Nghệ sĩ Hoàng Yến và hành trình với múa

Thanh Nga 07/02/2024 21:14

(Baonghean.vn) - Khi nhắc đến những thành tích mà cô đã đạt được trong những năm qua, Hoàng Yến chỉ khiêm nhường nói đó là những nỗ lực kèm theo chút may mắn...

Yến đến với múa muộn nên với cô, những cuộc thi, những thử thách trên sàn múa chính là những cơ hội và bài học để trau dồi bản lĩnh cho mình vững bước hơn trên con đường tương lai.

Hành trình dẫm trên mũi gai

bna-yen-1-1156.jpeg
Hoàng Yến vào vai nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương. Ảnh: NVCC

Yến kể rằng, ngay từ thuở bé, cô đã mê mẩn với những chuyển động bằng mũi chân, uyển chuyển lướt trên mặt sàn của những diễn viên ba lê, say đắm những câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ cơ thể. Thế nhưng, để được múa trên sàn diễn như những diễn viên ấy, với Yến là điều viển vông, bởi dù cô có năn nỉ đến mấy, bố mẹ cũng không đồng ý cho theo nghiệp múa, là bởi lo âu những khắc nghiệt đặc thù của bộ môn nghệ thuật này; vả lại, Hoàng Yến đã qua “độ tuổi vàng” để tập múa.

bna-yen-2-1282.jpeg
Hoàng Yến có khả năng diễn xuất rất tốt, nên cô thường chọn những nhân vật bộc lộ cá tính và tâm lý mạnh mẽ để hoá thân. Ảnh: NVCC

Thế rồi, trong một lần Yến sang Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An – nơi công tác của bố mẹ, trong lúc các cô chú nghệ sĩ tập chương trình ca múa nhạc do NSND Thu Hà làm đạo diễn, nhìn Yến say mê với các động tác múa đang diễn ra trên sân khấu, Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hà nói với mẹ cô - Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Lựu rằng: “Cháu nó say múa như vậy chắc sẽ theo được múa”. Bởi theo nghệ sĩ Thu Hà, Yến có hình thể tương đối thuận lợi với múa, điều còn lại là sự khổ luyện nghiệt ngã, khi Yến đã ở độ tuổi 17, quá lớn cho việc nhập môn với múa. “Được lời như cởi tấm lòng, tôi xin bố mẹ được đi luyện múa để thi vào Trường Đại học văn hoá nghệ thuật quân đội”, Hoàng Yến kể.

Khỏi phải nói hết những vất vả, khó khăn của ngày tháng đến với múa của Hoàng Yến. Những đớn đau của việc mở các khớp xương, điều chỉnh các tư thế sao cho đẹp, cho chuẩn chỉnh đã khiến cô bầm dập, trầy xước khắp cơ thể. “Có những lúc vì để các cô nắn chỉnh khớp xương mà tôi khóc thét lên vì đau. Về nhà không nuốt nổi cơm, không ngủ được thẳng giấc. Thế nhưng, khi bố mẹ hỏi tôi: “Có theo được múa không?” tôi dứt khoát trả lời rằng: “Con vẫn theo!” - Yến nhớ lại. Hành trình đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu đã cho Yến một thành quả ngoài mong đợi. Cô thi đỗ vào Trường Đại học văn hoá nghệ thuật quân đội với kết quả cao.

Những năm tháng nhập môn với múa, nói về Yến, thầy cô và các bạn cùng khoá luôn thốt lên thán phục! Thán phục, bởi mỗi sáng, mỗi chiều, mọi người đều thấy Yến trên sàn múa, luyện tập và luyện tập, tập đến bầm tím trầy xước, đến quên ăn quên ngủ. Thế nhưng, với Yến thế là chưa đủ, ý nghĩ phải làm sao để trở thành một diễn viên múa xuất sắc luôn đau đáu trong cô.

bna _ phần biểu diễn của Hoàng Yến.jpeg
Hoàng Yến trong tiết mục Đào liễu đạt giải Nhất Cuộc thi Tài năng múa Việt Nam 2023. Ảnh: NVCC

Vì thế, vào năm 2020, khi chưa tốt nghiệp ngành múa tại Trường Đại học văn hoá nghệ thuật quân đội, Yến được giáo viên trực tiếp giảng dạy động viên tham gia Cuộc thi Tài năng múa Việt Nam. Đây là cuộc thi mà bất cứ sinh viên trường múa nào cũng mơ ước được ẵm giải, thế nhưng, không phải ai cũng có thể bước chân vào cuộc thi một cách tự tin. Hoàng Yến cũng không ngoại lệ bởi cô cảm giác mình chưa đạt đến kỹ thuật cao siêu trong chuyển động múa. Thế nhưng, bằng sự khổ luyện miệt mài, Yến đã dành trọn tình cảm của ban giám khảo và giới chuyên môn. “Cùng lần thi với tôi có bạn trẻ tuổi hơn cũng chọn biểu diễn tiết mục “Hoá vàng” của Nghệ sĩ Ưu tú Trần Ly Ly như tôi, nhưng kỹ thuật bạn ấy rất điêu luyện vì bạn đã học múa từ năm 9 - 10 tuổi. Thế nhưng, bằng thần thái diễn xuất, tôi cũng được ban giám khảo đánh giá ngang bằng và cùng đạt giải Nhì”.

Hay như lần thi Army Games năm 2022 được tổ chức tại Nga, Hoàng Yến cũng đã chọn bài múa khó “Mẫu hệ”. Đây là bài có biểu cảm khó trong chuyển động lẫn diễn xuất, thế nhưng, bằng sự tự tin, cách biểu cảm lôi cuốn, cô cũng đã đạt giải Nhì chung cuộc trong sự thán phục của bạn bè quốc tế và giới chuyên môn.

Những nấc thang mới

bna-yen-3-6607.jpeg
Hoàng Yến luôn tâm niệm, trong múa chỉ có sự khổ luyện mới mang đến thành công. Ảnh: NVCC

Từ quá trình trợ giảng, Yến có dịp được đi nhiều nơi, giúp cô có thêm những trải nghiệm đáng quý. “Tôi nhớ có lần ra Trường Sa, tôi phải đứng trên boong tàu để múa lúc tàu vẫn hướng thẳng về phía trước. Sóng to gió lớn, tàu tròng trành, nhưng tôi vẫn đứng vững bằng mũi chân, vẫn chuyển động liên tục với các tư thế múa khó, dù nhiều lần chực ngã. Đó không chỉ là sức mạnh tinh thần và kỹ thuật của một diễn viên mà dường như còn có một sức mạnh nào đó giúp tôi thực hiện trọn vẹn bài múa cho các chiến sĩ thưởng thức”, Hoàng Yến kể.

Với một diễn viên múa trong quân đội như Yến, được ra đảo phục vụ nghệ thuật cho các chiến sĩ, ngoài nhiệm vụ còn là niềm vinh hạnh và sứ mệnh cao cả. Vì thế, Yến cho rằng, dù đang ở cương vị nào thì cô vẫn phải làm tốt vai trò của một diễn viên mang trên mình màu áo lính. Tinh thần ấy cũng hướng cô đến những mục tiêu cao hơn trong hành trình nghệ thuật của mình. Cô tiếp tục đăng ký tham dự cuộc thi Tài năng múa Việt Nam năm 2023, với sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Hoàng Yến lựa chọn bài mảng dân gian và thiên về diễn xuất, thể hiện biểu cảm của nhân vật. Đó là “Nam phương mẫu tế” và “Đào liễu”.

bna-yen-4897.jpeg
Nghệ sĩ múa Hoàng Yến biểu diễn tiết mục Nam Phương mẫu tế, biên đạo Nguyễn Tấn Lộc. Ảnh: NVCC

Đặc biệt, “Nam Phương mẫu tế” là tác phẩm nghệ thuật trình diễn dân gian múa bóng rỗi của miền Nam. Khỏi phải nói hết những vất vả để có thể nhuần nhuyễn với kỹ thuật múa mâm - kỹ thuật mà Yến chưa tiếp cận bao giờ. Vì vậy, để có thể có được những pha xuất thần trong kỹ thuật này như tung mâm quay đều, cho mâm xoay trên bàn chân, cộng với những biểu cảm cơ thể khác, Hoàng Yến phải tìm những giảng viên giỏi về bộ môn này để được tập chuẩn chỉnh nhất.

Cô lặn lội Nam tiến, tìm đến “cái nôi” của múa bóng rỗi để mong mình có thể học hỏi, đáp ứng được những kỹ thuật cao nhất của múa mâm. “4 ngày liên tục, cứ 8h sáng, tôi phải di chuyển 10 km để học với giảng viên ở Trường Trung cấp Múa Thành phố Hồ Chí Minh về kỹ thuật múa mâm. Cả quá trình lên sàn hầu như không nghỉ, chỉ ăn tạm và chợp mắt đôi tý. Đến 16h mỗi chiều, tôi lại di chuyển hơn 10 km nữa để học với một giảng viên khác về những chuyển động khác. Thế nhưng, với tôi thế vẫn còn chưa đủ, chỉ cần tỉnh giấc là tôi tập”, Yến nhớ lại.

404463518-931425182039459-8114715471446417435-n-1-9553.jpg
Nghệ sĩ múa Hoàng Yến được vinh danh tại Chương trình “Vinh danh các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu và một số cuốn sách nổi bật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, văn học năm 2023”. Ảnh: NVCC

Dồn sức 4 ngày cho múa mâm, sau đó Hoàng Yến phải quay ra Hà Nội để tập bài “Đào liễu” - tác phẩm dân gian đương đại lấy chất liệu từ dân ca quan họ Bắc Ninh. “Đào liễu” tập có nhàn hơn đôi chút, nhưng để chuyển tải được diễn biến nội tâm sâu sắc của cô gái Bắc Bộ những năm đầu thế kỷ XX lại cần diễn viên có nội lực lớn: Tinh tế trong những chuyển động, thể hiện làm sao để toát lên được chân dung và hồn cốt của nhân vật. Yến đã làm tốt ngoài mong đợi của bản thân, ẵm giải Nhất chung cuộc Tài năng múa Việt Nam năm 2023 trong sự hân hoan của bạn bè, thầy cô và gia đình.

Khi được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch vinh danh Nghệ sĩ tiêu biểu của năm 2023, Yến cho rằng, đó là vinh dự lớn lao khi những nỗ lực của bản thân đã được nhìn nhận, đánh giá một cách xứng đáng, nhưng tận trong sâu thẳm cô vẫn thấy đó là một điều may mắn, vì đã được đến với múa, được đứng trên sân khấu kể những câu chuyện hay bằng ngôn ngữ hình thể.

Nghệ sĩ Hoàng Yến và hành trình với múa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO