Nếu nói rằng thầy Lê Hữu Ngộ đã dành cả thanh xuân cho thiếu nhi, thì vẫn còn thiếu sót. Bởi, 31 năm công tác, không có giây phút nào thầy ngừng nghỉ việc chăm sóc những học sinh yêu quý của mình. Vì thế cho đến nay, khi đã thành ông ngoại, ông nội trong gia đình, khi mái tóc đã pha sương, thầy vẫn tận tụy, tỉ mỉ chăm sóc thiếu nhi, từ cách thắt khăn quàng đỏ, đến những nếp áo còn chưa phẳng phiu… 31 năm, các em nhỏ qua nhiều thế hệ đã gọi thầy bằng anh, bằng cha, và nay là bằng ông, nhưng vẫn cứ cần mẫn như thế một hình ảnh người thầy khả kính, dù thầy đã mệt, giọng nói không còn sang sảng, bước chân không còn thoăn thoắt…
Thầy Ngộ nhận công tác tại Nhà văn hóa thiếu nhi Việt Đức từ năm 1992, sau khi làm việc ở Thành đoàn Vinh, và đảm nhận nhiệm vụ thành lập đội nghi lễ. Công việc này gắn với thầy từ bấy đến nay. Đội nghi lễ dường như là “linh hồn” trong các cuộc mít tinh, đại hội và nhiều hội nghị quan trọng khác. Thiếu đội nghi lễ, phần nào làm giảm sự uy nghi, hoành tráng của một sự kiện khánh tiết. Vì vậy, những học sinh tham gia trong đội này phải được tuyển chọn đáp ứng các yêu cầu hình thể đồng đều, khoẻ mạnh, gương mặt sáng, luyện tập các thao tác phải chuẩn chỉnh, dứt khoát, giàu tính thẩm mỹ. Để có được điều này, công lớn thuộc về người thầy giáo phụ trách phải tận tâm tạo nguồn, phát hiện và gây dựng những nhân tố điển hình.
“Ban đầu khi chiêu sinh, tôi phải tìm ra những em nhỏ thực sự đam mê với hoạt động này. Có đam mê, có yêu thích thì mới theo được đội nghi lễ” – thầy Ngộ cho biết. Cũng theo thầy, có những em ban đầu chưa thích ngay, đi học trống, học kèn mà ánh mắt, khuôn mặt rất tâm tư. Hỏi ra thì mới biết: “Cháu không thích thầy ạ”. Thế nhưng, sau rồi cũng theo đội của thầy vì thấy vui và yêu quý thầy quá. Cũng có những em bố mẹ không cho đi thì điện thoại khóc nhờ thầy xin, thầy chỉ biết động viên và làm công tác tư tưởng với phụ huynh để lần sau cháu được tham gia. Thế mới biết, để thiếu nhi theo thầy, trước hết thầy phải theo trò, yêu công việc mình đeo đuổi mới có thể có được thành quả và niềm vui.
Thầy Lê Hữu Ngộ kể rằng, trước đây, khi Nhà văn hóa thiếu nhi Việt Đức còn là địa chỉ duy nhất trong việc phát hiện tạo nguồn và bồi dưỡng những tài năng nhí, cũng là địa chỉ duy nhất trên địa bàn thành phố dạy năng khiếu hè cho trẻ, học sinh đến với nhà văn hóa nhiều vô kể. Cũng từ đây, các thầy cô đã chăm bẵm và phát hiện ra nhiều nhân tố trẻ có tài năng. Đối với chuyên ngành thầy phụ trách, tuy không cần học sinh phát lộ những năng khiếu đặc sắc mang tính thiên bẩm như hát, múa… nhưng cần ở các em sự nhanh nhạy với âm thanh và tính kỷ luật cao. Vì thế, để đào tạo ra được lứa học trò có tố chất, cần nhất vẫn là ở công chăm sóc của thầy.
“Có những học sinh chỉ cần học dăm bữa là đánh được trống, thổi được kèn, chuẩn chỉnh được các động tác, nhưng cũng có những em lâu hơn, cần sự nhẫn nại của cả thầy và trò”. Học để vào được đội nghi thức không khó, nhưng để theo được đội dài lâu thì cần nhất vẫn là học sinh phải có tính kỷ luật cao, tuân thủ hiệu lệnh. Thế nên, thầy Ngộ có cả “kho” chuyện cười ra nước mắt trong quá trình dẫn dắt các em thiếu nhi thân yêu.
“Đưa các em đi biểu diễn, thầy phải chăm lo từng bộ quần áo, từng chiếc khăn quàng. Thầy còn là nhân viên hóa trang bất đắc dĩ cho học trò. Các em nhỏ thích đi biểu diễn lắm. Thế nên, dù thầy không có chuyên môn này nhưng khi thầy bảo để thầy đánh phấn, tô son kẻ mày cho nhé, thì bạn nào cũng sung sướng” – thầy kể. Rồi còn vô số chuyện không tên tế nhị khác nữa, về các em gái. Có em đến tuổi dậy thì, tình huống đột ngột không kịp chuẩn bị đã phải quàng cả chiếc áo của thầy để lên sân khấu; có những lúc em Tổng phụ trách ra hiệu lệnh sai làm thầy phải nín thở trong cánh gà; rồi những lúc đã đến giờ diễn nhưng không may có em bị đau bụng không thể đứng vào hàng được, buộc thầy phải tính đến phương án 2; lại có tình huống bạn nhỏ khi rời nơi tổ chức sự kiện đã lấy nhầm xe đạp đi về, khiến thầy bị người ta quở mắng… Những kỷ niệm đó đối với thầy vừa là hành trang, vừa là tài sản vô giá trong những năm đồng hành cùng bao thế hệ thiếu nhi…
Mỗi năm, thầy Lê Hữu Ngộ lại dẫn dắt các em nhỏ đến các tỉnh, thành để dự thi tại Liên hoan tiếng kèn đội ta. Đi đâu, thầy cũng như người cha hiền chăm lo cho các con từng bữa ăn, giấc ngủ. “Cũng có lúc mệt mỏi lắm chứ, thế nhưng khi nhìn ngắm nụ cười, niềm vui trên khuôn mặt trẻ thơ, tôi cảm giác như mọi mệt mỏi được xua tan. Thậm chí, tôi thấy mình trẻ ra, như hóa thành con trẻ, được vui với niềm vui hồn nhiên của chúng” – thầy Lê Hữu Ngộ nói.
Sau những chuyến đi, những lần biểu diễn, học sinh của thầy Ngộ đều nhận được kết quả rất đáng tự hào, đó là rất nhiều giải Nhất toàn đoàn, và trên hết là sự tự tin, mạnh dạn và tinh thần kỷ luật tốt. “Bây giờ già rồi, các cháu gọi tôi là “ông thầy”, chúng gọi thế bởi thầy như ông nó trong nhà!”. “Có người nói, trẻ con nghịch lắm, nói không nghe là phải cho “ăn roi” liền, sao thầy giỏi thế, kiên nhẫn, nhẹ nhàng thế!” – thầy Ngộ kể. Nhưng theo thầy, nếu không yêu trẻ thì sẽ không bao giờ rút tâm huyết ra mà dạy được cho chúng đức tính nhẫn nại, kiên trì và kỷ luật; và không yêu trẻ thì đừng làm công việc này.
Không chỉ tham gia hướng dẫn, đào tạo các em nhỏ tại Nhà văn hóa thiếu nhi Việt Đức, thầy còn lên lớp tập huấn cho các trường Tiểu học, THCS về công tác Đội, tập huấn cho các Tổng phụ trách Đội trên địa bàn toàn tỉnh. Nơi nào thầy đến, người ta cũng lĩnh hội được không chỉ kiến thức chuyên môn về công tác Đội mà còn là tình yêu trẻ thơ lan tỏa từ tấm gương của thầy. Vì thế, thầy luôn được tín nhiệm là thành viên Ban Giám khảo các cuộc thi Chỉ huy Đội giỏi cấp thành phố và cấp tỉnh. Ấy thế nhưng, thầy khiêm nhường nói rằng, mình cũng chỉ tích lũy kinh nghiệm và trao truyền kinh nghiệm mà thôi, chứ không có tài cán gì. “Những ai yêu trẻ, có nhiệt tâm với nghề ắt sẽ làm giỏi công tác Đội, trở thành một Tổng phụ trách uy tín và được trẻ tin yêu, kính trọng”.
Suốt những năm qua, thầy Ngộ không chỉ phụ trách Đội nghi lễ tại Nhà văn hóa thiếu nhi Việt Đức mà còn được ví như là “quản gia”, với vô vàn công việc như phụ trách công tác giáo vụ, lên lịch và thời khóa biểu cho các lớp học, quản lý các lớp và các phòng học. Thầy còn phụ trách cả công tác tuyển sinh. “Ai cần gì cũng thầy Ngộ ơi, thầy Ngộ ơi, tôi cứ luôn tay luôn chân suốt ngày” – thầy nói.
31 năm gắn bó với Nhà văn hóa thiếu nhi Việt Đức, thầy đã có rất nhiều lứa học sinh thành danh, nhiều bạn nhỏ sau này thành Tổng phụ trách Đội, nhiều người trưởng thành ở các công việc khác. Nhưng, với các em, những kỷ niệm tại Nhà văn hóa thiếu nhi Việt Đức và với thầy Ngộ, đức tính nhẫn nại, tỉ mỉ, kỷ luật được thầy rèn dũa là điều quý giá đồng hành suốt cả cuộc đời.