Nguy cơ hạn hán trong sản xuất vụ xuân 2016

02/11/2015 15:12

(Baonghean) - Cả tỉnh đang chuẩn bị sản xuất vụ xuân 2016. Đây là vụ sản xuất chính trong năm với hơn 85.000 ha lúa, trên 12.000 ha ngô, khoảng 22.000 ha lạc, 24.000 ha mía và một số loại cây trồng khác.

Cấy lúa xuân ở Hưng Nguyên
Cấy lúa xuân ở Hưng Nguyên

Thời tiết ở Nghệ An những năm gần đây nắng nóng ngày càng gay gắt, nhiệt độ tăng lên rõ rệt, số ngày rét đậm và rét hại giảm dần, lượng mưa ngay trong mùa mưa bão (từ cuối tháng 8 đến hết tháng 10 hàng năm) cũng giảm mạnh và bão lụt cũng rất ít xảy ra. Sản xuất nông nghiệp vụ xuân 2016 được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn lớn.

Sẽ là một vụ xuân ấm hơn so với nhiều năm

Dự báo vụ xuân 2016 sẽ là một vụ xuân ấm với nền nhiệt độ không khí cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) và có thể cao hơn cả vụ xuân 2015. Nếu nhiệt độ không khí diễn ra đúng như dự báo thì vụ xuân 2016 sẽ gặp nhiều bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, đó là: Thời gian sinh trưởng của các loại cây trồng rút ngắn lại, nhất là lúa và ngô. Rút ngắn bao nhiêu ngày còn lệ thuộc vào nhiệt độ không khí diễn ra trong từng ngày và trong cả mùa xuân (từ tháng 1 đến tháng 3).

Riêng cây lúa rút ngắn thời gian sinh trưởng rất dễ dẫn đến hậu quả lúa trổ sớm, gặp thời tiết lạnh trong tiết thanh minh làm năng suất lúa giảm nghiêm trọng, thậm chí mất trắng không có thu hoạch. Vụ xuân ấm còn gây ra tình trạng sâu bệnh phát triển mạnh (bệnh đạo ôn, khô vằn, sâu cuốn lá, rầy nâu, sâu đục thân…).

Sản xuất gặp hạn hán nặng

Tổng lượng mưa từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2015 mới đạt được 1.046,15mm, thấp thua 9 tháng đầu năm của TBNN 219,35 mm và thấp thua so với 9 tháng đầu năm 2014 là 193,41 mm. Ở Nghệ An mùa mưa tập trung từ cuối tháng 8 đến hết tháng 10 hàng năm. Trong đó tháng 9 là tháng có lượng mưa trung bình cao nhất cả năm (khoảng 520 - 550 mm). Nhưng lượng mưa tháng 9 năm nay chỉ đạt trung bình 334,96 mm, bằng 64 - 65% so với lượng mưa trung bình tháng 9 nhiều năm. Theo dự báo của ngành Khí tượng - Thủy văn thì lượng mưa 3 tháng còn lại của năm 2015 là không đáng kể.

Chính vì vậy, lượng nước dự trữ trong tổng số 625 hồ, đập lớn nhỏ của toàn tỉnh hiện tại không có hồ đập nào có mực nước đạt từ 80% dung tích thiết kế trở lên. Theo kết quả thống kê được, hiện nay toàn tỉnh chỉ có 14 hồ đập, có lượng nước dự trữ đạt trên 70% dung tích thiết kế, có 5 hồ, đập có lượng nước đạt từ 50 - 70% dung tích thiết kế, có 28 hồ đập có lượng nước đạt dưới 50% dung tích thiết kế và những hồ đập còn lại đều có lượng nước dự trữ không đáng kể. Nguồn nước trong các hồ, đập là như vậy, còn nguồn nước trên sông Lam phục vụ nước tưới tự chảy cho vùng Diễn - Yên - Quỳnh và phục vụ nước tưới cho vùng bơm điện Nam - Hưng - Nghi từ đầu năm lại nay, mực nước luôn duy trì ở mức thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 38 - 203 mm và thấp hơn cùng kỳ của năm 2014 từ 18 - 93 cm. Thực tế nguồn nước dự trữ hiện có trong các hồ đập và lưu lượng nước trên sông Lam hiện nay thật đáng lo cho sản xuất vụ xuân 2016.

Khả năng có mưa và kể cả gió bão trong những ngày sắp tới hầu như rất khó xảy ra. Vì hiện tại Elnino đang hoạt động ngoài khơi Thái Bình Dương từ tháng 6/2015 đến hết tháng 3/2016 gây ảnh hưởng lớn cho khu vực các tỉnh miền Trung và Tây nguyên nước ta.

Từ đó để sản xuất vụ xuân năm 2016 đạt được năng suất cao, các địa phương và bà con nông dân cần chủ động thực hiện tốt các biện pháp sau đây:

Một, kiểm tra, phân vùng dự kiến vùng có khả năng có nguồn nước tưới là bao nhiêu ha ở những cánh đồng nào và không có khả năng có nguồn nước tưới là bao nhiêu ha, ở những cánh đồng nào. Từ đó chủ động lên kế hoạch sản xuất cụ thể cho từng loại cây trồng. Nhất thiết không gieo cấy lúa, nếu thực sự không có nguồn nước tưới chủ động và trên diện tích này mạnh dạn sớm chuyển sang trồng ngô, đậu hoặc lạc. Cả 3 loại cây trồng này cũng phải gieo trồng càng sớm càng tốt để phòng, chống hạn đất, hạn không khí và gió Lào về sớm.

Hai, vùng có nguồn nước tưới chủ động thì gieo cấy lúa. Nhưng chỉ nên gieo cấy các giống lúa ngắn ngày với thời gian sinh trưởng không nên quá 135 ngày để giảm bớt số lần tưới nước, hạn chế cả sâu bệnh và phải là những giống lúa có năng suất khá, chất lượng cơm gạo ngon, ít bị sâu bệnh và có khả năng thích ứng rộng.

Mỗi một xóm, làng, xã chỉ nên gieo cấy 2 - 3 giống lúa, mỗi giống lúa gieo cấy thành một vùng tập trung để thuận tiện việc gieo cấy, chăm sóc và phòng, chống sâu bệnh.

Ba, sử dụng nước tưới hết sức tiết kiệm, nhất là nước tưới ở các vùng hồ, đập, vùng tưới nước bơm điện. Ở những vùng này chỉ cần tưới nước nông - lộ - phơi hoặc tưới nông thường xuyên (mực nước tưới từ 3 - 5 cm) là được. Nước tưới ngập sâu vừa hạn chế lúa đẻ, vừa gây lãng phí nước, vừa làm cho cây lúa yếu ớt.

Bốn, do vụ xuân có khả năng ấm, nhiệt độ cao, ít mưa vì vậy phải bón phân sớm, bón tập trung, chủ yếu bón lót đậm trước khi cấy để cây lúa phát triển nhanh, đẻ sớm, đẻ tập trung. Đồng thời chỉ nên sử dụng phân bón NPK loại 16.16.8 để bón lót khoảng 13 - 15 kg/sào và loại NPK 15.5.20 để bón thúc lúa đẻ 8 - 10 kg/sào và bón thúc lúa làm đòng 5 - 7 kg/sào. Bà con nông dân không nên sử dụng phân đơn (đạm, lân, ka ly riêng rẽ) để bón dễ gây ra tình trạng bón phân mất cân đối làm giảm năng suất lúa.

Những năm vụ xuân ấm là những năm lúa xuân rất dễ bị bệnh đạo ôn đầu vụ,rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ và sâu đục thân phát triển mạnh vào tháng 3, 4. Các đối tượng sâu bệnh nói trên cần thường xuyên được theo dõi, kết hợp với dự báo của ngành bảo vệ thực vật để kịp thời phát hiện sớm, phun thuốc phòng trừ ngay khi mới xuất hiện.

Doãn Trí Tuệ

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Nguy cơ hạn hán trong sản xuất vụ xuân 2016
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO