Nhà trường loay hoay đòi đất giáo viên
Sau hàng chục buổi làm việc, với sự vào cuộc của nhiều cơ quan ban ngành, nhưng đến nay, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An vẫn chưa thể lấy lại mặt bằng đã cho giáo viên mượn để thi công xây dựng. Ngoài ra, nhiều ngôi trường khác trên địa bàn tỉnh cũng lâm vào cảnh tương tự.
Bế tắc ở Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh
Ngày đầu tháng 1/2025, tòa nhà cao tầng thuộc dự án xây dựng ký túc xá của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh vẫn đang được các công nhân hoàn thiện những hạng mục cuối cùng. Đây là dự án bị chậm tiến độ do 5 hộ giáo viên của trường mượn đất và mượn nhà tập thể của trường để ở, nhưng sau đó không chịu trả lại để bàn giao mặt bằng.
Mãi đến tháng 7/2024, sau rất nhiều cuộc làm việc, 4 hộ gia đình mới chịu trả lại. Lúc này, đơn vị thi công mới có mặt bằng để xây dựng tòa nhà. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn 1 hộ không chịu trả lại đất, khiến hạng mục xây trạm điện vẫn chưa thể xây dựng. Đó là trường hợp của ông Nguyễn Văn Kỳ.
Hành trình đòi đất từ các giáo viên của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh bắt đầu từ năm 2019. Thời điểm đó, sau khi xin được nguồn vốn, lãnh đạo nhà trường đã làm việc với 5 hộ gia đình, đề nghị họ chuyển đi trong vòng 1 năm để nhà trường lấy mặt bằng xây dựng dãy nhà ký túc xá cho học sinh như đã cam kết trong hợp đồng khi cho mượn. Lúc đó, chỉ có 1 hộ gia đình không có ý kiến gì. Các hộ còn lại thì xin thời gian 3 năm để thu xếp chuyển đi. Nhà trường đồng ý với thời hạn 3 năm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vụ việc bắt đầu từ năm 2006, khi nhà trường cho 3 hộ giáo viên mượn nhà tập thể và 2 hộ khác mượn đất nằm trong khuôn viên nhà trường để dựng nhà ở. Trong hợp đồng cho mượn còn nêu rõ, 5 giáo viên này phải cam kết “không cơi nới quá khu vực đã quy định; Thời gian sử dụng cho đến khi nào nhà trường có nhu cầu thì báo trước ít nhất 12 tháng để các hộ gia đình tìm chỗ ở…”.
Tuy nhiên, trong quá trình sinh sống, nhiều hộ đã vi phạm cam kết trong hợp đồng khi tự cải tạo, cơi nới ra khỏi diện tích cho mượn mà không xin phép nhà trường. Sau đó, có người dù về hưu và trở về quê sinh sống từ 15 năm trước, có người đã xây nhà riêng bên ngoài từ lâu, nhưng vẫn không chịu trả lại gian nhà tập thể cho nhà trường.
Tháng 10/2023, dự án được khởi công nhưng 5 hộ gia đình vẫn không chịu bàn giao mặt bằng để xây dựng. Phía đơn vị thi công đã phải nhiều lần phát văn bản tới chủ đầu tư than phiền về việc chậm bàn giao mặt bằng, khiến công nhân phải chờ việc và nguy cơ bị cắt nguồn vốn đầu tư do chậm tiến độ. Sau nhiều cuộc làm việc và vận động, đến nay 4 hộ gia đình đã chịu dời đi.
Trước đó, sau khi các hộ giáo viên này khiếu nại đòi bồi thường, lãnh đạo UBND tỉnh đã nhiều lần tiếp công dân cũng như trả lời bằng văn bản nêu rõ: “Không có căn cứ để giải quyết và không đủ điều kiện để được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định pháp luật”. Đồng thời, đề nghị các hộ gia đình sớm bàn giao mặt bằng để Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ.
Ngoài ra, Thanh tra tỉnh cũng đã vào cuộc và kết luận, toàn bộ phần diện tích đất ông Nguyễn Văn Kỳ và 4 hộ giáo viên khác sử dụng có nguồn gốc được Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh cho mượn đất để xây dựng nhà ở từ năm 2006, nằm hoàn toàn trong khuôn viên thửa đất của nhà trường…
“Trong thiết kế của dự án, vị trí đó là trạm điện, nên sớm muộn gì cũng phải lấy lại mặt bằng để xây trạm điện cho nhà trường. Chúng tôi cũng hết cách rồi, bây giờ chỉ có thể trông chờ vào cơ quan chức năng”, một lãnh đạo nhà trường nói.
“Xảy ra từ lâu nên khó xử lý”
Không chỉ có Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng lâm vào cảnh bị chiếm đất tương tự. Cụ thể, Trường Tiểu học Phú Sơn (huyện Tân Kỳ), bị Chủ tịch UBND xã ra quyết định cắt 20m2 đất của nhà trường cho một vị cán bộ xã làm cửa hàng bán tạp hóa. Vị trí cửa hàng nằm ngay trung tâm xã, sau lưng là trường học, trước mặt là trụ sở UBND xã. Sau đó, gia đình này lấn chiếm thêm đất của nhà trường để xây nhà cao tầng sinh sống, nâng tổng diện tích lên hơn 150m2. Chưa kể, gia đình này còn được đền bù giải phóng mặt bằng với diện tích hơn 60m2 tại thửa đất này.
Năm 2018, sau khi người dân nhiều lần làm đơn tố cáo, UBND huyện Tân Kỳ đã kết luận, quyết định cắt đất của Chủ tịch UBND xã Phú Sơn là trái thẩm quyền. Đồng thời xác định gia đình vị cán bộ xã có hành vi lấn chiếm đất trường học. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một hình thức xử lý nào được đưa ra.
“Vụ việc xảy ra từ lâu nên cũng khó xử lý. Sắp tới chúng tôi có thể sẽ xin ý kiến của UBND huyện”, ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã Phú Sơn nói.
Còn tại Trường THPT Đô Lương 1 (xã Đà Sơn, huyện Đô Lương), nhiều năm trước, bảo vệ nhà trường mượn ô đất nhỏ bên cạnh cổng trường để bán nước mía. Mỗi năm, người này đóng cho nhà trường 500.000 đồng tiền phí. Tuy nhiên, bằng một cách nào đó, gia đình người bảo vệ sau đó được cấp luôn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vị trí này mà nhà trường không hề hay biết. “Chúng tôi cũng muốn đòi lại, nhưng bây giờ họ được cấp bìa đỏ rồi nên chịu”, lãnh đạo nhà trường nói.
Tại Trường THPT Hà Huy Tập (TP. Vinh), dù đã về hưu 15 năm, nhưng đến nay, một giáo viên vẫn không chịu trả lại gian nhà tập thể cho trường. Gần đây, ông này còn tự ý cải tạo, mở rộng diện tích, treo bảng cho thuê. Từ gian nhà tập thể chỉ vỏn vẹn khoảng 40m2, hiện nay, diện tích căn nhà ông này đang sử dụng lên đến gần 90m2, với chiều rộng bám đường Nguyễn Đình Chiểu gần 13m.
Sau khi Báo Nghệ An phản ánh, chúng tôi có mời thầy lên làm việc và một lần nữa khẳng định, gian nhà tập thể đó là tài sản của nhà trường, yêu cầu thầy không được cho thuê. Chúng tôi cũng chỉ biết đề nghị thầy sớm tìm chỗ ở, để bàn giao lại nhà tập thể cho trường. Vì nhà trường trên thực tế cũng đang cần mặt bằng đó để xây dựng nhà xe cho học sinh. Nhà trường cũng rất khó xử. Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị cơ quan chức năng để nhờ xử lý.
Ông Cao Thanh Bảo – Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập