Ngư dân Nghệ An chia sẻ kinh nghiệm 'sống tốt' với nghề

Quang An 24/01/2023 12:41

(Baonghean.vn) - Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách trong năm 2022; bà con ngư dân Nghệ An vẫn nỗ lực vươn khơi với nhiều kinh nghiệm trong nghề biển...

Những thử thách

Nghe tin tàu thuyền về tránh gió mùa, chúng tôi tìm đến cảng Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu. Gặp ông Trần Thành ở xóm Phú Liên, xã Quỳnh Long đang kiểm tra máy móc, vật dụng trên tàu cá số hiệu NA 95669 TS có công suất 1.140CV, là tàu cá lớn nhất trên địa bàn xã, được gia đình ông đóng với tổng kinh phí trên 9 tỷ đồng. Những năm qua, con tàu đã giúp cuộc sống của gia đình ông dần khấm khá khi vươn khơi bám biển hiệu quả, tạo việc làm cho gần 20 thuyền viên với thu nhập ổn định.

Nhiều tàu thuyền của ngư dân phải nằm bờ trong năm 2022 do gặp khó khăn về giá nhiên liệu, thiếu lao động... Ảnh: Quang An

Qua trò chuyện, ông Thành cho biết, năm 2022 không phải là khoảng thời gian thuận lợi đối với nghề khai thác hải sản. Ông chia sẻ: “Năm nay, nghề đi biển gặp nhiều khó khăn, thời tiết không thuận lợi nên tần suất đi biển giảm sút, đơn cử như tháng cuối năm này, dự kiến chúng tôi sẽ đi 3 chuyến biển, mỗi chuyến từ 7 – 10 ngày thì trúng vào đợt gió mùa, nên phải nghỉ hơn 10 ngày rồi. Chưa kể đến việc giá nhiên liệu thường xuyên ở mức cao, có thời điểm gần 30.000 đồng/lít dầu, khiến kinh phí nhiên liệu mỗi lần ra khơi đội lên hàng trăm triệu đồng. Dù hiện nay giá nhiên liệu đã giảm, nhưng vẫn chưa về được mức dưới 20.000 đồng như các năm trước”.

Đại diện chính quyền xã Quỳnh Long cho biết, bên cạnh những khó khăn về thời tiết và giá nhiên liệu thì nghề khai thác hải sản tại địa phương hiện đang thiếu lao động tương đối lớn. Toàn xã có 120 tàu, trong đó có 43 tàu lớn, công suất trên 700CV, cần đủ lao động để có thể phát huy được hết khả năng khai thác. Tuy nhiên, thời gian qua, số thuyền viên nghỉ biển để chuyển sang làm công việc khác, xuất khẩu lao động có xu hướng gia tăng. Trong năm 2022, đã có 10 chủ tàu trên địa bàn phải bán tàu vì những khó khăn trên.

Xã Quỳnh Lập, TX. Hoàng Mai là một trong những địa phương có số lượng tàu cá nhiều nhất trên địa bàn Nghệ An với trên 200 chiếc, trong đó có 70% là tàu công suất lớn. TX. Hoàng Mai là địa phương nổi tiếng với nghề đi biển với những con tàu “khủng”, ngư dân có nhiều kinh nghiệm đánh bắt hải sản. Tuy vậy, trong năm 2022, nghề khai thác hải sản tại đây cũng gặp những khó khăn chung của nghề cá.

Tiểu thương nhập hải sản tại bến cá Nghi Thủy, T.X Cửa Lò. Ảnh: Quang An

Ông Lê Bá Kỷ - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập, TX. Hoàng Mai cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay đã có gần 300 người trên địa bàn xã, chủ yếu là ngư dân, đi xuất khẩu lao động hoặc làm những công việc khác. Với số lượng tàu thuyền lớn, địa phương hiện đang thiếu hàng trăm lao động nghề biển. Dù các chủ tàu cũng đã trả mức lương tương đối cao, xấp xỉ 8 triệu đồng/tháng, nhưng vẫn khó níu giữ được lao động nghề biển.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 3.400 tàu đánh bắt hải sản, trong đó có gần 1.200 tàu có chiều dài lớn nhất, từ 15m trở lên. Ngư dân Nghệ An đánh bắt hải sản bằng các nghề lưới rê, lưới chụp, lưới vây, lưới kéo… với khoảng 17.000 lao động trực tiếp trên tàu. Mặc dù vậy, trước những khó khăn hiện nay, số lượng lao động nghề biển đang có xu hướng sụt giảm, ảnh hưởng đến sản lượng khai thác hải sản hàng năm tại các địa phương và tác động đến nguồn cung trên thị trường.

Vững tin bám biển

Mặc dù trải qua một năm đầy khó khăn, nhưng trong tâm thức của những người con sinh ra từ biển, các ngư dân đều mong muốn gắn bó với nghề cha ông, sống cùng với những con sóng. Do đó, khi những thử thách xuất hiện, chỉ một bộ phận ngư dân tìm kiếm công việc khác, số còn lại vẫn tìm cách thích ứng vượt qua khó khăn, quyết tâm vươn khơi bám biển.

Tàu thuyền của ngư dân Nghệ An vững tin vươn khơi bám biển. Ảnh: Quang An

Tại xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu), ông Nguyễn Văn Minh ở xóm Đại Bắc là ngư dân dày dặn kinh nghiệm trong khai thác hải sản, đây là một trong số ít chủ tàu vẫn duy trì được thu nhập ổn định trong năm nay. Ông Minh cho biết, dù trong năm 2022 gặp nhiều khó khăn, nhưng chưa bao giờ ông nghĩ đến việc từ bỏ nghề cha ông, tình yêu nghề còn được ông truyền cảm hứng cho các lớp thuyền viên trẻ trên tàu nên ai cũng hăng say lao động, sản lượng khai thác hải sản của tàu trung bình trên 120 tấn/tháng, cao bậc nhất tại địa phương.

Ông Minh cũng không ngần ngại chia sẻ các kinh nghiệm, bí quyết để có thể giúp các đồng nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì thu nhập ổn định, tiếp tục sống với nghề. Theo ông Minh, có 3 yếu tố quyết định đến khai thác hải sản thành công. Đầu tiên là phải tinh thông nghề nghiệp, bám biển dài ngày để có các kinh nghiệm trong công việc, đơn cử như nắm được kỹ thuật nước gió, cơ cấu lưới chài, sử dụng thành thạo trang thiết bị… để xử lý được tất cả các tình huống trên biển, vấn đề này phải rèn dũa dần theo năm tháng.

Ngư dân Nguyễn Văn Minh, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu luôn tâm niệm giữ nghề truyền thống, vượt khó bám biển. Ảnh: Quang An

Kinh nghiệm nữa là các chủ tàu phải đầu tư máy móc, phương tiện để đánh bắt hiệu quả, không cố dùng các thiết bị đã lỗi thời, xuống cấp, vừa giảm sản lượng, vừa mất an toàn. Tàu của ông Minh cách đây vài tháng đã lắp đặt máy dò cá công nghệ cao nhập khẩu từ Nhật Bản với tổng kinh phí 1,7 tỷ đồng, từ đó, sản lượng đánh bắt được tăng lên từ 30 - 40%. Ngoài ra, hệ thống đèn led, ánh sáng, lưới chài cũng phải đầu tư đồng bộ để nâng cao hiệu quả đánh bắt.

Điều cuối cùng, ông Minh cho rằng, để khai thác hải sản có giá trị thì chủ tàu phải di chuyển ngư trường hợp lý theo mùa vụ, không cố đánh bắt ở một vùng. Đơn cử như từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, tàu của ông Minh thường khai thác ở vùng biển từ Hà Tĩnh vào đến Đà Nẵng, thời gian còn lại, đánh bắt ở ngư trường từ Nghệ An ra Hải Phòng. Mỗi ngư trường vào đúng thời điểm sẽ có những hải sản vừa có sản lượng tốt, vừa có giá trị cao, cho thu nhập ổn định.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn, tuy nhiên ngư dân Nghệ An vẫn nỗ lực bám biển, giữ nghề cha ông. Ảnh: Quang An

Ngư dân Hoàng Văn Tuấn ở xóm Chiến Thắng, xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu có 2 tàu công suất 620CV và 410CV làm nghề giã kéo. Anh Tuấn cho biết: Việc sở hữu 2 con tàu đều phải ra khơi thường xuyên trong thời điểm giá nhiên liệu tăng cao trong năm qua đã tạo sức ép không hề nhỏ. Tuy nhiên, nhờ đầu tư trang thiết bị đồng bộ cũng như giữ được đủ số lượng thuyền viên nên sản lượng khai thác đều đạt tốt, nên có kinh phí để chi trả tiền nhiên liệu cũng như tiền lương cho thuyền viên.

Cũng theo anh Tuấn, thì bên cạnh kinh nghiệm đánh bắt, đầu tư thiết bị, thì việc nắm bắt được tâm tư, thường xuyên chia sẻ với anh em thuyền viên, xử lý kịp thời các nguyện vọng để họ có động lực bám biển lâu dài, làm việc với tinh thần đoàn kết là vô cùng quan trọng, quyết định thành công của mỗi chuyến biển.

Thời điểm này, hàng ngàn ngư dân trên địa bàn tỉnh đang tập trung kiểm tra lại tàu thuyền, chuẩn bị nguồn nhu yếu phẩm, nhiên liệu để sẵn sàng ra khơi sau khi kết thúc đợt gió mùa. Những chuyến biển cuối năm, ai cũng mong muốn thời tiết thuận lợi để đánh bắt được sản lượng lớn, có một cái Tết ấm sau một năm đầy gian khó.

Sản lượng khai thác hải sản năm 2022 tỉnh Nghệ An ước đạt 175.000 tấn. Ảnh: Quang An

Khi được hỏi về những mong muốn trong năm mới, hầu hết ngư dân đều chỉ mong những điều thật bình dị, rằng năm 2023 biển lặng gió hòa để ra khơi thường xuyên, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, bà con cũng hy vọng chính quyền địa phương, các cấp ngành có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho ngư dân như hỗ trợ giá nhiên liệu, trang thiết bị và đặc biệt là làm việc với các ngân hàng, quỹ tín dụng để có thể giảm lãi suất, giãn thời hạn trả nợ để bà con giảm bớt áp lực, yên tâm bám biển.

Mới nhất
x
Ngư dân Nghệ An chia sẻ kinh nghiệm 'sống tốt' với nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO