Ngọn núi 'ăn thịt người' hút khách du lịch

15/06/2017 06:38

Trong gần 5 thế kỷ, khoảng 8 triệu người bỏ mạng trên núi Cerro Rico ở Bolivia và hiện nó là điểm tham quan thu hút nhiều du khách.

Tọa lạc giữa một trong những thành phố cao nhất thế giới tại Potosí, Bolivia, Cerro Rico được mệnh danh là ngọn núi giàu có. Thực dân Tây Ban Nha từng đặt cái tên này cho Cerro Rico ám chỉ lượng quặng bạc khổng lồ tới hơn 56 nghìn tấn bên dưới, đến nỗi họ cho rằng ngọn núi làm hoàn toàn từ bạc.

ngon-nui-an-thit-nguoi-tai-nam-my

Núi Cerro Rico nằm sát khu dân cư của Potosí. Ảnh: Al Jazeera America.

Hàng triệu người bỏ mạng

Năm 1545, một thị trấn nhỏ được dựng lên phía chân núi với khoảng 3 triệu người bản địa bị buộc vào mỏ làm việc. Theo nhà sử học Eduardo Galeano, có khoảng 8 triệu người đàn ông đã chết dưới Cerro Rico kể từ thế kỷ 16 do tai nạn hoặc làm việc quá sức, chết đói và bệnh tật.

Những người thợ mỏ nói số quặng được đào lên có thể xây một cây cầu bằng bạc, bắc từ Cerro Rico tới Tây Ban Nha. Nhưng số xương của những người đã ngã xuống có thể dựng cả một cây cầu từ Tây Ban Nha trở lại ngọn núi này.

Nhiều người có ý kiến trái chiều, cho rằng đây là con số phóng đại, bao gồm cả cư dân sống tại khu vực quanh mỏ đã chuyển đi, chứ không chỉ thống kê thương vong. Thật khó để đưa ra số liệu chính xác về những người đã bỏ mạng dưới núi, nhưng chắc chắn đó là con số khổng lồ, đến nỗi Cerro Rico mang tai tiếng là "ngọn núi ăn thịt người".

Cuộc sống người dân

Ngày nay, dù thực dân Tây Ban Nha không còn tồn tại, nhưng những gì diễn ra bên dưới Cerro Rico không thay đổi quá nhiều so với trước.

Hơn 500 năm khai thác mỏ, con người để lại hệ thống đường hầm chằng chịt xen kẽ với nhiều hố sụt trong lòng Cerro Rico, ngọn núi có thể sập xuống bất cứ lúc nào dù đã hạ thấp vài trăm mét dưới thời đế quốc Tây Ban Nha.

Nhiều người chết vì tai nạn, nhưng nguyên nhân chủ yếu gây tử vong là bệnh bụi phổi, do người ta phải hít quá nhiều bụi trong mỏ. Thông thường những mỏ khai thác quặng có hệ thống nước xối thẳng vào các mũi khoan để ngăn bụi, tuy nhiên các mỏ tại Cerro Rico không được trang bị như vậy. Chỉ số ít đàn ông trong vùng sống tới tuổi 40. Theo hiệp hội góa phụ địa phương, trung bình mỗi tháng có 14 phụ nữ mất chồng.

Những đứa trẻ ở đây có thể vào mỏ làm việc từ năm lên 10 tuổi, theo truyền thống của cư dân thành phố. Đôi khi chúng phải làm ca đêm 8 tiếng từ 2 giờ để kịp đi học vào sáng hôm sau. Theo BBC, những thợ mỏ nhỏ tuổi này phải đối mặt với một mối nguy khác từ khí độc sau mỗi vụ nổ phá núi.

ngon-nui-an-thit-nguoi-tai-nam-my-1

Những người đàn ông, trai tráng trong vùng tới hầm mỏ Cerro Rico làm việc. Ảnh: Taringa.

Những người đàn ông và các cậu bé làm việc dưới hầm mỏ thường nhai lá coca để thanh lọc phổi. Họ cũng dâng lá coca, rượu, thuốc lá và bánh kẹo cho El Tio - quỷ thần của mỏ Cerro Rico. Tất cả 38 khu mỏ đều đặt một tượng El Tio trong hầm.

Grover, ông chủ của Marco, cho biết: "Quỷ thần có sừng vì ngài tọa dưới lòng đất. Chúng tôi thường tụ tập vào thứ 6 để dâng lễ, mong ngài ban cho nhiều quặng và bảo vệ chúng tôi khỏi tai bay vạ gió. Bước khỏi mỏ, chúng tôi là những con chiên của Chúa, nhưng một khi vào đây chúng tôi tôn thờ quỷ".

ngon-nui-an-thit-nguoi-tai-nam-my-2

Du khách xem thợ mỏ dâng lễ tới tượng quỷ thần El Tio trong một khu hầm mỏ dưới chân núi Cerro Rico. Ảnh: Al Jazeera America.

Cánh cửa mới

Tới đầu thế kỷ 21, ngành khai thác quặng của Bolivia hoàn toàn chững lại. Lịch sử của Cerro Rico đi vào huyền thoại, đưa ngọn núi này trở thành tượng đài quan trọng nhất của quốc gia Nam Mỹ này.

Năm 1987, UNESCO công nhận Cerro Rico là di sản thế giới, giá trị lịch sử của ngọn núi mở ra một cánh cửa mới cho Potosí - du lịch, Guardian ví đây như chiếc phao cứu sinh cho nền kinh tế của thành phố. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Ủy ban công dân Potosí, ông Marco Antonio Pumari cho rằng chính quyền Bolivia cần có những biện pháp bảo tồn di sản này.

Chính phủ Bolivia đang chạy đua để thực hiện kế hoạch đầy tham vọng, trị giá tới 2,4 triệu USD để ổn định địa chất Cerro Rico. Họ sẽ lấp hố sụt rộng khoảng 700 m2 xuất hiện từ năm 2011.

Một bộ phận người dân cho rằng phương án này chỉ là giải pháp tình thế, họ kêu gọi chính quyền ra lệnh cấm khai thác quặng gần ngọn núi.

Wilber Garnica, đại lý điều hành tour tại Potosí, nhận định: "Đối với một số người, ngọn núi như tháp Eiffel, với những người khác đó chính là nguồn kiếm cơm nuôi sống cả gia đình. Có những người phụ thuộc vào khu mỏ, khi giá cả leo thang mà cuộc sống quá khó khăn, họ không có lựa chọn nào khác ngoài lao vào mỏ và làm việc".

Năm 2005, hai nhà làm phim Kief Davidson và Richard Ladkani khắc họa chân thực cuộc sống của cậu bé Basilio Vargas (14 tuổi) và em trai Bernardo (12 tuổi) trong hầm mỏ qua bộ phim Devil's Miner (Hầm mỏ của Quỷ). Bộ phim được công chiếu tại hai festival phim Rotterdam và Triberca.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Ngọn núi 'ăn thịt người' hút khách du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO