Ngư dân Nghệ An chủ động tránh trú bão số 2
Bão số 2 đang di chuyển vào khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc), ngư dân Nghệ An đã nắm được hướng di chuyển của cơn bão để chủ động phòng tránh.
Xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) là địa phương có số lượng tàu cá lớn, với gần 200 chiếc tàu công suất lớn và vừa. Trong sáng nay 22/7, ông Phan Văn Hải - Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Lập cho biết, nắm bắt được thông tin của bão số 2, toàn bộ tàu thuyền của địa phương đã về bờ an toàn từ ngày hôm qua 21/7, trong đó một số tàu thuyền cập cảng cá ở Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam...
"Sau khi bão tan, cũng là thời điểm hết kỳ nghỉ trăng, toàn bộ tàu thuyền sẽ vươn khơi bám biển trở lại", ông Phan Văn Hải cho hay.
Ông Hoàng Ngọc Thủy - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hoàng Mai cho biết: Khi biển Đông có bão, vấn đề lo nhất là tàu thuyền của ngư dân đang đánh bắt trên biển không nắm được thông tin.
Đối với cơn bão số 2 này, mặc dù di chuyển vào phía Bắc, nhưng thực hiện công điện chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, thị xã đã chỉ đạo các địa phương và phối hợp với Đồn Biên phòng Quỳnh Phương kết nối liên lạc với các chủ phương tiện thông báo cụ thể về hướng di chuyển của bão số 2 để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Trong sáng 22/7, mặc dù vẫn còn một số tàu thuyền của thị xã Hoàng Mai chưa về đến bờ, nhưng các thuyền trưởng đã giữ được liên lạc thông suốt.
Tại huyện Quỳnh Lưu, đến sáng 22/7, đa phần tàu thuyền của ngư dân đã neo đậu vào khu vực tránh trú bão. Theo Ban Quản lý Cảng cá Lạch Quèn, thời điểm này ngư dân đánh bắt xa bờ về nghỉ trăng, nên phần lớn tàu thuyền công suất lớn về bờ từ mấy ngày trước, dự kiến vài ngày nữa, cũng là thời điểm hết bão thì ngư dân sẽ tiếp tục ra khơi khai thác hải sản.
Huyện Diễn Châu là địa phương có số tàu thuyền công suất nhỏ nhiều nhất tỉnh. Trong số 950 tàu thuyền, trong đó 215 tàu đánh bắt xa bờ, còn lại đánh bắt vùng lộng.
Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Diễn Châu cho hay, số tàu đánh bắt xa bờ đã về bờ từ ngày hôm trước, đối với tàu cá công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ, do tỉnh chưa có lệnh cấm biển, nên ngư dân đánh bắt vùng lộng vẫn đi biển, tuy nhiên bà con chỉ đi thời gian ngắn và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng.
Nghệ An hiện có 3.415 tàu thuyền đánh cá, tổng số lao động khai thác hải sản 16.578 người, trong đó, số lao động khai thác vùng khơi là 8.329 người. Để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền đánh bắt trên biển mỗi khi có áp thấp nhiệt đới, hoặc bão, công tác thông tin liên lạc và kêu gọi tàu thuyền về bờ kịp thời luôn đặt lên hàng đầu đối với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.
Trước đó, chiều 19/7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã có Công điện số 04/CĐ-BCH gửi các địa phương và đơn vị liên quan, chỉ đạo các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới.
Trong đó, đối với tuyến biển và khu vực ven biển, theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.