'Nhà thơ thế giới': Chữ danh kia cũng có ba bảy đường!
(Baonghean.vn) - Những ngày gần đây, cư dân mạng lại một phen dậy sóng về nhân vật có tên T.T.N được gắn với hàng loạt các danh hiệu, mà chỉ mới xướng lên đã khiến người nghe... choáng váng: Nhà thơ thế giới, Chủ tịch Hội đồng cấp cao liên minh các nhà thơ thế giới U.M.P...
Dễ dãi trong xưng danh
Cái tên T.T.N nhanh chóng được các facebooker tìm kiếm. Một số nguồn tin chia sẻ, bà T.T.N là Việt kiều định cư tại Mỹ. Trên bìa 4 tập thơ “101 bài thơ tình” (Công ty cổ phần truyền thông Đam Books liên kết Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành) còn ghi thêm thông tin về nghề nghiệp và “lý lịch văn học” của “nhà thơ thế giới” T.T.N rất “hoành tráng”. Theo đó, bà T.T.N từng là giảng viên Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (thông tin này chưa được kiểm chứng), đã xuất bản 6 tập thơ, “trên 200 bài thơ đã được phổ nhạc”, “nhiều giải thưởng lớn trong và ngoài nước”.
Chương trình vinh danh 'nhà thơ thế giới' với hàng loạt danh hiệu gây xôn xao dư luận. Ảnh: Internet |
Phần lớn các văn nghệ sĩ, đặc biệt là giới văn chương đều thấy nực cười với “nhà thơ thế giới” T.T.N và đơn vị tổ chức sự kiện. Nhà văn Lê Minh Hà (định cư tại Cộng hòa Liên bang Đức) cho rằng: “Thơ của T.T.N thực sự là cá tính, cá tính trong sự ngô nghê mời anh ăn thịt luộc, trong sự tục tĩu yêu em yêu dập yêu dồn... Thơ ấy chẳng nâng người ta lên được bậc cầu thang nào cả”.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Xuân Nguyên bức xúc: “Đây là một sự mạo phạm, nhạo báng thi ca và văn hóa”.
Quyên Gavoye - một nhà văn gốc Việt, Thạc sĩ văn hóa - di sản đang làm việc tại thành phố Besancon - Cộng hòa Pháp bày tỏ: “Xưng danh nhà thơ ở Việt Nam bây giờ dễ quá. Việc công chúng dễ dãi với các danh hiệu và các cuộc thi, các đêm hội gala cũng là lý do để người háo danh tận dụng”.
Nhà báo Chu Minh Khôi - phóng viên Thời báo Kinh tế Việt Nam cho biết anh từng là thành viên tuyển chọn, biên tập một số tập thơ theo kiểu phong trào và “nhà thơ thế giới” T.T.N không xa lạ với anh. T.T.N là nhà tài trợ, đồng thời là người có “thơ” tham gia vào tuyển tập “Năm ngón tay thời gian” (2019), nhưng “thơ” của người này làm anh “vừa đau đầu, vừa “đau bụng” nhất”. Nhà báo cũng tiết lộ thêm:
“Chùm thơ mà chị gửi đến mà tôi phải đọc gồm: 15 bài thơ mang tiêu đề: “Bài thơ tình thứ Một ngàn một trăm”, và 10 bài thơ với cùng tựa đề: “Mời anh thịt luộc mắm nêm thứ một nghìn không trăm lẻ 1”; “Mời anh thịt luộc mắm nêm thứ một nghìn không trăm lẻ bốn” cho đến bài “Mời anh thịt luộc mắm nêm thứ một nghìn không trăm mười”.
Những gì người đọc tìm được do “nhà thơ thế giới” T.T.N sáng tác, coi đó là “thơ” thực chất chỉ là những câu văn ngô nghê (thậm chí là thô tục), rối rắm, ghép chữ cho ra vần vè: “Ngày mai em đi lấy chồng/ Mời anh thịt luộc mà lòng quặn đau”, “Môi em đâu phải phao câu/ Cớ sao anh cứ cọ râu suốt ngày”,...
Sự kiện T.T.N làm nhiều người nhớ đến “hiện tượng” H.Q.T cách đây đúng 10 năm. Khi đó, người ta từng tổ chức hội thảo rầm rộ về thứ thơ “siêu phàm”, “thần nhân mượn bút” của H.Q.T. Nói vậy là bởi trong một đêm ở khu du lịch tâm linh Bái Đính - Tràng An, ông “nhà thơ thiền” này đã viết được... 121 bài thơ trong vô thức. Ít lâu sau, nhiều người phát hiện ra những bài thơ của ông làm tại Bái Đính - Tràng An hay ở Yên Tử đa phần na ná những bài thơ/đoạn văn trong một vài cuốn sách từng xuất hiện ở những địa danh này. Thậm chí, ông H.Q.T còn in 2 tập thơ để dự giải... Nobel văn học, in 1 tập thơ độc bản nặng đến 120 kg và được tổ chức Kỷ lục châu Á trao giải. Vài năm sau, không còn thấy ông H.Q.T làm thơ nữa, cho đến nay nếu ai còn nhắc đến tên ông thì người nghe chỉ tủm tỉm cười hoặc lắc đầu ngao ngán!
Cần điều chỉnh nạn “ngáo danh”
Mỗi năm, giới viết lại xôn xao vài vụ ai đó “cầm nhầm” tác phẩm của người khác, thậm chí có tác phẩm bị “cầm nhầm” còn được mang đi tham dự các cuộc thi tương đối lớn, có uy tín, trình học thuật cao và đoạt giải. Mới đây, một số nhà thơ chia sẻ những cuộc thi thơ, những sự kiện tôn vinh tác giả mà theo thông báo của ban tổ chức, tác giả đoạt giải hoặc vinh danh phải nộp những khoản lệ phí không hề “nhẹ” so mức mức thu nhập từ ngòi bút của đại bộ phận người viết hiện nay.
Bệnh ngáo danh một phần xuất phát từ tâm lý dễ dãi, "bốc thơm", động viên nhau trên mạng xã hội. Ảnh minh họa: Internet |
Vậy những “hiện tượng” này do đâu mà có? Có thể lý giải trên một số khía cạnh như sau.
Thứ nhất, người Việt có một kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ, hò, vè... rất phong phú, đồ sộ... Loại hình văn học dân gian này đã được thẩm thấu vào đời sống qua nhiều thế hệ, “ngấm vào máu” nhiều người, đặc biệt là lớp người lớn tuổi. Trong cuộc sống hàng ngày, họ có thể vận lối nói, lối cảm của ca dao, hò, vè vào lời ăn tiếng nói. Mặc khác, tiếng Việt là ngôn ngữ giàu nhạc tính, rất dễ ghép thành vần điệu. Khi ghép được những câu văn thành vần điệu, lại thiếu kiến thức về các thể loại văn học, khả năng cảm thụ văn chương hạn chế,... người ta dễ ngộ nhận là thơ. Thế nên người người làm thơ, nhà nhà làm thơ. Nhiều người nói vui “Việt Nam là cường quốc thi ca”, ra đường gặp 10 ông thì đến 9 ông là nhà thơ!
Thứ hai, nước ta trải qua hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến, chọn người vào bộ máy công quyền gắn với hình thức thi thiên về văn chương - đánh giá khả năng sáng tác và cảm thụ văn chương nên tâm lý chung của xã hội là trọng người có chữ. Tâm lý đó làm người ta coi trọng việc học, phần nào thúc đẩy khai mở dân trí, nhưng mặt khác cũng tạo nên thói háo danh trong xã hội.
Thứ ba, trong giới văn chương nghệ thuật, có thể nói giới sáng tác thơ văn dễ rơi vào ảo tưởng, ngộ nhận nhất. Việc đánh giá một tác phẩm văn chương hay dở đôi khi rất khó, bởi nó mang tính chất tương đối, định tính, hay với người này nhưng lại chưa hay với người khác, bộ phận có chuyên môn có cái nhìn khác với sự cảm nhận của lớp độc giả bình dân. Thế nên, với tâm lý “văn mình vợ người”, nhiều người mới chập chững “thò chân” vào làng văn đã nghĩ mình là đại tác giả, tác phẩm của mình có thể sống muôn đời. Họ tự khoác những tấm áo quá khổ đối với bản thân.
Thứ tư, một số người dùng nhiều chiêu trò để tung hô những người có tiền, địa vị nhưng háo danh để lừa phỉnh, trục lợi về vật chất hoặc các lợi ích khác. Hoặc xuất phát từ tâm lý dễ dãi, bốc thơm, động viên nhau, thậm chí có kiểu khen vì ghét, “khen cho mày chết”..., dẫn đến những người ngộ nhận càng ảo tưởng. Và càng ảo tưởng thì càng lao theo những giá trị phù phiếm khi không có thực tài.
Có thể nói, tình trạng đạo văn, bỏ tiền ra để mua giải, mua sự vinh danh... biểu hiện qua “hiện tượng” H.Q.T hay sự kiện liên quan đến bà T.T.N nêu trên là biểu hiện của thói háo danh, thậm chí đã chuyển sang một cấp độ mới là ngáo danh. Tức là những người không có thực tài, ảo tưởng về “tài năng” của bản thân quá mức, thậm chí có những hành vi lệch chuẩn về đạo đức, văn hóa hoặc vi phạm pháp luật để gây chú ý, đạt được danh tiếng. Đây là căn bệnh trầm kha của một bộ phận người, không chỉ trong giới văn chương. Những hiện tượng này nếu dư luận xã hội không lên tiếng điều chỉnh, hoặc không kịp thời xử lý bằng pháp luật khi có các hành vi phạm pháp xảy ra sẽ dẫn đến tình trạng các giá trị trong xã hội bị đảo lộn, tác động tiêu cực đến lối sống của nhiều người trong cộng đồng, nhất là những người thuộc giới trẻ.
Hơn hai trăm năm trước, trong bài thơ “Đi thi tự vịnh”, nhà thơ Nguyễn Công Trứ viết: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. Cầu danh, lập danh, ghi danh với đời, ấy là cái khát vọng đẹp đẽ của mỗi cá nhân trong biển người bao la, trong thời gian vô tận. Những người đem trí tuệ, tài năng, đạo đức ra để thi thố với đời, giúp đời, mang lại những giá trị bền vững, tốt đẹp, nhân văn, nhân bản cho xã hội sẽ được ghi nhận, tôn vinh. Những kẻ không có thực tài, cầu danh - lợi, đoạt danh - lợi bằng đủ mọi cách thức, thủ đoạn đáng bị lên án, chê cười, xử lý để làm sạch môi trường văn hóa của toàn xã hội.
Thật đúng là chữ danh kia cũng có ba bảy đường!