Nhà báo chiến trường và hơn 3.000 ngày trăn trở với 'Âm vang Điện Biên'

21/06/2017 08:58

(Baonghean) - Là phóng viên chiến trường suốt hai cuộc chiến tranh, nhà báo Nguyễn Thế Viên đã dũng cảm lăn lộn trên khắp các chiến trường, kịp thời phản ánh, cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta. Kết thúc chiến tranh, ông trở về, mang theo mình hàng chục vết thương. Nhưng nhà báo - chiến sỹ - thương binh ấy lại một lần nữa không quản tuổi già, sức yếu hăng say làm kinh tế trang trại. Đặc biệt, ông đã đạp xe ròng rã hơn 3.000 ngày để “tiếp lửa” cho “Âm vang Điện Biên”.

Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Thế Viên ở xóm Ngọc Thành, xã Hùng Thành, huyện Yên Thành vào ngày cuối tháng 6. Nhà ông nhỏ nhắn, đơn sơ nằm dưới những tán cây sum suê đầy tiếng chim hót. Một không gian thật đẹp và yên bình.

Ông Viên dáng người tầm thước, da dẻ hồng hào, râu tóc bạc phơ đang ngồi đọc sách dưới gốc nhãn. Ông bảo: “Tôi vẫn thường có thói quen đọc sách. Hôm nay, tôi đang xem lại cuốn “Âm vang Điện Biên”. Đã 60 năm trôi qua, nhưng âm hưởng hào hùng của nó vẫn ngân mãi trong chúng tôi - những chiến sỹ điện biên năm xưa”. Ngồi bên ấm chè mạn ngào ngạt hương thơm, ông Viên hào sảng kể cho chúng tôi nghe về một thời đạn lửa mà ông đã đi qua.

Ông Nguyễn Thế Viên và cuốn sách “Âm vang Điện Biên”. Ảnh: Tiến Dũng
Ông Nguyễn Thế Viên và cuốn sách “Âm vang Điện Biên”. Ảnh: Tiến Dũng

Đầu năm 1950, chàng trai 20 tuổi Nguyễn Thế Viên tình nguyện lên đường tòng quân phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Vốn đã học xong chương trình đệ tứ, có kiến thức nên ông được phân công vào đội rà phá bom mìn. Trực tiếp làm công việc thầm lặng nhưng đầy nguy hiểm này, ông đã cùng đồng đội lập nhiều chiến công cũng như chứng kiến sự anh dũng hy sinh của biết bao người. Điều đó thôi thúc ông cầm bút.

Ngày đó, những tin, bài của Nguyễn Thế Viên với bút danh Trường Sơn liên tục xuất hiện trên tờ tin của TNXP. Năm 1954, với những đóng góp của mình, ông được cử về báo Quân đội nhân dân và được đi học ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Xong khoá học, nhà báo Viên lăn lộn hầu khắp các chiến trường, bám sát trận địa để kịp thời phản ánh, cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta.

Nhớ lại quá khứ hào hùng đó, ông bồi hồi: “Bọn tôi tay máy ảnh, tay súng, bám sát trận địa vừa tác chiến vừa tác nghiệp. Ngày đó bom đạn nó vãi như trấu mà vẫn coi thường. Vui thật. Đồng nghiệp tôi nhiều người ngã xuống tay vẫn cầm chắc ống kính hướng về phía trước. Tôi bị thương rất nhiều lần. Lần lao lên chụp chiếc máy bay của địch đang bốc cháy ở sân bay Tân Sơn Nhất, tôi bị đạn bắn hỏng mắt, hai hàm bị dập và lủng bụng, phải chuyển về tuyến sau điều trị.

“Thần chết” đến gặp tôi hàng chục bận mà tôi vẫn không chết. Hiện tại, trong người tôi vẫn còn 16 viên bi không thể lấy ra được. Đành phải sống chung với nó thôi”.

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, với thành tích của mình, ông được tặng thưởng 8 huân chương chiến công các hạng và rất nhiều giải thưởng báo chí. Sau khi vết thương bình phục, ông lại tiếp tục phục vụ cho báo Quân đội đến năm 1986 thì nghỉ hưu.

Nghỉ hưu, nhưng ông Viên vẫn không ngừng lao động và sáng tạo. Ông về quê hương ngày đêm khai hoang, phục hóa vùng đồi hoang để làm kinh tế trang trại. Những năm qua, trang trại của ông làm ăn rất hiệu quả. Mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Làm kinh tế nhưng ông vẫn đều đặn làm thơ, viết báo, đăng rải rác trên các báo, tạp chí từ Trung ương tới địa phương.

Đặc biệt, ông đã công phu đi sưu tầm tư liệu để viết nên tập sách “Âm vang Điện Biên”. Ông tâm sự: “ Ở huyện Yên Thành, có hàng trăm chiến sỹ Điện Biên, trong đó có những huyền thoại như Trần Can, Phan Tư đã được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cùng với các anh hùng Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót… Một thế hệ làm nên Điện Biên Phủ chấn động địa cầu như thế cần phải được ghi lại cho hậu thế. Vậy nên, tôi đã ấp ủ việc này từ lâu nhưng mãi đến năm 2005 mới bắt đầu thực hiện được".

Với chiếc xe đạp cà tàng, ông rong ruổi đi hầu khắp 38 xã, thị trấn để tìm đến nhà của những chiến sỹ Điện Biên năm xưa sưu tầm tư liệu.

Huyện Yên Thành có hàng trăm chiến sỹ Điện Biên, nay người còn, người mất, người nằm lại chiến trường… Để đến được từng nhà, sưu tầm tư liệu đây là một vấn đề hết sức khó khăn, vất vả, nhất là đối với một cụ già ngoại “thất thập cổ lai hy” như ông. Nhưng ông Viên vẫn thầm lặng bền bỉ công việc của mình.

Ông đến từng nhà đồng đội, thăm hỏi, động viên anh em kể ký ức Điện Biên rồi ghi lại. Những ai tự viết được, ông khích lệ viết. Không chỉ đi sưu tầm tư liệu ở nhà những chiến sỹ Điện Biên mà ông còn cất công đi vào Bảo tàng Quân khu 4, Bảo tàng lịch sử quốc gia và các thư viện để sưu tầm tư liệu, ảnh liên quan để phục vụ cho tập sách.

Nặng lòng với đồng đội và muốn để lại cuốn sách tư liệu quý giá cho thế hệ trẻ nên ông đã ròng rã hơn 3.000 ngày, bất kể trời mưa hay nắng, bất kể những vết thương khi trái gió trở trời đau nhức nhối, ông vẫn đạp xe đi làm. Tất cả công việc của ông đều tự nguyện. Ngoài sưu tầm tư liệu, ông còn là người kết nối những chiến sỹ Điện Biên lại với nhau để động viên, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Khi “kho” tư liệu đã đầy đủ, ông lại ngồi viết, biên soạn hơn 3 năm trời mới xong tập sách mang tựa đề “Âm vang Điện Biên”. Được chính quyền huyện Yên Thành, Hội CCB huyện, một số doanh nghiệp trên địa bàn động viên khích lệ và hỗ trợ kinh phí nên năm 2011, cuốn sách “Âm vang Điện Biên” dày gần 300 trang đã được nhà xuất bản Nghệ An ấn hành.

Đầu tháng 4/2014, tập 2 cuốn “Âm vang Điện Biên” đã được ấn hành 406 trang dựa trên cơ sở tập 1, tái bản và bổ sung thêm một số gương CCB làm ăn giỏi. Tất cả sách xuất bản đều được đem tặng cho những CCB Điện Biên, trường học, các phòng, ban của huyện.

Giờ đây, đã hơn 80 tuổi, tóc bạc, da mồi nhưng ông Viên vẫn hăng say làm vườn, viết báo, làm thơ, sống giản dị trong ngôi nhà thờ cấp 4 nhỏ bé mà ông cha để lại. Vừa qua, Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An về thăm, thấy ông sống giản dị đơn sơ nên đã đề xuất, giúp xây cho ông ngôi nhà tình nghĩa.

Ông tâm sự: “Tôi rất cảm ơn Hội CCB tỉnh Nghệ An về ngôi nhà. Nhưng, tôi sẽ lấy ngôi nhà tình nghĩa này làm thư viện xóm. Bây giờ tôi lại tiếp tục đi mua, sưu tầm sách về cho con em xóm Ngọc Thành nói riêng và xã Hùng Thành nói chung đọc sách. Tôi vẫn luôn trăn trở về thế hệ trẻ và muốn giúp các cháu về văn hóa đọc chừng nào còn có thể".

Ông Mai Huy Dũng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Yên Thành cho biết: “Với ông Viên, còn chút sức lực nào, ông sẽ cống hiến cho mọi người và cho sự phát triển của xã hội. Đó là một con người mẫu mực luôn sống, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Tiến Dũng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nhà báo chiến trường và hơn 3.000 ngày trăn trở với 'Âm vang Điện Biên'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO