Người yếu thế, khó khăn ở Nghệ An sẽ được hỗ trợ ít nhất 500 nghìn đồng/tháng

Mỹ Hà - Thanh Nga 20/04/2020 11:20

(Baonghean.vn) - Chính sách hỗ trợ những người yếu thế, hộ nghèo, cận nghèo và lao động tự do mất việc, doanh nghiệp cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm đang thực sự được nhiều người mong đợi. Để chính sách chạm đến mọi thân phận, ngõ ngách đời sống dân sinh, cần sự rà soát chặt chẽ, không sót người nhưng cũng không hỗ trợ sai đối tượng.

Sẽ là “máy trợ thở” hiệu quả

Để kịp thời giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trong những ngày gần đây liên tục nhiều gói hỗ trợ cũng đã được đưa ra. Một trong những sự hỗ trợ kịp thời đang nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp, đó là cơ quan BHXH đã quyết định tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất cho các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, dệt may, lưu trú, nhà hàng và các nghề đặc biệt khác gặp khó khăn bởi dịch Covid-19.

Do thiếu nguyên liệu đầu vào và hạn chế xuất khẩu nên ngành may mặc chịu ảnh hưởng do dịch Covid - 19
Cơ quan bảo hiểm xã hội ra gói hỗ trợ doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, dệt may ... Ảnh: Mỹ Hà

Theo ông Hoàng Quang Phúc - Trưởng phòng Quản lý thu, Bảo hiểm xã hội tỉnh: “Số tiền đóng tử tuất và hưu trí chiếm đến 22% tổng số tiền BHXH mà các doanh nghiệp phải đóng cho người lao động. Vì thế, với chính sách gia hạn (trước mắt là 3 tháng) sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm một số tiền rất lớn để chi trả lương cho người lao động hoặc đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Qua tổng hợp, toàn tỉnh có 6.198 doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 với 138.585 người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp. Chúng tôi cũng dự kiến, với lượng lao động rất lớn thì số tiền tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất của toàn tỉnh trong 3 tháng sẽ là hơn 392 tỷ đồng, 6 tháng sẽ là hơn 784 tỷ đồng và 9 tháng sẽ là hơn 1.100 tỷ đồng”.

Trước khi ban hành văn bản này, cơ quan BHXH tỉnh và Sở LĐ,TB&XH cũng đã có văn bản gửi đến cho tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để khảo sát tình hình và hướng dẫn cho các doanh nghiệp báo cáo thực trạng sản xuất, kinh doanh trong năm 2020. Đón nhận thông tin này, đại diện nhiều doanh nghiệp bày tỏ vui mừng, bởi việc tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất không những giúp doanh nghiệp tạm thời tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ và đây cũng là một hình thức gián tiếp giúp doanh nghiệp giữ được chân người lao động.

a
Các trung tâm dạy kỹ năng sống bị tạm dừng hoạt động khiến đời sống giáo viên gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Mỹ Hà

Ông Đặng Minh Chưởng - Chủ tịch HĐQT Trường Mầm non Tuổi Thơ cho biết: “Từ tháng 1 đến nay, trường chúng tôi học sinh không đi học và nhà trường không có nguồn thu. Trong khi đó, đơn vị đang có đến hơn 80 cán bộ, giáo viên cần phải được đảm bảo về các chế độ, chính sách, đặc biệt là chế độ BHXH. Với chính sách hỗ trợ này, chúng tôi đã phần nào yên tâm và dành số tiền dự phòng để hỗ trợ phần nào chi trả lương cho giáo viên, giúp các cô yên tâm công tác và còn gắn bó lâu dài với nhà trường”.

Tại Công ty CP Gạch ngói Thành Công, thời điểm này công ty hoạt động cầm chừng vì nguồn tiêu thụ bị giảm sút nghiêm trọng. Ông Trần Xuân Đông – Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Toàn bộ lao động thời vụ của chúng tôi đã nghỉ việc và chỉ còn lại lao động có ký hợp đồng lâu dài, để chi trả lương cho lao động và các chính sách khác là còn nhiều khó khăn. Vì thế, trong thời điểm này bất cứ một chương trình hỗ trợ nào, dù nhỏ cũng là nguồn động viên lớn để chúng tôi có thêm động lực vượt qua đợt dịch này”.

Trong một diễn biến khác, khi được hỏi có nghe thông tin về việc mình sẽ được hỗ trợ không, những bệnh nhân ở “xóm chạy thận” xóm 10, xã Nghi Phú (TP. Vinh) cho biết, họ đều đã nắm rõ mình sẽ nằm trong nhóm nào, chỉ có điều họ hơi băn khoăn khi không biết nếu mình không về quê mà ở tại nơi tạm trú này có được nhận hỗ trợ của Chính phủ không. “Đến tuần sau con mà không đưa tiền xuống thì không biết lấy gì mà mua thức ăn, chỉ mong tiền hỗ trợ của Chính phủ đến sớm để thoát khỏi cảnh đi vay mượn, nợ nần”, bệnh nhân Lương Thị Tuân cho biết.

Bệnh nhân ở
Bệnh nhân một "xóm chạy thận" ở TP. Vinh mong có sự hỗ trợ của Chính phủ trong thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covd-19. Ảnh: Thành Cường

Ở huyện Nghi Lộc, ông Đăng Văn Lương - Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện cho biết, toàn huyện hiện có 637 hộ nghèo và 2.402 hộ cận nghèo, đa số đều rơi vào những gia đình không có khả năng lao động. “Hiện rất nhiều người dân đã lên cơ quan huyện, xã hỏi nhiều về gói cứu trợ này. Việc rà soát, nắm bắt đối tượng nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ là khá rõ ràng, nhưng với những đối tượng là lao động tự do và các hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn thì tương đối khó, rất dễ sót và sai đối tượng. Vì thế, hơn bao giờ hết cần sự vào cuộc tích cực khẩn trương của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở”.

Qua rà soát nhanh, tổng đối tượng người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng trên địa bàn tỉnh đến 31/3/2020 là 70.433 người; Tổng số đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng đến ngày 8/4/2020 là 133.140 người; Tổng số hộ nghèo là 41.041 hộ; hộ cận nghèo là 75.398 hộ. Tổng số nhân khẩu ở các hộ nghèo, hộ cận nghèo là 485.298 người, trong đó số người hưởng chính sách ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội hàng tháng là 8.767 người.

Cần rà soát đúng người, đúng đối tượng

Theo phát ngôn mới nhất của Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung, thì gói cứu trợ an sinh xã hội này sẽ thực hiện ngay trong tháng 4 đối với đối tượng là người yếu thế, là hộ nghèo, cận nghèo. Và, bắt đầu từ tuần này, các địa phương đã tiến hành rà soát các nhóm lao động chịu ảnh hưởng nhiều vì dịch và trong diện được hỗ trợ. Điều quan trọng nhất là rà soát ra sao để không sót người, nhưng cũng không sai người. Và phải làm thế nào để gói cứu trợ chưa từng có tiền lệ này của Chính phủ đến với nhân dân càng nhanh càng tốt.

Người lao động đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp gia tăng trong những tháng đầu năm
Người lao động đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp gia tăng trong những tháng đầu năm. Ảnh: Mỹ Hà

Theo thống kê của Sở LĐ,TB&XH thì tính đến thời điểm 8/4/2020, qua khảo sát của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, UBND các huyện, thành, thị, có 906 doanh nghiệp có báo cáo, trong đó có 105 doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 (doanh nghiệp vận tải 10; doanh nghiệp sản xuất 42; khách sạn, nhà hàng và dịch vụ khác 53). Tổng số lao động bị ảnh hưởng là 9.384 người (trong đó lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động là 701 người; lao động tạm ngừng việc là 4.314 người; lao động bị ảnh hưởng khác (nghỉ luân phiên, giảm thu nhập) 4.369 người).

Trên cơ sở Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL ngày 25/3/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đã có Văn bản số 906/LĐTBXH-LĐ ngày 3/4/2020 hướng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc do dịch Covid-19 gây ra.

Theo ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An thì: Việc rà soát, xác định, thống kê người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; đặc biệt là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và mất việc làm, có phạm vi rộng, số lượng đối tượng lớn, phải được thống kê từ nhiều đơn vị, doanh nghiệp, địa phương nên cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể để quá trình triển khai đảm bảo hỗ trợ đúng mục đích, đúng đối tượng, không bị lợi dụng, trục lợi chính sách.

a
Cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể để quá trình triển khai đảm bảo hỗ trợ đúng mục đích, đúng đối tượng, không bị lợi dụng, trục lợi chính sách. Ảnh: Thanh Nga

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Trung ương đối với các doanh nghiệp khó khăn có nhu cầu vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Sở LĐ,TB&XH cũng có kiến nghị: Những đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chính sách hỗ trợ trở lên thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất, thế nên đòi hỏi phải được rà soát, thống kê từ địa phương trên cơ sở đề nghị của đối tượng. Điều cần nhất bây giờ là có một hướng dẫn chi tiết cụ thể cho nhóm đối tượng là lao động tự do mất việc làm do dịch và nhóm hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm.

Các nhóm đối tượng được hưởng gói cứu trợ gồm:

1. Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp. Mức hỗ trợ: 500.000 đồng/tháng 4, 5, 6.

2. Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Mức hỗ trợ: 500.000 đồng/tháng 4, 5, 6.

3. Hộ nghèo, cận nghèo. Mức hưởng: 250.000 đồng/khẩu/ tháng 4, 5, 6.

4. Người đang làm việc tại DN bị tạm dừng lao động do ảnh hưởng của dịch. Mức hỗ trợ: 1.800.000 đồng/tháng 4, 5, 6.

5. Người sử dụng lao động: Được vay lãi suất 0% để hỗ trợ 50% mức lương tối thiểu vùng trả cho người lao động trong 12 tháng.

6. Hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm bị tạm dừng kinh doanh. Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/tháng 4, 5, 6.

7. Người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/tháng 4, 5, 6.

8. Người lao động không có hợp đồng lao động bị mất việc làm. Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/tháng 4, 5, 6.

Theo Kỹ thuật: Thành Cường
Copy Link
Mới nhất
x
Người yếu thế, khó khăn ở Nghệ An sẽ được hỗ trợ ít nhất 500 nghìn đồng/tháng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO