Nguyên nhân khiến phương Tây chia rẽ trong việc ủng hộ Ukraine đối phó Nga

Hùng Phạm 11/06/2022 06:57

Hơn 100 ngày kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, những rạn nứt giữa các nước phương Tây ngày càng trở nên rõ ràng hơn trong việc ủng hộ Ukraine và chống lại Nga.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trở thành nhân vật mới nhất gây ra sự chỉ trích vì một phát biểu về Nga, trong bối cảnh xung đột ở Ukraine đã bước sang tháng thứ tư.

Binh sỹ Ukraine chuẩn bị vũ khí chống tăng tại vị trí gần Bakhmut, khu vực Donbass ngày 5/6/2022. Ảnh: Reuters

Phát biểu trước truyền thông Pháp hôm 4/6, Tổng thống Macron nói rằng: “Chúng ta không được làm bẽ mặt Nga, để khi chiến sự ngừng lại, chúng ta có thể xây dựng lối thoát thông qua các biện pháp ngoại giao”.

Ông Macron tin rằng nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin cần được trao một lối thoát ra khỏi cái mà ông gọi là “sai lầm lịch sử” khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Phát biểu của ông Macron làm dấy lên căng thẳng mới với Kiev trong bối cảnh Tổng thống Zelensky hoài nghi về việc ông Macron cố gắng thuyết phục ông Putin chấm dứt chiến dịch quân sự.

Khác biệt trong cách tiếp cận với Nga

Sau những thành công ban đầu trong việc thể hiện đoàn kết và ủng hộ Ukraine, sự chia rẽ giữa các nước phương Tây ngày càng trở nên rõ ràng.

Sự chia rẽ đó nói lên nhiều điều về những vết sẹo tâm lý từ một thế kỷ chiến tranh trên lục địa già cũng như về cuộc xung đột hiện tại. Nó cũng cho thấy những câu hỏi chưa được trả lời về việc chiến sự sẽ kết thúc ra sao khi giao tranh đã kéo dài sang tháng thứ tư với thế trận giằng co ở miền Đông Ukraine.

Một bên là Pháp, Đức và Italy, những nước ủng hộ đàm phán và kêu gọi ngừng bắn hơn là hỗ trợ quân sự vô điều kiện cho Ukraine. Những nước này bị cáo buộc do dự trong việc gửi vũ khí cho Kiev hoặc quá lo lắng về những gì có thể xảy ra sau khi xung đột Nga-Ukraine kết thúc.

Theo một số quan chức, bằng cách cố gắng đóng vai trò trung gian đáng tin cậy, những nước này đang tạo sự thỏa hiệp sai lầm trong một cuộc chiến với Nga – động thái có thể khiến Moscow nghĩ rằng quyết tâm của phương Tây đang dao động.

Nhà phân tích người Pháp Fabrice Pothier, cựu quan chức phụ trách hoạch định chính sách của NATO, cho biết: “Đức, Pháp và Italy đều đang phải vật lộn với cái bóng của quá khứ”.

Mong muốn “không làm bẽ mặt nước Nga” của ông Macron được cho là ám chỉ đến những hình phạt nghiêm khắc từng áp dụng đối với Đức sau Thế chiến thứ nhất, mà một số nhà sử học cho rằng đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của Đức Quốc xã và dẫn đến Thế chiến thứ hai.

Trong khi đó, Đức cũng luôn nghiêng về chủ nghĩa hòa bình, xuất phát từ lịch sử của nước này từ Thế chiến thứ hai.

Khác với Pháp, Đức và Italy, các nước Đông Âu, trong đó có cả các nước từng thuộc Liên Xô trước đây, có cách tiếp cận “bằng mọi giá” đối với sự thống nhất của Ukraine. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, quan điểm của họ có thể dẫn đến một “cuộc chiến mãi mãi” ở châu Âu và leo thang căng thẳng với nước Nga.

Ông John C. Kornblum, Đại sứ Mỹ tại Đức thời chính quyền Tổng thống Bill Clinton cho biết: “Cho đến nay, chúng ta đã làm rất tốt, nhưng tôi không lạc quan về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Với thanh kiếm hạt nhân, Nga đã khiến phương Tây lo sợ”.

Mỹ thay đổi chiến thuật ở Ukraine?

07/06/2022

Theo ông Kornblum, những gì Mỹ và châu Âu đã làm tốt cho đến nay là các lệnh trừng phạt, cấm vận đối với Nga, cũng như việc Phần Lan và Thụy Điển chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO.

Dù vậy, các rạn nứt đang hiện hữu ngày càng rõ. Lệnh cấm vận dầu mỏ của Liên minh châu Âu (EU) vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của một số nước, đặc biệt là Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Cơ hội mở rộng tới Bắc Âu của NATO cũng bị Thổ Nhĩ Kỳ cản trở.

Chia rẽ trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine

Sự chia rẽ rõ ràng nhất giữa các nước phương Tây là việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Chính phủ Italy hiện đang chia rẽ trong việc gửi nhiều vũ khí hơn cho Ukraine. Một trong những nhân vật phản đối mạnh mẽ nhất là ông Matteo Salvini, lãnh đạo đảng Liên đoàn cực hữu, người từng ký thỏa thuận hợp tác với đảng của Tổng thống Nga Putin.

Tuần trước, Đức tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống radar và phòng không tối tân. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn bị chỉ trích vì chậm bàn giao vũ khí cho Kiev và từ chối thừa nhận “Ukraine phải chiến thắng”.

Khi được hỏi về sự miễn cưỡng của mình, ông Scholz nói rằng ông chỉ cố gắng “hành động một cách khôn ngoan với cái đầu tỉnh táo”.

Phần lớn các nước Đông Âu đã đi đầu trong việc chuyển vũ khí cho Ukraine. Những quốc gia này lo ngại họ có thể trở thành mục tiêu tiếp theo sau Ukraine.

Cùng với Anh, Mỹ gần đây đã đồng ý cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa tiên tiến. Điều đáng chú ý là Tổng thống Joe Biden đặt ra điều kiện vũ khí Mỹ không được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Điều kiện đảm bảo lãnh thổ Nga không bị tấn công bằng vũ khí của Mỹ là một động thái khôn ngoan để ngăn chặn leo thang. Tuy nhiên, một số người xem đây là dấu hiệu rõ ràng gửi tới Tổng thống Nga rằng ông đã khiến phương Tây lo ngại.

Theo một số nhà quan sát châu Âu, điều kiện của Mỹ dễ dàng được chấp nhận hơn so với Đức hay Pháp, bởi Ukraine cho rằng Berlin và Paris vẫn là chưa đủ.

Ông Gustav Gressel, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Áo, hiện là thành viên chính sách cấp cao tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, cho rằng, nếu điều kiện như ông Biden đưa ra đến từ các nước châu Âu đó, chắc chắn “sẽ có một cơn giận dữ”.

“Nếu Thủ tướng Đức Scholz cũng đưa ra điều kiện tương tự, điều đó sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự xoa dịu [đối với Nga]”, ông Gressel nhận định./.

Theo vov.vn
Copy Link
Mới nhất
x
Nguyên nhân khiến phương Tây chia rẽ trong việc ủng hộ Ukraine đối phó Nga
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO