Người về từ Vị Xuyên và 30 năm gắn bó với công tác thôn

Một ngày đầu tháng 7 nắng như đổ lửa, tôi có mặt tại thôn Sơn Thịnh, xã Thanh Thịnh (Thanh Chương) – một vùng quê yên bình nằm vắt ngang con đường Hồ Chí Minh huyền thoại để đến thăm nhà ông Trịnh Xuân Hùng.

Tôi ngồi đối diện với ông Hùng bên ấm chè xanh. Ẩn sau dáng người thanh mảnh, làn da ngăm đen là sự cương nghị toát lên từ ánh mắt, vừa có phần hóm hỉnh. Từng được truy điệu sống trên mặt trận Vị Xuyên, nhưng rồi chiến thắng trở về, ông lại lao mình vào tham gia các hoạt động của thôn xóm, từ Bí thư Chi bộ, rồi Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn và bây giờ khi sức đã mòn, chân đã mỏi ông tiếp tục gánh vác trọng trách của một Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn. Ông nửa đùa nửa thật nói: “Nếu không may mắn thì có lẽ chuẩn bị bước sang cái giỗ thứ 40 rồi. Mình được trở về, trong khi biết bao đồng đội nằm lại nơi “lò vôi thế kỷ” ấy. Thôi thì làm được việc gì cho xóm làng thì làm”.

Những người lính tham gia mặt trận Vị Xuyên. Ảnh: Tư liệu
Những người lính tham gia mặt trận Vị Xuyên. Ảnh: Tư liệu

Ngày ấy, sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, quân bành trướng Trung Quốc bề ngoài thì tuyên bố rút quân nhưng trên thực tế, vẫn âm thầm thực hiện các mưu đồ gây hấn và lấn chiếm. Ngày 28.4.1984, quân đội Trung Quốc đã mở cuộc tấn công quy mô lớn vào biên giới nước ta tại khu vực Vị Xuyên (Hà Giang), từ điểm cao có bình độ 1.509 (vị trí phân chia lãnh thổ hai nước trước năm 1979), đến các điểm cao 1.100, 772, 685, đến 468 (thấp dần về phía đất nước ta khoảng 4 đến 5km).

Thời điểm đó, ông Hùng đang là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 153, Sư đoàn 356 được giao nhiệm vụ bảo vệ điểm cao 685. Điểm cao này nằm ở phía tây xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, cách đường biên giới khoảng 2,5km. Đây là một núi đá gồm 5 đỉnh hợp thành được gọi là E1, E2, E3, E4 và E5. Tại điểm cao này đã diễn ra rất nhiều cuộc chiến đấu ác liệt để bảo vệ khỏi sự xâm lấn của Trung Quốc từ năm 1984 đến 1989.

Ngày đó, các điểm cao 1509, 772, 685 được gọi bằng những cái tên khốc liệt “đồi thịt băm”, “cối xay thịt” hay “lò vôi thế kỷ”. Nhưng với những người lính Vị Xuyên, một khi cầm chắc trong tay khẩu súng, dù thịt nát xương tan, họ vẫn quyết tâm xông lên. Đỉnh điểm là rạng sáng ngày 12/7/1984, ta mở đầu chiến dịch MB84, huy động một lực lượng lớn tấn công nhằm giành lại các điểm cao. Tuy nhiên, trong trận này, các mũi tấn công của ta đều bị thương vong lớn, gần 600 chiến sĩ của Sư đoàn 356 – Quân khu 2 đã hy sinh. Từ đó ngày 12/7 trở thành ngày giỗ trận của các liệt sĩ Vị Xuyên, ngày mà mỗi cựu binh Vị Xuyên đều trở lại thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội.

Ông Hùng (áo trắng) bên đồng đội trong một lần về dự ngày giỗ trận 12/7. Ảnh: Tiến Đông
Ông Hùng (áo trắng) bên đồng đội trong một lần về dự ngày giỗ trận 12/7. Ảnh: Tiến Đông

Ông Hùng nhớ lại: “Sau chiến dịch MB84 không thành công, thế trận giằng co giữa ta và địch diễn ra liên tục kéo dài. Đặc biệt, dù nhiều lần đánh chiếm lại cao điểm 685 nhưng không được, ta phát hiện phía sau đỉnh E1 của cao điểm 685 có nhiều hang đá tự nhiên, trong đó có 4 hang lớn nằm giữa 685 và 772, địch đã gia cố thành nơi trú quân, tập kết vũ khí, vừa tránh được hỏa lực của ta, vừa xuất phát phản công khi quân ta tấn công từ dưới lên. Vì thế chỉ huy mặt trận và chỉ huy Sư đoàn 356 quyết định lập một đội công tác đặc biệt – đội cảm tử, bí mật luồn sâu, tiêu diệt các hang này”.

Ông Hùng vẫn nhớ như in ngày mình nhận lệnh đi cảm tử, hôm đó là buổi chiều ngày 17/12/1984, vừa trên chốt trở về hang Làng Lò (nơi đặt sở chỉ huy, chăm sóc thương binh tạm thời và cũng là nơi đặt thi hài các chiến sĩ hy sinh vừa được đưa từ trận địa về), thì gặp một đồng chí cùng đơn vị, vừa gặp đã vỗ vai ông và cười nói “báo cho anh một tin, ngày mai anh được Nhà nước cử đi…chết”.

Dù đã biết bao nhiêu lần vào sinh ra tử, nhưng lần này cảm xúc trong ông rất lạ. Cả đêm đó ông không ngủ, cứ trằn trọc mãi. “Chắc phải có nhiệm vụ đặc biệt nào đó thì các thủ trưởng mới chọn mình, dù thế nào thì cũng phải gắng hoàn thành” – ông nghĩ. Sáng hôm sau, tin chính thức được chọn làm đội trưởng đội cảm tử đến với ông, các chỉ huy cho ông 1 ngày để chọn quân, tổng cộng có 18 người.

Ông Trịnh Xuân Hùng thăm lại Vị Xuyên, nơi đã từng vào sinh ra tử. Ảnh: Tiến Đông
Ông Trịnh Xuân Hùng thăm lại Vị Xuyên, nơi đã từng vào sinh ra tử. Ảnh: Tiến Đông

Chiều muộn ngày 21/12/1984, sau khi được làm lễ truy điệu sống, đội cảm tử mang theo mỗi người 2 cơ số đạn nhanh chóng rời hang Làng Lò lên đường. Chiều đông biên giới trời mù sương, dưới mưa phùn lất phất, và cái rét cắt da cắt thịt, họ lầm lũi tiến về phía trước. Thảng hoặc những loạt pháo cầm canh vang lên vọng vào núi đá rồi mất hút vào thinh không. Trước cửa hang Làng Lò, nhìn những người con ưu tú nhất của Đất nước đi vào cửa tử mà ai cũng rưng rưng.

Sau nhiều giờ luồn rừng, đến khuya ngày 21/12, đội cảm tử đã có mặt tại vị trí. Đúng 23h, sau khi pháo binh ta chuyển làn, cả đội đồng loạt nổ súng tấn công vào các hang địch. Đội phó Nguyễn Quang Độ, Chỉ huy hỏa lực DKZ và M72, B41 mở màn bắn vào các hang to nhất, vừa diệt địch, vừa thắp sáng mục tiêu cho các tay súng thấy rõ mà tiêu diệt. Bị tập kích bất ngờ, cả 4 hang trú ẩn của địch đều bị tiêu diệt gọn.

Phát hiện bị tập kích, pháo địch điên cuồng dội xuống đội hình của đội cảm tử, một chiến sĩ đã hy sinh ngay trận địa. Sau trận cảm tử đó, ai về đơn vị nấy, người còn, người mất. Mãi 35 năm sau ông Hùng mới gặp lại người đồng đội Lương Tú Liêu (Tĩnh Gia, Thanh Hóa), thời điểm đó là Đại đội phó Đại đội 1, Tiểu đoàn thông tin 18, Sư đoàn 356 và ông Nguyễn Quang Độ (Hoài Đức, Hà Nội) là Đại đội trưởng Đại đội 14 – DKZ, Trung đoàn 153, còn lại thì không có tin tức.

Ông Hùng (bên phải) cùng người đồng đội Lương Tú Liêu trong đội cảm tử năm xưa tại điểm cao 685; Ông Trịnh Xuân Hùng trong một lần gặp lại ông Nguyễn Quang Độ, người đồng đội trong Đội cảm tử năm xưa.
Ông Hùng (bên phải) cùng người đồng đội Lương Tú Liêu trong đội cảm tử năm xưa tại điểm cao 685; Ông Trịnh Xuân Hùng trong một lần gặp lại ông Nguyễn Quang Độ, người đồng đội trong Đội cảm tử năm xưa.

Sau khi cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc kết thúc, ông Hùng tiếp tục được cử đi học các lớp sĩ quan và về công tác tại Quân khu 2; đến năm 1992 thì chính thức nghỉ hưu, quay về quê hương sinh sống. Về quê, bằng tinh thần của một người lính Cụ Hồ, ông được cấp uỷ, chính quyền địa phương và nhân dân trong thôn tín nhiệm cử làm Bí thư Chi bộ, sau đó là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn và hiện nay là Trưởng ban công tác Mặt trận. Liên tục hơn 30 năm cống hiến sức lực của mình cho thôn xóm không ngừng nghỉ. Dù ở cương vị nào, ông luôn nhận được sự tín nhiệm của cán bộ và nhân dân trong thôn, trong xã bởi sự năng động, sáng tạo và luôn hết mình vì công việc.

Sau khi rời quân ngũ, ông Hùng đã có hơn 30 năm miệt mài với công tác của thôn xóm.
Sau khi rời quân ngũ, ông Hùng đã có hơn 30 năm miệt mài với công tác của thôn xóm.

Với vai trò là Bí thư Chi bộ, sau đó kiêm thêm nhiệm vụ Trưởng thôn, trong nhiều năm liên tục, ông Hùng thường xuyên tham mưu, đóng góp nhiều ý kiến để cùng với tập thể trong thôn xây dựng, ban hành và triển khai nhiều Nghị quyết làm thay đổi bộ mặt thôn cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Cá nhân ông luôn trăn trở, để nghị quyết đi vào cuộc sống thì mỗi chỉ tiêu đặt ra phải được cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng trước khi ban hành và đặc biệt là phải phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Hiện tại, thôn Sơn Thịnh có 329 hộ và 1.670 nhân khẩu. Dù vậy, thời điểm cách đây 3 năm, khi thực hiện sáp nhập theo chủ trương chung của Nhà nước, có thời điểm người dân vẫn chưa nhận thức được thấu đáo. Nhiều người có suy nghĩ thôn này, thôn kia giàu hơn, cơ sở vật chất, hạ tầng tốt hơn nên không muốn sáp nhập. Lúc này, với vai trò là Bí thư Chi bộ, ông Hùng đã tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu rõ được mục đích và vai trò của việc sáp nhập. Vì thế mà 100% hộ dân trong thôn đã đồng tình.

Đặc biệt, những năm gần đây khi phong trào xây dựng Nông thôn mới được triển khai sâu rộng trên khắp cả nước. Ông Hùng cùng Ban cán sự thôn Sơn Thịnh luôn miệt mài tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, đóng góp công sức xây dựng hạ tầng giao thông. Đến nay đã có hàng trăm hộ dân, hiến hàng ngàn mét vuông đất làm đường giao thông.

Nhiều tuyến đường bê tông trên địa bàn thôn Sơn Thịnh đã được xây dựng khang trang, sạch đẹp.
Nhiều tuyến đường bê tông trên địa bàn thôn Sơn Thịnh đã được xây dựng khang trang, sạch đẹp.

Trong đó, năm 2021 huy động làm được 2 tuyến đường, mỗi tuyến dài gần 1km; năm 2022 làm được 2,2km và bước sang năm 2023 này, Ban cán sự thôn cũng đã xây dựng kế hoạch để hoàn thành 4 trục đường chính dài 1,7km và 5 trục đường nhánh dẫn vào các lối khoảng hơn 1km. Trong 6 tháng đầu năm 2023, thôn Sơn Thịnh cũng đã thu được 24 triệu đồng đóng góp cho các loại quỹ; vận động được hơn 300 triệu đồng để xây dựng nông thôn mới. “Hiện nay, xi măng thì Nhà nước đã có kế hoạch cấp, nhưng để làm được điều này, thôn đã thống nhất mỗi khẩu sẽ đóng thêm 1 triệu đồng (trừ khoảng 70 khẩu được miễn giảm) để thuê nhân công, mua cát, sạn làm đường. Tất cả đều đã được thống nhất thông qua với tỷ lệ là 100% đồng tình” – ông Hùng nhấn mạnh.

Nhận xét về người cán bộ thôn mẫn cán, với hơn 30 năm cống hiến cho quê hương, ông Nguyễn Văn Thế – Bí thư Đảng uỷ xã Thanh Thịnh cho biết: Ông Trịnh Xuân Hùng là một cán bộ gương mẫu, nhiệt tình và hết sức năng động. Sau khi rời quân ngũ trở về, ông đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ ở thôn, dù bất cứ cương vị, vị trí nào ông cũng hoàn thành xuất sắc, thôn Sơn Thịnh cũng trở thành thôn luôn dẫn đầu phong trào thi đua của toàn xã. Đặc biệt vào ngày 16/6 vừa qua, ông Hùng cũng đại diện cho thôn Sơn Thịnh đi tham dự và đón nhận bằng khen tại Hội nghị tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc”, giai đoạn 2003 – 2023.

Ông Hùng (bên trái) thăm một mô hình vườn mẫu tại thôn Sơn Thịnh.
Ông Hùng (bên trái) thăm một mô hình vườn mẫu tại thôn Sơn Thịnh.

Chia tay và tiễn chúng tôi ra tận con đường Hồ Chí Minh, ông Hùng chỉ tay về phía bãi đất rộng hàng chục héc-ta và khoe “sắp tới khu đất này sẽ được xây dựng nhà máy may, trung tâm nghiên cứu giống cây trồng, khi đó đời sống người dân sẽ được nâng lên. Nhưng trước mắt, chắc chắn những người làm công tác trong thôn sẽ vất vả hơn, nhất là trong tuyên truyền, vận động nhân dân để giải phóng mặt bằng”.

Dù bước chân không còn nhanh nhẹn như thời trai trẻ, đôi mắt cũng không còn tinh anh, và muôn vàn khó khăn đang chờ phía trước, nhưng chúng tôi cảm nhận, ở ông Trịnh Xuân Hùng, một trái tim tràn đầy nhiệt huyết trong hành trình xây dựng quê hương vẫn luôn dào dạt. Với ông, không có việc gì là khó, chỉ cần kiên trì, bền bỉ và cống hiến bằng cả tâm sức của mình thì tất cả sẽ thành công.

Nhiều mô hình vườn mẫu đã được xây dựng trên địa bàn thôn Sơn Thịnh.
Nhiều mô hình vườn mẫu đã được xây dựng trên địa bàn thôn Sơn Thịnh.