Ngư dân Nghệ An vượt sóng bám ngư trường

Xuân Hoàng - Thanh Yên; KT: Lâm Tùng 01/09/2019 09:37

(Baonghean) - Nghề biển thường là cha truyền con nối của ngư dân làng biển. Họ kiên cường bám biển, bởi biển không chỉ là nhà, là nơi mưu sinh mà còn là quê hương, Tổ quốc. Khi được sở hữu những chiếc thuyền to, máy lớn, cùng kinh nghiệm đánh bắt, ngư dân vượt sóng, bám ngư trường làm giàu.

Bến cá Quỳnh Lập, Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai) một ngày trung tuần tháng 8, lần lượt từng con thuyền cập bến. Sau khi cá, mực được đưa xuống cảng, mọi người hối hả những công việc như ướp cá đông lạnh, hấp cá, bán cá.

Dù mệt nhọc nhưng gương mặt của những người dân miền biển này luôn tươi vui. Nghề đi biển đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả nhưng đã mang lại cuộc sống đầy đủ, sung túc hơn cho nhiều ngư dân.

Đội tàu cá lớn nối nhau vươn khơi, bám biển. Ảnh: Thanh Yên
Đội tàu cá lớn nối nhau vươn khơi, bám biển.

Người mà chúng tôi gặp là lão ngư Hoàng Văn Luận ở khối Hồng Thái, xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai). Ông là một trong những ngư dân được Hội Nghề cá Quỳnh Lập đánh giá cao với nhiều kinh nghiệm trong nghề khai thác hải sản.

Ông Luận có thâm niên trên 20 năm bám biển và được ngư dân vùng này nể phục bởi cách đánh bắt được nhiều hải sản trong mỗi chuyến cưỡi sóng vươn khơi. Kiên trì bám biển, tay nghề đánh bắt cá giỏi, đến nay lão ngư Hoàng Văn Luận là một thuyền trưởng vững vàng, trở thành triệu phú của làng biển.

Ông Luận nhớ lại: Trước đây, cũng như bao gia đình khác nơi vùng ven biển này rất khó khăn. Cả gia đình sinh sống trong căn nhà chật chội, phương tiện đánh bắt hải sản chỉ là con thuyền công suất nhỏ, chỉ đủ sức kéo lưới gần bờ, hải sản đánh bắt được, bán đổi gạo đủ nuôi sống gia đình qua ngày. Năm 16 tuổi, tôi làm thuyền viên, phụ nghề đánh bắt cá cho một con tàu công suất lớn tại địa phương. Ít năm sau, trở thành lao động chính, vững vàng kế nghiệp vươn khơi.

Con tàu của ngư dân Hoàng Văn Luận sở hữu được đăng ký biển kiểm soát NA 96326 TS có chiều dài 25m, rộng gần 7m, công suất 829 CV, thuộc diện những con tàu “khủng” của địa phương. Hệ thống thiết bị trên tàu phục vụ khai thác khá hiện đại: máy dò cá ngang, máy dò đứng hiện đại… và máy thông tin liên lạc tầm gần, tầm xa.

“Nhờ có hệ thống thiết bị hiện đại, tàu của tôi phát huy hiệu quả. Từ đó thu nhập từ các chuyến biển tăng lên, các thuyền viên có việc làm, thu nhập ổn định”, ông Luận khẳng định.

Chủ tàu Hoàng Văn Luận ở khối Hồng Thái, xã Quỳnh Lập  sửa chữa tàu cá chuẩn bị ra khơi bám biển.
Chủ tàu Hoàng Văn Luận ở khối Hồng Thái, xã Quỳnh Lập sửa chữa tàu cá chuẩn bị ra khơi bám biển.

Ngư dân Nguyễn Phúc Sơn ở khối Quyết Tiến, phường Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai) cũng là một trong những điển hình trong nghề đánh bắt hải sản. Trước đây anh Sơn đi tàu gỗ nhỏ bé, công suất chỉ 90 CV nên việc chinh phục ngư trường còn hạn chế.

Từ năm 2016, với sự chung vốn của một số thuyền viên, anh đóng con tàu công suất 230 CV, từ đó các thuyền viên hăng hái và yên tâm ra khơi. Bình quân mỗi chuyến ra khơi có 12 thủy thủ, bám biển 11 ngày/chuyến trên vùng biển Vịnh Bắc bộ.

Ngư dân Sơn chia sẻ: Kinh nghiệm cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 8, đánh cá phèn rép, bình quân mỗi chuyến đạt sản lượng 5 tấn, với giá loại 1 là 100.000 đồng/kg, loại 3 là 40.000 đồng/kg, mỗi chuyến biển thu về 250 - 300 triệu đồng, trừ mọi chi phí, các thủy thủ được hưởng 8 triệu đồng/chuyến. Từ tháng 8 đến cuối năm chuyển sang đánh cá hố và mực, thu nhập không thua đánh cá phèn rép. “Đánh cá gì cũng vậy, cơ bản thuyền trưởng phải có kinh nghiệm và chọn ngư trường, phán đoán được thủy triều, luồng cá…”, anh Nguyễn Phúc Sơn bộc bạch.

Biển chan hòa, nhưng cũng có lúc sóng gió dữ dội, bởi vậy đòi hỏi ngư dân phải đoàn kết, sát cánh bên nhau để đánh bắt được nhiều hải sản. Ở xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) là một trong những địa phương phát huy được các “tổ đoàn kết” trên biển.

Ông Vũ Ngọc Chắt - Chủ tịch Hội Nghề cá xã Quỳnh Long tự hào: Nghề biển ở đây có từ bao đời, nhờ tích góp được vốn liếng và kinh nghiệm đánh bắt trên ngư trường, người dân địa phương mạnh dạn đóng tàu riêng để khởi nghiệp. Một phần anh em tích góp được, một phần vay mượn, phần được hưởng chính sách đóng tàu theo Nghị định 67/CP… nên đội tàu công suất lớn được nâng lên. Điều này thể hiện khát vọng chinh phục ngư trường xa bờ và làm giàu từ biển của ngư dân.

Niềm vui của ngư dân sau mỗi chuyến biển cá đầy khoang.
Niềm vui của ngư dân sau mỗi chuyến biển cá đầy khoang.

Trình độ khai thác thủy sản của ngư dân cũng nâng lên cao hơn trước đây. Bây giờ, họ biết nhìn luồng cá chạy, cách nhìn trời, nhìn mặt biển để dự đoán gió, mưa… Nhờ đó sản lượng đánh bắt ngày càng hiệu quả, tỷ lệ rủi ro trên biển giảm ở mức thấp nhất. Số liệu của Hội Nghề cá xã Quỳnh Long cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2019, sản lượng đánh bắt của địa phương đạt 17.200 tấn hải sản các loại.

Kế hoạch huyện giao năm 2019, Quỳnh Long khai thác 27.000 tấn, như vậy, từ nay đến cuối năm còn 5 tháng, ngư dân Quỳnh Long phải đạt sản lượng 10.000 tấn. Những tháng cuối năm, thường biển động liên tục, do mưa bão. Nhưng với tinh thần đoàn kết hướng ra biển khơi, ngư dân Quỳnh Long tin tưởng sẽ đạt được kế hoạch.

Nhộn nhịp cảng cá Lạch Cờn.
Nhộn nhịp cảng cá Lạch Cờn.

Đối với các thế hệ ngư dân ven biển Nghệ An, vùng biển Vịnh Bắc bộ đã trở thành người bạn gần gũi và thân quen. Biển quê hương đã ngấm vào máu, vào hơi thở, suy nghĩ của họ, được truyền từ đời này sang đời khác. Do vậy, dẫu phải vượt qua dông bão, các ngư dân vẫn kiên cường bám biển. Sức mạnh đoàn kết của ngư dân, cùng với lực lượng chức năng tạo nên sự trường tồn của biển, đảo Tổ quốc.

Nghệ An hiện có trên 3.521 tàu thuyền, trong đó 1.450 tàu công suất trên 90 CV. Ngư dân Nghệ An đánh bắt hải sản bằng các nghề chính: câu, rê, vây, kéo. Ngư trường khai thác chính chủ yếu tập trung tại vùng biển Vịnh Bắc bộ. Trong 7 tháng đầu năm 2019, sản lượng đánh bắt đạt trên 87.000 tấn/kế hoạch 142.000 tấn hải sản, giá trị ước đạt trên 1.852 tỷ đồng.


Mới nhất
x
Ngư dân Nghệ An vượt sóng bám ngư trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO