Nghi nhiễm HIV hàng loạt tại Phú Thọ: Sự kỳ thị nguy hiểm hơn virus

Bác sĩ Lưu Văn Trường 14/08/2018 06:48

Người bị nhiễm HIV thường coi như đã bước vào “cửa tử” và chịu rất nhiều đau khổ về mặt tinh thần bởi thái độ kỳ thị, xa lánh của cộng đồng.

Những ngày gần đây, các phương tiện thông tin truyền thông đồng loạt đưa tin về sự việc xảy ra tại xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) khi cả xã xôn xao kéo nhau đi xét nghiệm HIV.

Một vùng quê không yên bình vì… HIV

Sự việc bắt nguồn từ một nữ bệnh nhân ở khu Chiềng 3, xã Kim Thượng được phát hiện nhiễm HIV trong khi mọi sinh hoạt chỉ quanh quẩn ở nhà. Theo nữ bệnh nhân này, bà từng bị bệnh và có đến nhà y sĩ T. để tiêm thuốc.

Khi nghe đến trường hợp của nữ bệnh nhân trên, nhiều người xã Kim Thượng đã nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm HIV trong quá trình điều trị nhà y sĩ T. Rất đông những người điều trị tại nhà của y sĩ này trước đó cũng đến Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn lấy máu làm xét nghiệm. Họ cho rằng trong khi chữa bệnh, ông T. dùng một kim tiêm và tiêm hết cho người này đến người khác.

Kết quả dương tính với HIV của một bệnh nhân tại xã Kim Thượng.

Ngoài nữ bệnh nhân trên còn có thêm một vài trường hợp khác cũng được xác định bị nhiễm HIV và rất nhiều người đang chờ đợi kết quả từ cơ quan y tế, từ đó tạo tâm lý hoang mang cho người dân trong xã khi sợ mình và gia đình cũng bỗng dưng bị nhiễm HIV.

Hiện nay, Bộ Y tế đã vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra hướng xử lý. Về phía y sĩ T., ông bác bỏ nhận định của nhiều người khi cho rằng ông không tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn trong điều trị.

Hiểu về đường lây truyền HIV

HIV (Human Immunodeficiency Virus, có nghĩa là virus gây suy giảm miễn dịch ở người) có khả năng gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS), một tình trạng làm hệ miễn dịch của con người bị suy giảm cấp tiến, tạo điều kiện cho những nhiễm trùng cơ hội và ung thư phát triển mạnh làm đe dọa đến mạng sống của người bị nhiễm.

HIV có thể lây truyền thông qua máu, dịch tiết của người bệnh như dịch âm đạo, tinh dịch. Một số ít lây truyền qua sữa mẹ khi người mẹ nhiễm HIV cho con bú, HIV hoàn toàn không lây qua nước mắt, nước bọt vì lượng virus cực kỳ thấp.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Một cá nhân có nguy cơ bị nhiễm HIV khi thực hiện các thủ thuật xâm lấn gây chảy máu (dùng chung kim tiêm), quan hệ tình dục không an toàn (quan hệ không dùng bao cao su, quan hệ với nhiều người), trẻ nhiễm HIV trong quá trình sinh do mẹ truyền qua hoặc từ nhau thai trong khi mang thai.

HIV không thể lây truyền thông qua các hành gần gũi thông thường khác như ôm, hôn, bắt tay hay ăn uống chung. Như vậy, người dân không có những hành vi nguy cơ như trên thì không nhất thiết phải lo lắng và cũng không cần phải làm xét nghiệm.

Tâm bệnh nguy hiểm hơn con virus!

Người đầu tiên được phát hiện nhiễm HIV ở Việt Nam vào tháng 12/1990 là một phụ nữ 30 tuổi (lây từ người chồng sắp cưới). Người phụ nữ này đến nay vẫn sống khỏe mạnh do dùng thuốc kháng virus đều đặn và lạc quan. Đây có lẽ là thông tin mà rất nhiều bệnh nhân không may bị nhiễm HIV cảm thấy như được tiếp thêm động lực.

Trên thực tế, rất nhiều bệnh lý nguy hiểm hơn nhiễm HIV, dễ lây nhiễm, dễ từ vong hơn rất nhiều. Cùng một đường lây truyền nhưng virus viêm gan B (HBV) ít được người ta chú ý đến mặc dù nó có thể gây ra viêm gan cấp gây hôn mê gan và tử vong sau đó. Đa số bệnh nhân ung thư gan cũng có yếu tố nguy cơ là nhiễm virus viêm gan B trước đó.

Có thể nhận thấy, virus HIV tự nó không giết chết người ta ngay lập tức, bằng chứng là ngay tại Việt Nam đã có người sống khỏe mạnh với nó gần 30 năm. Mặc dù vậy, hàng ngày rất nhiều bệnh nhân tử vong do HIV và những yếu tố liên quan đến HIV.

Trước hết, những sai lầm trong truyền thông trước đây đã vô tình đẩy bệnh nhân HIV vào chỗ “không dám nhìn mặt ai”, người dân hiểu rằng HIV là chết, HIV là mại dâm, là ma túy và nhiều điều xấu xa khác. Cộng đồng kỳ thị, đóng kín cánh cửa hội nhập với bệnh nhân HIV. Phẩm giá của họ bị chà đạp nghiêm trọng.

Về phía bệnh nhân HIV, họ chưa được tư vấn tâm lý một cách kỹ càng, khi đối diện với một chấn thương tâm lý lớn như bị nhiễm HIV hầu hết đều sụp đổ. Không riêng HIV, những người bệnh nan y như ung thư nếu không cải thiện về mặt tâm lý và sống lạc quan thì rất nhanh chóng suy sụp và tử vong. Ngược lại, nếu duy trì được trạng thái tâm lý tốt, người bệnh vẫn có thể sống khỏe trong một thời gian rất dài.

HIV không đáng sợ như chúng ta vẫn nghĩ, cái đáng sợ nằm ở sự thiếu hiểu biết về HIV và thái độ khi đối diện với nó cũng như thái độ của cộng đồng với người bệnh.

HIV được kiểm soát như thế nào?

Hiện nay, khi phơi nhiễm HIV, bệnh nhân sẽ được khám, tư vấn và điều trị bằng thuốc ARV (thuốc kháng virus). Nếu được sử dụng thuốc trong vòng 72 giờ sau phơi nhiễm và tuân thủ quy trình điều trị thì hầu như bệnh nhân sẽ không có nguy cơ nhiễm HIV.

Trong các trường hợp không may bị nhiễm HIV, bệnh nhân sẽ được điều trị với thuốc ARV liên tục nhằm kiểm soát nồng độ virus trong cơ thể, người bệnh khi đó vẫn sống khỏe mạnh và làm việc bình thường.

Khá nhiều bệnh nhân HIV đang trong độ tuổi sinh sản, họ mong muốn có đời sống tình dục và có con. Điều hoàn toàn có thể thực hiện được nếu người bệnh tuân thủ chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc. Họ sẽ không lây bệnh cho vợ hoặc chồng của mình, họ vẫn có thể có được những đứa con mạnh khỏe.

Hiện nay chưa có vắc xin phòng chống HIV, tuy nhiên với sự phát triển của các phương pháp điều trị, HIV hoàn toàn có thể được kiểm soát, bệnh nhân HIV được sống khỏe mạnh trong thời gian rất dài.

Liên hệ đến vụ việc tại xã Kim Thượng (Phú Thọ), trước khi có câu trả lời chính thức từ các cơ quan chức năng, người dân cần hiểu đúng để không có tâm lý hoang mang. Bởi thái độ với bệnh tật vẫn là yếu tố quan trọng nhất.

Theo news.zing.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Nghi nhiễm HIV hàng loạt tại Phú Thọ: Sự kỳ thị nguy hiểm hơn virus
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO