Nguy cơ phát nổ “thùng thuốc súng” Kashmir

(Baonghean) - Vụ đánh bom liều chết tại Pulwama, Kashmir khiến 40 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng đã bùng phát thành xung đột quân sự khi cả Ấn Độ và Pakistan tiến hành không kích vào lãnh thổ của nhau.

Đợt bùng phát xung đột mới nhất này đánh dấu sự leo thang căng thẳng nghiêm trọng nhất giữa hai nước trong nhiều thập niên, khiến cộng đồng quốc tế không khỏi lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh như 3 cuộc chiến tranh đã từng xảy ra giữa hai bên trong quá khứ. 

Ấn Độ cáo buộc Pakistan có liên quan đến vụ tấn công làm 44 binh sĩ thiệt mạng. Ảnh: US News
Ấn Độ cáo buộc Pakistan có liên quan đến vụ tấn công làm 44 binh sĩ thiệt mạng. Ảnh: US News

Nóng - lạnh khó lường         

Thời điểm khởi nguồn của cuộc bùng phát căng thẳng mới giữa Ấn Độ và Pakistan là vụ đánh bom đẫm máu ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát hôm 14/2 làm 44 binh sĩ thiệt mạng. 

Nhóm Hồi giáo  Jaish-e-Mohammad có trụ sở tại Pakistan tuyên bố một thành viên của nhóm đã thực hiện vụ đánh bom liều chết này. Đây là một trong những tổn thất lớn nhất của quân đội Ấn Độ trong nhiều thập niên qua do phiến quân gây ra.

Bất chấp việc Pakistan bác bỏ mọi cáo buộc của Ấn Độ cũng như cộng đồng quốc tế về sự liên quan đằng sau vụ tấn công đẫm máu, Ấn Độ vẫn quyết định tiến hành bước đi trả đũa cứng rắn khi không kích trại huấn luyện của nhóm Jaish-e-Mohammad ở khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát, chặn các máy bay chiến đấu của Pakistan vi phạm không phận và buộc các máy bay này phải quay đầu.

Dù ở thế bị động, song không quân Pakistan cũng ngay lập tức tấn công các cơ sở quân sự của Ấn Độ, bắn rơi 2 máy bay và bắt giữ phi công của Ấn Độ.

Pakistan sau đó đã chủ động hạ nhiệt căng thẳng khi trao trả cho Ấn Độ viên phi công bị các lực lượng nước này bắt giữ - động thái khiến dư luận quốc tế không khỏi kỳ vọng về một giai đoạn hòa hoãn, từ đó dần tiến tới hóa giải xung đột giữa các bên. Thế nhưng, động thái của Pakistan đã không duy trì được trạng thái “đình chiến” giữa hai bên dù chỉ là trong một ngày. 

Lính Ấn Độ tại Kashmir ngày 2/3. Ảnh: AFPLính Ấn Độ tại Kashmir ngày 2/3. Ảnh: AFP

Ngay tối hôm nước này trao trả viên phi công cho Ấn Độ, các cuộc giao tranh lại tiếp tục diễn ra, trong đó 2 binh sĩ Pakistan đã thiệt mạng khi đấu pháo với Ấn Độ dọc Ranh giới kiểm soát.

Trong khi đó, phía Ấn Độ cũng báo cáo 3 dân thường thiệt mạng do trúng đạn pháo của Pakistan, trong khi 1 người khác vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.

Giao tranh vẫn tiếp diễn cho đến ngày 3/3. Một số nguồn tin cho biết, các cuộc giao tranh giữa binh lính 2 bên nổ ra tại ít nhất 8 vị trí dọc đường ranh giới giữa hai nước ở vùng Kashmir.

Giai đoạn mới của xung đột cũ

Đợt xung đột mới nhất giữa Ấn Độ và Pakistan cuối cùng vẫn quay về câu chuyện muôn thuở là tranh chấp chủ quyền tại khu vực Kashmir. Hai bên đã bị kẹt trong cuộc tranh chấp tại khu vực này suốt hơn 70 năm qua, kể từ khi giành được độc lập từ năm 1947.

Mặc dù đến năm 1949, hai bên đã thống nhất được một lệnh ngừng bắn với Ranh giới kiểm soát được hình thành, song các cuộc giao tranh lớn, nhỏ vẫn liên tục diễn ra, trong đó có 3 cuộc chiến tranh lớn vào các năm 1947, 1965 và 1971.

Trong suốt giai đoạn này, các nhóm vũ trang cực đoan có căn cứ ở Pakistan thường xuyên tiến hành các vụ tấn công nhằm vào khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát để thực hiện ý đồ đòi ly khai.

Học sinh tại một trường học Ấn Độ chào mừng viên phi công được Pakistan trả tự do. Ảnh: Reuters
Học sinh tại một trường học Ấn Độ chào mừng viên phi công được Pakistan trả tự do. Ảnh: Reuters
Ấn Độ cáo buộc Pakistan huấn luyện, trang bị vũ khí và giúp các tay súng này. Cuộc tranh cãi này dường như kéo dài không có hồi kết.

Trải qua nhiều đời Thủ tướng, Ấn Độ vẫn luôn coi các nhóm khủng bố thánh chiến có cơ sở tại Pakistan như Lashkar-e-Taiba và Jaish-e-Muhammad là mối đe dọa an ninh hiện hữu. Về mặt chính thức, Pakistan không thừa nhận hậu thuẫn các lực lượng thánh chiến này.

Theo chiến thuật “ăn miếng trả miếng”, Ấn Độ cũng từng cố gắng khơi dậy chủ nghĩa ly khai giữa các nhóm thiểu số Baloch và Pashtun bị Pakistan xa lánh nhưng vẫn không thể ngăn được các cuộc tấn công táo bạo của các chiến binh thánh chiến Pakistan. 

Khi nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ hồi năm 2014, ông Narendra Modi đã tuyên bố sẽ ngăn chặn mối đe dọa từ các chiến binh thánh chiến Pakistan bằng các biện pháp mạnh mẽ, kể cả sử dụng các cuộc tấn công quân sự mà ông gọi là “tấn công chiến thuật”.

Ông Modi còn tiến những bước tiến xa hơn các đời thủ tướng trước khi thúc đẩy phương châm “tấn công là cách phòng thủ tốt nhất”. Dù vậy, phía Ấn Độ cũng hạn chế mục tiêu tấn công ở các cơ sở của phiến quân chứ không nhằm vào quân đội chính thức của Pakitstan.

Dù vậy, đợt xung đột mới này đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 1971, máy bay chiến đấu của Ấn Độ đã bay qua khu vực tranh chấp ở Kashmir và tấn công vào bên trong lãnh thổ Pakistan. 

Giới phân tích nhìn nhận sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc xung đột hơn nửa thế kỷ qua giữa Ấn Độ và Pakistan dưới tác động của cách tiếp cận mới của Thủ tướng Narendra Modi.

Có chiến tranh tổng lực? 

Ấn Độ hiện đang có một chút lợi thế hơn trên mặt trận ngoại giao so với Pakistan khi được nhiều quốc gia ủng hộ trong hoạt động ngăn chặn khủng bố. Dù vậy, thế giới cũng vẫn kêu gọi cả hai bên kiềm chế nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh toàn diện.

Mặc dù Ấn Độ có nền kinh tế quy mô hơn nhiều so với Pakistan, ưu thế quân sự cũng áp đảo khi lực lượng và kho vũ khí lớn hơn từ 3 đến 5 lần so với Pakistan, nhưng một khi cả hai bên dùng đến kho vũ khí hạt nhân của mình thì chưa biết “mèo nào cắn mỉu nào”. 

Theo ước tính của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, Ấn Độ và Pakistan mỗi bên hiện có khoảng 120-140 đầu đạn hạt nhân. Nếu phải sử dụng đến loại vũ khí này, hai nước sẽ không chỉ hủy diệt lẫn nhau và còn đẩy toàn khu vực Nam Á vào bất ổn. 

Khu vực các bên kiểm soát ở Kashmir. Đồ họa: CNN
Khu vực các bên kiểm soát ở Kashmir. Đồ họa: CNN

Theo giới phân tích, khả năng xảy ra một cuộc chiến tổng lực giữa hai bên là không cao bởi đây không phải là mong muốn của cả hai bên. Việc có xảy cuộc chiến này hay không đang tùy thuộc nhiều hơn vào Ấn Độ, khi nước này đang có mục tiêu xây dựng hình ảnh một quốc gia có trách nhiệm với hòa bình thế giới, để một ngày nào đó sẽ trở thành cường quốc.

Bởi vậy mọi tính toán của Thủ tướng Narendra Modi sẽ được tiết chế. Mặt khác Ấn Độ hiểu rằng, nếu đẩy cuộc xung đột hiện nay tới mức một cuộc chiến tổng lực, nước này sẽ không chỉ đối mặt với Pakistan mà còn với cả Trung Quốc - nước đang duy trì quan hệ quân sự rất gần gũi với Pakistan. 

Nếu xét về ý chí chính trị của cả Ấn Độ và Pakistan, nguy cơ xảy ra chiến tranh tổng lực lúc này là không nhiều. Song với một điểm nóng thường trực và kéo dài như Kashmir, bất kỳ tính toán sai lầm nào của mỗi bên đều có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.

Và lãnh đạo cả hai nước có lẽ cũng hiểu rõ rằng tiếp tục quân sự hóa cuộc xung đột chỉ làm suy yếu khả năng đạt được một giải pháp thông qua đàm phán. 

tin mới

Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga

Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga?

(Baonghean.vn) -Theo RIA Novosti, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 cho biết: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị một tài liệu để giải quyết mọi vấn đề trong tầm nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ tìm thời điểm thích hợp để chuyển nó cho đối phương và cùng thảo luận ở Thuỵ Sỹ".

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.