Ngư dân Nghệ An gặp khó khi mua bảo hiểm cho tàu 67
(Baonghean) - Huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) là những địa phương đi đầu trong đóng mới tàu đánh bắt xa bờ. Thế nhưng, một trong những vấn đề ngư dân băn khoăn là việc đơn vị kinh doanh bảo hiểm tạm dừng việc bán bảo hiểm thân vỏ tàu cho ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67/CP.
Triển khai Nghị định 67/CP của Chính phủ (năm 2014) về hỗ trợ cho vay đóng tàu đánh bắt xa bờ, ngoài chính sách hỗ trợ lãi suất vay theo quy định, thời điểm mới triển khai, ngư dân được hỗ trợ 90% chi phí mua bảo hiểm thân tàu (ngư dân, chủ tàu chỉ đối ứng 10%); đồng thời được nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm cho các thuyền viên và một số trang thiết bị ngư lưới cụ.
Thực hiện quy định trên sau khi tàu 67 đóng mới hoàn thành và làm thủ tục đi đánh bắt, ngư dân đều mua bảo hiểm thân vỏ tàu.
Thời gian đầu (cách đây 3 năm), việc đưa tàu 67 vào đánh bắt khá hiệu quả, ngư dân cũng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ nên yên tâm ra khơi. Thời điểm đó, gần như 100% tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/CP đều được hỗ trợ mua bảo hiểm. Tuy nhiên, 2 năm 2018 và 2019, tình hình đánh bắt càng khó khăn hơn và cùng lúc đó, các chính sách hỗ trợ của nhà nước cũng thắt chặt hơn nên phát sinh nhiều vấn đề.
Tàu đánh bắt xa bờ vào neo đậu tại Cửa Hội. Ảnh: Phương Hà |
Cụ thể, ngoài tình trạng ngư dân chậm trả nợ vay ngân hàng thì chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với ngư dân cũng có sự thay đổi khi chỉ hỗ trợ 50% chi phí mua bảo hiểm thân vỏ tàu và không hỗ trợ đối với bảo hiểm trang thiết bị, ngư lưới cụ trên tàu nên ngư dân khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Thắng Lợi ở thôn Phú Liên, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu cho biết: Tàu cá của ông đóng mới theo Nghị định 67/CP, giá trị tàu khi đóng trên 10 tỷ đồng. Bảo hiểm tàu cá được mua hàng năm nhưng tháng 9/2019 vừa rồi hết hạn lên đơn vị bảo hiểm ở huyện mua thì được báo là chưa bán vì chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Ngư dân chuẩn bị ngư cụ để đánh bắt xa bờ và theo quy định mới thì ngư lưới cụ của ngư dân không được Nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm. Ảnh: Nguyễn Hải |
Cùng chung tình cảnh với ông Lợi là ông Hoàng Đức Mến ở xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu. Để đóng được tàu 12 tỷ đồng, anh Mến phải huy động vay anh em, thế chấp cả nhà cửa mới đóng được tàu xa bờ. Nay tàu hết hạn bảo hiểm, muốn mua lại để đi đánh bắt ngoài biển cho yên tâm nhưng cũng không được.
Tổng hợp trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An hiện có trên 10 tàu 67 đã hết hạn bảo hiểm thân vỏ và thời gian tới sẽ còn nhiều tàu như vậy.
Bà Nguyễn Thị Thu Thu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An cho biết: Tình hình trên đã được các ngân hàng kiến nghị, báo cáo với Ngân hàng nhà nước. Thực sự, nếu tàu cá 67 không được tái bảo hiểm và ngư dân đi đánh bắt không may bị đâm va, tai nạn thì thiệt hại rất lớn, nguy cơ mất vốn của ngân hàng rất cao.
Tàu 67 không được tái bảo hiểm và ngư dân đi đánh bắt không may bị đâm va, tai nạn thì thiệt hại rất lớn, nguy cơ mất vốn của ngân hàng rất cao. Ảnh: Phương Hà |
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An đã có nhiều văn bản đề nghị với Ban chỉ đạo 67/CP tỉnh, Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh và công ty bảo hiểm trực tiếp thực hiện chính sách này có ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ.
Tuy nhiên, đơn vị trực tiếp bán bảo hiểm tàu thuyền theo chỉ đạo của Chính phủ lại cho rằng nguyên nhân của việc tạm dừng bán bảo hiểm thân tàu đối với các ngư dân 67 là do Luật Thủy sản vừa ban hành có hiệu lực từ 01/7/2019, kèm theo đó là Nghị định của Chính phủ và Thông tư 22 của Bộ Nông nghiệp & PTNT có quy định thay đổi đối với thuyền viên tàu cá, tàu công vụ thủy sản đã có những thay đổi về phạm vi hoạt động, định biên an toàn, bằng cấp thuyền viên… từ quy ước theo sức ngựa (CV) sang tính theo chiều dài.
Các quy định này chưa được cập nhật trong quy tắc bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67/CP do Bộ Tài chính ban hành nên gây nhiều khó khăn cho công tác triển khai bán bảo hiểm và giải quyết bồi thường.
Trước thực tế nêu trên, ngư dân các địa phương, đặc biệt là những chủ tàu 67 đã có nhiều kiến nghị lên các cấp ngành và đơn vị trực tiếp bán bảo hiểm tàu cá nhanh chóng phối hợp giải quyết./.