Trong chuyến thăm, chúc Tết quân và dân trên các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa của đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, dịp cuối năm 2022 và đầu năm 2023 vừa qua. Ngoài các nhu yếu phẩm, vật dụng thiết yếu từ đất liền gửi ra để các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo đón Tết, còn có những món quà đặc biệt, đó là những cánh thiệp, các lá thư của các em học sinh ở khắp mọi miền, trong đó có cả học sinh Nghệ An gửi các chú bộ đội đang ngày đêm canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Những cánh thư gửi Trường Sa dịp cuối năm bao giờ cũng gửi kèm lời chúc năm mới. Đó còn có thể là những câu chuyện vui mà sau một học kỳ miệt mài học tập, các em đã gặt hái những thành công, muốn chia sẻ với các chú bộ đội Trường Sa. Mỗi bức thư là một câu chuyện, một lời gửi gắm, bằng những ngôn từ hồn nhiên, trong trẻo mà các em muốn chia sẻ với các chú bộ đội đang ngày đêm làm nhiệm vụ nơi đảo xa.
Bên cột mốc chủ quyền trên đảo Sinh Tồn, lật mở những lá thư được viết nắn nót trên trang giấy học trò, không chỉ các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo, mà bản thân chúng tôi cũng không giấu được xúc động. Dù ngôn từ có ngây thơ, nhưng đó là tình cảm thân thương của các em nhỏ gửi đến những người lính đang canh giữ biển trời quê hương.
Chúng tôi bắt gặp những nụ cười trên môi và cả ánh mắt khi các chiến sĩ chuyền tay nhau đọc thư của các bạn nhỏ. Trong bức thư em Nguyễn Hữu Minh Quang, học sinh lớp 6A, Trường THCS Tôn Quang Phiệt (Thanh Chương) có đoạn viết: “Gia đình cháu rất tự hào vì cố nội của cháu từng là bộ đội, từng được chọn bảo vệ Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc, từng chống giặc Pháp, giặc Mỹ. Ông nội của cháu từng là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, từng chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc nên cháu hiểu sự hy sinh của những người lính cụ Hồ. Trong thời bình, cháu đang là học sinh, cháu hiểu khi đang được yên ổn học tập, sinh hoạt, bố mẹ cháu đang ổn định, yên tâm công tác thì các chú đang phải vật lộn với giông tố ngoài biển khơi, canh giữ từng tấc đất biên cương. Trái tim yêu nước của bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng nhói đau khi biết rằng ở những nơi đảo xa của Tổ quốc đã có những giọt mồ hôi, nước mắt và cả những giọt máu của những người lính hải đảo đã đổ xuống. Và chúng cháu có trách nhiệm học giỏi để sau này trở thành những công dân có ích cho đất nước”.
Trong thư em Phan Hoàng Linh, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Trà Lân (Con Cuông) lại có cảm nhận rất riêng: “Cháu biết nơi đó sẽ có mùi của nắng và gió, vị mặn mòi của biển khơi mà các chú đang ngày đêm gắn bó và canh giữ. Có lẽ vì thế mà cháu luôn có một tình yêu mãnh liệt với biển cả. Cháu yêu vị mặn chát của những cơn gió biển, yêu những cơn sóng dạt dào lúc thì mãnh liệt, lúc thì hiền hòa”. Rồi Hoàng Linh gửi lời động viên “Nhân dịp Tết đến, Xuân về, cháu kính chúc các chú thật nhiều sức khỏe, niềm vui, vượt khó, giàu ý chí chiến đấu và luôn giữ trong mình một niềm tin tất thắng”.
Đặc biệt, trong hàng trăm lá thư gửi các chú bộ đội Trường Sa, có rất nhiều lá thư của các em học sinh tiểu học. Trong bức thư viết trên trang vở ô li, nét mực xanh thẳng hàng, Nguyễn Thị Nga, học sinh lớp 3A, Trường Tiểu học Thanh Tiên (Thanh Chương), kể với các chú bộ đội rằng: “Cháu chưa từng một lần ra thăm đảo Trường Sa, cháu chỉ biết các hòn đảo qua ti vi, qua từng bài học cô giảng. Sự hùng vĩ, nên thơ của nó cháu biết trong đó có cả sự hy sinh, vất vả của các chú ngày đêm nắm chắc tay súng để giữ bình yên cho Tổ quốc”. Cuối thư Nga không quên gửi kèm lời chúc “Chúng cháu tin rằng, với tình yêu thương của cả nước dành cho các chú sẽ là nguồn động viên lớn, tiếp thêm sức mạnh cho các chú giữ vững biên cương, hải đảo”.
Ngoài thư, các bạn nhỏ còn tự tay làm những tấm thiệp chúc mừng năm mới, làm thiệp hoa gửi đến các chiến sĩ Trường Sa. Sợ rằng các chiến sĩ Trường Sa xa gia đình sẽ nhớ nhà, một số bạn nhỏ còn động viên “Các chú ơi, chắc hẳn không được ở bên gia đình thì các chú buồn lắm đúng không? Tình thương, hơi ấm của ngôi nhà nhỏ chắc thiếu thốn lắm chú nhỉ? Nhưng đừng buồn chú nhé, vì có một điều quý giá và cao cả đó là tình cảm, lòng thương yêu, hơi ấm của toàn thể nhân dân Việt Nam dành trọn cho các chú đấy ạ!”.
Trong bức thư được viết rất nắn nót, em Bạch Khánh Linh, học sinh lớp 7A, Trường THCS Lê Lợi (TP. Vinh), thì trăn trở “Các chú yêu quý! Ở nơi đầu sóng ngọn gió, bốn bề là nước, các chú có buồn không ạ? Sau một ngày vất vả với những nhiệm vụ được giao thì khi màn đêm buông xuống, chắc có lẽ các chú rất nhớ nhà, nhớ người thân phải không ạ? Giữa chốn ngút ngàn trùng khơi, chúng cháu biết các chú phải đương đầu với muôn vàn thử thách, khó khăn, thiếu thốn về cả vật chất lẫn tinh thần. Chính bởi vậy mà chúng cháu càng cảm phục, ngưỡng mộ và tự hào vì sự hy sinh thầm lặng của các chú, những người con của Tổ quốc”.
Trung úy Trần Bá Long – đơn vị đảo bộ, đảo Sinh Tồn, xúc động cho biết: Khi nhận được những bức thư của các cháu thiếu niên, nhi đồng khắp mọi miền gửi đến, bản thân các chiến sĩ trên đảo rất cảm động. Dù các cháu còn nhỏ nhưng đã biết chia sẻ với những khó khăn mà bộ đội Trường Sa đang ngày đêm phải trải qua. Đây chính là món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa đối với những người lính đảo chúng tôi. Là một người lính trẻ tôi tự thấy mình phải cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để xứng đáng với tình cảm mà các cháu cũng như nhân dân trên đất liền đã gửi gắm”.
Thư các em học sinh gửi bộ đội Trường Sa được các thành viên của Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”, trực thuộc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), tập hợp, đóng gói cẩn thận, đề tên từng đảo, điểm đảo trên quần đảo Trường Sa để mang đến trao tận tay cho các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đây.
Anh Nguyễn Quang Hải, thành viên của Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”, người đảm nhận nhiệm vụ “đưa thư” của các em học sinh ra Trường Sa chia sẻ: Viết thư gửi bộ đội Trường Sa là hoạt động đã được Hội đồng đội các cấp phát động từ nhiều năm trước. Trước khi đặt bút viết những lá thư tay, các em cũng đã được thầy cô, bố mẹ giảng cho những bài học về Trường Sa, hay được xem những thước phim phóng sự về Trường Sa, về nhà giàn DK1. Qua đó giúp các em cảm nhận rõ nét hơn về cuộc sống, tinh thần chiến đấu của quân và dân trên đảo. Sau khi việc viết thư được tổ chức hội, đội các cấp triển khai trong các trường học, thư sẽ được tập hợp và gửi đến câu lạc bộ. Sau khi tiếp nhận thư của các em học sinh, chúng tôi tiếp tục phân loại, đóng gói, để gửi đến các đảo trong các chuyến đi của mình.
Điểm chung mà chúng tôi nhận thấy ở những bức thư và những tấm thiệp này đó là chỉ đề họ tên và địa chỉ người gửi, còn ở địa chỉ người nhận thì được ghi “Gửi các chú bộ đội Hải quân yêu quý” hay “Thư gửi các chú bộ đội Trường Sa”… Những lá thư không tem, không dấu bưu chính nhưng lại là món quà quý giá mà mỗi cán bộ, chiến sĩ Hải quân đang công tác, làm nhiệm vụ tại Trường Sa luôn mong ngóng mỗi khi có đoàn ra thăm. Đó cũng là tình cảm mộc mạc mà các cháu thiếu niên, nhi đồng trên cả nước gửi về Trường Sa.
Trung tá Lê Ngọc Nam – Chính trị viên Phó đảo Song Tử Tây cho biết: Từ rất lâu rồi, những lá thư từ đất liền luôn là món quà đặc biệt đối với quân và dân trên quần đảo Trường Sa nói chung và Song Tử Tây nói riêng. Những lá thư tay gắn bó với lính đảo từ ngày chưa có sóng điện thoại. Ngày nay, dù phương tiện liên lạc đã thuận lợi hơn, nhưng những thông tin từ đất liền vẫn còn hạn chế. Những lá thư từ các cháu học sinh sẽ giúp cho cán bộ, chiến sĩ hiểu hơn về những tình cảm của các cháu. Sau mỗi lần nhận được thư, chúng tôi lại phát cho các chiến sĩ đọc, sau đó cất giữ tại một góc trang trọng trong thư viện và phòng truyền thống của đơn vị.
Sau khi nhận được thư, nhiều chiến sĩ không khỏi bất ngờ trước những lời văn mộc mạc. Có khi lại bật cười vì những câu hỏi ngây thơ, những nét vẽ đơn sơ kèm trong thư. Có chiến sĩ lại chọn cho mình một góc khuất để cảm nhận tình yêu thương của đất liền qua từng trang thư mỏng.
Trung tá Trần Văn Trình – Chính trị viên đảo Sinh Tồn, thì nhấn mạnh rằng: “Mọi người trong đoàn đã phải rất vất vả để mang những món quà, những lá thư nguyên vẹn tới tay từng chiến sĩ. Đó là nguồn động viên vô cùng to lớn với chúng tôi. Đặc biệt, những lá thư viết tay, những tấm thiệp trang trí tỉ mỉ, nội dung ngây thơ, nhiều hình vẽ xúc động, khó diễn tả thành lời gửi các chiến sĩ là lời động viên rất ấm áp và cảm động. Qua đây chúng tôi cũng gửi lời của các chiến sĩ Trường Sa tới các em rằng, mong các em hãy luôn chăm ngoan, học giỏi, xứng đáng với thế hệ măng non của Tổ quốc. Còn ở ngoài đảo xa, các chú bộ đội vẫn luôn vững chắc tay súng, bảo vệ cho đất nước bình yên”.