Bài viết “Dự án “khoanh nuôi đất” đội lốt trung tâm dạy nghề chất lượng cao” có nội dung về các vấn đề tồn tại xung quanh dự án Trung tâm dạy nghề Việt Nhất chất lượng cao ở phường Quán Bàu, thành phố Vinh (đăng tải trên các ấn phẩm của Báo Nghệ An ngày 8/8/2023). Chỉ một ngày sau (9/8), Phòng LĐ-TB&XH thành phố Vinh có Văn bản số 465/LĐTBXH về việc “báo cáo công tác đào tạo nghề của Trung tâm dạy nghề Việt Nhất chất lượng cao” gửi UBND phường Quán Bàu. Tại đây Phòng LĐ-TB&XH thành phố Vinh đề nghị UBND phường Quán Bàu báo cáo công tác đào tạo nghề của Trung tâm dạy nghề Việt Nhất chất lượng cao, gồm các nội dung cụ thể:
– Các ngành nghề đào tạo.
– Số lượng học viên tham gia học nghề tại trường hàng năm.
– Nếu trường tạm dừng việc đào tạo nghề thì tạm dừng từ năm nào.
Đề nghị UBND phường Quán Bàu báo cáo cụ thể các nội dung nêu trên về Phòng LĐTB&XH trước ngày 15/8/2023”.
Thực hiện đề nghị của Phòng LĐ-TB&XH thành phố Vinh, UBND phường Quán Bàu đã “gõ cửa” Trung tâm dạy nghề Việt Nhất chất lượng cao nhưng kết quả thu được là con số không tròn trĩnh. Vì vậy, vào ngày 14/8/2023, đã có Văn bản số 360/BC-UBND gửi Phòng LĐ-TB&XH thành phố Vinh. Tại đây UBND phường Quán Bàu báo cáo, đã kiểm tra tại trụ sở Trung tâm dạy nghề Việt Nhất chất lượng cao đứng chân nhưng trung tâm này khóa cửa, không có dấu hiệu hoạt động. Hiện nay, bảng hiệu gắn tại cổng chỉ có thông tin của Công ty TNHH Đông Khăm Phou, với số điện thoại liên lạc 0972711063. Nhưng khi UBND phường Quán Bàu liên hệ thì số liên lạc này do người khác dùng, và không thuộc công ty nói trên.
UBND phường Quán Bàu cũng khẳng định tại Văn bản số 360/BC-UBND từ khi thành lập tới nay, Trung tâm dạy nghề Việt Nhất chất lượng cao chưa có một báo cáo nào gửi UBND phường Quán Bàu. “UBND phường Quán Bàu hiện không liên hệ làm việc được với Trung tâm dạy nghề Việt Nhất chất lượng cao và Công ty TNHH Đông Khăm Phou thuê lại đất nêu trên” – UBND phường Quán Bàu báo cáo Phòng LĐ-TB&XH thành phố Vinh tại Văn bản số 360/BC-UBND.
Về phía Sở LĐ-TB&XH, vào ngày 15/8 có 2 văn bản gửi UBND thành phố Vinh và Trung tâm dạy nghề Việt Nhất chất lượng cao. Với UBND thành phố Vinh, Sở LĐTB&XH nhắc đến việc những năm gần đây đã ra các văn bản đề nghị rà soát, công khai các điều kiện đảm bảo hoạt động giáo dục nghề nghiệp; việc đăng ký, tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Khẳng định, những văn bản này đều được Sở gửi đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có tham gia đăng ký giáo dục nghề nghiệp, đồng thời gửi cho các huyện, thành, thị để phối hợp chỉ đạo, thực hiện. Tuy nhiên, cho đến nay Sở LĐ-TB&XH chưa nhận được báo cáo của Trung tâm dạy nghề Việt Nhất chất lượng cao. “Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Đề nghị UBND thành phố Vinh kiểm tra việc tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp, chấp hành pháp luật của Trung tâm dạy nghề Việt Nhất chất lượng cao” – ý kiến của Sở LĐ-TB&XH gửi đến UBND thành phố Vinh tại Văn bản số 3467/LĐTBXH-GDNN ngày 15/8/2023.
Với Trung tâm dạy nghề Việt Nhất chất lượng cao, Sở LĐ-TB&XH nhấn mạnh tại Văn bản số 3466/SLĐTBXH-GDNN ngày 15/8/2023 là từ năm 2019 đến nay Trung tâm này đã không thực hiện báo cáo theo quy định công tác tuyển sinh, đào tạo định kỳ, đột xuất; rà soát các điều kiện đảm bảo công tác giáo dục nghề nghiệp… “Để thực hiện nghiêm việc chấp hành pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, đề nghị Giám đốc Trung tâm dạy nghề Việt Nhất chất lượng cao thực hiện nghiêm túc, kịp thời nội dung trên gửi về Sở LĐTB&XH và UBND thành phố Vinh (qua Phòng LĐ-TB&XH) trước ngày 20/8/2023” – Sở LĐ-TB&XH yêu cầu.
Ngày 21/8, liên hệ Phòng LĐ-TB&XH thành phố Vinh đề nghị cho biết Trung tâm dạy nghề Việt Nhất chất lượng cao đã có báo cáo gửi đến Phòng như Sở LĐ-TB&XH yêu cầu tại Văn bản số 3466/SLĐTBXH-GDNN ngày 15/8/2023 hay chưa? Theo Trưởng phòng Thái Thanh Hà, đến nay Phòng LĐ-TB&XH thành phố mới chỉ nhận được hai văn bản của Sở LĐ-TB&XH phát hành ngày 15/8/2023; chưa nhận được văn bản hồi đáp của Trung tâm dạy nghề Việt Nhất chất lượng cao. Ông Hà cũng cho biết đã giao cán bộ phụ trách lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp phối hợp với UBND phường Quán Bàu tổ chức kiểm tra Trung tâm dạy nghề Việt Nhất chất lượng cao; mặt khác, đề nghị Văn phòng UBND thành phố cho sao lục hồ sơ liên quan để nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo thành phố phương án xử lý và báo cáo gửi Sở LĐ-TB&XH.
Cũng trong ngày 21/8 liên hệ đến Phòng Giáo dục nghề nghiệp – Sở LĐTB&XH, theo cán bộ chuyên trách thì Sở chưa nhận được báo cáo của Trung tâm dạy nghề Việt Nhất chất lượng cao. “Chúng tôi đang tập hợp hồ sơ để xem xét xử lý vấn đề giấy chứng nhận hoạt động dạy nghề của Trung tâm này. Vì đây là đơn vị do UBND thành phố Vinh thành lập nên Sở cũng sẽ phối hợp để xem xét phương án xử lý theo quy định pháp luật…” – cán bộ Phòng Giáo dục nghề nghiệp – Sở LĐ-TB&XH trao đổi.
Theo tài liệu PV Báo Nghệ An tập hợp được cho thấy Trung tâm dạy nghề Việt Nhất chất lượng cao được thành lập ngày 12/12/2003 theo Quyết định số 3020/QĐ-UB của UBND thành phố Vinh. Thời điểm này, dù đã gắn với tên gọi “dạy nghề Việt Nhất chất lượng cao” nhưng trung tâm này đơn thuần dạy nghề ngắn hạn với 4 ngành nghề sửa chữa xe gắn máy; hàn điện, hàn hơi; sửa chữa điện tử; làm nấm các loại.
Từ tháng 12/2007, Trung tâm này được UBND tỉnh cho thuê 2.887m2 đất tại phường Quán Bàu, thành phố Vinh theo Quyết định số 599/QĐ-UBND.ĐC để thực hiện dự án Trung tâm dạy nghề Việt Nhất chất lượng cao. Cùng với việc cho thuê đất, UBND tỉnh yêu cầu phải thực hiện nghĩa vụ: “Sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày nhận bàn giao đất tại thực địa, nếu Trung tâm dạy nghề Việt Nhất chất lượng cao không đưa được đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì UBND tỉnh sẽ thu hồi đất theo quy định của pháp luật”. Đến ngày 19/12/2007, Trung tâm này được giao đất tại hiện trường; đồng nghĩa, đến ngày 19/12/2009 thì phải hoàn thành dự án và tổ chức hoạt động dạy nghề như tên gọi “chất lượng cao”. Vậy nhưng, phải đến tháng 11/2011 Trung tâm dạy nghề Việt Nhất chất lượng cao mới được Sở LĐ-TB&XH cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề số 66/GCNĐKDN với 5 nghề đào tạo là: sửa chữa xe máy, sửa chữa điện tử, gò hàn, lái máy công trình, điện dân dụng; trình độ đào tạo sơ cấp; quy mô tuyển sinh 750 người/năm.
Vào năm 2015, Trung tâm dạy nghề Việt Nhất chất lượng cao có báo cáo công tác tuyển sinh dạy nghề giai đoạn 2011 – 2014 lên Sở LĐ-TB&XH. Tại đây thể hiện giai đoạn này số lượng tuyển sinh của Trung tâm dao động chỉ từ 60 – 70 học viên/năm. Cụ thể, năm 2012 mở 2 lớp dạy nghề sửa chữa xe máy với 60 học viên; năm 2013 mở 2 lớp điện dân dụng, sửa chữa điện tử với 58 học viên; năm 2014 mở 2 lớp gò hàn, vận hành máy công trình với 70 học viên. Theo một cán bộ Phòng Giáo dục nghề nghiệp – Sở LĐTB&XH thì đây là báo cáo một chiều, chưa được thẩm định, nên không thể đánh giá chính xác về số lượng học viên cũng như chất lượng đào tạo nghề.
Tuy nhiên, với những số liệu về công tác tuyển sinh và mở lớp dạy nghề theo từng năm đã phần nào chứng minh ngay từ khi mới được Sở LĐTB&XH cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề, ở Trung tâm này đã thiếu tính ổn định, nhất là về đội ngũ giáo viên đào tạo nghề!