phục vụ du lịch đường thủy, cũng như cần có thêm các khu vui chơi giải trí quy mô lớn để kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

Nhân lực du lịch cũng là một thách thức khi nguồn lao động hiện tại chưa đáp ứng đủ cả về số lượng và chất lượng. Nhiều ý kiến cho rằng cần có chương trình đào tạo chuyên sâu hơn, đặc biệt là đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và nhân sự làm dịch vụ cao cấp. Đồng thời, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng, đào tạo nhân lực cũng cần được cải thiện.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh du lịch. Một số đề xuất bao gồm đơn giản hóa thủ tục cấp phép lữ hành, cải thiện chính sách thuế và đất đai cho các doanh nghiệp du lịch, cũng như tăng cường các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Nghệ An trên các nền tảng số và thị trường quốc tế.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch ghi nhận những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn của các doanh nghiệp về thuận lợi, khó khăn, thách thức của ngành Du lịch Nghệ An, đồng thời cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tham mưu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho từng lĩnh vực, trong đó chú trọng một số vấn đề như hỗ trợ thủ tục đưa khách quốc tế địa bàn, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong xúc tiến, quảng bá, đào tạo nhân lực…

Đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh cũng đề nghị Hiệp hội Du lịch cần phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý, vận động hội viên tham gia các hoạt động chung, phối hợp xây dựng sản phẩm du lịch mới như du thuyền trên sông Lam hay du lịch trải nghiệm tại miền Tây Nghệ An. Các doanh nghiệp lưu trú, lữ hành, dịch vụ du lịch cần hợp tác chặt chẽ, có chính sách ưu đãi giá dịch vụ cho doanh nghiệp lữ hành, tham gia sự kiện, lớp bồi dưỡng, hỗ trợ đón các đoàn famtrip, presstrip. Các cơ sở lưu trú cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh, phòng cháy, chữa cháy.
Lãnh đạo Sở cam kết tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, với quyết tâm hướng tới mục tiêu năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.