Người chăn nuôi bò sữa ở Nghệ An tìm cách thích ứng với 'tình hình mới'

Quang An – Xuân Hoàng 02/05/2024 11:19

(Baonghean.vn) - Bò sữa một trong những vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao ở các huyện vùng núi. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, nghề chăn nuôi bò sữa tại Nghệ An gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ dân thanh lý đàn bò để chuyển sang làm công việc khác.

Tổng đàn sụt giảm

Những ngày tháng 4 năm nay, khi thời tiết bước vào giai đoạn nắng nóng, ông Trần Văn Hữu, phường Long Sơn, TX. Thái Hoà đã lắp đặt thêm quạt trần tại chuồng bò sữa của gia đình để chống nóng, đồng thời tắm mát cho bò thường xuyên để đàn gia súc có sức khoẻ ổn định, vì theo lý giải của ông Hữu thì bò có khoẻ mới cho lượng sữa ổn định, chất lượng.

bna_Bò sữa được người dân chăm sóc cẩn thận trong mùa nắng nóng ảnh Quang An.jpg
Bò sữa được người chăn nuôi chăm sóc kỹ mùa nắng nóng. Ảnh: Quang An

Gia đình ông Hữu là một trong những hộ dân chăn nuôi bò sữa đầu tiên trên địa bàn TX.Thái Hoà khi địa phương này liên kết với công ty sữa để tập huấn kỹ thuật, cung ứng con giống, hỗ trợ thức ăn và đầu ra sản phẩm cho người dân. Đã có kinh nghiệm trên 10 năm nuôi bò sữa, tuy nhiên theo ông Hữu, đây là giai đoạn khó khăn đối với người làm nghề.

Trước đây, gia đình nuôi 10 con bò trong giai đoạn vắt sữa, hiện nay, chỉ còn 4 con cho vắt sữa và 8 con bê nhỏ, chưa đến giai đoạn khai thác. Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế song công việc nuôi bò sữa cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là chi phí nuôi tăng cao.

bna_sữa.jpg
Thu hoạch sữa bò. Ảnh: Quang An

“Nếu như trước đây, giá cám tinh nuôi bò chỉ 6.800 đồng/kg thì nay đã tăng lên thành 10.000 – 12.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày chi phí cho ăn dao động từ 100.000 – 150.000 đồng, chưa kể đến các chi phí khác như mua ngô, thuốc phòng các loại bệnh, vắc xin… Trong khi đó, giá sữa thu mua của công ty vẫn không chuyển biến đáng kể trong nhiều năm, dẫn đến lợi nhuận thu về không còn như giai đoạn trước” - ông Hữu nhấn mạnh.

bna_Sữa sau khi được thu mua của người dân sẽ được xét nghiệm hàm lượng để tính giá tiền ảnh Xuân Hoàng.jpg
Sữa bò sau khi được thu mua sẽ được xét nghiệm hàm lượng để tính giá tiền. Ảnh: Xuân Hoàng

Tương tự, Quỳnh Thắng là địa phương vùng núi của huyện Quỳnh Lưu, có nghề chăn nuôi bò sữa khá phát triển trong những năm qua. Tuy nhiên hiện nay, số lượng bò sữa trên địa bàn đang trên đà sụt giảm mạnh.

Ông Bùi Văn Vinh - Giám đốc HTX chăn nuôi bò sữa Đồng Tiến, xã Quỳnh Thắng cho biết: Thời điểm thành lập HTX có gần 40 hộ nuôi bò sữa với tổng đàn khoảng 350 con. Tuy nhiên, đến năm 2024, số liệu mới cập nhật cho thấy toàn HTX chỉ còn 20 hộ với tổng đàn trên 200 con, giảm gần 50%. Do đó, số lượng sữa thu mua từ các hộ chăn nuôi để nhập cho công ty cũng giảm mạnh.

Nói về nguyên nhân tổng đàn sụt giảm, ông Vinh cho biết: Bò sữa là động vật không chỉ có chi phí đầu tư cao mà các công đoạn nuôi bò cũng rất khó, yêu cầu người nuôi phải chăm chỉ, kiên trì. Cụ thể, thời gian vắt sữa phải đảm bảo đúng giờ, 2 lần mỗi ngày, việc vắt sữa phải có kỹ thuật vì nếu không đảm bảo vệ sinh thì rất dễ làm cho vú bò bị nhiễm khuẩn, dẫn đến sữa thu hoạch không được công ty thu mua. Chưa kể, 20 hộ dân nuôi còn lại đa số là người già, còn lớp người trẻ, thanh niên hầu như không ai theo nghề này vì rất vất vả. Ngoài ra, các loại dịch như lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tụ huyết trùng… thường xảy ra hàng năm, nếu không chăm sóc kỹ thì bò sữa rất dễ bị lây bệnh, tốn chi phí điều trị, trong khi sữa thu hoạch cũng phải đổ bỏ, không thể mang đi nhập.

Tại huyện Nghĩa Đàn, nghề chăn nuôi bò sữa tập trung tại xã Nghĩa An. Hiện nay, tổng đàn bò tại địa phương này cũng đang sụt giảm mạnh. Ông Đặng Thế Sinh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết: Trước đây toàn xã có 20 hộ nuôi bò sữa với tổng đàn trên 200 con, tuy nhiên hiện nay chỉ còn 13 hộ đang làm nghề này. Nguyên nhân chủ yếu là không có lao động theo nghề nữa, bên cạnh đó, chi phí nuôi cao, nhiều yêu cầu kỹ thuật khắt khe nên một số hộ đã thanh lý đàn bò để chuyển sang công việc khác.

Tìm cách thích ứng

Thực tế hiện nay, tổng đàn bò sữa đang có xu hướng sụt giảm mạnh, tuy nhiên, do đây là vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế ổn định nên các địa phương, cơ quan chuyên môn cũng đang tuyên truyền, khuyến khích người dân tìm các giải pháp để duy trì đàn bò.

bna_Nhân viên công ty sữa nhập sữa cho người dân ảnh Quang An.jpg
Nhân viên công ty sữa nhập sữa cho người dân. Ảnh: Quang An

Được biết, hiện nay giá sữa phía công ty thu mua đang dao động từ 12.000 – 15.000 đồng/lít, giá thành phụ thuộc vào chất lượng sữa. Sau khi người dân đưa sữa đến nhập tại các điểm sẽ có nhân viên xét nghiệm đo hàm lượng sữa để thanh toán tiền. Trung bình mỗi ngày mỗi hộ dân nuôi bò sữa nhập được khoảng 100 lít sữa, thu tiền triệu. Do đó, đây là vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt so với các vật nuôi khác, đặc biệt là đầu ra luôn đảm bảo vì được phía công ty thu mua.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, hiện nay, các hộ dân vẫn đang tìm cách thích ứng để duy trì nghề. Ông Hồ Vịnh Thìn, xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu cho biết: Gia đình tôi đang nuôi 7 con bò sữa đang trong giai đoạn khai thác sữa với khoảng 80 lít mỗi ngày. Do giá cám tinh từ phía công ty tăng cao nên hiện gia đình đang chủ động tăng cường các nguồn thức ăn khác có chi phí rẻ hơn như mở rộng diện tích trồng cỏ voi, mua ngô, mía về ủ cho để làm thức ăn lâu dài, giảm chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, gia đình cũng chủ động tiêm đầy đủ các loại vắc xin, sửa chữa chuồng trại thoáng mát, đặc biệt trong những ngày nắng nóng để đàn bò khoẻ mạnh, năng suất sữa ổn định.

bna_Ông Hồ Vịnh Thìn mở rộng diện tích trồng cỏ sữa để giảm chi phí cám chăn nuôi bò ảnh Quang An.jpg
Ông Hồ Vịnh Thìn mở rộng diện tích trồng cỏ sữa để giảm chi phí mua cám chăn nuôi bò. Ảnh: Xuân Hoàng

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX. Thái Hòa Đặng Thái Hòa cho biết: “Để duy trì đàn bò hiện có, hàng năm, đơn vị cũng kết hợp với công ty, các ngân hàng hỗ trợ lãi suất về vốn vay, tập huấn kỹ thuật cho người chăn nuôi bò sữa. Ngoài ra, cán bộ thú y cũng tuyên truyền, hỗ trợ về công tác tiêm vắc-xin phòng, phòng chống dịch …để đàn bò sữa khoẻ mạnh, vừa cung cấp lượng sữa chất lượng, vừa sinh sản để có thể nhân giống các thế hệ bò sau".

Mới nhất

x
Người chăn nuôi bò sữa ở Nghệ An tìm cách thích ứng với 'tình hình mới'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO