Nhà thơ Hoàng Cát: 'Trái tim tôi là một nấm mồ'

09/07/2017 11:24

(Baonghean) - Hình tượng Trái tim tôi là một nấm mồ của Hoàng Cát trong bài thơ cùng tên của anh là một trong những hình tượng thơ lộng lẫy nhất viết về thương binh - liệt sĩ. “Trái tim tôi là một nấm mồ/ Tôi chôn cất mẹ tôi bị bom tàn sát/ Tôi chôn cất em trai tôi - không thấy xác/ Trên chiến trường phía Nam...”

1. Hoàng Cát (quê Nam Đàn, Nghệ An) nhập ngũ năm 1965, chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên - Huế - Quảng Nam đến năm 1969. Anh bị thương mất một chân. Có lẽ vì nỗi niềm ấy, Hoàng Cát thường xuyên về thăm lại vùng tâm linh thăm thẳm của đời mình. Năm 1971, anh trở lại hậu phương miền Bắc với một chân, quân hàm thượng sĩ, thương binh loại A, viết văn làm thơ ca ngợi đất nước.

Rồi truyện ngắn thiếu nhi Cây táo ông Lành của anh (báo Văn nghệ 1974) hồn nhiên, nhân bản là thế, chỉ vì mấy bài phê bình suy diễn cực đoan một thời đã biến thành “vụ án văn nghệ”. Đầu tháng bảy rồi, Hoàng Cát về Huế. Anh rủ tôi đi cùng anh về Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền để thăm lại những đồng chí, những bà mẹ, người chị, người em cơ sở đã nuôi anh trong hầm bí mật mùa hè năm 1967. Lúc đó anh là một kỹ thuật viên quân giới được tín nhiệm. Vì trước khi tình nguyện vào bộ đội anh là cán bộ kỹ thuật ở Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Vào bộ đội, anh lại được học một lớp kỹ thuật quân giới rất bài bản. Hoàng Cát rất thành thạo việc tháo gỡ các loại bom, mìn, đạn pháo của địch chưa nổ, giúp du kích các xã vùng sâu Thừa Thiên - Huế có thuốc nổ để chế tạo vũ khí chống địch càn...

Nhà thơ Hoàng Cát.
Nhà thơ Hoàng Cát.

...Nhà thơ nhấc bàn chân giả nặng nề từng bước, mồ hôi thấm ướt lưng áo, cùng anh Nam, chị Đương (đồng đội cũ) trèo lên nghĩa trang liệt sỹ huyện Phú Lộc. Nghĩa trang dựng trên đồi cao, hơn trăm bậc tam cấp. Nắng tháng sáu miền Trung như dội lửa. Phú Lộc là địa bàn tác chiến của Đoàn 4, một đơn vị chủ lực rất mạnh của Quân khu Trị Thiên - Huế. Bao nhiêu đồng đội của họ đã ngã xuống nơi đây nên cao mấy họ vẫn trèo. Trèo lên để thắp cho đồng đội nén nhang tưởng niệm. Rồi anh về làng biển Cảnh Dương, nơi vũng Chân Mây, lội cát thăm chị Mẹo, một thương binh cũng cụt chân trái như anh...

Anh kể, anh suýt chết ở vũng Chân Mây, Cảnh Dương sau Tết Mậu Thân. Hồi đó có một chiếc tàu hàng từ Sài Gòn ra bị mắc cạn từ lâu. Bộ đội ta đang cần một động cơ cánh quạt để thổi bễ lò rèn cho xưởng chế tạo vũ khí. Hoàng Cát được phân công bí mật bơi ra chiếc tàu mắc cạn trên biển để tìm gỡ cho bằng được một cái quạt gió lò rèn. Anh đang mải mê với công việc thì bất thần máy bay do thám L-19 của địch phát hiện, lượn sát mặt biển, bắn như mưa xuống chiếc tàu. May không viên đạn nào trúng người lính chiến nhanh như rái cá ấy...

Hôm sau, Hoàng Cát lại dẫn chúng tôi về vùng quê Phong Chương, Quảng Thái, Quảng Hòa, Quảng Thuận, thăm lại các làng Triều Đông, Cao Xá, Phù Lai... Không đi lòng anh day dứt không yên. Anh về đây ở cả tháng bà con vẫn thương yêu, đùm bọc. Con trai của ông Hồ Viết Sung, cơ sở đã nuôi anh trong hầm bí mật ở làng Phù Lai năm xưa, nay có nhà ở Huế. Lần nào Hoàng Cát vô cũng ở ngôi nhà bên hồ Tịnh Tâm đó có khi cả tháng. Hoàng Cát đã viết nhiều bút ký ca ngợi những làng quê, những người mẹ chiến sĩ năm xưa ấy. Anh viết báo đấu tranh để có một con đường ôtô tử tế về tận làng quê Triều Dương, căn cứ cũ. Anh đã dắt người nữ thương binh ra tận Hà Nội đòi lại đất bị chính quyền xã qui hoạch cắt đi oan uổng. Cứ một chân nhúc nhắc đi về, Hoàng Cát lặng lẽ “đền ơn đáp nghĩa”...

Xuân năm 1967, Hoàng Cát được trên biệt phái về “nằm vùng” ở đồng bằng Phong - Quảng 6,7 tháng ròng để giúp du kích các xã vùng sâu có vũ khí đánh giặc. Gặp địch lùng sục, các mẹ lại đẩy anh vào hầm bí mật, phủ lá vườn lên trên.

Dọc sông Bồ ở làng Phù Lai, anh có cả hầm bí mật ở ngày giữa bụi tre gai sát bờ sông. 40 năm rồi, kể từ ngày ấy, ông Hồ Viết Sung làng Phù Lai, xã Quảng Thọ đã mất, nhưng mẹ Thẻo, mẹ Nghèn làng Triều Dương vẫn còn sống. Gặp lại anh, các mẹ mừng khóc hết nước mắt. Có đi với anh mới thấm hết nghĩa tình đồng chí, đồng bào. Trời ơi, một thương binh cụt chân, không đồng xu dính túi vẫn miệt mài đi cả ngàn cây số để về lại với đồng bào, đồng chí thân yêu...

2. “Ta cảm ơn cái vỉa hè bụi bặm/ Đã nuôi ta năm tháng cơ hàn..”. (Cảm ơn vỉa hè). Những câu thơ của Hoàng Cát trong tập thơ mới Cảm ơn vỉa hè làm bạn bè ứa nước mắt. Cảnh ngộ anh cơ cực quá, đau đớn quá. Trong một bài thơ tặng vợ, anh viết: “Mười bảy năm ta chưa đi đến Nhà hát lớn/ Nhưng đã trải qua mười bảy nghề mặn nhạt có nhau”.

Đúng là vợ chồng anh phải làm tới 17 nghề kiếm ăn: dán hộp đựng thuốc cho ngành dược, cuốn thuốc lá điếu rồi đi bỏ cho các quán nước; rang đậu phộng, bán nước chè, phong thuốc lào, làm bóng bì (món làm bằng da lợn, dùng cho món canh ngày tết), làm nem chạo, nuôi gà công nghiệp, úm gà con giống, nuôi chó ta, chó Nhật, nuôi chim vẹt cảnh, làm lồng chim, bán kem mút, nuôi lợn...

Vì thế sau này Hoàng Cát có những câu thơ đứt ruột: “Chén nước chè năm xu, gói thuốc lào hào bạc/ Cái kẹo vừng dỗ con nít đói cơm...” (Cảm ơn vỉa hè). Dán hộp đựng thuốc cho Công ty Dược không dễ chút nào. Hai vợ chồng nhiều đêm thức trắng để dán hàng mấy trăm cái hộp, kịp sáng mai đủ hàng trả theo hợp đồng. Gian phòng 12m2 chất đầy hộp giấy, không còn chỗ mà nằm nữa. Đi lại trong nhà cũng phải lách nghiêng, trong lúc chị Tâm mang bầu đứa con đầu lòng, bụng cao vượt mặt (Sau này cháu là biên tập viên Hoàng Trang nói tiếng Anh ở VTV4). Sáng sớm ra, thương binh Hoàng Cát lại phải đeo chân giả vào, đạp xe thồ đống hộp giấy cao ngất ngưởng trên phố đi nhập hàng, giống như người Nghệ đi bán nồi đất. Hoàng Cát cứ lê lết cái chân giả, cùng với người vợ bị bệnh bướu ba-dơ-đô biến chứng vào tim, cung cúc kiếm ăn...

Mình khổ đã đành, con gái mới chục tuổi đầu cũng phải ngồi chợ bán hàng suốt ngày hè. Bạn bè ai nhìn cháu cũng rơi nước mắt. “Con mười ba tuổi ngây thơ/ Nghỉ hè ngồi chợ từ trưa tới chiều/ Nắng ròng dội xuống nhà thiêu/ Nón cời che mặt, chẳng lều chẳng phên...” (Tha cho ba).

Nhờ đổi mới, năm 1988, cái tên Hoàng Cát mới được xuất hiện trở lại trên văn đàn. Từ đó đến nay anh đã cho in rất nhiều bút ký, truyện ngắn và thơ. Anh đã xuất bản 6 tập thơ: Tháng giêng dai dẳng, Ngôi sao biếc, Mùa thu, tình yêu, cuộc đời, Thì hãy sống... Mới nhất là tập Cảm ơn vỉa hè (2006). Thơ Hoàng Cát là thơ tuôn chảy từ trái tim đã chín yêu thương, cay đắng, cháy bỏng một tình yêu Tổ quốc. Sau trận đột quỵ năm 2005, anh càng nhận chân cuộc đời rõ hơn. Và càng thương phận kiến của con người hơn: Ta lang thang giữa trái đất khô cằn/... Thân con kiến giữa mênh mông sa mạc... (Thân con kiến).

3. Vương Ân đời Đường có câu Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi (Người chinh chiến lâu nay mấy ai còn quay lại). Thế mà Hoàng Cát đã quay lại. Không phải quay lại một lần mà quay lại nhiều lần chiến trường xưa. Anh kể những ngày sau Tết Kỷ Dậu 1969, anh làm đội trưởng, dẫn một tổ quân khí của Đoàn 4 vào cánh bắc Quảng Nam để học cách chế tạo mìn bay của quân và dân Quân khu 5. Mìn bay là loại mìn đánh đồn bót và xe tăng địch rất hiệu quả. Học xong, sản xuất thử tốt rồi, định trở về đơn vị ở Phú Lộc, thì bất ngờ địch rải bom B52 trúng công xưởng. Đó là trưa mồng hai Tết Kỷ Dậu. Anh bị hất tung lên rồi rơi xuống một sườn đồi. Chân trái anh nát như một cái bắp cải bị đập dập...

Khi vết thương đã ổn định, Hoàng Cát được anh em đồng đội cáng dần ra Bắc. Nhưng vừa cáng rời khỏi bệnh xá một ngày thì gặp một trận càn rất lớn của địch. Một chiến sĩ tên Linh, đồng hương Nghệ An, cùng một chiến sĩ người dân tộc Tà Ôi cáng thương binh Hoàng Cát lọt đúng vào điểm đổ quân của máy bay cánh quạt Mỹ! Chúng bắn như vãi trấu. Linh đi trước cáng gục chết ngay tại chỗ. Người lính dân tộc Tà Ôi bỏ chạy xuống suối. Cái võng cáng Hoàng Cát bị cánh quạt máy bay thổi tốc lên trời.

Hoàng Cát nằm chờ một loạt đạn để chết!... Nhưng rồi bọn địch sợ, chúng nằm sát rạt bên kia thân máy bay. Đằng nào cũng chết! Hoàng Cát liều bò và lăn xuống sườn dốc. Đêm đến, Hoàng Cát nghe ám hiệu “tróc chó” của đồng đội người Tà Ôi bò tới. Lay gọi, thấy anh còn sống, liền thập thững cõng anh từng bước trong đêm ra trạm chuyển thương. Cái chân trái của anh bị mất từ trận ấy. Nên sự sống với anh là niềm tri ân đồng đội: Trái tim tôi là một nấm mồ/ Tôi chôn cất ấp iu người em tình nghĩa/...Tôi giữ mãi những nấm mồ/ Luôn được ấm/ Giữa ngực tôi (Trái tim tôi là một nấm mồ).

Vợ chồng nhà thơ Hoàng Cát (trái) và vợ chồng nhà thơ Ngô Minh.
Vợ chồng nhà thơ Hoàng Cát (trái) và vợ chồng nhà thơ Ngô Minh.

Ra miền Bắc, thương binh Hoàng Cát được lắp chân giả. Anh vui với cái chân giả của mình: Trời ơi chân giả tháo ra/ Cò cò lết lết như là trẻ con... Cái chân giả trở thành một vấn đề nan giải của đời anh. Một lần vô thăm Huế, khi nghe một tên vô lại nói những câu xúc phạm đến cách mạng, anh giận tím mặt, không nén được đã vung cái chân giả vào người hắn. Thế là cái chân vèo bay, gãy mất. Anh ngất đi. Nhờ bạn bè giúp, anh được Bệnh viện Trung ương Huế tặng một cái chân giả ngoại mới, rất xịn. Nhưng anh vẫn lo rồi cái chân giả ấy gãy nữa thì sao! Vì thế anh phải lo chân giả “để dành”: Có ai biết, ta đã để dành/ Không phải đôla, không phải vàng/ Mà chỉ một bên chân giả?... Ta chắt chiu để dành cái chân giả “xơ-cua”... (Để dành). Nhưng anh lại nghĩ: Không chân thật thì đi bằng chân giả/ Miễn trong tim là thật máu của mình (Thân con kiến).

Hôm ra Phong Điền, thấy sông Bồ xanh trong quá, anh cởi phăng quần áo, mang chân giả lao người xuống sông tắm. Ấy là lần đầu tiên anh khoe cái chân giả với sông Bồ, với bao bà con bạn bè thân thiết. Anh cởi trần từ dưới sông lên, nhảy cò cò hồn nhiên sung sướng. Rồi anh ngẩng đầu nhìn trời và đọc thơ sang sảng: Ta chỉ được một lần trên cõi sống/ Tội tình chi không hát với trời xanh... Nếu quả thực có luân hồi đổi kiếp/ Xin hãy cho ta trở lại kiếp thi nhân. Tôi bỗng trào nước mắt. Anh đang sống, đang yêu như đời mình chẳng hề oan khiên cơ cực...

Nghe tin Hoàng Cát đau nằm viện, bạn bè cả nước quyên góp tiền để hỗ trợ anh chữa bệnh. Bây giờ thì anh đã khỏe lại, hàng ngày vẫn tháo cái chân giả,ngồi vào bàn phím làm thơ…

Ngô Minh

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Nhà thơ Hoàng Cát: 'Trái tim tôi là một nấm mồ'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO