Nghiên cứu giải quyết chế độ cho thế hệ thứ 3 bị di chứng chất độc da cam

Mai Hoa 19/06/2018 12:38

(Baonghean.vn) - Đó là đề xuất của Nghệ An với đoàn kiểm tra Trung ương vào sáng 19/6, về việc thực hiện Chỉ thị số 43/CT-TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Q
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương làm trưởng đoàn kiểm tra. Làm việc với đoàn, về phía Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy. Ảnh: Mai Hoa

Tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông khẳng định, công tác chăm sóc gia đình chính sách, người có công với cách mạng luôn được các cấp ủy ở Nghệ An quan tâm, xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và an sinh xã hội.

Nghệ An là tỉnh lớn, cũng là hậu phương lớn trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, vì vậy số lượng đối tượng người có công với cách mạng nhiều. Toàn tỉnh có 43.503 người được công nhận thương binh, bệnh binh; hơn 30.000 người tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh.

Đặc biệt, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 43/CT-TW, ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư được Tỉnh ủy và các cấp ủy Đảng chỉ đạo bài bản và được cụ thể hóa bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực.

Ngoài thực hiện đảm bảo đúng chính sách cho đối tượng trong 10 năm gần đây, Nghệ An chú trọng công tác xã hội hóa nguồn lực chăm sóc người có công, trong đó có người bị nhiễm chất độc hóa học.

Cấp ủy các cấp cũng chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin từ tỉnh đến cơ sở, cũng như đảm bảo chính sách cho đội ngũ cán bộ Hội ở các cấp.

Phó Bí thư Tinh ủy Nguyễn Văn Thông trao Huy hiệu 40, 30 tuổi Đảng cho các đảng viên thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Nghệ An
Phó Bí thư Tinh ủy Nguyễn Văn Thông khẳng định, Nghệ An quan tâm triển khai thực hiện Chỉ thị số 43/CT-TW, ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư một cách bài bản và thiết thực. Ảnh: Mai Hoa

Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng nêu một số băn khoăn, đó là tỷ lệ người được hưởng chế độ còn quá thấp, mới chỉ có 10.036/hơn 30.000 người tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh có chế độ.

Phân tích trên cơ sở khoa học về gen di truyền về thế hệ thứ 3, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông kiến nghị Trung ương có cơ chế cụ thể để giải quyết chế độ cho thế hệ thứ 3. Mặt khác, Trung ương cũng cần nghiên cứu nâng chế độ người trực tiếp tham gia ở chiến trường bị nhiễm chất độc da cam mất khả năng lao động và mất khả năng tự chăm sóc...

Còn Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đinh Xuân Tứ cho rằng, chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nên việc lưu giữ giấy tờ để hưởng chế độ từ các đối tượng khó khăn; đề nghị Trung ương nghiên cứu cách giải quyết “mềm” hơn, trên thực thể của con người cụ thể, thay cho chỉ căn cứ vào giấy tờ như hiện nay.

Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đinh Xuân Tứ thăm, động viên nạn nhân chất độc da cam tại xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu). Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đinh Xuân Tứ thăm, động viên nạn nhân chất độc da cam tại xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu). Ảnh tư liệu

Nêu thực tế, có những gia đình có nhiều người bị nhiễm chất độc da cam và bố mẹ chăm sóc rất vất vả, ông Đinh Xuân Tứ cũng đề nghị Trung ương nghiên cứu chế độ cho người phục vụ người bị chất độc da cam giống như thương binh.

Cũng đề cập vướng mắc, bất cập, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Đăng Dương cho biết, hiện tại con của những người tham gia kháng chiến trong vùng bị rải chất độc hóa học dioxin bị dị dạng, dị tật được hưởng chế độ chất độc da cam, nhưng bố lại chưa được hưởng.

Mặt khác, hiện tại trong hồ sơ quân nhân và lý lịch đảng viên của nhiều đối tượng chỉ ghi ký hiệu đơn vị, chứ không xác định rõ vùng tham gia chiến đấu, không có căn cứ để Sở LĐ-TB&XH giới thiệu họ đi giám định, cho nên đề nghị Trung ương cần chỉ đạo việc giải mã sớm các đơn vị quân đội.

Phó trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Văn Hùng
Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Văn Hùng kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Kết luận cuộc làm việc, Trưởng đoàn kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao việc triển khai Chỉ thị số 43 của tỉnh Nghệ An.

Bên cạnh chỉ ra một số khó khăn, hạn chế, đồng chí Nguyễn Văn Hùng đề nghị Nghệ An tiếp tục tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị nhằm nâng cao nhận thức trong cấp ủy, hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, nhân dân; tiếp tục rà soát các đối tượng nhiễm chất độc da cam, kể cả thế hệ thứ 3 một cách cụ thể, từ đó chăm lo tốt hơn cho các nạn chất độc da cam.

Theo Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Nghệ An cần quan tâm củng cố tổ chức Hội các cấp, đáp ứng yêu cầu tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cũng như đảm bảo quyền lợi và chăm lo tốt cho người bị nhiễm chất độc da cam trên địa bàn tỉnh.

Nghiên cứu giải quyết chế độ cho thế hệ thứ 3 bị di chứng chất độc da cam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO