Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Nghệ - Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu ‘đỏ’!

PV 01/11/2024 08:47

Diễn biến mạnh mẽ của các cuộc đấu tranh tại Nghệ Tĩnh đã được Nguyễn Ái Quốc thể hiện trọn vẹn trong bài “Nghệ Tĩnh Đỏ” – The “Red” Nge-Tinh, tài liệu tiếng Anh viết ngày 19/2/1931.

nghetinhdo-cover(1).png

Diễn biến mạnh mẽ của các cuộc đấu tranh tại Nghệ Tĩnh đã được Nguyễn Ái Quốc thể hiện trọn vẹn trong bài “Nghệ Tĩnh Đỏ” - The “Red” Nge-Tinh, tài liệu tiếng Anh viết ngày 19/2/1931.

Bản gốc bài viết hiện đang được lưu tại: Lưu trữ Lịch sử - Chính trị xã hội quốc gia Nga, Liên bang Nga. Bài viết có 3 phần, đánh dấu I, II, III. Ở phần I, Nguyễn Ái Quốc giới thiệu sơ qua về tình hình địa lý, nhân văn, kinh tế và truyền thống cách mạng của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Phần II, Người trình bày các hình thức đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh những ngày cuối năm 1930 đầu năm 1931, đặc biệt là cuộc lễ “đỏ” tổ chức ở làng Lộc Đa, cách Vinh 2 km.

Bài “Nghệ Tĩnh Đỏ” (The “Red” Nge-Tinh) của Nguyễn Ái Quốc.
Bài “Nghệ Tĩnh Đỏ” (The “Red” Nge-Tinh) của Nguyễn Ái Quốc.

Ở phần thứ III, Nguyễn Ái Quốc đã vạch rõ những thủ đoạn nham hiểm của đế quốc Pháp trong việc bắt ép nhân dân tham gia các cuộc biểu tình phản cách mạng nhằm lừa bịp dư luận. Qua đó, Người khẳng định: “Nghệ Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu Đỏ!”.

Tài liệu này cũng đã được mật thám Pháp dịch thành bản tiếng Pháp trong hồ sơ theo dõi về Nguyễn Ái Quốc năm 1931. Trong bản dịch, mật thám Pháp đã đặc biệt ghi chú: “Bài viết của Nguyễn Ái Quốc có lẽ nhằm mục đích phổ biến, viết ngày 19/2/1931 tới Văn phòng Phương Đông ở Thượng Hải”.

Xin trân trọng giới thiệu nội dung bài “Nghệ Tĩnh Đỏ”, do Nguyễn Ái Quốc tự tay đánh máy và sửa chữa bằng bút mực, ngày 19/2/1931.

Tranh vẽ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh của tác giả Nguyễn Đức Nùng.

NGHỆ TĨNH ĐỎ

Hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ở cách 360 kilômét về phía Bắc thành phố Huế, kinh đô nước An Nam (nơi tên vua "bù nhìn" thiết lập triều đình) và cách 326 kilômét về phía Nam Hà Nội, thủ phủ xứ Đông Dương thuộc đế quốc Pháp. Tỉnh Nghệ An có 3 phủ, 6 huyện với số dân 614.000 người ở 942 làng. Tỉnh Hà Tĩnh có 2 phủ, 6 huyện, 601 làng, với số dân 405.000 người. Trong số 500.000 người đàn ông của cả hai tỉnh, thì 120.000 người phải đóng thuế thân 2đ20 mỗi năm một đầu người.

Hà Tĩnh không có công nghiệp. Vinh là thành phố chính của Nghệ An. ở Vinh, có một nhà ga xe lửa lớn, một nhà máy điện nước, một nhà máy diêm, 5 nhà máy cưa, 2 xưởng sửa chữa ôtô và một vài xưởng nhỏ, tất cả dùng 4.000 công nhân.

Ngoài số công nhân đó và một số như vậy quan lại, chủ đồn điền và người buôn bán..., nhân dân hai tỉnh đều là bần và trung nông (hơn 1 triệu).

Địa thế hai tỉnh nhiều rừng núi, đất đai cằn cỗi, nông giang chẳng có, ở đây thường xảy ra lụt, bão, do đó nhân dân đói khát và nơi ăn chốn ở rất khổ sở. Sưu thuế nặng nề và nạn áp bức xã hội và chính trị làm cho cảnh ngộ của họ càng cùng cực hơn.

Nhân dân Nghệ - Tĩnh nổi tiếng cứng đầu. Trong thời kỳ Pháp xâm lược cũng như trong các phong trào cách mạng quốc gia (1905-1925) Nghệ - Tĩnh đã nổi tiếng. Trong cuộc đấu tranh hiện nay, công nhân và nông dân Nghệ - Tĩnh vẫn giữ vững truyền thống cách mạng của mình.

Từ tháng 5 đến tháng 12, công nhân Nghệ An (Vinh) đã 8 lần bãi công và biểu tình có 2.500 người tham gia. Cũng trong thời gian đó, 137 cuộc biểu tình đã nổ ra bao gồm tất cả 300.000 nông dân.

Thiệt hại: 625 nông dân bị máy bay ném bom và súng máy giết chết, 8 làng bị triệt hạ, hơn 1.000 chiến sĩ bị bắt giam, hàng trăm người bị đem đi đày.

ở cả hai tỉnh, hơn 60.000 nông dân (đàn ông, đàn bà và thanh niên) đã được tổ chức vào Hội .

Nghệ - Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu "đỏ"!

II

Từ ngày 26-12 đến ngày 19-1, có hai cuộc lễ lớn ở gần Vinh: một cuộc lễ “đỏ và một cuộc lễ “vàng.

Cuộc lễ thứ nhất được tổ chức ở làng Lộc Đa, cách Vinh 2 kilômét, 4.000 công nhân thành phố Vinh và nông dân Hưng Nguyên, Nghi Lộc đã đến dự để làm lễ truy điệu những chiến sĩ bị hy sinh trong ngày 11-12, nhân dịp kỷ niệm Công xã Quảng Châu.

Một lá cờ búa liềm được chăng ra trên bàn thờ đầy hương hoa, xung quanh cắm 100 lá cờ đỏ và một dây 200 ngọn đèn đỏ. 10 giờ đêm, khi mọi người đã đến đông đủ, hai đoàn xe đạp được bố trí đi tuần tra trên các ngả đường về Vinh và Bến Thủy mà từ các ngả đó lính Pháp có thể kéo đến, còn một đoàn khác vây quanh quần chúng và hát bài Quốc tế ca. Lệnh mặc niệmbỗng nhiên được đưa ra. Người chủ trì buổi lễ lên đọc điếu văn. Sau đó, đại biểu Công hội, Nông hội và đại biểu các làng lên nói chuyện.

Một đại biểu đề nghị: Ngày hôm sau, tất cả các chợ ở Hưng Nguyên và Nghi Lộc đều bãi thị.

Đề nghị đó được mọi người nhiệt liệt hưởng ứng. Ngày hôm sau, đúng như lời cam kết, tất cả các chợ đều vắng tanh.

Trong lúc buổi lễ đang tiến hành, anh em công nhân cắt điện làm cho cả thành phố Vinh - Bến Thủy bị chìm ngập 10 phút trong đêm tối.

III

Bom đạn, súng máy, đốt nhà, đồn binh (28 đồn mới được dựng lên ở riêng Nghệ An), tuyên truyền của chính phủ, báo chí... đều bất lực không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nghệ - Tĩnh. Vì thế bọn đế quốc Pháp đã nghĩ ra một thủ đoạn mới: tổ chức những cuộc biểu tình phản cách mạng và bắt buộc nhân dân thành phố tham gia.

Ngày 19-1, nhân dân 24 khu phố bị lôi ra đường, từng tốp một bước theo nhịp trống, mang 5 lá cờ vàng có ba sắc đè lên góc. Cờ vàng là quốc kỳ của Vương quốc An Nam. Những đoàn người "quy thuận" (bọn Pháp đặt cho họ cái tên này mặc dầu những người An Nam đáng thương đó chưa khi nào chiến đấu) bị dẫn đến hoàng cung (nơi bọn quan lại thường đến đó bái vọng nhà vua, mặc dầu ông ta không bao giờ đến đó). Họ được viên tổng đốc bận lễ phục đón tiếp. Quan lớn nói với họ như thế này: “Bây giờ nhân dân thành phố đã xin tạ lỗi quy thuận Chính phủ Nam triều và Chính phủ Pháp thì phải lo giữ gìn trật tự, an ninh trong thành phố. Các người đừng nghe những lời tuyên truyền bậy bạ và đừng phạm những điều đáng chê trách” (tên tổng đốc muốn nói đến cách mạng đấy, nhưng nó không dám dùng những tính từ quá chua cay, mỗi khi nói đến cách mạng trước nhân dân). Tên tổng đốc bảo mọi người lạy ba lạy trước ảnh vua để tỏ lòng trung với vua. Rồi nó dẫn nhân dân đến trước tòa sứ và cũng buộc phải lạy ba lần để tỏ lòng trung thành với đế quốc Pháp.

Bọn đế quốc và phong kiến Nam triều xem cuộc biểu tình tỏ lòng trung thành đó là một thành công lớn của chúng và hôm sau tin này được đăng đầy trên báo chí.

Chúng định tiếp tục tổ chức những cuộc biểu tình như vậy ở Nghệ - Tĩnh. Nhưng ở các thôn xã có nông dân cách mạng thì khó mà tổ chức được như ở thành phố nơi mà chúng chỉ tập hợp được một số người ngốc nghếch mà thôi.

Ngày 19 tháng 2 năm 1931

Nguồn: Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, 2000, tr.65-67

Nghệ - Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu ‘đỏ’!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO