Xây dựng Đảng

“Người siêng” ở bản Phẩy

Khánh Ly 31/05/2024 20:10

Ghé xã vùng sâu Xiêng My (huyện Tương Dương), hỏi thăm Bí thư Chi bộ bản Phẩy Kha Thị Bích, người dân cho hay: “Đó là người siêng của bản ta đấy!”. Lãnh đạo Đảng ủy xã cũng xác nhận, chị là “đầu tàu” gương mẫu của thôn bản, vừa giỏi làm kinh tế, vừa trách nhiệm, tận tụy với việc Đảng, việc dân.

tieu-de.png

Ghé xã vùng sâu Xiêng My (huyện Tương Dương), hỏi thăm Bí thư Chi bộ bản Phẩy Kha Thị Bích, người dân cho hay: “Đó là người siêng của bản ta đấy!”. Lãnh đạo Đảng ủy xã cũng xác nhận, chị là “đầu tàu” gương mẫu của thôn bản, vừa giỏi làm kinh tế, vừa trách nhiệm, tận tụy với việc Đảng, việc dân.

tit-phu-1.png

Bản Phẩy nằm ở khu vực trung tâm của xã Xiêng My - nơi có địa hình đẹp tựa một thung lũng xanh với nhiều ngọn núi ôm bọc, có khe Chon nước trong vắt, mát lạnh với nhiều nguồn lợi thủy sản, nhất là cá mát. Nữ Bí thư Chi bộ người dân tộc Thái Kha Thị Bích (SN 1986) ra đón và dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông thẳng tắp, hai bên là những hàng cây râm mát, qua chiếc cổng với tấm biển màu xanh có dòng chữ “Làng Văn hóa bản Phẩy” chợt nghe tiếng cười nói xôn xao. “Người dân đang thu hoạch đác rừng chế biến thành “ngọc trắng” nhập xuống thành phố Vinh và vùng phụ cận đấy, nhà báo ạ”, Bí thư Chi bộ bản Phẩy nói, rồi nhanh nhẹn ghé vào một hộ dân ven đường.

bi-thu-chi-bo-ban-phay-kha-thi-bich-ao-trang-dung-giua-trao-doi-voi-can-bo-xa-xieng-my-ve-tinh-hinh-phat-trien-kinh-te-tr-2-.jpg
Bí thư Chi bộ bản Phẩy Kha Thị Bích (áo trắng đứng giữa) trao đổi với cán bộ xã Xiêng My về tình hình phát triển kinh tế trong thôn bản. Ảnh: Khánh Ly

Thời điểm này, gia đình bà Vi Thị Thắm, ông Lương Văn Mỳ mới đi hái quả đác ở rừng về và đang cùng cậu con trai sơ chế tách hạt để đem bán.

Bà Thắm vui vẻ cho hay: Đác vốn là loại cây mọc tự nhiên trong rừng, trước đây, quả đác rụng đầy không ai nhặt nhưng mấy năm gần đây, nhờ Bí thư Chi bộ Kha Thị Bích và một số hộ trong bản học qua mạng, rồi hướng dẫn bà con cách chế biến; sau đó thu mua thành phẩm và rao bán trên mạng xã hội, người dân Xiêng My đã biết thu hoạch và chế biến hạt đác phục vụ thị trường giải khát được nhiều người yêu thích.

Ưu điểm của cây đác là quả để trên cây 2-3 năm cũng không bị rụng nên có thể khai thác lâu dài. Việc thu hoạch đác đã giúp cho nhiều hộ dân ở xã Xiêng My (Tương Dương) có thêm việc làm, cũng như thu nhập bình quân mỗi ngày từ 400 - 600 nghìn đồng, nên bà con ai nấy phấn khởi lắm. Sản phẩm được thu mua tận hộ, không phải đi đâu xa.

Giá đác do người dân nhập sỉ dao động từ
18-20 nghìn đồng/kg. Sau khi thu mua của người dân, thông qua mạng xã hội, có
người đặt thì mình nhập sỉ hoặc bán lẻ cho người đặt hàng ở thị trấn Thạch Giám
(Tương Dương), các huyện lân cận và thành phố Vinh với giá từ 25-30 nghìn
đồng/kg. Bình quân mỗi ngày như gia đình mình thu mua và nhập khoảng 50kg đác”.

Chị Kha Thị Bích - Bí thư Chi bộ bản Phẩy

Không chỉ đác rừng, mà thông qua việc đăng thông tin lên các hội nhóm bán hàng trên mạng xã hội và Facebook, Zalo cá nhân, chị Kha Thị Bích còn quảng bá và thu mua nhiều mặt hàng nông sản do người dân trên địa bàn xã Xiêng My, Nga My như chuối hột phơi khô, mật ong rừng, gà đen, lợn đen, cá mát, vịt bầu… nhập cho người có nhu cầu.

Khi số lượng đơn hàng tăng cao, chị còn cùng với một hộ nữa trong bản sang tận các địa bàn lân cận như xã Tam Hợp (Tương Dương) để thu mua hàng nông sản sạch và các loại cây, con bản địa như: Gừng, măng, nghệ, gà, lợn… nhập về xuôi. Đồng thời, nhập những mặt hàng từ miền xuôi như cá, mực, tôm, nước giải khát… lên phục vụ người dân miền ngược.

bi-thu-chi-bo-ban-phay-kha-thi-bich-thu-gom-chuoi-hot-phoi-kho-cho-dan-de-nhap-ve-xuoi1.jpg
Bí thư Chi bộ bản Phẩy Kha Thị Bích thu gom chuối hột phơi khô cho dân để nhập về xuôi. Ảnh: Khánh Ly

Theo lời Trưởng bản Phẩy Tịnh Văn Hồng: Trước đây, do địa bàn ở vùng sâu, vùng xa nên việc tiêu thụ nông sản của người dân khá khó khăn, những năm gần đây nhờ giao thông thuận lợi và những người tiên phong trong việc ứng dụng mạng xã hội để quảng bá và bán các mặt hàng đặc sản địa phương như Bí thư Chi bộ Kha Thị Bích, hàng hóa của người dân được tiêu thụ mạnh hơn. Một số hộ trong bản đã học theo và trực tiếp bán những mặt hàng do mình sản xuất, chăn nuôi qua mạng xã hội”.

bi-thu-cho-bo-ban-phay-kha-thi-bich-ao-trang-gioi-thieu-mo-hinh-cai-tao-vuon-tap-cua-nguoi-dan-voi-can-bo-xa-xieng-my.jpg
Bí thư Chi bộ Phẩy Kha Thị Bích (áo trắng) giới thiệu mô hình cải tạo vườn tạp của người dân với cán bộ xã Xiêng My. Ảnh: Khánh Ly

Nhận xét thêm về Bí thư Chi bộ Kha Thị Bích, Trưởng bản Phẩy Tịnh Văn Hồng còn cho hay: Bà con gọi chị là “người siêng của bản” bởi tinh thần làm việc luôn chân, luôn tay. Không bận việc thôn bản, thì lên nương rẫy hoặc đi thu mua nông sản, đóng hàng, nhập hàng về xuôi. Gia đình chị còn đầu tư cả xe bán tải để phục vụ cho việc thu mua, vận chuyển hàng hóa.

Nói về tinh thần tiên phong trong phát triển kinh tế hộ, Bí thư Chi bộ Kha Thị Bích khiêm tốn bày tỏ: Mình chỉ suy nghĩ đơn giản muốn đẩy mạnh công cuộc xoá đói, giảm nghèo, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu thôn, bản không thể đi sau, bởi nếu người đứng đầu mà không gương mẫu, không “nói được, làm được” thì khi tuyên truyền, vận động người dân sẽ không tin, không phục. Hơn nữa, kinh tế ổn định, mình cũng sẽ yên tâm và tự tin hoàn thành tốt việc dân, việc Đảng”.

Từ suy nghĩ như vậy, cộng với bản tính chăm chỉ, ngoài thu mua nông sản, các mặt hàng đặc sản địa phương để nhập về xuôi, gia đình Bí thư Chi bộ Kha Thị Bích còn nuôi lợn đen, trồng hơn 3 ha rừng, trồng cỏ, chăn nuôi 5 con trâu, bò.

Được biết, chồng chị Kha Thị Bích cũng là đảng viên, hiện giữ cương vị là Chủ tịch Hội Nông dân xã Xiêng My nên cũng có tư tưởng tiên phong đổi mới, luôn ủng hộ, giúp đỡ vợ trong việc thôn, bản và phát triển kinh tế hộ. Thuận vợ, thuận chồng, gia đình “thủ lĩnh” bản Phẩy Kha Thị Bích từng bước vươn lên trở thành tấm gương sáng để người dân trong vùng học tập và làm theo.

bi-thu-chi-bo-ban-phay-kha-thi-bich-ngoai-cung-ben-trai-dan-can-bo-xa-xieng-my-tham-quan-phong-trao-ve-sinh-moi-truong-thon-ban(1).jpg
Bí thư Chi bộ bản Phẩy Kha Thị Bích (ngoài cùng bên trái) cùng cán bộ xã Xiêng My thăm thôn, bản. Ảnh: Khánh Ly
tit-phu-2.png

Bản Phẩy, xã Xiêng My được hình thành từ năm 1949, từ chỗ chỉ có 7 hộ dân khi mới thành lập, đến nay bản Phẩy đã có 101 hộ với 406 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Thái. Gia đình Bí thư Chi bộ Kha Thị Bích từ xã Lạng Khê, huyện Con Cuông lên đây lập nghiệp rồi gắn bó máu thịt với mảnh đất này. Chồng chị Kha Thị Bích là Chủ tịch Hội Nông dân xã Xiêng My, bản thân chị trước đó cũng làm ở Văn phòng Đảng ủy xã.

Sau khi được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ bản Phẩy, chị Kha Thị Bích đã cùng với Chi ủy Chi bộ và Ban quản lý thôn, bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới và tổ chức có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở.

Đối với phong trào giảm nghèo, chi bộ yêu cầu đảng viên, trưởng, phó chi hội đoàn thể gương mẫu động viên các thành viên trong gia đình phát huy ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Những hộ kinh tế khá hơn thì giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo bằng các hình thức như hỗ trợ kinh nghiệm, kiến thức, giống cây trồng, vật nuôi… cổ vũ, động viên người dân vươn lên, xây dựng đời sống mới.

can-bo-xa-xieng-my-va-ban-phay-don-nhan-bang-cong-nhan-ban-nong-thon-moi.png
Cán bộ xã Xiêng My và bản Phẩy đón nhận Bằng công nhận bản nông thôn mới. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Là người đứng đầu thôn, bản có tổng diện tích đất tự nhiên 904,95ha, đất sản xuất 620,50 ha... câu hỏi nuôi con gì, trồng cây gì để nâng cao thu nhập cho người dân luôn thường trực trong suy nghĩ của Bí thư Chi bộ Kha Thị Bích.

Sau những lần họp chi bộ bàn tìm hướng thoát nghèo, xác định chăn nuôi vẫn là thế mạnh, Bí thư Chi bộ Kha Thị Bích cùng Chi ủy Chi bộ, Ban quản lý bản Phẩy tích cực tuyên truyền, vận động người dân phát triển đàn trâu, bò nhốt 450 con, đàn lợn 124 con, gia cầm 1.330 con, đàn dê 32 con… Bản cũng ban hành quy chế chăn nuôi đưa vào quy ước, hương ước và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm.

Theo đó, những hộ có vật nuôi phải đảm bảo chuồng trại hợp vệ sinh, không ảnh hưởng đến môi trường. Về trồng trọt tập trung nâng cao chất lượng lúa rẫy, lúa nước 2 vụ, trồng ngô, lạc, sắn, trồng rau màu và trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi. Bản cũng tập trung trồng rừng với diện tích 90 ha (keo, xoan) để đảm bảo nguồn sinh kế lâu dài.

Bên cạnh đó, phát triển nuôi trồng thủy sản với hệ thống 78 ao cá. Nhiều hộ dân đã nỗ lực phát triển kinh tế, có cuộc sống no ấm hơn như gia đình ông Lô Văn Lương với mô hình chăn nuôi trâu, bò trên 20 con, hộ ông Lương Văn Tiến, ông Lương Văn Tình với mô hình VAC chăn nuôi kết hợp ao cá.

z5470839651012_324e2b2fd3e147c9e1f1f502c38d868a.jpg
Một góc bản Phẩy, xã Xiêng My (Tương Dương). Ảnh: Khánh Ly

Theo chia sẻ của Bí thư Chi bộ Kha Thị Bích: Các chương trình đầu tư, mô hình cây, con được phân bổ, bản đều ưu tiên cho các hộ có ý chí thoát nghèo, quyết tâm phát triển kinh tế hộ. Ví như thông qua chương trình nuôi bò sinh sản do Báo Nghệ An hỗ trợ, một số hộ trong bản đã có sự khởi sắc về kinh tế.

Điển hình như hộ anh Lô Văn Sơn được Báo Nghệ An tặng bê cái năm 2012, từ đó đến nay, gia đình anh đã phát triển được đàn bò 9 con. Sau khi bán đi 4 con, mỗi con từ 15 - 18 triệu đồng, gia đình anh Sơn đã có tiền làm nhà ở kiên cố và thoát cảnh hộ nghèo. Hay từ chương trình hỗ trợ giống cây ăn quả, xoá vườn tạp của báo Đảng dành cho xã Xiêng My. Ở bản Phẩy có 2 hộ cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn quả quy mô lớn là hộ anh Vi Thanh Luận, anh Lô Văn Là trồng từ 150 - 200 cây xoài, mít.

Qua hơn 2 năm, cây đã bén đất, phát triển tốt và bắt đầu cho quả, hứa hẹn những mùa bội thu. Bên cạnh đó, nguồn quỹ từ các mô hình “cây ATM một nghìn đồng”, bản cũng ưu tiên dành cho hộ nghèo vay không lấy lãi để mua con giống.

tu-nguon-cay-giong-do-bao-nghe-an-ho-tro-gia-dinh-anh-vi-thanh-luan-o-ban-phay.png
Từ nguồn cây giống do Báo Nghệ An hỗ trợ Gia đình anh Vi Thanh Luận ở bản Phẩy đã cải tạo vườn tạp sang trồng cây ăn quả. Ảnh tư liệu: Hoàng Vĩnh

Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Lộc Thị Vân - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Xiêng My cho biết: Nhờ sự tiên phong gương mẫu của người đứng đầu, sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân, hiện bản Phẩy là đơn vị có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trong toàn xã (toàn bản chỉ còn 8 hộ nghèo). Đây cũng là đơn vị đầu tiên của xã Xiêng My về đích nông thôn mới và là bản được Ban Dân vận Huyện ủy chọn làm điểm xây dựng mô hình “Bản không ma tuý” của xã Xiêng My.

Không tự bằng lòng với những kết quả đã đạt được, trong năm 2023, Bí thư Chi bộ Kha Thị Bích đã cùng với cấp ủy, Chi bộ và Ban cán sự thôn tiếp tục vận động nhân dân triển khai bê tông hoá đường giao thông nội bản hơn 500m, trong đó nguồn xi măng Nhà nước cấp, nhân dân đóng góp cát sỏi ngày công triển khai theo từng tổ tự quản.

Đồng thời, vận động một số hộ dân khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chủ động đầu tư đường vào khu sản xuất để thuận lợi cho việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản, vật nuôi.

Công tác vệ sinh môi trường tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang cũng được “đầu tàu” chị Kha Thị Bích cùng chi bộ và Ban cán sự bản Phẩy quan tâm. Toàn bản có 35 lò đốt rác đặt ở các khu vực trung tâm và dọc các tuyến đường chính; 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% hộ có hố rác để xử lý rác thải sinh hoạt, bên cạnh đó, mô hình tự quản về môi trường do chi hội phụ nữ đảm nhận cũng được duy trì hiệu quả.

bi-thu-chi-bo-ban-phay-kha-thi-bich-ao-trang-huong-dan-nguoi-dan-xu-ly-rac.jpg
Bí thư Chi bộ bản phẩy Kha Thị Bích (áo trắng) hướng dẫn người dân xử lý rác. Ảnh: Khánh Ly

Chiều muộn, đi ngang qua khu vực khe Chon, chỉ vào tấm biển nền đỏ chữ vàng ghi nội dung “Nghiêm cấm đánh bắt thủy hải sản dưới mọi hình thức từ khu vực Nhạn Nọc Đông đến Nhạn Tả Mạ” dựng ngay bên đường, Bí thư Chi bộ Kha Thị Bích cười, giải thích: Đó là mô hình bảo vệ nguồn lợi thủy sản của bản ta. Chủ yếu là bảo tồn cá mát- được xem là sản vật quý ở vùng cao. Cá mát theo tiếng Thái là “Pá Khỉnh”, loại cá này chỉ sống ở vùng nước sạch, ăn rong rêu. Từ bao đời nay, bà con cho rằng cá dưới khe là của tự nhiên ban tặng nên mặc nhiên khai thác khiến nguồn cá quý dần cạn kiệt. Để bảo tồn loài cá này, người dân đồng lòng với chủ trương tổ chức cắm biển cấm đánh bắt và bổ sung nội dung này vào hương ước, quy ước của bản.

Theo đó, người nào vi phạm, dùng các loại chài, lưới hay kích điện để bắt cá ở khu vực cấm sẽ bị ban quản lý bản xử phạt. Hàng năm, bản tổ chức khai thác tập thể vào dịp Tết và các ngày lễ như Quốc khánh 2/9, ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11… để phục vụ các hoạt động tập thể và bổ sung vào quỹ bản để xây dựng các công trình công cộng. Mỗi dịp khai thác trở thành ngày hội bắt cá vui vẻ, đoàn kết của cả cộng đồng”.

Cán bộ bản Phẩy trao đổi với cán bộ xã Xiêng My về việc triển khai các phong trào thi đua ở cơ sở.
Cán bộ bản Phẩy trao đổi với cán bộ xã Xiêng My về việc triển khai các phong trào thi đua ở cơ sở. Ảnh: Khánh Ly

Chia tay bà con bản Phẩy, nhìn nụ cười tự tin và gương mặt rạng rỡ của nữ Bí thư Chi bộ Kha Thị Bích, chúng tôi tin rằng, với tinh thần “nói đi đôi với làm” của những “đầu tàu” thôn bản tiên phong, gương mẫu như chị, cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở xã vùng sâu Xiêng My sẽ ngày càng đổi mới.

“Người siêng” ở bản Phẩy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO