Kinh tế

Phòng, chống cháy nổ tàu thuyền mùa nắng nóng

Việt Hùng 10/06/2024 12:46

Qua nhiều vụ cháy tàu cá cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là từ việc không chấp hành các quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy của chủ tàu, thuyền.

Nâng cao công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cảng cá

Cách đây gần 1 năm, đêm 28/7/2023, trong lúc đang neo đậu tại cảng cá Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu), tàu cá NA-99699-TS của chủ tàu Bùi Xuân Xin ở xã Quỳnh Long đột ngột bốc cháy dữ dội. Sau đó, tàu cá này trôi theo dòng chảy làm ngọn lửa lây lan sang 4 tàu khác đang neo đậu gần đó. Sau vụ cháy, 3/5 tàu gần như bị thiệt hại hoàn toàn, không thể sửa chữa được. Vụ cháy tàu cá gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Ảnh 2 (1)
Ngư dân kiểm tra, đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện trên tàu cá. Ảnh: Việt Hùng

Sau vụ 3 tàu cá của ngư dân Quỳnh Lưu bị cháy, từ đó đến nay, công tác phòng cháy, chữa cháy được các chủ tàu, chính quyền và lực lượng chức năng trên địa bàn huyện đặc biệt quan tâm.

Chúng tôi có mặt trên tàu cá của thuyền trưởng Tô Huy Sự ở xã Quỳnh Nghĩa, chứng kiến cảnh các thuyền viên đang tập trung tân trang lại thiết bị vận hành cũng như đảm bảo về mặt an toàn phòng cháy, chữa cháy. Anh Sự- chủ tàu cá cho biết, chiếc tàu vỏ sắt này được mua lại của ngư dân tỉnh Nam Định. Sau khi về cảng cá Lạch Quèn, công việc trước mắt của các thuyền viên là sửa chữa, bảo dưỡng động cơ của tàu để phù hợp với đặc thù hoạt động khai thác tại địa phương.

ẢNh 1 (3)
Tàu cá của Thuyền trưởng Tô Huy Sự ở xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) trang bị đầy đủ hệ thống bình bọt PCCC. Ảnh: Việt Hùng

“Tàu cá mua về đến nay đã được hơn 2 tháng, toàn bộ thời gian này được chúng tôi dành để nâng cấp hệ thống vận hành cũng như trang thiết bị đảm bảo tốt nhất cho việc khai thác hải sản. Hàng trăm chiếc bóng điện cao áp chiếu sáng trên tàu đều được kiểm tra kỹ càng về hệ thống cấp điện; dây dẫn điện đấu nối với các bình ắc-quy được lắp hệ thống tự ngắt khi có sự cố xảy ra. Trên tàu còn trang bị nhiều bình chữa cháy mini và 2 bình chữa cháy loại to để xử lý sự cố bất thường. Con tàu mua lại với giá 8 tỷ đồng, đây là tài sản lớn nên chúng tôi đặt công tác phòng cháy lên trên hết” - thuyền trưởng Tô Huy Sự cho biết thêm.

Ảnh 4 PCCC1
Đoàn công tác huyện Quỳnh Lưu kiểm tra PCCC tại một số cảng cá và trên tàu thuyền của ngư dân. Ảnh: Việt Hùng

Vào mùa cao điểm, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Quỳnh Lưu vào cửa lạch để bán hải sản và neo đậu tiếp nhiên liệu. Một số chủ tàu từ nơi khác đến, việc cập nhật kiến thức phòng cháy còn hạn chế dẫn đến sự chủ quan, lơ là.

Ông Phan Tiến Chương - Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Nghệ An cho biết, đơn vị quản lý 4 cảng cá gồm: Cảng Lạch Cờn (thị xã Hoàng Mai), Lạch Quèn (Quỳnh Lưu), Lạch Vạn (Diễn Châu), Cửa Hội (thị xã Cửa Lò). Riêng huyện Quỳnh Lưu hiện có 860 tàu thuyền lớn và nhỏ. Số tàu thường xuyên cập bến neo đậu ở cảng cá Lạch Quèn với gần 600 chiếc của ngư dân các xã: Quỳnh Thuận, Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa, Sơn Hải, Quỳnh Long.

Ảnh 3 PCCC2 (2)
Thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Cảng cá Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Việt Hùng

Vào mỗi dịp chuẩn bị vươn khơi, ngư dân chuẩn bị số lượng dầu trên mỗi tàu từ 3.000 đến 15.000 lít nên nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Để đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy, tại cảng cá Lạch Quèn đã được đầu tư các trang thiết bị gồm 12 họng nước, 2 bể chứa với khối lượng 370m3 nước, hàng chục bình chữa cháy mini và 4 bình chữa cháy loại to.

“Để đảm bảo tốt công tác phòng cháy tàu thuyền, Ban Quản lý Cảng cá Nghệ An đã có văn bản đề nghị các địa phương vùng biển và các ngành liên quan cùng bà con ngư dân áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy; chú trọng hướng dẫn kỹ năng, các biện pháp chữa cháy, thoát nạn, cứu người, cứu tài sản khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra; tổ chức tập huấn, diễn tập, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho đội ngũ thuyền viên, người lái phương tiện tàu thuyền”.

**********

Ông Phan Tiến Chương - Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Nghệ An

Vẫn còn chủ quan, lơ là

Hằng năm, huyện Quỳnh Lưu và lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại cảng cá và trên phương tiện tàu thuyền của ngư dân. Tuy nhiên, việc cập nhật kiến thức phòng cháy còn hạn chế, dẫn đến sự chủ quan, lơ là của một số chủ tàu cá.

Ảnh 5 PCCC
Trên một số tàu, hệ thống cấp điện còn nhiều bất cập, nguy cơ cháy nổ cao. Ảnh: Việt Hùng

Mới đây, đoàn công tác của huyện Quỳnh Lưu do đồng chí Nguyễn Xuân Dinh - Phó Chủ tịch UBND huyện đã đi kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại một số xã ven biển. Đoàn kiểm tra tại bến cá tư nhân của ông Dương Hà Nam thuộc xã An Hòa, tại đây có 3 tàu cá của ngư dân địa phương vào neo đậu nhưng không tuân thủ quy định phòng cháy, chữa cháy.

Quan sát trên tàu, đoàn phát hiện hệ thống điện giăng mắc tùy tiện, không đảm bảo an toàn; trên tàu thiếu thiết bị an toàn phòng cháy, chữa cháy, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.

Ông Bùi Xuân Trúc – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Sau khi kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại một số cảng cá, trong đó, có cảng cá tư nhân của ông Dương Hà Nam ở xã An Hòa đã phát hiện một số tàu cá còn chủ quan, lơ là. Đoàn trực tiếp nhắc nhở chủ tàu sớm khắc phục, tuân thủ theo quy định về phòng cháy, chữa cháy và cũng đề nghị chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền đến ngư dân, thường xuyên phân công người túc trực tại tàu nhằm kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra”.

Anht 6 PCCC
Quỳnh Lưu có hơn 600 chiếc tàu thường xuyên neo đậu ở cảng cá khi về nghỉ trăng. Ảnh: Việt Hùng

Vào mùa nắng nóng, mối lo về nguy cơ cháy, nổ luôn thường trực khi trên mỗi con tàu. Việc sử dụng hệ thống điện, bình gas, bếp gas tồn tại nhiều bất cập. Trong không gian nhỏ trên tàu còn là một lượng lớn ngư, lưới cụ và xăng, dầu ở khoang tàu. Mặt khác, nhiều tàu được hoán cải, việc nâng cấp hệ thống điện chưa đạt yêu cầu. Dây dẫn điện đấu nối với các bình ắc-quy, không có thiết bị ngắt, dễ phát sinh tia lửa điện. Cá biệt, có trường hợp chủ tàu vẫn còn thắp hương trong ca-bin. Đây cũng chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến một số vụ cháy tàu thuyền, gây thiệt hại hàng tỷ đồng xảy ra trên địa bàn huyện thời gian vừa qua.

Để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, mỗi tàu cá phải trang bị đầy đủ các bình bọt; rà soát lại phương án, kế hoạch, thiết bị, nhân lực phòng cháy đảm bảo tính khả thi cao theo phương châm "4 tại chỗ". Các địa phương cần tiếp tục thành lập các tổ xung kích ứng phó kịp thời với các sự cố tại cảng cá./.

Mới nhất
x
Phòng, chống cháy nổ tàu thuyền mùa nắng nóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO