Ngư dân Nghệ An linh động ứng phó với giá nhiên liệu tăng vọt

Thanh Phúc 05/03/2022 12:25

(Baonghean.vn) - Xăng dầu tăng, kéo theo đó các dịch vụ hậu cần nghề cá cũng tăng, chi phí mỗi chuyến ra khơi của ngư dân đội lên hàng chục triệu đồng. Không thể để tàu “nằm bờ”, ngư dân đã linh động tìm cách ứng phó.

Thời tiết thuận lợi, ngư dân các địa phương vùng biển lại tấp nập ra khơi. Tuy nhiên, do đối mặt với khó khăn chồng chất nên thu nhập từ các chuyến biển vì thế
Thời tiết thuận lợi, ngư dân các địa phương vùng biển lại tấp nập ra khơi. Tuy nhiên, do đối mặt với khó khăn chồng chất nên thu nhập từ các chuyến biển vì thế giảm sút mạnh. Ảnh: Thanh Phúc

Thời gian này, khi thời tiết thuận lợi, hàng trăm tàu cá ngư dân huyện Quỳnh Lưu đã vươn khơi khai thác hải sản đầu năm. Mặc dù những ngày qua, giá xăng dầu liên tục tăng cao, ảnh hưởng đến thu nhập của ngư dân, nhưng không thể để tàu thuyền nằm bờ, thuyền viên thất nghiệp, các chủ tàu vẫn ra khơi, linh hoạt tìm cách nâng cao giá trị đánh bắt.

May mắn được gặp ngư dân Nguyễn Văn Hoàng - Thuyền trưởng tàu cá NA 932.68 ở xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) khi anh và các thuyền viên đang chuẩn bị giong thuyền ra khơi. Anh cho biết, tàu của anh có công suất máy trên 700 CV, mỗi chuyến vươn khơi từ 7 - 9 ngày phải nạp hơn 1.000 lít dầu, cộng với chi phí dầu, mỡ mất từ 30 - 35 triệu đồng/chuyến.

Từ khi giá dầu tăng lên, các chi phí khác cũng tăng khiến mỗi chuyến đi biển phải đội chi phí lên từ 7 - 10 triệu đồng. Vào vụ khai thác cá Nam, đòi hỏi sử dụng nguồn ánh sáng nhiều thì chi phí tiền nhiên liệu lên tới gần cả trăm triệu đồng.

Giá xăng dầu tăng cao kéo theo đó, giá các dịch vụ hậu cần nghề cá cũng đội lên. Riêng đá lạnh cũng nhích giá Ảnh: Thanh Phúc
Giá xăng dầu tăng cao kéo theo đó giá các dịch vụ hậu cần nghề cá cũng đội lên, đá lạnh cũng tăng "nóng". Ảnh: Thanh Phúc

Trước điều kiện đánh bắt gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao, ngư dân Nguyễn Văn Hoàng đã bàn bạc với 5 chủ tàu trong tổ hợp khai thác hải sản để hỗ trợ nhau trên biển. Khi các tàu đánh bắt, có sản phẩm thì sẽ bố trí 1 tàu chở hải sản của 4 tàu khác về bờ xuất bán, sau đó sẽ hỗ trợ chi phí tiền dầu cho nhau để vừa cung cấp hải sản kịp thời tươi ngon, vừa tiết kiệm được nhiên liệu cho những tàu còn lại.

Ngoài việc hỗ trợ nhau trên biển, các tàu cá khi đánh bắt ở ngoài biển sẽ tùy theo điều kiện địa lý để vào cảng cá của các tỉnh gần đó để xuất bán hải sản, thay vì trở lại cảng cá địa phương, giúp tiết kiệm chi phí. Đồng thời, theo các ngư dân địa phương, nếu tình trạng xăng dầu vẫn tăng cao thì bà con sẽ bán hải sản trực tiếp ngay trên biển cho các tàu dịch vụ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng… để tiếp tục đánh bắt thay vì quay trở lại bến.

Ông Vũ Ngọc Chắt - Chủ tịch Hội Nghề cá xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) cho biết: “Toàn xã có 130 tàu đánh bắt xa bờ, công suất mỗi tàu trên 700 CV. Trong điều kiện đánh bắt gặp khó khăn thì tổ hợp tàu khai thác hải sản sẽ có vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ ngư trường đánh bắt cũng như tiêu thụ sản phẩm cho nhau. Hiện giờ toàn xã còn 10 tổ hợp tàu, mỗi tổ hợp gồm 5 tàu. Các tổ hợp sẽ bố trí các tàu chở sản phẩm của các tàu khác về bờ để xuất bán hải sản, thay vì tất cả các tàu về bờ cùng thời điểm như trước, qua đó giảm bớt chi phí đi lại”.

Toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có gần 1.200 phương tiện tàu cá, trong đó, có khoảng hơn 700 tàu khai thác xa bờ. Mỗi chuyến vươn khơi, chi phí xăng dầu tốn khoảng 70 - 100 triệu đồng (trường hợp sử dụng bóng điện nhiều để khai thác). Do vậy, mỗi chuyến vươn khơi, các chủ tàu tính toán rất kỹ để không bị lỗ dầu, có nguồn thu nhập.

Chú trọng khai thác các hải sản có giá trị cũng là một phương cách mà ngư dân áp dụng nhằm tăng hiệu quả các chuyến biển. Ảnh: Thanh Phúc
Chú trọng khai thác các hải sản có giá trị cũng là một phương cách mà ngư dân áp dụng nhằm tăng hiệu quả các chuyến biển. Ảnh: Thanh Phúc

Trong thời điểm giá xăng dầu tăng cao, việc hỗ trợ nhau trên biển đảm bảo chất lượng hải sản tươi ngon là điều vô cùng quan trọng, quyết định đến giá trị của mỗi chuyến đi. Hiện các tàu cá xa bờ của ngư dân đều được đầu tư hiện đại về hầm bảo quản hải sản trên biển. Mỗi tàu bình quân có 7 - 9 hầm bảo quản hải sản có chi phí đầu tư gần 1 tỷ đồng. Hầm được đóng theo phương pháp cách nhiệt dùng vật liệu xốp PU, nhờ đó cá được bảo quản tốt hơn so với bảo quản theo cách truyền thống như trước, góp phần nâng cao giá trị”.

Ông Bùi Xuân Trúc - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu

Toàn phường Nghi Hải (TX.Cửa Lò) hiện có 72 tàu thuyền đánh bắt, khai thác hải sản. Trong đó, có 2 thuyền đánh bắt xa bờ, 52 thuyền đánh bắt vùng lộng, 18 thuyền đánh bắt gần bờ với 300 lao động làm nghề biển. Trong bối cảnh chi phí cho mỗi chuyến đi tăng lên đáng kể, giá cả thị trường không ngừng biến động và sản lượng đánh bắt không còn đạt như trước, vai trò của tổ liên kết tàu thuyền được phát huy tối đa.

Sau khi đánh bắt được một lượng hải sản kha khá, các đội thuyền sẽ dồn sang một tàu để chở vào bờ bán. Sau đó, tiếp nhiên liệu cho các tàu còn lại kéo dài thời gian đánh bắt trên biển, giảm chi phí nhiên liệu. Ảnh: Thanh Phúc
Sau khi đánh bắt được một lượng hải sản kha khá, các đội thuyền sẽ dồn sang một tàu để chở vào bờ bán. Sau đó, tiếp nhiên liệu cho các tàu còn lại kéo dài thời gian đánh bắt trên biển, giảm chi phí nhiên liệu. Ảnh: Thanh Phúc

Anh Nguyễn Văn Chương (khối Bình Quang, phường Nghi Hải), Tổ trưởng tổ liên kết tàu thuyền phường Nghi Hải cho biết: “Tổ liên kết có 17 đội thuyền tham gia. Ngoài hỗ trợ giúp nhau khi “sóng to gió lớn” trên biển thì các thành viên trong tổ có trách nhiệm thông tin cho nhau về ngư trường khai thác để cùng đánh bắt, khai thác đạt hiệu quả cao hơn. Khi những chiếc tàu trong tổ đánh bắt được lượng hải sản nhất định thì sẽ dồn sang 1 tàu. Tàu này chở cá về bờ tiêu thụ và chở lương thực, thực phẩm bổ sung cho những tàu còn lại tiếp tục đánh bắt. Phương cách này tiết kiệm được số lượng dầu đáng kể, vừa kéo dài thời gian đánh bắt trên biển, tăng sản lượng khai thác”.

Ngoài ra,chính quyền phường Nghi Hải đã thường xuyên phối hợp với Chi cục Thủy sản cung cấp các ngư trường khai thác; quan tâm hỗ trợ các nguồn vốn vay để bà con nâng cấp tàu thuyền, chuyển đổi ngư cụ để nâng hiệu quả khai thác; tiếp tục thành lập các tổ hội hợp tác khai thác trên biển; đẩy mạnh các hoạt động hậu cần nghề cá để nâng giá trị sản phẩm đánh bắt.

Một trong những giải pháp lâu dài, bền vững đó là đầu tư và khâu chế biến để nâng giá trị hải sản sau khai thác. Ảnh: Thanh Phúc
Một trong những giải pháp lâu dài, bền vững đó là đầu tư vào khâu chế biến để nâng giá trị hải sản sau khai thác. Ảnh: Thanh Phúc

Quy luật chung là nếu chi phí đầu vào tăng thì hiệu quả sản xuất sẽ giảm, thu nhập thấp. Do đó, để đánh bắt hiệu quả, ngư dân cần tìm cách để tăng sản lượng khai thác. Trong đó, cần chú ý việc áp dụng các công nghệ như sử dụng đèn led, máy dò cá; phát huy vai trò của các tổ liên kết tàu thuyền; chia sẻ ngư trường; nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc thay đổi cách thức bảo quản...

Mới nhất
x
Ngư dân Nghệ An linh động ứng phó với giá nhiên liệu tăng vọt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO