Người khởi xướng Liên hoan Tiếng hát Làng Sen

Công Kiên 19/05/2021 06:14

(Baonghean.vn) - Hai năm nay, do dịch Covid-19 không thể tổ chức Chương trình Liên hoan Tiếng hát Làng Sen vào dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5). Dẫu vậy, khắp nơi vẫn vang lên những khúc ca dâng Bác và nhiều người vẫn nhớ tới ông Nguyễn Hữu Thuông - người khởi xướng Liên hoan Tiếng hát Làng Sen.

Hết lòng vì nhiệm vụ

Một ngày giữa tháng 5, chúng tôi trở lại làng Phong Hồ, xã Nghi Xuân (Nghi Lộc) để thăm ông Nguyễn Hữu Thuông. Không ngờ, chỉ sau khoảng một năm sức khỏe của ông xuống dốc nhanh đến vậy. Bởi đầu năm trước ông vẫn có thể đi lại, chuyện trò nhưng nay đã phải nằm một chỗ và tâm trí lúc mê, lúc tỉnh. Vẫn biết đã là con người thì ai rồi cũng đến lúc già yếu và lìa bỏ cuộc đời nhưng không tránh khỏi nỗi bùi ngùi.

Trước kia, mấy lần có dịp tiếp xúc với ông Nguyễn Hữu Thuông, chúng tôi được nghe ông kể về ý tưởng và hành trình tổ chức Liên hoan Tiếng hát Làng Sen. Câu chuyện của ông khiến nhiều người nể phục, bởi tấm lòng yêu thương dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng tinh thần hăng say, quyết tâm trong công việc.

Ông Nguyễn Hữu Thuông (hàng đầu, ngoài cùng bên trái) cùng các đồng nghiệp làm công tác văn hóa. Ảnh tư liệu
Ông Nguyễn Hữu Thuông (hàng đầu, ngoài cùng bên trái) cùng các đồng nghiệp làm công tác văn hóa. Ảnh tư liệu

Ông Nguyễn Hữu Thuông (SN 1928) ở xã Nghi Xuân (Nghi Lộc), vùng quê cuối nguồn sông Lam, gần với Cửa Hội. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bố là cán bộ tiền khởi nghĩa, ông Thuông sớm được tiếp nhận tinh thần đấu tranh vì nhân dân, đất nước.

Năm 1945, đang học dở ở Trường Quốc học Vinh, xảy ra sự kiện Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), cậu học trò 17 tuổi xin nghỉ học và tham gia tổ chức Việt Minh. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, được cử làm Thư ký Ủy ban Hành chính lâm thời của xã, tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc rồi dạy học ở địa phương.

Tròn 20 tuổi, ông Nguyễn Hữu Thuông được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Tuổi trẻ tràn đầy hoài bão và khát vọng, chàng thanh niên làng Phong Hồ đăng ký nhập ngũ, hành quân lên Tây Bắc đánh Pháp và trở thành một pháo thủ. Gần 10 năm binh nghiệp, năm 1958 ông Thuông trở về quê làm việc tại Ty Văn hóa rồi làm Hiệu trưởng Trường VHNT tỉnh, Giám đốc Nhà Văn hóa Nghệ Tĩnh.

Ông Nguyễn Hữu Thuông luôn trăn trở để đổi mới và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng. Ảnh: Hoài Sơn
Ông Nguyễn Hữu Thuông luôn trăn trở để đổi mới và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng. Ảnh: Hoài Sơn

Thời gian công tác tại Nhà Văn hóa Nghệ Tĩnh, ông Thuông cùng các cộng sự đã hòa mình vào phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở, góp phần động viên các tầng lớp nhân dân tích cực lao động, sản xuất. Ông đã chỉ đạo đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng, tổ chức chiếu phim lưu động khắp các làng, xã, nhà máy, xí nghiệp để động viên tinh thần, tiếp thêm động lực để bà con nông dân và công nhân vượt qua giai đoạn khó khăn thời hậu chiến.

Hàng năm, Nhà Văn hóa tỉnh tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng từ cấp xã đến cấp tỉnh, ông Thuông thường xuyên có mặt tại các buổi hội diễn, sắp xếp thời gian về các huyện để tham dự. Ông dõi theo từng tiết mục của các đơn vị, hỏi ý kiến đánh giá của khán giả để nắm bắt công tác tổ chức cũng như nhu cầu tiếp nhận.

Ý tưởng và hành trình về đích

Ông Nguyễn Hữu Thuông từng chia sẻ: “Qua mấy năm theo dõi Hội diễn văn nghệ quần chúng, tôi nhận thấy nội dung và các tiết mục thường trùng lặp, ít có sự đổi mới và tính sáng tạo gây cảm giác tẻ nhạt, nhàm chán cho người xem. Thực tế ấy đòi hỏi phải đổi mới cả về cách tổ chức và nội dung, chủ đề cũng như hình thức thể hiện, buộc chúng tôi phải trăn trở, suy nghĩ tìm cách làm mới để thu hút quần chúng nhân dân”.

Những năm tháng quân ngũ đi qua nhiều vùng quê, gặp gỡ nhiều người có kiến thức sâu rộng, ông Thuông nhận thấy Nghệ Tĩnh có hai niềm tự hào lớn là nơi sản sinh ra làn điệu ví, giặm và quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn nữa, đầu 1955, khi còn làm thư ký cho Thượng tướng Chu Văn Tấn, ông Thuông có dịp được gặp Bác Hồ tại một buổi biểu diễn văn nghệ, ấn tượng trong cuộc gặp đã theo ông suốt cả chặng đường đời.

Khi đã nghỉ hưu, ông Nguyễn Hữu Thuông vẫn thường xuyên tham dự Liên hoan Tiếng hát Làng Sen. Ảnh: Hoài Sơn
Khi đã nghỉ hưu, ông Nguyễn Hữu Thuông vẫn thường xuyên tham dự Liên hoan Tiếng hát Làng Sen. Ảnh: Hoài Sơn

Điều ấy đã giúp ông bật ra ý tưởng tổ chức một hội diễn văn nghệ về đề tài ca ngợi công lao và quê hương Bác Hồ vào dịp kỷ niệm sinh nhật của Người. Ý tưởng này được các đồng nghiệp ủng hộ nhiệt tình, mọi người cùng bàn bạc và thống nhất lấy tên là Liên hoan Tiếng hát Làng Sen.

Từ ý tưởng đến quá trình triển khai là chặng đường dài với không ít khó khăn, vất vả. Năm 1981, ông Thuông khăn gói lên đường ra Hà Nội gặp đồng đội cũ là Phùng Xuân Bính lúc ấy đang làm Giám đốc Nhà Văn hóa Trung ương. Nghe xong ý tưởng, hai người cùng lên Bộ Văn hóa – Thông tin gặp Bộ trưởng Nguyễn Văn Hiếu và Thứ trưởng Nông Quốc Chấn để trình bày và xin ý kiến. Nghe xong, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hiếu lập tức đồng ý và đề nghị ông Thuông, ông Bính triển khai theo ý tưởng đã trình bày.

Về tỉnh, ông Nguyễn Hữu Thuông lại “gõ cửa” Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Đạt và Bí thư Tỉnh ủy Trương Kiện. Hai vị lãnh đạo tỉnh cũng lập tức tán thành và đồng ý cho tổ chức Liên hoan Tiếng hát Làng Sen. Ông Thuông phấn khởi chỉ đạo và tham gia thực hiện các khâu trong quy trình tổ chức, liên hệ với 11 tỉnh, thành phố cùng tham gia.

Liên hoan Tiếng hát Làng Sen là hoạt động thiết thực tri ân công lao Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Thành Cường
Liên hoan Tiếng hát Làng Sen là hoạt động thiết thực tri ân công lao Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Các tỉnh, thành phố đều nhận lời, công tác chuẩn bị cơ bản hoàn thành thì nhận được điện của Văn phòng Trung ương Đảng đề nghị lùi lại năm sau, vì năm đó Nghệ Tĩnh mất mùa, đói kém. Một lần nữa, ông Thuông lại khăn gói ra Hà Nội gặp lãnh đạo Bộ Văn hóa – Thông tin và Văn phòng Trung ương Đảng để bàn bạc, xin ý kiến. Cuối cùng, cấp trên đồng ý cho tổ chức nhưng rút gọn quy mô từ 11 đơn vị xuống còn 4 đơn vị (Nghệ An, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà Văn hóa Trung ương).

Liên hoan Tiếng hát Làng Sen lần thứ nhất dù thu hẹp quy mô nhưng đã thu hút và tạo được sự chú ý của đông đảo nhân dân, tạo tiền đề cho sự thành công của những năm tiếp sau. Nhận thấy đây là hoạt động thực sự có ý nghĩa, Bộ Văn hóa – Thông tin và tỉnh Nghệ An đã phát triển thành Lễ hội Làng Sen với nhiều nội dung, chương trình đặc sắc, tổ chức định kỳ hàng năm ở cấp tỉnh và 5 năm đối với cấp toàn quốc.

Ông Nguyễn Hữu Thuông thực sự phấn khởi, vui mừng vì Lễ hội Làng Sen ngày càng phát triển và bám rễ vào đời sống văn hóa, từ bấy đến nay đã tròn 40 năm. Ngay cả khi đã nghỉ hưu, mỗi kỳ lễ hội ông vẫn thường có mặt để thưởng thức các chương trình hội diễn để cổ vũ, đóng góp ý kiến về chuyên môn cũng như công tác tổ chức.

“Liên hoan Tiếng hát Làng Sen là hoạt động mang tính nhân văn, thể hiện tấm lòng tri ân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nâng cao chất lượng phong trào văn nghệ quần chúng. Sự phát triển về đời sống văn hóa, văn nghệ hôm nay một phần nhờ công lao của ông Nguyễn Hữu Thuông, người có công khởi xướng hoạt động ý nghĩa này”.

Ông Bùi Công Vinh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao

Mới nhất

x
Người khởi xướng Liên hoan Tiếng hát Làng Sen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO