Kinh tế

Nông dân Nghệ An tích cực 'hồi sức' cho cây ăn quả sau Tết

Thanh Phúc 17/02/2025 08:42

Thời điểm này, các nhà vườn ở Nghệ An tích cực chăm sóc, để cây ăn quả "hồi sức", phát triển tốt, đảm bảo năng suất cho vụ tiếp theo.

bna_bon.png
Trang trại Ngọc Hường chuẩn bị phân chuồng để bón cho cam. Ảnh: T.P

Vụ cam Tết năm nay, gia đình chị Ngọc Hường ở thôn Khe Trảy, xã Thanh Đức (Thanh Chương) xuất bán ra thị trường 20 tấn cam. Năm nay, mặc dù năng suất, sản lượng giảm mạnh, chỉ bằng một nửa so với năm ngoái, song bù lại giá bán cao, 60.000 đồng/kg nên nhà vườn có thu nhập khá. “6 ha cam cho khoảng 30 tấn quả, trong đó, trước Tết bán khoảng 10 tấn, 20 tấn bán vào dịp Tết. Cam bán dịp Tết được giá hơn, tiêu thụ dễ hơn”, chị Hường cho biết.

Toàn bộ diện tích cam của trang trại Ngọc Hường được canh tác theo phương pháp hữu cơ và được cấp chứng nhận hữu cơ vào năm 2023. Do đó, việc chăm sóc cam sau thu hoạch tốn công, tốn sức hơn so với phương pháp canh tác thông thường.

ủ chuối
Ủ chuối tạo chế phẩm kali để bón cho cam. Ảnh: T.P

Chị Hường cho biết: “Để bón dưỡng cho cây cam, chúng tôi đã chuẩn bị hàng chục tấn phân chuồng đã được ủ hoai từ trước đó. Sau khi cam “tắt” hoa (rụng hoa) thì dùng chế phẩm sinh học nấm xanh phun phòng trừ sâu ăn quả và chế phẩm sinh học kháng nấm để phòng bệnh. Hiện nhà vườn đã ủ chuối chín thành chế phẩm đầu tháng Tư sẽ tưới cho cây nhằm tăng nguồn kali; tận dụng thân cây ngô tủ gốc giúp giữ ẩm và tăng lượng phân hữu cơ cho cây”.

Chăm sóc bằng phương pháp này tốn công hơn, phải thuê đến 10 nhân công thời vụ và chi phí đầu tư cũng khá tốn kém. Song bù lại, nhờ được bón bằng các loại phân hữu cơ, đất ngày càng tơi xốp, cây trồng khỏe mạnh năng suất cao, quả cam cũng to, vàng bóng, hương vị thơm, ngọt hơn được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, quả không bị rụng hay thối do ảnh hưởng của thời tiết.

474726232_1552608392108093_4015556891863424023_n(1).jpg
Cam đang thời kỳ ra lộc, đơm hoa. Ảnh: T.P

Những ngày này, trên các vùng đồi ở các xã Thanh Đức, Thanh Hương - vùng trồng cam trọng điểm ở huyện Thanh Chương, nông dân đang bám vườn chăm sóc cam. Tỉa cành và bón phân là 2 vấn đề chính trong khâu xử lý ra hoa của cây cam. Việc tỉa cành giúp nhà nông chủ động chọn cành nào để ra trái, cành nào sẽ tạo nhánh mới cho vụ sau.

Chăm sóc cây cam sau Tết cũng cực nhọc và đòi hỏi kỹ thuật không kém so với giai đoạn xử lý cây cho quả. Vì vậy, các nhà vườn ngoài kinh nghiệm, đã học hỏi thêm kỹ thuật nhiều nơi để vườn cây được sinh trưởng tốt nhất.

bna_ngo.jpg
Chuẩn bị cây ngô để tủ gốc, giữ ẩm cho cam, bưởi. Ảnh: T.P

“Việc chăm sóc cây sau vụ thu hoạch sẽ quyết định đến năng suất, chất lượng cam của vụ tiếp theo. Do đó, gia đình đang tập trung nhân lực, thực hiện các biện pháp chăm sóc. Công việc chăm cam sẽ kéo dài đến hết tháng 2, khi các gốc cam bắt đầu rộ hoa, chúng tôi sẽ dừng việc chăm sóc gốc, thay vào đó sẽ theo dõi cây để kịp thời ngăn chặn các loại sâu bệnh”, anh Trần Điển Vi - chủ một trang trại cam ở xóm Sướn, xã Thanh Đức cho biết.

Sở hữu trang trại cây ăn quả tổng hợp: ổi, bưởi, thanh long, dịp Tết vừa qua, gia đình bà Trần Thị Hạnh ở xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Trong đó, bưởi Diễn và ổi là 2 loại chủ lực phục vụ thị trường Tết.

ghep 2
Những vườn cam vừa được bón phân, rải vôi quanh gốc. Ảnh: T.P

“Đúng vụ thì bưởi Diễn cho thu hoạch từ tháng 11 âm lịch. Song để có bưởi bán dịp Tết thì nhà vườn phải can thiệp kỹ thuật chăm sóc để “neo” quả lâu hơn, cây bưởi vì thế cũng suy yếu hơn. Do đó, ngay sau vụ thu hoạch dịp Tết, việc chăm sóc phải được tiến hành ngay”, bà Hạnh cho biết. Ngoài 3 nhân công thường xuyên, bà Hạnh phải thuê thêm 5 lao động thời vụ để dọn vườn, chăm sóc trang trại cây ăn quả sau Tết.

Hiện nay, diện tích táo trên địa bàn huyện Nam Đàn đang bước vào giai đoạn cuối vụ thu hoạch lứa quả cuối, thực hiện đốn cây. Ông Trần Văn Danh - chủ một trang trại trồng táo ở xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn) trồng 300 gốc táo. Sau đợt thu hoạch lứa táo cuối cùng vào Rằm tháng Giêng, hiện ông đang tiến hành đốn thân táo.

bna_cua.png
Đốn cây táo sau thu hoạch vụ Tết. Ảnh: T.P

“Năm nay, táo bán được giá với 23.000 - 25.000 đồng/kg dịp Tết, vụ táo năm nay, gia đình có thu nhập hàng chục triệu đồng. Hết đợt mưa Xuân, trời tạnh ráo, chúng tôi đã đốn toàn bộ các thân chính, cắt thấp sát gốc táo, rắc vôi cải tạo độ pH đất và phòng trừ nấm bệnh tại vườn. Sau khi đốn từ 30 - 35 ngày tiến hành bón phân chuồng ủ hoai mục thúc đẩy quá trình mọc mầm của táo. Đồng thời, trồng các cây màu họ đậu như: Đỗ tương, đỗ xanh… để cải tạo đất, hạn chế cỏ dại”.

Theo thống kê sơ bộ, diện tích cây ăn quả ở Nghệ An khoảng 20.000 ha, chủ yếu trồng tập trung ở các huyện miền núi thấp đã được quy hoạch lâu dài như: Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương, Quỳ Hợp, với các giống cây chủ lực như dứa, cam, chuối, ổi, táo.

bón phân
Nông dân huyện Quỳnh Lưu bón phân cho cây ổi lê Đài Loan. Ảnh: T.P

Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, sau thời kỳ mang quả, cây thường bị suy yếu cần được chăm sóc đúng cách để cây mau hồi phục, chuẩn bị cho vụ tiếp theo đạt kết quả tốt. Bên cạnh việc nắm bắt và áp dụng đúng các kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả sau thu hoạch, người dân cần thay đổi phương thức canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng phân chuồng để cải tạo đất và bổ sung nguồn dinh dưỡng cho cây; sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh cho cây.

Mới nhất

x
Nông dân Nghệ An tích cực 'hồi sức' cho cây ăn quả sau Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO