Kinh tế

Người dân Nghệ An mua sắm những vật dụng đề phòng sự cố mùa mưa bão

Thanh Phúc 08/09/2024 09:42

Nghệ An đang bước vào cao điểm mùa mưa bão. Ở các địa phương, người dân đã chủ động trang bị một số vật dụng đề phòng những sự cố do thiên tai gây ra.

Đèn tích điện được nhiều người dân tìm mua. Ảnh: T.P
Đèn tích điện được nhiều người dân tìm mua. Ảnh: T.P

Mấy ngày nay, các cửa hàng điện dân dụng trên địa bàn xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương rất đông người đến mua đèn tích điện, đèn pin, đèn đội đầu. Anh Nguyễn Duy Hoà, chủ một cửa hàng, cho biết: “Ở nông thôn, mưa bão thường hay xảy ra sự cố mất điện đột ngột. Do đó, đèn tích điện, đèn pin rất cần thiết. Năm nào cũng vậy, đầu mùa mưa bão là nhập về một cơ số sản phẩm tích điện: đèn led, đèn pin… để đáp ứng nhu cầu của người dân, cao điểm từ tháng 9 trở đi, khi mùa mưa bão dồn dập”.

Đèn tích điện đa dạng mẫu mã, chủng loại và giá cả
Đèn tích điện đa dạng mẫu mã, chủng loại và giá cả. Ảnh: T.P

Theo khảo sát, hiện tại đèn tích điện trên thị trường rất đa dạng, có giá dao động từ 50.000 – 500.000 đồng/chiếc. Sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản… Thời gian sử dụng sau khi sạc đầy pin lên đến 6-7 tiếng.

“Mùa mưa bão này, tôi mua 4 bóng đèn tích điện để trang bị ở các phòng, phục vụ sinh hoạt gia đình trong những ngày mất điện do mưa bão”, anh Trịnh Xuân Thành, một người dân ở xã Đại Đồng (Thanh Chương) cho biết.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng đèn tích điện của người dân lớn nên các cửa hàng kinh doanh phải liên tục nhập hàng về. Bên cạnh đó, các sản phẩm như đèn pin, đèn pin đội đầu, quạt tích điện, ắc quy, sạc pin dự phòng… cũng được người dân mua sắm khá nhiều.

Kiểm tra lại máy phát điện để đảm bảo không bị gián đoạn các
Người dân ở phường Quỳnh Phương (TX.Hoàng Mai) kiểm tra lại máy phát điện để đảm bảo không bị gián đoạn việc vận hành máy sục khí trong các hồ tôm. Ảnh: T.P

Chị Đậu Quỳnh Anh, nhân viên cửa hàng Điện máy Xanh ở thị trấn Đô Lương (huyện Đô lương) cho biết: “Trong mưa bão, nhu cầu sử dụng điện thoại, máy tính bảng… rất cao. Vừa để cập nhật thông tin thời tiết, vừa để giữ liên lạc thông suốt nên người dân tìm mua sạc pin dự phòng rất nhiều. Cao điểm là mấy ngày qua, ở cửa hàng chúng tôi, lượng người mua tăng 50% so với bình thường”.

Đối với các hộ nuôi trồng thủy sản ở các địa phương ven biển, thì việc duy trì cấp điện thường xuyên hết sức cần thiết. Chỉ cần lơ là, thiếu sự chuẩn bị cẩn thận, nếu để xảy ra việc gián đoạn nguồn điện sẽ gây thiệt hại rất lớn.

Nhiều hộ dân chủ động tích trữ xăng dầu để vận hành máy phát điện. Ảnh: T.P
Nhiều hộ dân chủ động tích trữ xăng dầu để vận hành máy phát điện. Ảnh: T.P

Ông Hoàng Văn Tin, một hộ nuôi tôm ở Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) cho biết: “Phải duy trì sục khí 24/24 giờ khi mưa to để chống sự phần tầng của nước, đảm bảo môi trường ao nuôi, chống sốc nước cho tôm. Do đó, khi vào mùa mưa bão thì chúng tôi phải kiểm tra lại việc vận hành của máy phát điện, nếu hỏng phải sửa chữa, thay mới. Hiện tôi đã mua bổ sung thêm 1 máy để đảm bảo vận hành thông suốt”.

Hiện nay, hầu hết các trang trại chăn nuôi đều nuôi gà trong chuồng lạnh do đó, việc duy trì nhiệt độ theo đúng chuẩn rất cần thiết, nếu để mất điện kéo dài, mật độ chuồng nuôi cao, khép kín thì gà sẽ chết hàng loạt.

 Dùng dây cáp, dù, tăng đơ để gia cố lại ao nuôi tôm. Ảnh: T.P
Người dân xã Diễn Trung (Diễn Châu) dùng dây cáp, dù, tăng-đơ để gia cố lại ao nuôi tôm trước mùa mưa bão. Ảnh: T.P

Vậy nên, tất cả các trại chăn nuôi đều phải trang bị máy phát điện; chuẩn bị xăng, dầu diesel, mua thêm ắc quy để sử dụng. Vì thế, trước khi bước vào mùa mưa bão, thị trường mặt hàng này khá sôi động.

Vào mùa mưa bão, các loại dây cáp, dây tăng đơ, dây dù, dây thừng… có độ bền cao được người dân mua để cố định nhà cửa, chằng néo lồng bè, tàu thuyền, cây cối. Do đó, các loại dây này cũng bán khá chạy hàng. Giá của các loại dây thường dao động từ 10.000 – 30.000 đồng/m tuỳ chất liệu, độ bền.

Với 44 lồng nuôi, hàng chục tấn cá trong lồng, đó là tài sản lớn của ông Nguyễn Ngọc Huệ (xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc). Do đó, trước mùa mưa bão, việc chằng chéo, gia cố lồng bè luôn được ông Huệ chuẩn bị kỹ càng.

 Người dân Quỳnh Phương (TX.Hoàng Mai) mua dây thừng về giằng néo tàu thuyền khi trú bão. Ảnh: T.P
Người dân phường Quỳnh Phương (TX.Hoàng Mai) mua dây thừng về giằng néo tàu thuyền khi trú bão. Ảnh: T.P

“Mưa to, gió lớn, nước dâng cao, chảy xiết, lực nước mạnh nên nếu không chằng chéo kỹ thì sẽ bị sóng đánh dạt, lồng bè trôi, thiệt hại không nhỏ. Do đó, phải gia cố kỹ bằng dây tăng-đơ, dây cáp. Riêng tiền dây tăng-đơ gia cố vào mỗi mùa mưa bão cũng phải hàng triệu đồng”, ông Huệ cho biết.

Từ giờ đến cuối năm là cao điểm mùa bão lũ, do đó, người dân cần nâng cao tinh thần chủ động phòng chống, ứng phó. Việc chằng néo, gia cố nhà cửa, cây cối, chuồng trại, lồng bè, tàu thuyền… rất quan trọng trong bảo vệ tài sản; đồng thời, việc trang bị đèn tích điện, máy phát điện để đảm bảo sinh hoạt và sản xuất chăn nuôi cũng rất cần thiết. Tuy nhiên, khi sử dụng các thiết bị này, người dân cũng cần tìm hiểu nguyên lý vận hành, cách sử dụng để đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ.

Mới nhất
x
Người dân Nghệ An mua sắm những vật dụng đề phòng sự cố mùa mưa bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO