Nhà thơ thương binh Hoàng Cát: Những bài thơ sống mãi với đời
Một hôm tôi ngồi cafe với nhà thơ Hoàng Cát bên bãi biển Cửa Lò, ông nói: “Thơ phải viết bằng gan ruột, bằng nỗi đau đớn khôn nguôi. Nỗi đau gan ruột đó được cảm xúc khơi gợi, cảm xúc đến tột độ mới có thể viết được câu thơ, bài thơ”...
Một hôm tôi ngồi cafe với nhà thơ Hoàng Cát bên bãi biển Cửa Lò, ông nói: “Thơ phải viết bằng gan ruột, bằng nỗi đau đớn khôn nguôi. Nỗi đau gan ruột đó được cảm xúc khơi gợi, cảm xúc đến tột độ mới có thể viết được câu thơ, bài thơ”...
Cùng với bài thơ “Ba nén hương” nổi tiếng, bài thơ “Trái tim tôi là một nấm mồ” in trong tập thơ đầu tay “Tháng Giêng dai dẳng” (NXB Văn Hoá, 1991) đủ cho chúng ta thấy một chân dung, một thương hiệu nhà thơ thương binh Hoàng Cát.
Bài thơ có cấu tứ lạ, tên gọi của bài thơ cũng lạ. Lạ ở chỗ, nhà thơ bất ngờ lấy trái tim đỏ thắm trong lồng ngực của mình để làm một nấm mồ “chôn” những người bạn lính đã ngã xuống trên chiến trường đánh giặc. Một tình cảm thiêng liêng dấy lên từ một tứ thơ kìm nén, một hồn thơ không thể không nhói đau hơn.
Sự lạ là một yếu tố rất khó tìm thấy trong thơ nếu nhà thơ bất tài. Sự lạ đó là phẩm chất tuyệt đẹp của thi ca. Phẩm chất ấy làm nên tên tuổi của thương hiệu nhà thơ Hoàng Cát. Cứ tưởng phẩm chất ấy cao xa vời vợi nhưng không phải, nó nằm ngay trong 23 câu thơ của bài thơ. Hễ đọc một lần hay nghe một lần là hiểu thấu, không cần một lời giải thích:
Trái tim tôi là một nấm mồ
Tôi chôn cất mẹ tôi bị bom tàn sát
Tôi chôn cất em trai tôi, không thấy xác
Trên chiến trường phía Nam.
Trái tim tôi là một nấm mồ
Tôi chôn Tiến, người Tĩnh Gia, Thanh Hoá
Đi công tác rồi không về nữa
Suốt tháng tôi tìm, nhặt được dép cao su.
Trái tim tôi là một nấm mồ
Tôi chôn cất, ấp iu người em tình nghĩa
(Linh ở Yên Thành, Nghệ Tĩnh)
Tôi cụt chân, Linh cáng cứu tôi
Địch xả liên thanh, Linh nát người
Máy bay đổ quân, chặt Linh thành hai mảnh.
Tôi đã chôn biết bao bè bạn
Giữa tim tôi, giữa tuổi trẻ đời tôi
Khải, Bí, Xin, Dành, Quyện, An
Không nhớ hết từng người
Vì cuộc sống vẫn còn phải sống
Tôi giữ mãi những nấm mồ được ấm
Giữa ngực tôi.
Hôm ngồi cafe với nhà thơ Hoàng Cát bên bãi biển Cửa Lò, tôi nghe anh đọc bài thơ này trong ngậm ngùi nước mắt. Anh bảo, “anh thương Linh quê ở Yên Thành lắm. Anh mắc nợ Linh nhiều lắm. Linh đã chết thay anh. Mà Linh chết tội lắm. Chỉ có một mình anh biết”. Đó là một cảnh trí hết sức bi hùng xuất hiện giữa chập choạng cánh rừng bom đạn thời chiến”…
Nhà thơ Hoàng Cát kể lại ngọn nguồn câu chuyện này bắt đầu từ khi anh rời ngôi nhà 24 Cột Cờ ở Hà Nội của người anh kết nghĩa là thi sĩ Xuân Diệu, đi bộ đội năm 1966. Mồng 2 Tết năm 1969 anh là tổ trưởng đi biệt phái, học cách chế tạo mìn bay tại công binh xưởng ở Quảng Đà. Học xong rồi, đánh thử vài quả, tốt rồi nhưng khi anh chuẩn bị rời đi thì một trận bom B52 dội vào công binh xưởng. Sức ép trận bom khiến chân trái của anh bị dập nát. Trong đau đớn, anh rút thắt lưng tự garo và dùng bông băng cấp cứu cho mình trước khi cứu thương đến đưa anh rời bãi bom chi chít, ra trạm xá Quảng Đà. Ba tháng sau phẫu thuật, chân trái bị cắt cụt. Cánh cứu thương lại đưa anh tiếp tục di chuyển ra ngoài. Một hôm, lúc 17 giờ chiều, hai bạn lính đang khiêng cáng anh đi. Người lính tên Linh khiêng phía sau. Phía trước là bạn lính người Tà Ôi. Bất chợt, máy bay trực thăng Mỹ đổ quân lính đi càn xuống cánh rừng. Một tốp quân địch trút xuống trúng ngay cáng đang cáng anh. Ngay lúc đó, quân địch bắn chết Linh tại cáng. Bạn lính Tà Ôi vụt biến mất. Bằng một phản xạ tự nhiên, anh nhắm mắt, co người như con tê tê, lao xuống dông rừng, nằm chờ chết dưới bờ suối.
Kể đến đây, Hoàng Cát nói: “Nhưng trời chưa cho anh chết”. Là bởi, đêm khuya hôm đó, bỗng dưng anh nghe tiếng “tróc chó”: Tróc! Tróc! Anh biết đây là ám hiệu tìm
nhau của bộ đội giải phóng. Vì thế, anh thận trọng “tróc chó” trở lại: Tróc! Tróc! Chỉ một thoáng sau, người lính Tà Ôi lúc chiều biến mất bò tới rồi xoay lưng cõng anh thoát đi trong đêm rừng dày đặc”.
Riêng về cái chết của Linh “địch xả liên thanh, Linh nát người/Máy bay đổ quân chặt Linh thành hai mảnh” còn một số chi tiết khác mà người viết bài này không dễ cầm lòng để viết ra được. Có lẽ, chính bằng nỗi đau đớn này đã khiến nhà thơ Hoàng Cát xây đắp nên tứ thơ ngay giữa trái tim đang trào dâng máu đỏ của mình để làm ngôi mồ “chôn” Linh và nhiều những người bạn lính khác đã anh dũng ngã xuống giữa trận mạc chiến trường.
Trong 12 tập thơ gộp thành “đại” tuyển thơ mang tên “Cõi Người” của Hoàng Cát gồm 1.000 trang (NXB Hội Nhà văn tháng 8/2023), chúng tôi thấy nhà thơ không ngần ngại tự phong cho mình là thi nhân với bao nhiêu cảm xúc tự trào. Anh nói: “Thơ phải viết bằng gan ruột, bằng nỗi đau đớn khôn nguôi. Nỗi đau gan ruột đó được cảm xúc khơi gợi, cảm xúc đến tột độ mới có thể viết được câu thơ, bài thơ”.
Có lẽ, bằng chính quan niệm này mà sau “vụ cây táo ông Lành” - một tai nạn văn chương - đã giúp Hoàng Cát viết được những bài thơ nhớ đời với 17 nghề mặn nhạt khác nhau, trong đó có nghề bán nước chè chén và buôn chó cúc để mưu sinh trên vỉa hè và chợ trời Hà Nội. Và lạ thay, có một Hoàng Cát luôn nhìn cuộc đời bằng con mắt xanh trong. Suốt 1.000 bài thơ chỉ thấy một tâm hồn trong veo như hạt cát:
Ta muốn hét, ta muốn gào thật lớn
Cuộc sống mến yêu - người đẹp quá chừng
Có phải thế chăng - ta rồi vĩnh biệt
Nên nhìn đâu cũng thấy đẹp rưng rưng.
(Lãng mạn)
Trong veo đến mức anh phải trốn, lừa người ăn mày bởi khi nghe tiếng ăn xin ngoài ngõ, anh vào nhà tìm thứ gì đó để cho, nhưng lục thùng thì hết gạo, lục ngăn kéo thì không có một xu, mở nồi cơm thì nồi cũng rỗng cơm nguội, chỉ vo ve tiếng đàn muỗi. Nên:
“Đành lòng không lên tiếng
Vào bếp ngồi nín im
Coi như nhà vắng hết
Trốn, lừa người ăn xin”.
(Trốn, lừa người ăn xin)
Những năm cuối đời, thi thoảng nhà thơ Hoàng Cát từ Hà Nội về thăm quê ở thôn Phúc Chỉ, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn. Đây chính là nơi anh rời xa năm 18 tuổi để ra Hà Nội học Trường Trung cấp kỹ thuật 1 Hà Nội rồi làm cán bộ kỹ thuật Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo ở Hà Nội. Đây chính là nơi bài thơ “400”- bài thơ đầu tay của anh in ở Báo Lao Động, năm 1960: "Một tòa nhà 400 khung cửa/Ngực hiên ngang làm bức tường đón gió/Bạn cùng mây, trò chuyện với trăng sao"… Bài thơ mà Hoàng Cát vui mừng khoe với Xuân Diệu nhưng Xuân Diệu đọc rồi im lặng. Còn Huy Cận (lúc đó là Thứ trưởng Bộ Văn hoá) vui vẻ khen “bài thơ khá lắm, nhiều hình ảnh hay; ông ấy chưa khen là đang ghen với chú đấy”.
Nhà thơ Hoàng Cát sinh năm 1942 tại xã Hùng Tiến,huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông nhập ngũ năm 1965, chiến đấu ở chiến trường Trị
Thiên - Huế - Quảng Nam đến năm 1969; bị thương mất một chân. Nhà thơ Hoàng Cátqua đời chiều 1/7/2024 tại Hà Nội.