Ngồi 6 tiếng/ngày, bạn có thể mắc phải 14 căn bệnh dễ tử vong này
Một nghiên cứu của Hiệp hội Ung thư Mỹ chỉ ra rằng nếu bạn ngồi 6 tiếng mỗi ngày, nguy cơ tử vong sớm sẽ tăng 19% so với những người ngồi ít hơn 3 tiếng.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ 128.000 nam và nữ trong nghiên cứu dự phòng của Hiệp hội Ung thư Mỹ. Tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu, không một ai mắc bệnh mạn tính. Trong thời gian 21 năm theo dõi, gần 49.000 người đã tử vong.
Các nhà khoa học cho biết ngồi nhiều có thể làm tăng nguy cơ tử vong vì 14 bệnh, bao gồm: ung thư, bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường, bệnh thận, tự tử, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh phổi, bệnh gan, loét dạ dày tá tràng và các bệnh tiêu hóa khác, bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer, các rối loạn thần kinh và các rối loạn cơ xương khớp.
Cứ sau 1 giờ, nên đứng lên đi lại hoặc nếu không thể thì vận động tại chỗ |
Các nhà nghiên cứu khuyến cáo, chúng ta nên vận động nhiều hơn và càng ngồi ít càng tốt. Sau mỗi giờ ngồi nên đứng lên 2 phút hoặc vận động nhẹ nhàng có thể cải thiện cholesterol, đường huyết và huyết áp.
Một nghiên cứu của Australia ước tính mọi người thường dành 90% thời gian không làm việc để ngồi một chỗ, hơn một nửa trong số đó là xem TV hoặc ngồi trước máy tính. Các nhà nghiên cứu cho rằng những người ngồi nhiều cũng có những hành vi không lành mạnh khác như ăn vặt quá mức.
Ngoài ra, việc ngồi nhiều có liên quan tới hàm lượng triglycerid, đường huyết, huyết áp và insulin cao hơn. Ngồi nhiều cũng liên quan tới tình trạng viêm gây ra bởi béo phì, bệnh tim, bệnh gan, bệnh thận cũng như ung thư, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Việc ngồi nhiều cũng liên quan đến bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer cũng như các rối loạn thần kinh và cơ xương khớp.
Tích trữ chất béo
LPL hay còn gọi là lipoprotein lipase, một enzyme phá vỡ chất béo và chuyển hóa chất béo thành dạng năng lượng cho cơ thể hoạt động. Khi bạn ngồi nhiều thì enzyme này hoạt động không hiệu quả nên lượng chất béo sẽ tích tụ trong cơ thể. Đó chính là lý do vì sao ngồi nhiều lại khiến bạn dễ bị béo bụng, tăng cân và nguy cơ béo phì cũng cao hơn.
Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu
Khi bạn ngồi cả ngày, máu lưu thông không tốt nên dễ mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu. Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu là một biến chứng về sức khỏe, trong đó các cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch ở chân. Nguy hiểm hơn là đôi khi các cục máu đông này có thể bị bong ra, theo dòng chảy của máu chạy vào các mạch máu hẹp ở phổi, tim ảnh hưởng không nhỏ cho sức khỏe, thậm chí tử vong.
Ung thư
Ngồi quá nhiều trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng, nội mạc tử cung và có thể là ung thư phổi lên 66%. Đây là kết quả của một nghiên cứu khảo sát hơn 4 triệu người và phát hiện 68.936 ca ung thư. Nghiên cứu cho thấy, ngay cả ở những người có tham gia hoạt động thể chất nhưng ngồi quá nhiều trong ngày vẫn ảnh hưởng không ít tới sức khỏe.
Bệnh tiểu đường
Một nghiên cứu của Hà Lan cho thấy rằng chỉ cần một giờ ngồi là đủ để làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Khi bạn ngồi liên tục sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tuyến tụy, từ đó ảnh hưởng đến hàm lượng hormone insulin trong máu nên dễ dẫn đến bệnh tiểu đường.
Trầm cảm
Một nghiên cứu khảo sát hơn 9.000 phụ nữ và cho ra kết quả rằng những người ngồi lâu hay lười thể dục dễ bị trầm cảm cao hơn nhiều so với những phụ nữ ngồi ít hơn, cũng như tập thể dục nhiều hơn. Đặc biệt, những người ngồi hơn 7 giờ một ngày tăng 47% mắc bệnh trầm cảm hơn những người ngồi 4 giờ hoặc ít hơn.
Vấn đề cơ bắp và xương khớp
Khi bạn ngồi nhiều sẽ tạo áp lực khá lớn lên hai chân và phần hông. Lâu dần có thể khiến chân không còn linh hoạt và hông bị đau nhức. Ngoài ra, khi bạn ngồi quá lâu, các cơ ở phía sau và cổ căng lên sẽ thường xuyên gây ra những cơn đau nghiêm trọng ở phần vai, cổ và lưng.
Bệnh tim
Nếu bạn ngồi thường xuyên, cơ thể trong trạng thái tĩnh nhiều hơn động, lượng mỡ hấp thụ vào hàng ngày sẽ ít được tiêu hao, hoặc được đốt cháy với tốc độ chậm. Khi ngồi lâu, hệ tuần hoàn máu trong toàn cơ thể vận động chậm lại, máu dễ bị tắc lại do mỡ phủ kín trong huyết quản, đặc biệt là những nơi gần tim.
Biện pháp khắc phục
- Cố gắng giữa các giờ ngồi làm việc thì bạn nên đứng dậy và đi lại một chút hoặc ít ra cũng vươn vai tại chỗ để thư giãn cơ bắp, xương khớp và máu được tuần hoàn tốt hơn. Cứ sau khoảng 1 giờ, bạn nên đứng lên đi lại hoặc nếu không thể thì hãy cố gắng vận động tại chỗ.
- Thường xuyên tập luyện thể chất là cách tốt nhất để ngăn ngừa tác hại do ngồi nhiều. Các môn vận động tay chân như đi bộ, chạy bộ, bơi lội... đều mang đến tác dụng tích cực.
- Hãy giữ tư thế ngồi thẳng, ngay ngắn, chiều cao của ghế vừa với chiều cao của bạn, xung quanh chỗ ngồi cần có không gian đủ để bạn vận động nhẹ, nên để chiếc gối dựa ở vùng lõm eo lưng để giảm mệt mỏi. Chú ý tư thế ngồi để đảm bảo máu lưu thông tốt, không để tắc mạch máu do ngồi trong một tư thế quá lâu.