Xã hội

Kỳ 2: Bảo vệ mượn đất nhà trường rồi được cấp luôn “bìa đỏ”

Tiến Hùng 03/07/2024 08:06

Cho ông bảo vệ mượn mảnh đất nhỏ ở góc trường bán nước mía để tiện cho công việc, nhưng không biết bằng một cách nào đó, người này sau đó được cấp luôn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở tại thửa đất đẹp bám Quốc lộ 15. Đó là vụ việc xảy ra tại Trường THPT Đô Lương 1.

b-cover.png

Mập mờ việc cấp “bìa đỏ” cho bảo vệ trường

Nhiều năm nay, nhiều người dân địa phương tò mò đặt câu hỏi về một ngôi nhà kiên cố nằm lọt thỏm trong khuôn viên Trường THPT Đô Lương 1 (xã Đà Sơn, huyện Đô Lương). Ngôi nhà này nằm góc phía trước ngôi trường, tiếp giáp 2 mặt đường. Mặt trước bám Quốc lộ 15, bên hông bám đường nhựa liên xã, 2 mặt còn lại tiếp giáp với trường học. Những năm trước đây, ngôi nhà này còn tự ý mở cổng phía sau hướng vào trường học, nhiều học sinh có thể lẻn ra ngoài mua hàng hoặc trốn học, dù cổng nhà trường đã đóng kín.

“Khuôn viên nhà trường vuông vắn như vậy, bỗng xuất hiện ngôi nhà nhìn rất phản cảm. Chúng tôi cũng không hiểu là ai lại đi bán đất trường cho người khác sinh sống như thế?”, một người dân sinh sống lâu năm ở xã Đà Sơn đặt câu hỏi.

Ngôi nhà nằm trên thửa đất bám 2 mặt đường Ảnh Tiến Hùng
Ngôi nhà nằm trên thửa đất trước đây thuộc về Trường THPT Đô Lương 1. Ảnh: Tiến Hùng

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngôi nhà này nằm trên thửa đất trước đây thuộc về Trường THPT Đô Lương 1. Sau đó, không hiểu sao chính quyền địa phương lại cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bảo vệ nhà trường để người này sinh sống, kinh doanh. Cách đây ít năm, ngôi nhà được bán lại cho người khác. Hiện nay, ngôi nhà đang được dán thông báo tìm khách để cho thuê dài hạn.

Trao đổi về việc này, một vị nguyên lãnh đạo Trường THPT Đô Lương 1 cho biết, ông gắn bó với ngôi trường này hơn 20 năm, sau đó lên làm lãnh đạo nhà trường và trực tiếp giải quyết việc đất đai nên ông nắm rất rõ.

Hồi đó, tôi được giao tham gia giải quyết từ đầu đến cuối. Không những tôi mà tất cả giáo viên trong trường, ban giám hiệu và cả người dân xung quanh ai cũng biết thửa đất đó trước đây là của nhà trường”.

Một vị nguyên lãnh đạo Trường THPT Đô Lương 1

Bên hông ngôi nhà bám đường liên xã. Ảnh: Tiến Hùng
Bên hông ngôi nhà bám đường liên xã. Ảnh: Tiến Hùng

Trường THPT Đô Lương 1 được giao đất, chuyển đến vị trí hiện tại từ năm 1992. Ông Nguyễn Văn Vinh được thuê làm bảo vệ ngay từ những ngày đầu cho đến hiện tại. Một thời gian sau, ông Vinh xin nhà trường được mượn ốt bảo vệ tại khu vực cổng phụ để bán nước mía, vừa tranh thủ gác cổng. Ông Vinh sau đó có cơi nới, xây dựng thêm để tiện cho việc kinh doanh.

“Thời gian đầu thì tôi không nắm được, nhưng những năm sau đó, mỗi năm ông Vinh có đóng cho nhà trường 500.000 đồng tiền mượn mặt bằng. Cho đến khoảng năm 2007, ban giám hiệu trong một cuộc họp có nhắc là đã quá kỳ hạn như thường lệ, nhưng ông Vinh vẫn chưa đóng khoản tiền 500.000 đồng này. Sau đó, ông Vinh mang tiền lên gặp ban giám hiệu để đóng, nhưng đồng thời cũng chìa ra tờ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lúc đó, phía nhà trường đã rất ngỡ ngàng. Hiệu trưởng cũng chỉ biết cười trừ, bảo "đã có bìa đỏ rồi thì đóng tiền cho nhà trường làm gì nữa’”, vị nguyên lãnh đạo Trường THPT Đô Lương 1 kể và cho hay, lúc đó thửa đất ông Vinh được cấp bìa đỏ rộng 63m2. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay thửa đất này có diện tích không dưới 100m2.

Vị trí Trường THPT Đô Lương 1. Ảnh: Google Maps

Quản lý lỏng lẻo

Cũng theo vị nguyên lãnh đạo Trường THPT Đô Lương 1, sau khi phát hiện người bảo vệ được cấp bìa đỏ ngay trên đất nhà trường, phía nhà trường đã đi tìm hiểu nguyên nhân. “Lỗi ở đây thuộc về chính quyền địa phương. Khi đó, việc cấp bìa đỏ cho người dân hay cơ quan Nhà nước đóng trên địa bàn vẫn là của UBND huyện, thủ tục hành chính rất đơn giản. Sau khi tìm hiểu thì nhà trường mới biết, tất cả bìa đất được cấp là do xã làm hồ sơ báo cáo lên UBND huyện. Ví dụ, từ năm này đến năm kia xã sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng bao nhiêu lô đất, cấp giấy chứng nhận cho bao nhiêu trường hợp rồi gửi lên huyện. Huyện nắm được số liệu từ xã, cho in một loạt bìa đất rồi ký khống vào đó, chuyển về cho xã; vì thế mà nhiều thời điểm, thừa rất nhiều bìa. Có thể, người ta có quan hệ nên xin được những bìa đất như thế. Chính vì vậy, bảo vệ Trường THPT Đô Lương 1 được cấp bìa đất, nhưng không có trích lục”, vị nguyên lãnh đạo Trường THPT Đô Lương 1 nói và cho biết thêm, lúc nhà trường phát hiện ra vụ việc thì vị lãnh đạo ký giấy cấp bìa đất cho ông Vinh đã nghỉ hưu từ lâu.

Mặt trước ngôi nhà nhìn từ Quốc lộ 15. Ảnh: Tiến Hùng
Mặt trước ngôi nhà nhìn từ Quốc lộ 15. Ảnh: Tiến Hùng

“Phía nhà trường được giao đất sử dụng, nên không có thẩm quyền để yêu cầu phá dỡ ngôi nhà đó, chỉ còn cách ủy mặc toàn bộ cho chính quyền địa phương. Không lâu sau, tôi có làm việc trực tiếp với chính quyền xã để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà trường. Nhưng thời điểm đó, nhà trường muốn được cấp bìa đỏ thì phải được chính quyền đo đạc, lập quy hoạch và nhà trường ký vào bản quy hoạch đó. Khi nhìn vào bản quy hoạch thì tôi thấy, góc trường có diện tích 63m2 mà ông bảo vệ đang ở bị tô màu đỏ và đánh dấu hỏi. Tôi mới nói đây là đất nhà trường, sao lại đánh dấu hỏi vào đó? Thấy như vậy, lãnh đạo nhà trường không ký vào bản quy hoạch, nên sau đó nhà trường không được cấp bìa đỏ, hồ sơ bị treo mãi, cho đến khi tôi nghỉ”, vị nguyên lãnh đạo Trường THPT Đô Lương 1 kể thêm.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Vinh lại kể khác. Ông Vinh thừa nhận, thửa đất này trước đây thuộc về nhà trường, nhưng sau đó ông đã được “nhà trường và xã cho”. “Miếng đất đó được sự nhất trí của chính quyền xã và nhà trường, cho tôi vì thuộc diện gia đình chính sách”, ông Vinh nói và cho hay, ông làm bảo vệ cho Trường THPT Đô Lương 1 từ khi trường còn đang xây dựng. “An ninh ngày xưa ở đây yếu, còn tôi có bản lĩnh nên nhà trường quý mến. Được nhà trường ưu ái, chính quyền xã quan tâm nên cho tôi đất. Xã Đà Sơn và ban giám hiệu nhất trí cấp cho bố mẹ tôi để tôi có điều kiện làm bảo vệ. Sau khi bố tôi mất thì tôi cắm mảnh đất này”, ông Vinh nói thêm và cho rằng, ông không nhớ mảnh đất này ông được cấp bìa đỏ năm nào, cũng không nhớ diện tích chính xác bao nhiêu. Ông chỉ nhớ, thời điểm đó ông được hiệu phó nhà trường và lãnh đạo xã Đà Sơn xác nhận cho đất, tuy nhiên, hiện nay cũng không còn giấy tờ, hồ sơ nào.

“Hồi đó, ban đầu nhà trường cho tôi mượn để bán nước mía rồi bán thịt chó..., chứ cũng không phải tôi thuê. Tôi không phải nộp đồng nào cho nhà trường cả”, ông Vinh khẳng định.

Phía trước ngôi nhà có dấu hiệu lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Ảnh: Tiến Hùng
Phía trước ngôi nhà có dấu hiệu lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Ảnh: Tiến Hùng

Còn thầy Lê Đức Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Đô Lương 1 cho biết, khi thầy về nhận công tác tại trường vào năm 2016, thì ông bảo vệ cũng đã lên và trình bìa đỏ. “Giai đoạn trước thì tôi không nắm rõ lắm. Nhưng khi tôi về thì thấy ông ấy đã có bìa đỏ rồi nên đành chịu”, thầy Hưng nói và cho hay, năm 2018, để làm hồ sơ công nhận trường chuẩn Quốc gia, phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên nhà trường đã đồng ý ký vào bản quy hoạch.


>> Kỳ 1: Cán bộ xã lấn chiếm hàng trăm m2 “đất vàng” của trường học
>> Kỳ 3: Nhà trường gặp khó vì giáo viên không chịu trả nhà tập thể

Kỳ 2: Bảo vệ mượn đất nhà trường rồi được cấp luôn “bìa đỏ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO