P.V: Xin chào ông, xin chúc mừng ông đã làm rất tròn vai các trọng trách công tác thuộc lĩnh vực tuyên giáo, báo chí, xuất bản để chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu, phê bình và sáng tạo văn học, nghệ thuật!
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Xin chào đồng nghiệp quý mến, thật vui khi chúng ta có cuộc gặp ở thời điểm tôi đã có một lối rẽ mới trong sự nghiệp viết lách của mình tròn đúng 1 năm.
P.V: Hơn 40 năm trước, ông vào nghề báo ngay trên quê hương mình, xin ông cho bạn đọc Báo Nghệ An một vài thông tin về cái thuở ban đầu ấy.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Tôi tốt nghiệp khoa Ngữ văn, khóa 22, Đại học Tổng hợp Hà Nội cuối năm 1981. Thời đó, sinh viên ra trường “đắt như tôm tươi”, vì vừa ít, vừa có chất lượng cao. Tôi tốt nghiệp vào loại xuất sắc, nên cơ hội để ở lại Hà Nội là rất lớn. So với nhiều người khác, tôi có một hoàn cảnh đặc biệt: Tôi là con duy nhất của cha mẹ tôi. Cha tôi là thương binh nặng chống Pháp, mẹ tôi bị bệnh tim nặng từ sau khi sinh tôi. Việc về quê lúc đó như là tiếng gọi của cội nguồn, đúng hơn là để đền đáp phần nào ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Nguyện vọng của tôi là xin vào làm việc ở khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh và được Trường chấp nhận ngay lập tức. Được Khoa và Trường cho “xả hơi” mấy ngày trước khi vào làm việc, tôi lên Đài Truyền hình Vinh để thăm một người bạn ở đó.
Đài Truyền hình Vinh lúc bấy giờ là 1 trong 8 đài truyền hình khu vực của cả nước, trực thuộc Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam. Gặp bạn, đang trò chuyện thì thấy một bác đã hơn ngũ tuần, tóc để dài, rất nghệ sỹ bước vào. Bạn tôi trân trọng giới thiệu: Bác Phạm Đình Nguyên – Giám đốc Đài. Tôi đứng dậy chào bác Nguyên. Bác ấy hỏi: Anh chàng này ở đâu đến, trẻ trung, đẹp trai, dễ mến nhỉ. Bạn tôi thưa chuyện. Bác Nguyên nói mà không cần cân nhắc: Cậu về Đài của chúng tớ đi, đây đang thiếu dân nội dung… Tôi đã chia tay nhà giáo và bước vào nghề nhà báo như thế đó.
Tôi vào Đài nhanh gọn, dễ dàng, cứ như chuyện đùa, không nhiêu khê, rắc rối như sau này. Năm 1989, theo đề nghị của lãnh đạo tỉnh Nghệ Tĩnh, Đài Truyền hình Vinh được Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam chuyển giao cho tỉnh, sáp nhập với Đài Phát thanh Nghệ Tĩnh thành Đài PT-TH Nghệ Tĩnh. Năm 1991, Nghệ Tĩnh chia làm hai. Năm 1994, tôi được lãnh đạo tỉnh Nghệ An bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Đài PT-TH Nghệ An. Đầu năm 2000, sau khi được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi được điều động và bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Báo Nghệ An. Năm 2003, tôi được luân chuyển và bổ nhiệm là Bí thư Huyện ủy Nam Đàn. Tháng 5 năm 2005, tôi được Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương điều động ra Hà Nội làm Vụ trưởng Vụ Báo chí của Ban…
P.V: Trong cuộc đời làm báo của mình, ông đã ba lần được lãnh đạo Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, sau đó là Ban Tuyên giáo Trung ương giao trọng trách quản lý và điều hành Trung tâm Báo chí của ba kỳ đại hội liên tiếp. Ông có thể chia sẻ thêm về nhiệm vụ đặc biệt này?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Đại hội X của Đảng diễn ra từ ngày 18 đến ngày 25 tháng 4 năm 2006 tại Hội trường Ba Đình. Lúc đó, ông Đào Duy Quát là Phó trưởng ban Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương được giao làm Giám đốc Trung tâm Báo chí Đại hội X; tôi là Vụ trưởng Vụ Báo chí của Ban được cấp trên giao làm Phó Giám đốc. Trung tâm Báo chí còn mấy Phó Giám đốc, nhưng việc của tôi có vẻ “nặng”, thường xuyên, cả khó khăn và phức tạp nữa. Đến trước Đại hội XI của Đảng, tôi được Ban Bí thư bổ nhiệm làm Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, được Trưởng ban giao phụ trách công tác báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, do đó, đến trước Đại hội XII, Đại hội XIII, tôi được cấp trên giao làm Giám đốc Trung tâm Báo chí của hai đại hội này. Nếu tính cả ba đại hội, đó là một “hat trick”, một kỷ lục mà trước và sau này có lẽ khó ai “xô đổ”. Đó cũng là một vinh dự, tự hào lớn, trọng trách lớn với nhiều kỷ niệm khó quên.
P.V: Để điều hành hoạt động của một Trung tâm báo chí với hàng trăm phóng viên trong và ngoài nước chắc chắn không dễ dàng. Phía sau “hậu kỳ” chắc có nhiều chuyện thú vị thưa ông?
PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ: Trung tâm Báo chí Đại hội Đảng toàn quốc được đặt dưới sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Đại hội, trực tiếp là Đoàn Chủ tịch Đại hội. Ngoài cán bộ lãnh đạo của Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (Đại hội X), Ban Tuyên giáo Trung ương (Đại hội XI, XII), Trung tâm Báo chí Đại hội còn có các thành viên của Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Cục Bưu điện Trung ương…
Hoạt động của Trung tâm Báo chí Đại hội Đảng toàn quốc các nhiệm kỳ rất khẩn trương, nhộn nhịp, vất vả. Phóng viên phải có tin mới, tin “nóng”, tin quan trọng, kể cả tin “bên lề Đại hội”. Vì thế, họ được lãnh đạo cơ quan báo chí của mình giao nhiệm vụ cạnh tranh với các đồng nghiệp khác về thông tin từng phút, từng giờ. Vất vả nhất là cánh phóng viên phát thanh, truyền hình, báo điện tử, ảnh báo chí… vì họ phải làm sao có mặt trong Hội trường Đại hội nhiều hơn, chỗ tác nghiệp thuận lợi hơn thì mới ghi âm, ghi hình được tốt. Trung tâm Báo chí Đại hội Đảng có phòng họp báo lớn dành cho cả phóng viên trong và ngoài nước; có phòng họp báo dành riêng cho phóng viên ngoài nước; có phòng họp báo chuyên đề; có cả khu kỹ thuật hiện đại.
Ban lãnh đạo Trung tâm Báo chí Đại hội phải rất tận tụy, năng động, thạo việc, nhất là phải rất chủ động, sáng tạo, bản lĩnh mới hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Các thành viên của Trung tâm phải túc trực ở đó gần như 24/24 giờ trong một ngày, luôn phải đến sớm về muộn. Tất cả cán bộ, nhân viên Trung tâm Báo chí và các phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật khi vào, ra nơi này chịu sự kiểm soát an ninh chặt chẽ.
Cùng với Thông cáo báo chí từng ngày làm việc của Đại hội, Trung tâm Báo chí Đại hội còn tổ chức các buổi họp báo chuyên đề quan trọng, cần thiết.
Hơn 15 năm, ba kỳ đại hội, quả thật có nhiều kỷ niệm, sự việc và cả bài học nữa. Có đồng chí lãnh đạo cấp trên của tôi khá ái ngại khi để cán bộ ta trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài. Tôi đã mạnh dạn đề nghị: Trong hoạt động báo chí, việc phỏng vấn là thể loại rất cần thiết, thể hiện “người thật, việc thật, bối cảnh thật”, xin các anh cứ để “anh em chúng em” tùy cơ ứng biến. Tất nhiên, chúng em luôn xác định mình phải chịu trách nhiệm cao nhất trước mọi sự việc. Mọi hoạt động của Trung tâm đều dựa trên nội quy, quy chế của Trung tâm Báo chí Đại hội, cao hơn là quy chế, quy định của Đại hội của Đảng. Nếu làm tốt điều này, cánh báo chí nước ngoài sẽ có cảm tình với ta hơn, thấy rõ hơn “tự do báo chí” của ta, sự chủ động, tự tin và chuyên nghiệp của báo chí nước chủ nhà.
P.V: Đọc, nghe, xem các ấn phẩm, các tác phẩm của Nguyễn Thế Kỷ, tôi nhận ra ông là cây viết hội đủ những phẩm chất rất chuyên sâu của nghề báo, nghề văn. Đó là tinh tường trong khám phá, phát hiện vấn đề của cái đã qua; nhận chân cái mới nảy sinh có tính quy luật. Để rồi tìm cách tiếp nhận thông tin, tích lũy thông tin; ngẫm suy xử lý thông tin cho hợp lẽ đời; để định ra thể loại, phương tiện và thời điểm tạo ra tác phẩm.
PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ: Viết báo, viết văn hay làm công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật, chung quy lại là lao động trí óc, lao động sáng tạo. Tôi còn nhớ, trước khi bắt tay viết kịch bản về nhà trí thức cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu, sau đó chuyển thành tiểu thuyết cùng tên “Hừng Đông”, thì tôi đã phải rất kỳ công khai thác, tìm hiểu công phu, kỹ càng kho tư liệu đồ sộ để tái hiện đậm nét thân thế, sự nghiệp, tấm gương chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cao đẹp của đồng chí Phan Đăng Lưu, có một số chi tiết lần đầu công bố.
Tương tự, trước khi sáng tác kịch bản “Mai Hắc Đế”, tôi đã dày công nghiên cứu, sưu tầm rất nhiều tài liệu, sách vở; phối hợp với các tổ chức, cá nhân để tổ chức các cuộc hội thảo khoa học quan trọng như: “Mai Thúc Loan và khởi nghĩa Hoan Châu” (tại Đại học Vinh, 2008), “1300 năm khởi nghĩa Hoan Châu và anh hùng Mai Thúc Loan” (tại Nam Đàn, 2013). Nhờ đó, kịch bản đã khắc họa đậm nét hình tượng nhân vật Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế) gần như là nguyên mẫu. Nhiều điểm sai trước đây, thậm chí sai cả quan điểm, nhận định về bản chất, quy mô, thời gian cuộc khởi nghĩa đã được nêu ra để thảo luận và kết luận. Các vở kịch như “Thầy Ba Đợi”, “Hoa lửa Truông Bồn”, “Huyền thoại gò Rồng Ấp”, “Ngàn năm mây trắng”, gần đây nhất là “Nợ nước non” đã tạo được xúc cảm thẩm mỹ sâu sắc, mạnh mẽ trong công chúng.
Cùng với công việc sáng tác, tôi đã cùng tập thể lãnh đạo Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là cơ quan nghiên cứu, lý luận, thẩm định, tư vấn cho Đảng, Nhà nước các vấn đề về văn hóa, văn nghệ. Hoạt động của Ủy ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á – Phi – Mỹ Latinh sau 3 năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nay đang dần ổn định và có bước đổi mới, phát triển.
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn thú vị này!