Nhà thờ họ Lê Trọng (Yên Thành) đón nhận bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh
(Baonghean.vn) - Sáng 21/1, huyện Yên Thành tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Di tích Lịch sử cấp tỉnh nhà thờ họ Lê Trọng.
Về dự lễ có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh; các đồng chí lãnh đạo huyện cùng đông đảo quần chúng nhân dân và con cháu dòng họ Lê Trọng.
Các đại biểu tham dự buổi lễ. Ảnh: Thái Dương |
Nhà thờ họ Lê Trọng là công trình kiến trúc tâm linh được xây dựng từ thời Nguyễn, gồm 2 tòa bái đường và hậu cung; trên phần gỗ được chạm khắc các đề tài phong phú, sinh động, đăng đối. Đây là nơi thờ phụng các vị tiên tổ dòng họ Lê Trọng đã có nhiều công lao với dân, với nước, được nhân dân tôn kính.
Tại di tích hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ có giá trị cho công tác nghiên cứu khoa học như gia phả, sắc phong, long ngai... Cùng với đó là các tập tục truyền thống văn hóa tốt đẹp như đánh trống tế, hát tuồng cổ được lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Việc UBND tỉnh quyết định công nhận nhà thờ họ Lê Trọng là di tích lịch sử cấp tỉnh nhằm tôn vinh, tri ân những bậc tiền nhân, khẳng định giá trị lịch sử văn hóa đang được bảo tồn và gìn giữ, vừa xác lập cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị di tích lâu dài.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông trao bằng di tích cấp tỉnh cho lãnh đạo huyện Yên Thành, xã Xuân Thành và đại diện Hội đồng gia tộc dòng họ Lê Trọng. Ảnh: Thái Dương |
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông đề nghị Đảng bộ, chính quyền huyện Yên Thành nói chung, xã Xuân Thành và con cháu dòng họ Lê Trọng nói riêng tiếp tục giữ vững truyền thống, tiếp bước cha ông, làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích; thực hiện nghiêm Luật Di sản Văn hóa để di tích mãi trường tồn, trở thành một trong những địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh trang nghiêm, tôn kính. Từ đó, đưa di tích trở thành nơi gắn kết các thế hệ trở về với cội nguồn, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, cố kết cộng đồng, làng mạc, bồi đắp tình yêu quê hương xứ sở.