Bác Hồ với quê hương Nghệ An

Nguyễn Sinh Cung cùng anh theo cha mẹ vượt đường thiên lý vào đất kinh kỳ

NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA - SỰ THẬT 11/06/2024 15:18

Mảnh đất kinh kỳ cố đô Huế là nơi đã nuôi dưỡng tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng Người cùng gia đình vượt đường xa vạn dặm vào sinh sống, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước. Nơi đây cũng đã góp phần hun đúc và hình thành tư tưởng yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để từ đó thôi thúc Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước.

Gia dinh bac
Các thành viên gia đình của Bác Hồ. Ảnh tư liệu

Con đường “thiên lý” từ Vinh vào Huế thời bấy giờ còn là đường đất nhỏ hẹp, quanh co, hiểm trở, xuyên rừng, vượt núi đèo, lại bị ngắt quãng nhiều nơi bởi các con sông, phải qua đò.

Đi thuyền vượt biển là nhanh nhất, nhưng phải thuê nhiều tiền. Trên tuyến đường đất vào Huế, các quan chức nhà nước cùng vợ con họ đã có phu trạm phục dịch. Họ được nằm trên cáng cho phu trạm khiêng chạy. Còn đối với dân thường như gia đình ông cử Sắc thì chỉ có một phương tiện duy nhất là “cuốc bộ”. Họ kết thành từng nhóm, từng đoàn để giúp đỡ nhau dọc đường, phòng khi đau ốm hoặc không may gặp phải trộm cướp và thú dữ. Đáng ngại nhất là những truông cát nóng bỏng dài như vô tận của vùng Quảng Bình, Quảng Trị; nhiều truông dài tới khoảng 10km, phải đi mải miết suốt ngày, đến tối mịt mới ra khỏi truông.

di tihcs nhà lưu niệm chủ tịch hồ chí minh ở huế
Cổng vào Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh số 112 (nay là 158) đường Mai Thúc Loan (Huế). Ảnh tư liệu: Người Hà Nội

Hai đầu mỗi truông cát thường có cái lều quán nhỏ bán dép mo cau hoặc da trâu bò cho khách bộ hành chống cái nóng bỏng chân. Dép chỉ dùng được trong ngày, qua khỏi truông cát là người ta vứt lại hàng đống. Đi đường trường cực nhọc như vậy nên thời bấy giờ, hai tiếng “trẩy kinh” đối với người dân xứ Nghệ bao hàm nhiều nỗi gian truân, lo lắng và sợ hãi.

Ngày đầu chưa quen đi đường trường, bà Loan phải vất vả lắm mới theo kịp đoàn. Bé Cung chạy lon ton theo anh Khiêm nhưng chỉ được từng quãng ngắn đã mỏi chân, đành chịu cho cha cõng. Vừa đi đường, anh em Nguyễn Sinh Cung vừa được cha mẹ kể cho nghe những câu chuyện hấp dẫn và nhìn thấy bao cảnh tượng mới lạ. Từ Vinh vào Huế, đồi núi trập trùng, non xanh nước biếc; hết núi rừng lại đến truông cát, hết truông cát lại xuống đò ngang... Cứ thế, một ngày, hai ngày, ba ngày..., mười ngày... Chặng đường dài ngót 400 km phải đi bộ ròng rã hơn nửa tháng trời mới tới nơi.

Vừa vào tới đất kinh kỳ, mặc dù còn mệt nhoài nhưng ông cử Sắc phải lo ngay việc thu xếp nơi ăn chốn ở cho bốn con người. Nhờ người quen giúp đỡ, ông mượn được một gian nhà của trại lính bỏ trống từ lâu trong thành nội. Tuy gian nhà chật chội nhưng cũng đủ chỗ cho bà Loan đặt khung cửi dệt vải và nơi học hành của ba cha con.

ngôi n hà bác hồ sosongs trong thời gian ở cố đô huế
Ngôi nhà Bác Hồ sống trong thời gian ở Cố đô Huế. Ảnh tư liệu: Người Hà Nội

Được vào học Trường Quốc Tử Giám là điều rất đáng mừng vì không phải ai cũng dễ dàng xin vào được. Để bù vào khoản phụ cấp ít ỏi của nhà trường cho chồng, bà Loan phải gồng mình canh cửi ngày đêm và phải thăm dò đầu ra, chỉ sợ vải mình dệt không so được với vải vóc ở chốn kinh kỳ.

Hằng tháng, ông Nguyễn Sinh Sắc chỉ tới trường ít buổi theo định kỳ để “tập bài”, và cứ đúng ngày mồng Một âm lịch thì đi dự “bình văn”. Thời gian còn lại, ông tự học và dạy bảo hai con. Ông còn dạy thêm cho con cháu các quan lại, và viết chữ thuê cho các cậu ấm lười viết mà cần có bài. Ông có nét bút rất đẹp, ai cũng thích.

Những ngày đầu chưa quen cảnh, quen người, nỗi nhớ bà, nhớ dì, nhớ chị lộ ra rầu rĩ trên vẻ mặt các con thơ. Bà Loan dỗ dành con nhưng chính bà cũng không cầm được nước mắt, vì từ tấm bé, bà chưa bao giờ xa mẹ một ngày!

Anh Khiêm thì dỗ em bằng cách dắt em ra dọc đường cho xem những cảnh lạ mắt, lạ tai. Kia là những chú lính bồng súng đứng ở cổng thành, đầu đội chiếc nón nhỏ tí bằng lá sen, chân quấn vải (xà cạp). Lại kia nữa, có ông nào ngồi chễm chệ trên kiệu cho bốn người khiêng? Bé Cung luôn miệng hỏi anh: “Cái chi rứa, anh Khiêm?”. Anh cũng chẳng biết; thế là hai anh em lại chạy về hỏi cha, hỏi mẹ tíu tít.

Nhưng điều lạ nhất đối với bé Cung là thấy những ông Tây cao lênh khênh và các bà đầm mắt xanh lè, môi đỏ chót đi lại nghênh ngang trên đường phố. Họ làm gì mà hễ ai gặp cũng cúi rạp xuống chắp tay vái chào? Và ngay cả những vị quan to trong triều đình, sao cũng có vẻ sợ sệt ông Tây, bà đầm?

Khi vui chơi, cậu Cung cũng đùa nghịch không kém gì các bạn cùng lứa tuổi, nhưng mỗi khi thấy điều gì lạ, cậu chú ý quan sát, tìm hiểu và cứ muốn hỏi người lớn cho ra lẽ mới thôi.

Hằng ngày, bà Loan giúp chồng kèm cho con học những khi ông Sắc đi vắng và bày cho các con tập làm những công việc nhẹ trong nhà. Với Cung, bà cho quét nhà, lau chùi phản ghế. Bà Loan có tính cẩn thận, ngăn nắp cho nên nhà cửa, đồ đạc bao giờ cũng gọn gàng, sạch sẽ. Điều đó tạo cho con cái có thói quen tốt từ thuở bé.

Cuộc sống của gia đình ông cử Sắc càng khó khăn, eo hẹp khi ông bị hỏng khoa thi hội năm 1898. Khoản phụ cấp ít ỏi của nhà trường cũng mất vì ông không còn là Nho sinh của Trường Quốc Tử Giám nữa. Nhờ một người bạn giúp đỡ, ông đã xuống ở nhà ông Nguyễn Sĩ Độ tại làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, cách thành phố Huế khoảng 7km về phía đông để dạy học. Nhà ông Độ có một gian, hai hồi, ngoảnh mặt ra sông đào Phổ Lợi. Hồi nhà bên phải là nơi nghỉ của ba cha con ông cử Sắc.

khu vực bếp trong gian nhà cha con Bác ở tại làng Dương Nỗ
Khu vực bếp trong gian nhà của cha con Bác ở tại làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Ảnh: Người Hà Nội

Tiếng đồn “ông cử Nghệ” hay chữ nhưng “học tài thi phận” đã làm cho nhiều gia đình khá giả trong làng Dương Nỗ và các vùng lân cận gửi con em đến học. Ba cha con ông Sắc được gia đình ông Độ cùng bà con cô bác quanh vùng chăm sóc chu đáo. Ông cử Nghệ rất bận bịu với các học trò thuộc nhiều lứa tuổi và trình độ khác nhau. Tuy vậy, ông vẫn tranh thủ những lúc đêm khuya thanh vắng để ôn luyện văn chương, quyết tâm đi thi Hội lần nữa. Vào những ngày đầu tháng, ông vẫn xin tới dự thính bình văn tại Trường Quốc Tử Giám.

Đối với các con, càng ngày ông cử Sắc càng đòi hỏi cao trong việc học hành và nề nếp sinh hoạt. Ông luôn dạy các con phải siêng năng, chữ viết phải chân phương và phải biết tôn trọng chủ nhà cùng bà con cô bác trong làng xóm. Ông Nguyễn Sĩ Độ rất hài lòng nhận thấy, từ khi con mình được làm bạn với hai cậu con thầy Cử, đã có tiến bộ trông thấy về học lực và đức hạnh. Ông rất phục cậu Cung có tài học mau thuộc bài và nhớ lâu. Có lần thấy cậu Cung ra ngõ xóm, ông hỏi cậu học bài chưa, cậu đáp ngay: “Dạ, thưa ông, con thuộc hết rồi ạ”. Biết cậu vốn có lòng tự trọng, không bao giờ nói dối nên ông cũng vui vẻ để cậu đi chơi.

Vùng Dương Nỗ đã để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc trong tâm trí cậu Nguyễn Sinh Cung. Cái đình làng cột to tướng, một người lớn ôm không xuể của làng Dương Nỗ và cái Am Bà của làng Phò Nam là nơi cậu thường nghỉ trưa sau khi đã tắm gội, bơi lội thỏa thích trong dòng sông Phổ Lợi. Dân làng thời đó cho rằng, Am Bà rất thiêng, không mấy ai dám vào những khi thanh vắng, thế mà cậu Cung dám vào nghỉ trưa.

Thỉnh thoảng, ông cử Sắc lại cho các con về thành nội Huế thăm mẹ một vài buổi. Riêng ông, chỉ những kỳ dự bình văn ở Trường Quốc Tử Giám mới có dịp tạt qua thăm nhà.

Đối với Nguyễn Sinh Cung, mẹ là một kho truyện cổ tích, truyện Kiều và ca dao, dân ca. Mẹ thường dạy hai anh em những câu dễ nhớ như: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Thương người như thể thương thân”, “Khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau" hoặc “Có công mài sắt có ngày nên kim”...

Những đức tính quý báu của cha mẹ như những sợi tơ dệt nên nhân cách Nguyễn Sinh Cung trong thời thơ ấu.

Tháng Tám năm Canh Tý (1900), ông Nguyễn Sinh Sắc được cử đi làm thư ký ở trường thi Hương Thanh Hóa. Đây là một đặc ân, bởi vì, thông thường, các nho sĩ mới đậu bằng cử nhân chưa được vào hội đồng giám khảo các khoa thi. Thấy ông cử Sắc văn hay, chữ tốt, tính tình cẩn trọng và liêm khiết, Tiến sĩ Trần Đình Phong, Phó chủ khảo trường thi Hương Thanh Hóa, tín nhiệm. Anh là Nguyễn Sinh Khiêm được cùng đi với cha; còn Nguyễn Sinh Cung ở lại Huế với mẹ.

Làm xong công việc ở trường thi Thanh Hóa, lúc trở vào, ông cử Sắc đã về quê Kim Liên, Nam Đàn xây cất mộ cho cha mẹ.

z5452593280633_ac79443cb528102a5f27c4153c341452.jpg
Khung cửi dệt vải của bà Hoàng Thị Loan tại ngôi nhà ở Huế. Ảnh tư liệu: Người Hà Nội

Tại kinh đô Huế, trong khi ông Sắc vắng nhà, bà Loan sinh người con thứ tư (bé Xin) và lâm bệnh nặng. Bà đau đớn kinh hoàng khi cảm thấy mình có thể chết. Bao giờ chồng con mới về? Nghĩ đến mẹ già ở quê đang mỏi mắt chờ trông, lòng bà càng tê tái. Bà đăm đắm nhìn đứa con tội nghiệp còn đỏ hỏn và bé Cung còn nhỏ tuổi... rồi lịm dần trong nỗi đau đớn khôn cùng. Thấy mẹ mê man bất tỉnh, em bé đang khát sữa khóc gào, cậu Cung tất bật chạy đi kêu cứu bà con cô bác chạy chữa cho mẹ.

Động lòng thương xót, nhiều người đã hết lòng giúp đỡ mẹ con bà Loan. Các thầy thuốc trong vùng đến thăm bệnh và cố công cứu chữa cho bà. Nhưng trái tim nhân hậu của bà Hoàng Thị Loan đã ngừng đập vào trưa ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (tức ngày 10-2-1901).

Bà con dân phố đã lo việc sắm hòm vỏ và khâm liệm cho bà Loan chu đáo. Lúc bấy giờ, luật lệ triều đình rất nghiêm ngặt, cấm đoán rất nhiều điều, trong đó, cấm khóc than khi gặp chuyện buồn, cấm đưa người chết ra các cửa thành. Nếu ai phạm luật đó sẽ bị tội đồ (tù) hoặc có thể bị tội trảm (chém đầu). Do đó, thi hài bà Loan phải đưa qua cổng Thanh Long, ra khỏi thành nội, đưa xuống thuyền qua sông Hương, lên táng ở chân núi Ba Tầng (thuộc dãy núi Ngự Bình).

Chỉ còn một tuần lễ nữa là đến Tết. Trong khi trẻ con hàng phố nô nức kéo nhau đi chợ Tết Đông Ba thì cậu Cung bế em đi xin sữa! Có những đêm bé Xin khát sữa, gào khóc thất thanh, khiến anh cũng khóc theo! Thật khó mà kể xiết nỗi đau buồn vô hạn của cậu Cung sau ngày mẹ mất.

Hồi đang ở chiến khu Việt Bắc, vào năm 1948, một hôm, đang ngồi đánh máy chữ, nghe tiếng trẻ con gào khóc, Bác Hồ đã ngừng tay và gọi đồng chí bảo vệ: "Chú sang xem vì sao cháu bé khóc. Thuở bé, Bác cũng có đứa em thường khóc thất thanh như thế"./.

Nguyễn Sinh Cung cùng anh theo cha mẹ vượt đường thiên lý vào đất kinh kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO