Nghệ được mùa, được giá, nông dân phấn khởi
Hiện nay, tại các vùng trồng nghệ trọng điểm trong tỉnh, nông dân đang tất bật thu hoạch. Nghệ được mùa, thu hoạch đến đâu bán hết đến đó với giá tốt nên người trồng rất phấn khởi.

Cây nghệ gắn liền với đời sống người dân xã Quỳnh Vinh hàng chục năm nay. Từ góc vườn trước đây bị bỏ trống, những thửa ruộng khô hạn không thể cấy lúa nay đã được phủ xanh bằng cây nghệ. Hầu như nông dân Quỳnh Vinh hộ nào cũng trồng nghệ. Nhà ít thì vài khóm quanh vườn, nhiều thì vài ba sào, có khi đến cả mẫu, có những gia đình đã vươn lên làm giàu từ chế biến tinh bột nghệ.
Ông Lý Xuân Thuyết là một trong những người tiên phong trong mô hình trồng nghệ ở Quỳnh Vinh. Ông Thuyết cho biết: "Gia đình tôi trồng nghệ nhiều năm nay. Ban đầu, trong xã chỉ lác đác dăm hộ trồng nghệ để bán nghệ tươi gia vị ra thị trường. Sau đó, thấy cây nghệ vàng (nghệ nếp) hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên gia đình chuyển đổi phần lớn diện tích đất đồi, vườn trước trồng các loại cây như sắn, ngô… cho hiệu quả thấp sang trồng nghệ”.
.jpg)
Thấy lợi ích kinh tế cây nghệ mang lại cao, các hộ dân ở Quỳnh Vinh từng bước mở rộng diện tích, quy hoạch thành vùng trồng tập trung. Theo thống kê, hiện toàn xã Quỳnh Vinh có khoảng 350 hộ trồng nghệ, với diện tích khoảng 60 ha.
“Cây nghệ là loại dễ trồng, phù hợp với đất vùng núi, thích hợp với khí hậu khô hạn. Nông dân trồng nghệ từ đầu năm này thì sang đầu năm sau cho thu hoạch. Giai đoạn đầu khi cây nghệ chưa phát triển tốt thì người dân trồng xen cây đậu, ngô để tăng thu hoạch”, ông Trần Hùng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Vinh cho biết.

Giống nghệ mà nông dân Quỳnh Vinh trồng chủ yếu là nghệ vàng, nghệ đỏ và nghệ đen, sai củ, cho hàm lượng tinh bột cao, dược tính cao được thị trường ưa chuộng. Khoảng dăm năm nay, các hộ dân đã liên kết với hợp tác xã sản xuất tinh bột nghệ trên địa bàn, nhập bán nghệ củ cho các hợp tác xã với giá thu mua ổn định, thu hoạch đến đâu bán hết đến đó.
“Mỗi sào nghệ cho thu hoạch khoảng 1,5 tấn củ, với giá thị trường hiện nay là 5 triệu đồng/tấn, trừ chi phí còn có lãi khoảng 4,5 – 5,5 triệu đồng/sào. So với các loại cây trồng khác thì cây nghệ cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Đặc biệt, cây nghệ không đòi hỏi phải chăm sóc kỹ, chỉ tốn công và chi phí đầu tư lúc xuống giống, sau đó thì chờ nghệ sinh trưởng, phát triển và cho thu hoạch nên không cần nhiều nhân công, phù hợp với hiện trạng thiếu lao động nông thôn hiện nay”, ông Hùng cho biết thêm.

Cây nghệ cũng là cây trồng chủ lực của xã Nghi Kiều (Nghi Lộc), hiện toàn xã có khoảng trên 100ha nghệ, là địa phương có diện tích trồng nghệ tập trung nhiều nhất tỉnh. Đang rộ vụ, nông dân bám đồi, bám vườn thu hoạch. Thu hoạch đến đâu, người dân làm đất, lên luống, trồng nghệ gối vụ ngay đến đó.

“Ưu điểm của cây nghệ là chịu hạn tốt, ít công chăm sóc và ít chi phí. Hầu hết, người dân tự để giống được nên vừa chủ động về giống, chọn được giống tốt và giảm chi phí đầu tư ban đầu. Gia đình tôi, trồng 6 sào nghệ, mỗi năm trừ chi phí còn lãi khoảng 30 triệu đồng”, ông Nguyễn Anh (xã Nghi Kiều) cho biết.
Theo thống kê sơ bộ, hiện toàn tỉnh có khoảng 500-600ha nghệ các loại, trong đó, chủ yếu là giống nghệ vàng, nghệ đỏ với sản lượng khoảng 15.000 tấn/năm.

Trước đây, việc tiêu thụ nghệ củ hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái, có năm được mùa mất giá và ngược lại nên rất bấp bênh. Như năm 2019, nghệ rớt giá thê thảm, không có người thu mua nên bà con phải cày bỏ, số hộ trồng và diện tích nghệ giảm mạnh.
Nhiều năm nay, khi trên địa bàn tỉnh, các hợp tác xã chế biến sâu từ nghệ củ như: tinh bột nghệ, viên nghệ mật ong… ra đời, phát triển, liên kết với các hộ trồng nghệ đã tạo thành vùng nguyên liệu tập trung, giá tiêu thụ ổn định, giúp bà con yên tâm gắn bó với cây nghệ.

Chị Trần Thị Lê - Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Bình An (xã Quỳnh Vinh) cho biết: “Trung bình mỗi năm, chúng tôi bao tiêu khoảng 100 tấn nghệ của cho nông dân trong xã. Các sản phẩm chế biến sâu từ nghệ của như: tinh bột nghệ, viên nghệ mật ong… đạt 3 sao OCOP, thị trường mở rộng nên việc tiêu thụ nghệ tươi cho người dân thuận lợi hơn”.